Phật Học Online

Bố thí và cúng dường
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

Đức Phật dạy trong 6 pháp ba la mật, bố thí làm đầu và muốn trồng căn lành ở Tam bảo.phải cúng dường chư Tăng là việc chính. Vì vậy, bố thí và cúng dường là đề tài mà Tăng Ni, Phật tử phải quan tâm. Bố thí và cúng dường thế nào cho đúng là vấn đề đặt ra.

Phật nói muốn lên bờ giác phải bố thí, nhưng tại sao chúng ta bố thí cả tài sản mà cuộc đời chúng ta không thay đổi. Phật nói không sai, nhưng chúng ta không áp dụng đúng, nên phước không sanh mà nghiệp sanh. Còn cúng dường chư Tăng cũng thế, cúng dường đúng pháp sanh phước, không đúng thì sanh tội. Cho nên, nếu hiểu đúng và làm đúng lời Phật dạy sẽ có kết quả tốt đẹp.

     Người cúng dường và bố thí phải căn cứ trên 5 phước để biết chúng ta đúng hay sai. Trước nhất, cúng dường và bố thí phải có 3 giai đoạn, giai đoạn trước, giai đoạn giữa và giai đoạn sau. Trước khi bố thí, cúng dường, chúng ta khởi tâm gì. Trong khi hành bố thí và sau khi bố thí, chúng ta khởi tâm thế nào là biết nghiệp sanh hay phước sanh.

     Cúng dường là việc tốt, nhưng chúng ta không đủ phước, nên không cúng được cho Phật, Bồ tát, Hiền Thánh tăng. Muốn cúng dường là tốt, nhưng khi làm lại khác. Ví dụ hôm nay ta sắm lễ vật cúng dường trai tăng, đó là cách trồng căn lành không có gì hơn. Tuy nhiên, ta muốn cầu phước mà làm, nhưng vì có tham vọng được phước, nên chỉ có phước nhỏ mà thôi. Vì vậy, việc làm của chúng ta bao nhiêu sẽ có kết quả tương đương.

     Cúng dường Phật, Bồ tát, Hiền Thánh tăng đương nhiên được phước lớn, nhưng đâu dễ gặp được các vị này để cúng. Vì vậy, chúng ta sắm lễ vật định cúng các vị này, nhưng đến chùa lại gặp phàm Tăng. Các vị tu sĩ còn mang thân tứ đại ngũ ấm gọi là phàm, nhưng người chuyển hóa được ngũ ấm là Thánh. Trên bước đường tu của chư Tăng có Thánh tăng và Hiền tăng, ở giữa là phàm tăng đang tu để chuyển hóa tâm phàm lần lên hiền thánh. Hiền tăng là người không mong cầu nhận phẩm vật cúng dường, vì tâm họ không lệ thuộc vật chất, quyền lợi, không cần cúng dường, họ đang hướng tâm đến giải thoát. Gặp người này, chúng ta cúng dường sẽ được phước, vì tâm tốt của chúng ta gặp được tâm tốt của người tu. Người cúng dường và người nhận đều thanh tịnh, nên người cúng được phước và người nhận cúng dường để nuôi thân mạng này mà tu hành đắc đạo độ thế. Tùy theo mức độ tu hành của vị này bao nhiêu, chúng ta có phần công đức bấy nhiêu. Chúng ta cúng dường, họ làm được Phật sự, chúng ta được hưởng.

     Trong cuộc đời của Đức Phật, có hai người cúng dường Phật không nhiều, nhưng được phước đức lớn; đó là cô chăn bò và anh cắt cỏ mướn. Hai người này gặp Phật trước khi Ngài đắc đạo, nên Ngài không đi khất thực. Một hôm, vì tu khổ hạnh quá sức, Ngài bị kiệt sức đến ngã gục. Cô chăn bò liền lấy sữa cho Phật uống. Ngài tu khổ hạnh tuy chưa đắc đạo, nhưng hướng tâm đến Vô thượng Bồ đề, nên cúng dường cho Ngài rất có công đức. Nhờ bát sữa của cô mà Ngài tỉnh lại, nếu không có bát sữa, chắc là Phật chết mất. Sau đó, Ngài xuống sông Ni Liên tắm, khi lên bờ, Ngài gặp anh cắt cỏ mướn cúng cho Ngài một bó cỏ. Phật dùng cỏ này để trải tòa ngồi ở cội Bồ đề tu hành và phát nguyện nếu không thành đạo thì không rời khỏi nơi này. Phật ngồi trên cỏ của anh này cúng dường và Ngài đắc đạo. Phật nói hai người này có phước lớn nhất, vì có công đóng góp cho sự thành đạo của Phật và cho sự nghiệp độ sanh của Phật trong suốt 49 năm giáo hóa. Nhờ công đức cúng dường này, anh cắt cỏ được sanh lên cõi trời tên là Kiết Tường thiên đời đời kiếp kiếp anh luôn được sống trong hoàn cảnh tốt lành. Trong khi các chư Thiên khác hết phước thì bị đọa, còn anh này không đọa, vì hưởng phước của Phật. Phật còn tiếp tục độ sanh là còn chia phước cho anh, nên phước của anh hưởng không hết, mà cứ lớn thêm. Vì vậy, cúng dường cho vị Tăng tu hành sẽ thành Thánh, thành Phật, ta có công đức.

