Phật Học Online

Thỉnh Chuyển Pháp Luân

Thỉnh chuyển pháp luân là điều nguyện thứ sáu trong mười điều nguyện của Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền, là một vị Bồ tát có hạnh đức lớn giáo hóa lợi ích cho tất cả chúng sanh. Mỗi năm, tăng ni và Phật tử chúng ta củ hành lễ kỷ niệm Ngài vào ngày 21-2 ÂL.
Thỉnh Chuyển Pháp Luân


Đạo lý của Đức Phật được biểu hiện bằng hình tượng phổ biến nhất là Bánh Xe Pháp (Pháp Luân). Là bánh xe đạo lý nên bánh xe không ngừng quay để mãi tiến lên. Nhất quyết phải cho bánh xe lăn tới trước chứ không phải đứng im, bất động và càng không được thối lui (bất thối chuyển). Đó cùng chính là điều nguyện của chư Phật, Bồ tát và luôn cả các hàng đệ tử, tín đồ nhà Phật. Chuyển bánh xe pháp là yêu cầu bức thiết của Đạo Phật.

Bằng tư tưởng thẳng tiến, giáo pháp chân chính của Đức Phật là hình ảnh bánh xe quay liên tục đưa con người lên đường tiến hóa, giải thoát. Đích của nhân loại là điểm cao của văn minh, và hạnh phúc hoàn toàn ấy dành cho tất cả mọi người cho nên bánh xe giáo pháp phải là bánh xe “tùy thuận chúng sanh” đưa hết khả năng để đạt yêu cầu duy nhất đó.

Đi vào chân lý, tiến lên chính nghĩa, bánh xe giáo pháp là bánh xe nỗ lực không ngừng san bằng gai góc, bất công, phi nghĩa; là bánh xe tiên tiến vượt qua mọi chướng ngại, mọi khó khăn trên bước đường thẳng tới. Những phiền não, bi quan, những mê hoặc tất bị nghiền nát dưới bánh xe thường chuyển đó.

loc uyen

Đức Phật, ngay sau khi thành đạo, khởi sự chuyển bánh xe pháp luân phổ biến giáo lý của Ngài tại thành Ba La Nại. Đây là lần đầu tiên Ngài đem đạo lý giác ngộ của mình soi sáng những tư tưởng si mê lầm lạc, lỗi thời tại quê hương Ngài. Điển hình là nhờ đó mà năm vị chân nhân tu ở Vườn Lộc Uyển là nhóm A Nhã Kiều Trần Như gặp được chân lý soi sáng mà đắc quả A La Hán. Và suốt cuộc đời Ngài, hình ảnh Đức Phật cũng chẳng là gì khác hơn bánh xe pháp ấy, vận chuyển khắp nơi không biết mệt mỏi, làm công đức vô lượng giác ngộ mọi người, phá tà hiển chánh.

Giáo pháp dù bổ ích đến đâu, mà chỉ là một kho tàng bất động, không biết “ứng vạn biến”, không vận chuyển bằng bánh xe giao lưu, hanh thông vô ngại, thì giáo pháp ấy có cũng như không. Thực vậy, nếu đạo Phật cứ co mình lại như một hình thái cứng nhắc, khô đét, chắc chắn là không tồn tại đến ngày nay.Nhưng lịch sử Phật Giáo đã chứng minh, trải qua nhiều thời đại, đạo Phật với chân tinh thần phát triển tiến hóa của dân tộc, đã nói lên sự có mặt gắn bó của mình trong mọi tình huống, mọi chương ngại khó khăn.


den jorkhang


Chuyển pháp luân là làm sáng đức tính, chuyển hết tâm tư mê muội trở thành trong sáng, linh động. Chuyển pháp luân là tạo ra một sức sống mới, mạnh mẽ tiêu trừ những thế lực xấu xa, những âm mưu tối đen độc ác bằng tư tưởng chân chánh và tiến công hiệu quả do sức mạnh tự giác và hành động hợp nhất để tự độ và độ tha, tạo an lạc cho chính mình và cho mọi người.Trước những ý đồ và biểu hiện tham ô, ích kỷ, xe pháp chúng ta phải chuyển bánh vùng lên, phải tiến về phía trước.

Đức Phật muốn hoằng dương chánh pháp hữu hiệu nên đã gạt bỏ ngôi vị riêng tư vương giả. Để noi theo tấm gương rạng ngời ấy của Phật, các bậc tiền bối, thiền sư, pháp sư chúng ta, suốt chiều dài lịch sử các triều đại nổi bật Đinh, Lê, Lý, Trần cũng đã phải làn như thế. Chuyển pháp luân trong thời đại chúng ta cũng có nghĩa là hiện thực đạo lý bằng hành động xã hội thực tiễn, ích đời lợi đạo, ích nước lợi dân.

Hãy thể hiện cụ thể điều nguyện “thỉnh chuyển pháp luân” của Bồ tát Đại Hạnh Phổ Hiền mà chúng ta quy ngưỡng, để cho pháp luân thường chuyển thì đạo Phật mới có đầy đủ ý nghĩa sâu sắc và làm cho “Phật nhật tăng huy” và chúng ta cũng được tự hào là người chánh tín của đức Đạo Sư Chánh Biến Tri, và tu học để hành trì chân thực nghĩa.

TỐNG HỒ CẦM (Huynh trưởng cao niên Gia Đình Phật Tử Việt Nam)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage