Phật Học Online

(SC. Thích Nữ Hạnh Tri)
Những cống hiến của ngài Ðạo An đối với Phật giáo Trung Quốc

Phật giáo giai đoạn đầu truyền vào Trung Quốc chủ yếu phiên dịch kinh điển, trước tác vô số tác phẩm. Nhờ sự khéo léo tài tình của các nhà truyền giáo, học giả Phật giáo đã hòa nhập vào hệ tư tưởng tôn giáo của đất nước này để tồn tại và phát triển. Phật giáo Trung Hoa tạo ra bản sắc riêng biệt, khác với Phật giáo Ấn Độ. Trong số các học giả đương thời, sư Đạo An đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phiên dịch kinh điển, giảng kinh thuyết pháp, chỉnh lí kinh điển, biên soạn mục lục, chế định Tăng qui, truyền bá Phật giáo trong giai đoạn loạn lạc của đất nước. Đóng góp của Ngài mang tính chất nền tảng vững chắc, làm tư liệu cơ sở cho các thế hệ sau học tập, nghiên cứu.

Phật giáo giai đoạn đầu truyền vào Trung Quốc chủ yếu phiên dịch kinh điển, trước tác vô số tác phẩm. Nhờ sự khéo léo tài tình của các nhà truyền giáo, học giả Phật giáo đã hòa nhập vào hệ tư tưởng tôn giáo của đất nước này để tồn tại và phát triển. Phật giáo Trung Hoa tạo ra bản sắc riêng biệt, khác với Phật giáo Ấn Độ. Trong số các học giả đương thời, sư Đạo An đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phiên dịch kinh điển, giảng kinh thuyết pháp, chỉnh lí kinh điển, biên soạn mục lục, chế định Tăng qui, truyền bá Phật giáo trong giai đoạn loạn lạc của đất nước. Đóng góp của Ngài mang tính chất nền tảng vững chắc, làm tư liệu cơ sở cho các thế hệ sau học tập, nghiên cứu.

1. TIỂU SỬ ĐẠO AN

Đạo An (312-385), họ Vệ, sinh năm thứ 3 niên hiệu Kiến Hưng, đời vua Mẫn Đế thời Tây Tấn, làng Phù Liễu, Thường Sơn (tỉnh Hà Bắc ngày nay), gia tộc thuộc hàng Nho học bậc nhất. Cha mẹ mất sớm, được người anh bên ngoại họ Khổng nuôi dưỡng. Năm mười hai tuổi, Ngài xuất gia theo Phật giáo. Tướng mạo xấu xí, thầy bạn coi thường, không quan tâm, chỉ công quả ba năm mà không được học giáo pháp. Một ngày Đạo An xin thầy học kinh. Thầy ông lần lượt đưa quyển “Biện Ý Kinh” khoảng 5.000 chữ và quyển “Thành Cụ Quang Minh Kinh” khoảng 10.000 chữ, Đạo An đều nói đầy đủ nội dung kinh [1]. Thầy biết Đạo An là bậc kỳ tài, khuyên đến phía Bắc có Phật Đồ Trừng đang truyền đạo, rất nổi danh.

Phật Đồ Trừng giúp Thạch Lặc kiến lập nhà Hậu Triệu, làm cố vấn cho vua. Ngài sở trường về thần dị, khiến Thạch Lặc tôn xưng Ngài là Đại Hòa thượng, Thạch Hổ nói “Hòa thượng là Đại Bảo của Quốc gia” [2]. Phật giáo du nhập vào Trung Hoa thời nhà Hán, bấy giờ triều đình chưa cho người bản địa xuất gia, do nặng nề tư tưởng Khổng giáo truyền thống. Đến Hậu Triệu, đời Thạch Hổ, Kiến Võ nguyên niên (335), người dân được xuất gia tu hành theo Phật giáo do Phật Đồ Trừng thuyết phục Thạch Hổ.

Đạo An tìm gặp Phật Đồ Trừng vào năm 335. Sau khi hai thầy trò cùng nhau nói chuyện, Phật Đồ Trừng biết sư Đạo An là nhân tài trong Phật pháp, thâu nhận làm học trò. Tướng mạo của Ngài nhỏ, thấp, da đen, xấu xí khiến đại chúng khinh thường. Phật Đồ Trừng dạy hội chúng “Người này có kiến thức cao vời, không phải bọn các ông có thể sánh kịp” [3]. Đạo An có tài, gặp được thầy giỏi tạo nên con người kiệt xuất, đặt nền móng cho nhiều giá trị tư tưởng của Phật giáo Trung Hoa sau này. Điều đó cho thấy, việc chọn đúng người thầy giỏi có thể giúp cho người đệ tử phát huy hết khả năng tiềm tàng. Tấm gương này có từ Đức Phật, Ngài độ chúng và giáo hóa đệ tử tùy nhân duyên. Vị thầy đầu tiên của Đạo An là bậc đại trí tuệ khi biết hướng dẫn đệ tử đến học hỏi với danh Tăng để phát huy hết khả năng của người đệ tử. Do đó, thành công của sư Đạo An không thể không nhắc đến những bậc thầy mà ngài đã nương tựa, học tập.

Sư Đạo An rất giỏi, được nhiều người biết đến, đệ tử xuất gia, tín đồ rất đông. Lúc này tư tưởng Bát nhã và Thiền học đang phát triển, Ngài rất quan tâm, nghiên cứu các tác phẩm của An Thế Cao dịch vào khoảng thế kỷ thứ II. Chiến tranh phía Bắc liên tục diễn ra, sư Đạo An thay đổi chỗ ở nhiều lần, phân tán đệ tử đi hoằng pháp nhiều nơi nhưng Ngài vẫn duy trì việc nghiên cứu, biên soạn sách vở. Sau khi Thạch Hổ mất vào năm 349, sư Đạo An đến Tương Dương thuộc phía Nam để truyền bá giáo pháp trong 15 năm. Ngài chuyên tâm nghiên cứu chỉnh lý những sai sót trong phiên dịch và thuật ngữ, chú thích, biên soạn, bình giải nhiều tác phẩm có giá trị.

2. ĐÓNG GÓP

Đạo An đóng góp rất lớn cho quá trình gạn lọc tư tưởng Lão – Trang ra khỏi Phật giáo Trung Hoa. Ngài sống trong giai đoạn Trung Hoa loạn lạc, nội chiến liên miên. Hình thành nên tư tưởng Pháp nạn, Pháp diệt thịnh hành trong Tăng chúng, tư tưởng phổ biến thời Nam – Bắc triều. Niết Bàn Kinh du nhập vào Trung Hoa được một phần, chưa đầy đủ. Đạo An phát nguyện sanh vào cõi trời Tusita, nền tảng đầu tiên hình thành tư tưởng “Tha lực” thay cho “Tự lực” như thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy. Ngài đặt nền móng cho tư tưởng Di Lặc Tịnh độ. Đến thời Tiên Tần, đời vua Phù Kiên thì Đạo Kiểu, Tăng Nghiệp, Tuệ Nghiêm, Đạo Uông, Đạo Pháp, Pháp Hạnh… đời Đường có ngài Huyền Trang, Khuy Cơ cũng phát nguyện sanh cõi trời Tusita [4].

Xét từ bối cảnh đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ thì tư tưởng này hoàn toàn phù hợp. Thời Nam-Bắc triều, chiến tranh liên miên, nhân dân loạn lạc, ngay bản thân Đạo An cũng phải lưu lạc cùng học trò của mình. Có ít nhất 02 bản kinh đề cập đến đức Di Lặc do Dharmaraksha dịch: Di Lặc Thành Phật Kinh và Di Lặc Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh [5]. Đệ tử Ngài là Huệ Viễn phát nguyện sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, về sau hình thành tư tưởng Di Đà Tịnh độ. Mặc dù không nằm trong dự tính của Đạo An nhưng Ngài vô tình đặt nền móng cho nhiều tông phái Phật giáo Trung Hoa sau này.

Sư Đạo An đóng góp cho Tăng đoàn trong việc dùng chữ “Thích”, dịch từ chữ “Sakya” đặt trước pháp danh hoặc tên của Tu sĩ. Trước đó, người xuất gia vẫn dùng thế danh, đặt trước tên là quốc gia của họ. Ví dụ: Khương Tăng Hội là người nước Khương Cư, An Thế Cao là người An Tức, … Đạo An cho rằng, người xuất gia theo Đức Phật nên lấy họ “Thích” là phù hợp. Đây được xem là dấu ấn riêng của Phật giáo Trung Quốc, ảnh hưởng sâu rộng các nước theo Phật giáo Bắc truyền, duy trì đến ngày nay. Tăng chúng Phật giáo Việt Nam ban đầu không dùng chữ “Thích”, ví dụ Sa môn Trần Thiện Hoa,… sau ảnh hưởng Trung Quốc nên thêm chữ “Thích” trước pháp danh và được sử dụng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo một số học giả, Tăng sĩ đầu tiên ở Việt Nam dùng chữ “Thích” là ngài Mật Thể, dùng để ký trên tác phẩm “Việt Nam Phật giáo sử lược” .

Ngài Đạo An đặt nền móng cho tư tưởng Di Lặc Tịnh độ. Đệ tử Ngài là Huệ Viễn phát nguyện sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, về sau hình thành tư tưởng Di Đà Tịnh độ. Mặc dù không nằm trong dự tính của Đạo An nhưng Ngài vô tình đặt nền móng cho nhiều tông phái Phật giáo Trung Hoa sau này.

Đóng góp liên quan đến nghiên cứu học thuật, Đạo An biên tập “Chúng kinh mục lục” còn gọi là “An lục”, hiện nay văn bản này không còn. Từ đời Hán Ngụy đến đời Ngài, có rất nhiều học giả phiên dịch kinh điển ra chữ Hán nhưng không chú trọng việc ghi lại tên tác giả, người dịch, niên đại, nơi chốn, thời gian… Người đời sau gặp khó khăn khi nghiên cứu tư liệu. Đạo An xem xét sự liên hệ giữa các Phạn bản với bản dịch, hoặc tìm ra những biên chép mới của người Trung Quốc, không có trong Phạn bản. Ngài biên tập, ghi chép lại tất cả những tác phẩm ra đời trước đó bao gồm tác giả, nội dung, thời gian, địa điểm biên tập, xuất xứ… Tất cả tổng hợp lại thành “Chúng kinh mục lục”, bao gồm tất cả bản dịch từ đời nhà Hán đến năm 374. Hiện nay bản này đã bị mất, chỉ còn lại những phần được trích lại trong các tài liệu khác. Các nhà nghiên cứu đánh giá Đạo An đóng góp rất lớn cho nền văn học Phật giáo Trung Hoa. Công trình biên soạn rất có giá trị về mặt lịch sử. Đây là tác phẩm đầu tiên của thể loại này, mở ra một hướng mới trong lãnh vực nghiên cứu, tài liệu xuất hiện sớm nhất đáng tin cậy.

Kế thừa tư tưởng của Đạo An, đời nhà Lương, Tăng Hựu tập hợp những kinh đã được dịch trước và những bản mới dịch thành bộ “Xuất tam tạng ký tập” [6]. Sau này dựa vào bộ “Lịch đại tam bảo ký” để biên tập các kinh mục của thời đại, cống hiến cho đời sau những giá trị vô cùng to lớn. Đồng thời, trong tác phẩm, Đạo An đưa ra hai vấn đề: “Thất dịch lục và Nghi kinh lục”. “Thất dịch lục” bản dịch không biết danh tánh dịch giả; “Nghi kinh lục” một bộ kinh nào đó, có thể là ngụy tạo sau này. Theo Lịch Đại Tam Bảo ký, Đạo An dịch hai mươi bốn bộ, hai mươi tám quyển chú giải, chí, lục [7]. Đạo An đóng góp cho ngành dịch thuật Trung Hoa, đưa ra nguyên tắc dịch kinh “Ngũ thất bản, tam bất dị” (năm điều mất gốc, ba điều không dễ dịch). Trong bài tựa của bản kinh “Ma Ha Bát La Nhã Ba La mật kinh sao”, Ngài đưa ra nguyên tắc: “1. Về ngữ pháp kết cấu ngữ pháp theo Trung văn; 2. Vì đáp ứng nhu cầu tập quán sử dụng văn chương của người Trung Quốc, cho nên câu văn phải trau chuốt; 3. Lược bớt những tụng văn trùng lặp; 4. Lược bỏ những chỗ rườm rà; 5. Điều gì đã đề cập, khi nói đến vấn đề khác, nếu lặp lại văn trước thì cắt bỏ”.

