Ốc sên con một hôm thắc mắc hỏi mẹ: Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khi
sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng, vừa cứng trên lưng như thế mà các
loài khác không có như vậy? Ốc sên mẹ nói: Vì cơ thể chúng ta không có
xương để chống đỡ, nên phải mang cái vỏ cứng bên ngoài để bảo vệ thân
này. Chị sâu róm không có xương, tại sao chị ấy không cần đeo cái vỏ như
mình vậy hả mẹ? Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm nhờ có đôi cánh nên
tung bay đó đây và nhờ bầu trời bảo vệ. Ủa sao! Cô giun đất cũng không
có xương, cũng không biến hóa được, tại sao cô ấy không đeo cái vỏ như
mình vậy mẹ?Vì cô giun có khả năng chui xuống đất được, nên lòng đất sẽ
che chở cô ấy.
Nghe mẹ nói như thế ốc sên con vừa khóc, vừa nói: Loài ốc chúng ta
thật bất hạnh hơn các loài khác, bởi vì không có bầu trời bảo vệ, và
lòng đất cũng chẳng che chở cho chúng ta. Vì vậy mà chúng ta phải đeo
cái vỏ nặng nề này.Ốc sên mẹ nói với con rằng chúng ta không dựa vào
trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân mình
để được sống và tồn tại.
Hình ảnh mẹ con ốc sên nói chuyện với nhau về cái vỏ bọc để che thân
nó mang ý nghĩa do ngu si chấp thân làm ngã, nên phải bị đọa vào loài ốc
sên để chịu quả báo. Loài bướm, loài giun được ví như các tín đồ cuồng
tín không hiểu lẽ đúng sai của cuộc đời nên chấp nhận đấng tối cao ban
phước giáng họa để sống một đời mê muội chẳng hiểu biết gì!
Cuộc sống của muôn loài vật được sinh ra bởi do thói quen chấp trước
nhiều đời nên mới có thân tướng hình dạng khác nhau. Làm người dù xấu xí
đen đúa khó coi nhưng vẫn tốt hơn các loài vật vì còn biết suy nghĩ,
tìm tòi, nghiệm xét, phân biệt tốt xấu, đúng sai. Các loài súc sinh chỉ
sống theo nghiệp nên không có khả năng suy nghĩ, do đó chịu sống một
kiếp tối tăm mê muội vì đã hoàn toàn đánh mất chính mình.
Con người hơn các loài vật là ở chỗ biết phân biệt nếu gặp người khác
chỉ dạy nhắc nhở hoặc tự chiêm nghiệm, suy xét nên dễ nhận ra sự sai
xót của mình mà thức tỉnh trở lại. Khi chúng ta luôn sống với chánh niệm
tỉnh giác nhờ vậy ta lúc nào cũng để hết tâm ý vào những gì mình đang
tiếp xúc. Chúng ta biết quan sát sự việc đang diễn ra một cách rõ ràng,
tường tận và trung thực. Nhờ vậy, ta dễ dàng làm chủ bản thân mà không
đánh mất chính mình để bình thản an nhiên trước mọi xung đột, đổi thay
của dòng đời nghiệt ngã.
OAN TRÁI TRONG CUỘC ĐỜI
Phật dạy yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không
được như ý khổ.Nhờ có khổ như vậy nên chúng ta mới đến chùa tìm hiểu
học hỏi, mong sao để được hết khổ.Nhưng phần đông rơi vào tình trạng lấy
cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh trách nhiệm, bổn phận
đối với gia đình người thân.
Cuộc sống thế gian có quá nhiều đau khổ nay mình biết chùa muốn tu,
muốn dứt bỏ gia đình người thân, nhưng không ai cho phép? Nhiều người
muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng gia đình không
cho phép.
Ở đây chúng đang thấy một sự thật, vì mỗi khi trong gia đình có sự
bất hòa thì phần lỗi ít nhiều gì đó đều do hai bên, không biết thông cảm
cho nhau, không thực sự thương yêu nhau.
Tu học là nhằm mục đích để tỉnh thức, nhận ra những điều sai lầm mà
trước đây mình không hề hay biết.Ai cũng muốn thương và được thương yêu
một cách bình đẳng.Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung
mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly
dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một
người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị.
Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm
dành cho nhau vẫn còn ướt át?Và chúng ta nên nhớ tu không phải là dứt
hết tình nghĩa, mà là thay đổi quan niệm sống để không quá bi lụy trong
tình yêu.Nếu chúng ta dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như
vậy vô tình ta ví mình như gỗ đá chăng?
Tu là sửa, là chuyển, là thay đổi. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ
tình thương yêu ích kỷ, thành tình thương yêu bình đẳng, vị tha. Vào
chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật tượng, Phật gỗ mà không biết thương
yêu kẻ khác thì đó chưa phải là người tu chân thật.Phật là người đại
từ, đại bi thương tất cả chúng sinh một cách bình đẳng mà không phân
biệt thân hay sơ.
Cuộc sống của chúng ta khi có mặt trên cõi đời này là phải ăn với
uống để bảo tồn mạng sống, lớn lên rồi lấy vợ, lấy chồng để phát triển
giống nòi nhân loại. Từ đó sinh chấp ngã và muốn chiếm hữu để bảo vệ gia
đình mình, đất nước mình, người có quyền cao chức trọng nếu không tin
sâu nhân quả sẽ tham nhũng làm lãng phí, gây thiệt hại trầm trọng tài
sản của chung.
Có khi nào trong cuộc sống với bộn bề công việc, ta biết dừng lại để
tự hỏi chính mình sinh ra đời để làm gì?Chắc chắn ai cũng nói rằng để
lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường?Ðể gầy dựng sự nghiệp
tương lai cho bản thân và gia đình? Từ quan niệm đó chúng ta chạy theo
tiền tài, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, và ăn sung mặc
sướng!
Thật chất ta lớn lên lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm
nhục dục hay lấp vá khoảng trống cô đơn, mà là để học sự thương yêu và
biết cách hòa hợp khi sống chung với nhau trong một mái ấm gia đình.
Tất cả mọi người trên thế gian này ai cũng phải điều biết "tu tâm",
nghĩa là chúng ta chừa bỏ những tâm niệm xấu ác có tính cách làm tổn hại
cho người và vật.Nhờ vậy, chúng ta ngày càng mở rộng tấm lòng từ bi
rộng lớn, để san sẻ nỗi khổ niềm đau, làm vơi bớt sự bất hạnh và sống
tốt hơn, bằng tình người trong cuộc sống.
Con người có tu mới sống được an vui hạnh phúc và khi gặp cảnh mất
mát khổ đau của bản thân và gia đình, cũng không làm cho ta phải thất
chí nản lòng vì ta đã có niềm tin nhân quả, niềm tin chính mình, hạnh
phúc hay khổ đau là do mình tạo lấy.
HỌC HỎI PHẬT PHÁP ĐỂ BIẾT CÁCH BUÔNG XẢ
Khi đến chùa nghe pháp, chúng ta phải chú ý lắng nghe, nếu nghe xong
mà không hiểu gì hết, thật là uổng công, vô ích biết chừng nào! Chúng ta
tu học như thế biết đến bao giờ mới được trí tuệ rộng lớn.
Phật pháp tuy khó nghe, nhưng chúng ta đang nghe và đã nghe, chẳng lẽ nghe xong rồi trả lại cho thầy hay sao?
Nếu đã như thế, chúng ta phải sanh tâm hổ thẹn, biết đây là nghiệp
chướng sâu dày do nhiều đời không gieo trồng hạt giống trí tuệ, nên bây
giờ mới bị lú lẫn, ngu ngô như thế. Biết được như vậy, chúng ta hãy nên
thành tâm sám hối, cố gắng siêng năng, tinh tấn học hỏi chuyên cần.
Tại sao có người nghe một hiểu mười, nghe mười hiểu trăm, còn ta nghe
xong chẳng hiểu gì hết.Bởi ta không gieo nhân thông minh trí tuệ, nên
phải chậm lụt hơn người và kém hiểu biết. Biết được vậy rồi, chúng ta
phải làm sao cố gắng học hỏi thêm nhiều hơn nữa để thông suốt lời Phật
dạy, mà biết cách tu hành nhằm chuyển hóa phiền muộn khổ đau thành an
vui, hạnh phúc.
Kinh Phật thường dạy: Văn, tư, tu khi nghe pháp rồi chúng ta phải suy
nghĩ, xem xét tìm ra nguyên nhân tốt xấu, đúng sai để ta bắt đầu tu sửa
phiền não tham sân si thành vô lượng trí tuệ và từ bi. Ta không gieo
nhân trí tuệ thì làm sao có quả thông minh sáng suốt. Có người sở dĩ
thông minh, sáng suốt là do họ đã học hỏi và huân tập nhiều đời, không
có gì là do bỗng nhiên khi không mà có được.
Ngài Lục tổ Huệ Năng cũng dốt nát, quê mùa, làm nghề đốn củi nuôi mẹ,
chỉ nghe một câu kinh liền ngộ đạo và sau đó phát tâm xuất gia tu hành
thành Tổ để lại nhục thân cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn. Trong suốt
8 tháng trời, ngài chỉ làm một việc giã gạo, nấu cơm; ấy thế mà Ngài
được truyền y bát, làm vị Tổ thứ sáu lịch sử Thiền tông Trung Hoa. Sau
này, Ngài đã báo trước ngày giờ ra đi trước 3 tháng và để lại nhục thân
không bị hoại cho đến ngày hôm nay.
Khi đến chùa nghe pháp, chúng ta cố gắng học hiểu rõ ràng nghĩa lý
lời Phật dạy, để rồi sau khi ra về nhớ đó mà ứng dụng, thực hành. Nghe
học như thế thật sự mới có lợi ích thiết thực và xứng đáng là người Phật
tử chân chính.
Nếu chúng ta đã đến chùa khi nghe thì hiểu, khi về thì quên, nên đụng
chuyện phát sinh đủ thứ phiền não, làm cho mọi người mất niềm tin và
không còn muốn tu học nữa. Tu học như thế vô tình phỉ báng Phật pháp;
cho nên, chúng ta phải cố gắng tu học trí tuệ rộng lớn để chuyển hóa u
mê, tối tăm thành trong sáng, thanh tịnh, chuyển hóa khổ đau thành an
vui, hạnh phúc. Nghe pháp và tu học như vậy mới xứng đáng là người Phật
tử chân chính.