     Thấy Tăng liền cúng, chưa chắc có phước. Thật vậy có người không quyết tâm tu, nhưng mặc áo tu để được cúng dường, nên họ tự may pháp phục, y hậu của chư Tăng, đó là tu sĩ giả. Cúng cho người này thì không có phước; vì người nhận tâm tham lam, được cúng nhiều thì mừng, được ít thì giận, còn người cúng thì bực bội, cho để họ đi cho rồi. Cúng mà khinh ghét, tức giận. Tâm của người cúng và tâm của người nhận như vậy, chắc chắn nghiệp sanh, phước không sanh.

     Phật tử tự kiểm tra lại để thấy mình cúng dường đúng hay sai. Tại mình cúng mới có người tu giả. Thời Phật giáo hưng thạnh mới có mầm mống suy đồi, tức người xuất gia đông, nhưng không ai đắc đạo và Phật pháp suy đồi, nên không ai muốn cúng dường, thì Bồ tát Tăng xuất hiện để trùng hưng Phật đạo. Vì vậy, trong sự hưng thạnh có mầm mống suy đồi và ngược lại, trong suy đồi có mầm mống hưng thạnh. Trong thập niên 30 cho đến 50, Phật giáo suy đến mức không ai quan tâm đến đạo Phật. Bấy giờ có các vị Hòa thượng Khánh Hòa, Khánh Anh, Tổ Phi Lai, Tổ Thiên Thai… xuất hiện. Các Ngài hành đạo trong thời kỳ mà tất cả mọi người xem thường đạo Phật, chế nhạo rằng thầy chùa giống như cây sơn ngoài vỏ, còn bên trong không học, không tu. Trong thời kỳ suy đồi như vậy, ta thấy Tổ Khánh Hòa mở Lưỡng Xuyên Phật học, ai cúng dường cho các vị này đều có công đức. Lúc Phật giáo suy đồi, ta cúng dường mà có phước; lúc Phật giáo hưng thạnh, nhưng ta không có phước, nên không gặp Thánh tăng mà gặp phiền não tăng thì cúng dường chẳng có phước mà còn có tội.

     Cúng dường cho vị Tăng nào là kết duyên với họ, nếu họ xấu thì ta cũng được chia phần xấu. Phật dạy rằng nếu cúng dường cho vị phá giới, ác tăng, ta cũng gánh lấy hậu quả tội lỗi của họ.

     Bố thí là thể hiện lòng thương người, thấy họ gặp hoàn cảnh khó khăn, bức ngặt, ta động lòng thương giúp đỡ, nghĩa là đầu tiên lòng từ bi của chúng ta phát sanh. Thấy người hoạn nạn, ta thương giúp đỡ, như nghe cơn bão số 1 làm chết biết bao người, biết bao người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ta làm gì để vơi khổ cho họ là ý niệm ban đầu tốt, chúng ta dành dụm được ít tiền đem làm từ thiện. Ta trực tiếp đi rất khó, phí tổn bao nhiêu, cho được bao nhiêu. Phí tổn nhiều, nhưng làm được rất ít. Nếu ra đến miền Bắc tìm đúng đối tượng mắc nạn và giúp họ lên được, họ biết ơn ta; từ việc tốt này ta sanh được chút phước. Khá hơn nữa, cho họ thức ăn, kèm theo lời khuyên chỉ bảo họ đứng dậy được là có thêm chút phước. Và nếu họ trở thành quyến thuộc Bồ đề với ta, tức họ phát tâm Bồ đề, thì chúng ta lại sanh thêm phước. Cảm đức của ta, họ trở thành người tốt. Còn nghĩ bố thí mà lại phát hiện những đối tượng nhận của không xứng đáng để cho, nên ta bực tức, nghĩ rằng mình không dám ăn, để cho họ thật là uổng. Bố thí như vậy, phước không sanh, mà nghiệp sanh là tâm mình buồn phiền, bực tức, khó chịu. Và nghiệp nặng hơn nữa là tâm buồn khổ, thân bệnh hoạn, làm ăn thất bại, bạn bè tránh xa; bố thí sai thì hậu quả không lường được. Vì vậy, cần bố thí, cúng dường đúng pháp.