Ba điều không thể dịch: “Thứ nhất, kinh điển vốn là lời của Phật dựa vào thời cơ mà nói, xưa và nay không giống nhau, phong tục cũng khác, lại muốn điều xưa phù hợp điều nay, thật không dễ dàng; thứ hai, đem những lời nói vi diệu, ý nghĩa sâu xa của các bậc Thánh truyền dịch cho người phàm phu hiểu, thời gian khoảng cách lại xa như vậy, đây cũng là điều không thể dễ dàng; thứ ba, người biên tập kinh lúc bấy giờ đều là bậc đại trí có thần thông, hiện tại là những người bình thường làm công tác truyền dịch đây lại là điều không dễ” [8]. Quan điểm của ngài Đạo An có ảnh hưởng đến công tác phiên dịch về sau. Huyền Trang kế thừa tư tưởng này đưa ra “Ngũ Chủng bất phiên”, góp phần hoàn thiện thêm các bản dịch về sau.

Cách sắp xếp, biên soạn và hiệu đính của Đạo An đều căn cứ vào sự hiểu biết, nghiên cứu của mình, không giống như phần mục lục của các tác giả sau này, chỉ căn cứ sự ghi chép cũ của người trước sao chép lại. Vì thế tài liệu của Ngài rất đáng tin cậy. Khi các bản dịch không có tên tác giả, Đạo An so sánh văn phong những bản dịch của các tác giả có phong cách tương tự và chú thích rõ là “Tương tợ”. Điều đó cho thấy thái độ nghiêm túc và trách nhiệm của Ngài trong công tác phiên dịch, chú giải, làm tiền đề cho cách nghiên cứu về sau. Đạo An viết lời giới thiệu, chú thích nhiều bộ kinh rất phong phú, văn phong gọn gàng, dễ hiểu, có 20 bộ như: Đạo hạnh phẩm Kinh, An ban thủ ý Kinh,… Ngài tổ chức phiên dịch văn điển của Sarvastivada từ Phạn ngữ sang Hán văn. Về sau, có một số học giả đánh giá sự ghi chép của Đạo An có khuyết điểm, nhưng tác phẩm kinh lục vẫn được đánh giá cao. Càng về sau, giá trị tác phẩm của Đạo An ngày càng cao, vì trước đó có rất nhiều kinh lục dần dần bị thất lạc, chỉ có thể căn cứ vào ghi chép của Ngài mới biết được bối cảnh học thuật đương thời. Trong lúc này, chư Tăng từ Kasmir đến Trung Hoa ngày càng đông. Đạo An ra sức thu hút nhân tài tham gia phiên dịch kinh điển. Sau khi Ngài mất, các dịch giả tại Trường An trở thành nguồn trí tuệ vô cùng quý báu tham gia công trình phiên dịch của Cưu Ma La Thập.

Đạo An có tư tưởng rất mới khi viết lời dẫn trong văn học Bát nhã, tiên phong dùng tư tưởng “Không” để giải thích tất cả pháp. Đạo An kết cấu cách giải thích kinh điển làm 3 phần là: Tự văn, Chánh tông phần, Lưu thông phần. Cách phân tích này được các học giả về sau ứng dụng rất phổ biến. Năm 365, số lượng Tu sĩ ngày càng đông nhưng do Luật tạng chưa được phiên dịch đầy đủ, thiếu hệ thống khiến Tăng đoàn trở nên lộn xộn, khó kiểm soát. Đạo An dựa trên nghiên cứu, đưa ra một số quy tắc, nhằm hướng dẫn Tăng đoàn hoạt động phép tắc, thống nhất. Ngài đưa ra ba mục tóm yếu, quy định “1. Phép hành hương, tọa thiền, tụng kinh, thuyết pháp; 2. Phép hành đạo sáu thời mỗi ngày, xướng kệ lúc thọ trai; 3. Phép Bố tát, phân công tác, sám hối lỗi lầm” [9]. Sau này, ngài Châu Hoằng san định luật theo cách của Đạo An đã làm trước đó.

Ngài Đạo An đã kiến tạo nền tảng vững chắc, xứng đáng trở thành “Nhà kiến trúc tiên phong của Phật giáo đời Đường và cũng là kiến trúc sư của Phật giáo Trung Hoa”. (Ảnh: kknews.cc)

Đạo An đóng góp cho nghệ thuật Phật giáo là tượng Pindola Bharadvaja (La Hán Trường Mi). Ngài chú thích kinh điển khá nhiều nhưng vẫn không tự tin có đúng như Phật hay không. Nhưng vì Đạo An quá giỏi, không ai vượt hơn để kiểm chứng. Ngài nằm chiêm bao thấy một vị Tôn giả, lông mi dài nói rằng “Ta là Pindola Bharadvaja ở đất Ấn Ðộ. Lấy tư cách là một vị đại A-la-hán đắc quả, người sống cùng thời với Đức Phật, chứng nhận những lời ông nói hợp với ý chư Phật đã dạy….” [10]. Theo kinh điển Nikaya, Pindola Bharadvaja là vị La Hán chứng được sáu thắng trí. Ngài tuyên bố trước mặt Đức Thế Tôn rằng Ngài sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi của Tỳ kheo nào nghi ngờ đến con đường và kết quả. Đức Phật nói: “Trong các đệ tử của Ta rống tiếng rống con sư tử, Pindola Bhàradvàja là đệ nhất” [11]. Vì uy tín của Đạo An vô cùng lớn nên rất tin tưởng và tượng La Hán Pindola Bhàradvàja được thiết kế theo giấc mơ. Điều này là mở đường cho các vị Tổ Trung Quốc về sau muốn đưa một nhân vật hay sự kiện nào đó trở thành niềm tin tôn giáo mạnh mẽ đều dùng giấc mơ để khẳng định. Do đó, tiểu sử vị Tổ nào trước khi sanh đều có điềm lành ứng mộng. Nói về giấc mộng thì trong kinh điển Nikaya cũng được đề cập khá nhiều, dùng giấc mộng lý giải điềm báo tương lai. Mặc dù, việc giấc mộng có thực sự là điềm báo sự thật hay không thì chúng ta vẫn thấy giấc mộng đề cao tính tôn giáo, thuyết phục tín đồ về một bậc giáo chủ, Tổ sư mà họ hằng kính ngưỡng.

Trong giai đoạn binh loạn của nhà Hậu Triệu và Tiền Yên, Đạo An lánh đến Tương Dương thuộc tỉnh Hà Bắc, ở chùa Đàn Khê. Người nổi bật trong giới học giả lúc bấy giờ là Tập Tạc Sĩ, kết giao với Đạo An rất thâm tình, được ghi lại bằng câu thơ đối đáp “Tứ hải Tập Tạc Sĩ. Di thiên Thích Đạo An” [12]. Phù Kiên thống nhất vùng Giang Bắc, lập nên nhà Tiền Tần. Vua muốn kiến thiết quốc gia hùng mạnh nên chiêu mộ nhân tài. Phù Kiên nghe danh, ngưỡng mộ Đạo An đã lâu, dẫn 10.000 quân đánh Tương Dương, nghênh đón Đạo An và Tập Tạc Sĩ về Trường An vào năm 379. Phù Kiên nói “Ta dùng 10.000 quân đánh Tương Dương chỉ được một người rưỡi, một người là Đạo An và nửa người là Tập Tạc Sĩ”. Phù Kiên vô cùng kính trọng tài đức của Đạo An, khi đi ra đường vẫn cho Ngài ngồi cùng xe. Đạo An liên lạc với Cưu-ma-la-thập bàn luận Phật pháp, giới luật. Ngài biết Cưu-ma-la-thập giỏi, gợi ý triều đình mời đến Trường An. Phù Kiên phái Lữ Quang đánh Quy Tư, đưa Cưu-ma-la-thập đến Trường An. Tuy nhiên, nửa đường trở về, Lữ Quang hay tin Tiền Tần bị diệt vong nên chiếm đất Cô Tàng lập nên nhà Hậu Lương. Khi Cưu-ma-la-thập đến Trường An thì Đạo An đã mất được 16 năm. Nhìn những công trình và ảnh hưởng đến Phật học mà Đạo An để lại, Cưu-ma-la-thập tán thán, tôn xưng là “Đông phương Thánh nhân”.

Tất cả những cống hiến nổi bật của Đạo An trên phương diện học thuật và phương diện tư tưởng, chứng minh sức ảnh hưởng đến Phật giáo Trung Hoa hiện tại và tương lai. Ngài đã kiến tạo nền tảng vững chắc, xứng đáng trở thành “Nhà kiến trúc tiên phong của Phật giáo đời Đường và cũng là kiến trúc sư của Phật giáo Trung Hoa” [13]. Đây là nền Phật học đã tách khỏi những ảnh hưởng của tôn giáo bản địa Trung Hoa, đủ sức đứng vững đồng hành cùng tư tưởng truyền thống Khổng-Lão, tồn tại và phát triển. Mặc dù qua những giai đoạn lịch sử thăng trầm khác nhau, nhưng sự nỗ lực của các bậc tiền bối đóng góp cho nền Phật học Trung Hoa cho đến ngày nay là điều không thể phủ nhận. Trong các bộ Tam tạng lưu truyền hiện nay, Phật học Bắc truyền, Kinh Điển Tam Tạng bằng chữ Hán vẫn là nguồn tư liệu vô cùng quí giá, số lượng đồ sộ, phong phú. Đạo An ở chùa Ngũ Trùng tận lực hoằng hóa đến khi viên tịch ngày 8 tháng 2 năm 385, thọ thế 74 tuổi [14].

Qua những công trình Đạo An đóng góp cho Phật giáo Trung Hoa, Ngài xứng đáng danh hiệu nhà truyền giáo, học giả, dịch giả xuất sắc, đặt nền móng nhiều ý tưởng phát triển tạo ra Phật giáo Trung Hoa đầy màu sắc. Trong điều kiện khó khăn của bối cảnh đất nước chiến tranh, loạn lạc, tài liệu, sách vở nghiên cứu dịch thuật chưa được phát triển hệ thống sâu rộng, Đạo An trở thành nhân vật tiêu biểu cho những sáng tạo trong việc truyền bá Phật giáo đến người Trung Hoa. Những công trình mà Đạo An để lại chính là bệ phóng vững chắc cho các nhà học giả sau này tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi trong ngành học thuật của Phật giáo. Nhờ đó, các học giả ngày nay có thể tiến gần hơn những kinh điển, tác phẩm kiệt xuất của các học giả nổi tiếng lúc bấy giờ. Có thể xem Đạo An là “Kiến trúc sư” của Phật giáo Trung Hoa, người đã tiếp thu những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ để phác họa ra một nền Phật giáo Trung Hoa, góp phần phong phú thêm cho nền Phật giáo thế giới.

SC. Thích Nữ Hạnh Tri

 

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Lịch đại Tam Bảo Ký, quyển 8, tr.310.

[2] Pháp sư Thánh Nghiêm – Thích Tâm Trí (dịch) (2010), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Phương Đông, tr.44.

[3] Thích Thanh Kiểm (2017), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb. Tôn giáo, tr.54.

[4] Huỳnh Hạ Niên – Thích Trung Nghĩa (dịch) (2014), Lịch sử Phật giáo Trung Hoa cổ đại, Nxb. Hồng Đức, tr.350.

[5] Kenneth Ch’en, Buddhism in China A Historical Survey, tr.100.

[6] Thích Thanh Kiểm (2017), Sđd, tr.56.

[7] Số 2034, Lịch đại Tam Bảo Ký, quyển 8, tr.306.

[8] Lữ Trừng – Thích Hạnh Bình (dịch) (2013), Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, Nxb. Phương Đông, tr.124.

[9] Pháp sư Thánh Nghiêm – Thích Tâm Trí (dịch) (2010), Sđd, tr.48.

[10] TT. TS. Thích Chơn Minh, Bài giảng môn Phật giáo Trung Quốc, khóa XII.

[11] HT. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu Bộ 3, Trưởng Lão Tăng Kệ, tr.129.

[12] Soạn giả Phí Trường Phòng, Lịch đại Tam Bảo Ký, tr.310.

[13] TT. TS. Thích Chơn Minh, Môn Phật giáo Trung Quốc, Khóa XII, 2019.

[14] Pháp sư Thánh Nghiêm – Thích Tâm Trí (dịch) (2010), Sđd, tr.46.


© 2008 -2025  Phật Học Online | Homepage