     Bố thí đúng pháp là ta giúp đỡ người gặp hoàn cảnh ngặt nghèo, ta chắp gối cho họ đứng lên, trở thành người tốt trong tương lai. Tùy theo cái tốt, cái nên của họ đến mức nào, ta có phước đến mức đó. Họ thành quyến thuộc của ta để chia sẻ làm ăn, thì ta cũng lên được và trong kiếp sau, ta cũng sẽ gặp lại họ, vì Phật dạy rằng những người cùng đồng hạnh nguyện thường sanh chung một chỗ. Ta sanh ở đâu, họ sanh ở đó, để hợp tác làm Phật sự lớn thêm. Bố thí được an vui, khỏe mạnh, có quyến thuộc đông là bố thí đúng pháp.

     Cúng dường đúng pháp cũng vậy, người nhận cúng dường chứng quả A la hán, thành Bồ tát, Phật trong tương lai. Vì vậy, mối quan hệ giữa ta và các vị này lớn, ta sẽ nhận được sự gia bị của các Ngài lớn gấp trăm ngàn lần.

     Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy có ba cách cúng dường, một là phẩm vật cúng dường, hai là kính tín cúng dường và ba là hạnh cúng dường. Trong ba cách này, phẩm vật cúng dường là nhỏ nhất, vì Bồ tát Phổ Hiền nói rằng hương hoa, phẩm vật nhiều như núi Tu Di mà đem dâng cúng cho Phật thì tuy là có phước lớn, nhưng so với pháp cúng dường không bằng một phần trăm, một phần ưu ba ni sa đà, nghĩa là một phần rất nhỏ. Và phẩm vật đi theo tâm lớn hay nhỏ cùng với nghiệp của người cúng dường, mà kết quả của việc cúng dường sẽ biến đổi theo. Nếu tâm chúng ta tốt, vật càng lớn thì phước càng lớn. Tâm quyết định tất cả, nên phải phát tâm rộng lớn.

     Làm gì có phẩm vật nhiều như núi Tu Di, mà ý nói tâm phải rộng. Người cúng dường cho tôi thường nói của ít lòng nhiều, nhưng có phải thực như vậy hay không, lòng có nhiều hay không. Tâm chúng ta muốn cúng quá lớn, nhưng của ít. Giống như bà già ăn mày đổi tóc để mua dầu cúng Phật là thật của ít mà lòng nhiều. Nếu mình có 1 triệu đồng, nhưng cúng 100 ngàn đồng là thật lòng chưa nhiều. Chúng ta còn để dành cho mình nhiều hơn cái mình cúng, cho nên ta cúng 10 ngàn đồng thì phước ngang với 10 ngàn đồng. Tệ hơn, của nhiều nhưng lòng ít thì hỏng. Trong tâm chúng ta không có, nhưng cúng cho xong để ta còn lo việc của ta, không để tâm đến việc cúng dường. Ví dụ hôm nay ta cúng trai tăng, nhưng bận lo công việc, nên dâng cúng mà lòng thì ở ngoài cửa hàng, thì lòng đâu phước đó.

     Phẩm vật cúng nhiều hay ít không quan trọng, nhưng tâm mới quan trọng; vì chết phải bỏ vật chất, chỉ có tâm thiện ác, tốt xấu dẫn đường chúng ta đi thọ sanh.

     Vì tâm quan trọng hơn phẩm vật, cho nên từ phẩm vật cúng dường, Phật nâng lên kính tín cúng dường là kính trọng và tin tưởng thuộc về tâm. Ta không có gì cúng, nhưng lấy tâm cung kính cúng dường. Vì vậy, cung kính Phật, Thánh tăng, không cần phẩm vật, thấy Thánh tăng sụp lạy cúng dường. Không có phẩm vật, nhưng cúng dường bằng cái lạy phát xuất từ tất cả lòng thành. Trong đời tôi chỉ có lạy Phật để cúng dường, vì kính trọng mới lạy.

     Và cách cúng dường thứ ba là tu để cúng dường. Lấy bao nhiêu việc thành tựu công đức đem cúng dường Phật, gọi là hạnh cúng dường. Không có phẩm vật, nhưng có tâm, có hạnh, làm cho người phát tâm tu, thì cúng dường thành quả đó. Tôi kiến tạo đạo tràng giúp người nghe pháp, tu hành, tôi dùng thành quả đó để cúng dường Phật. Và Phật dạy rằng pháp hay hạnh cúng dường mới lớn hơn tất cả.

     Tóm lại, sau khi hiểu rõ ý nghĩa của bố thí và cúng dường, mong rằng quý Phật tử sẽ thể hiện đúng Chánh pháp để tạo được công đức làm hành trang cho mình trên bước đường tu học.

chuahuenghiem.net


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage