Phật Học Online

Đồng thanh tương ứng
Phạm Lãng Yên

Tư tưởng, văn hóa, đạo đức, tâm hồn, trí tuệ của một con người như thế nào ắt sẽ tương thích với một loại âm nhạc như thế đó. Một người học cao hiểu rộng, biết yêu thương đồng loại, biết đau cái đau của người khác, biết rung động trước cái đẹp, cái thi vị của cuộc đời thì sẽ thưởng thức một loại âm nhạc nào đó tương ứng với tâm hồn và trí tuệ của người ấy.

Buổi tối hôm nọ trời đổ mưa sụt sùi, tê tái, tôi ghé vào một quán cà-phê nghe lại những bản tình ca bất hủ; nơi bàn phía bên kia có mấy nhạc sĩ đã già của một thời xa xưa đang ngồi than thở, họ nói: “Âm nhạc bây giờ không thể gọi là âm nhạc; nó giống như tiếng tru, tiếng thét, tiếng gào rống của một loại động vật nào đó. Ca từ thì thôi miễn bàn; sao mà quá tầm thường, dung tục và thậm vô nghĩa”.
dong-thanh-tuong-ung

Phía bàn bên này có mấy anh chàng nghe họ tự giới thiệu họ là những nhạc sĩ trẻ đại diện cho thời đại ngày nay; họ cũng ngồi bàn luận râm ran và nói về dòng nhạc ngày xưa; họ ca cẩm: “Những bản nhạc xưa bây giờ quá lỗi thời, không còn thích hợp với giới trẻ nữa rồi; nghe sao chán quá, kể lể lê thê, và tiết tấu lại quá chậm, quá rề rà; ca từ sao mà khó hiểu quá, triết lý rắc rối quá, phức tạp quá, chẳng biết ám chỉ cái gì”.

Nghe những nhận xét của họ, thật chẳng biết nói sao cho vừa lòng mọi người. Phản bác họ ư, chắc chắn là họ sẽ phản bác lại mình ngay; và chắc chắn là cuộc tranh cãi đó sẽ bất tận, sẽ không bao giờ có hồi kết.

Giới nhạc sĩ ngày xưa có cái lý của họ và giới nhạc sĩ ngày nay cũng có cái lý của họ. Thôi tranh cãi mà làm chi cho mỏi mệt. Rồi cũng chẳng đi về đâu, và chẳng để làm gì.

Tư tưởng, văn hóa, đạo đức, tâm hồn, trí tuệ của một con người như thế nào ắt sẽ tương thích với một loại âm nhạc như thế đó. Một người học cao hiểu rộng, biết yêu thương đồng loại, biết đau cái đau của người khác, biết rung động trước cái đẹp, cái thi vị của cuộc đời thì sẽ thưởng thức một loại âm nhạc nào đó tương ứng với tâm hồn và trí tuệ của người ấy.

Một kẻ sinh trưởng trong một môi trường chỉ biết có chém giết, rồi đấu tranh, giành giựt; ở đó văn hóa, và đạo đức là những khái niệm xa vời; tư tưởng thì quẩn quanh mấy chuyện mua sắm quần áo thời trang, tán tỉnh mấy cô gái, chàng trai trong xóm, săm soi mấy chiếc xe, suốt ngày lo tính chuyện chiều nay nhậu món gì rồi đêm nay nhảy nhót nơi đâu; trí tuệ chỉ quanh quẩn mấy câu chuyện trong mục rao vặt trên báo thì ắt cũng sẽ có một loại âm nhạc tương thích với tầm vóc của y.

Âm nhạc cũng như cái đẹp vậy, mà cái đẹp nơi trần gian này luôn mang tính tương đối. Trong con mắt của một anh chàng khỉ đực thì dung mạo của một cô khỉ cái nào đó ắt là rất đẹp, nhưng trong con mắt của một con người thì cái đẹp kia sao mà gớm ghiếc quá chừng vậy.

Thế cho nên, cảnh giới của một người ở tầng nào thì họ chỉ cảm được loại âm nhạc tương thích với tâm hồn, với trí tuệ, với văn hóa của họ ở tầng đó. Đừng nói với họ về những loại âm nhạc vi diệu, độc đáo ở một tầng cao hơn; khi đó chắc chỉ có một số rất ít người có chút niềm tin, còn đa số họ sẽ tỏ ra hoài nghi và phản bác ngay thôi, giống như con cá suốt đời quẩn quanh dưới nước sẽ hoài nghi về chuyện sao lại có một cuộc sống ở trên bờ được.

Chẳng bao giờ chúng ta đem toán học cao cấp bậc đại học giảng dạy cho một đứa bé mới học lớp Một; cũng như vậy chúng ta chẳng nên đem thứ âm nhạc ở một cảnh giới cao hơn mà trình bày, diễn giải với một kẻ còn ngụp lặn nơi những tầng thấp hun hút phía dưới kia.

Nếu chúng ta đem so sánh thứ âm nhạc vi diệu làm say đắm một người đã thấu hiểu mọi ngóc ngách buồn vui của cuộc đời, mọi cung bậc thăng trầm trong cuộc sống, đã cảm được cái đẹp của đất trời trong từng khoảnh khắc trôi qua; đã nghe được những rung động vi tế, hay tiếng thổn thức sâu lắng của những con tim đau buồn chuyện thế sự oan khiên, với thứ âm nhạc của những con người mà mối bận tâm suốt đời của họ chỉ là mua sắm áo quần, xe cộ thật đẹp, kiếm tiền thật nhiều để ăn uống, chơi bời và suốt ngày chỉ quen nghe những loại nhạc như “Ông xã em number one” hoặc “Tình hot thời @” hoặc “Teen vọng cổ” thì vấn đề không phải là loại âm nhạc nào hay hơn mà vấn đề là người làm công việc so sánh đó quả thật hồ đồ và khá nhảm nhí khi tiến hành một việc so sánh rất ư khập khiễng, giống như so sánh cái đẹp của một con người với một con khỉ vậy. Đó là những thứ chẳng thể đem ra đối chiếu hay so sánh được do chẳng thể dựa trên một chuẩn mực nào.

Hãy cứ để họ thưởng thức thứ âm nhạc của họ. Đừng chê trách họ sao lại nghe loại nhạc như tiếng tru, tiếng thét, tiếng gào rống của một loại động vật; vì đôi tai họ chỉ thích hợp với những tần số âm thanh như thế thôi. Tâm hồn họ chỉ thích hợp với những giai điệu như thế thôi. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quy luật “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

Có những người cả một cuộc đời họ từ ngày lọt lòng mẹ đến nay chỉ nghe những âm thanh chát chúa của những tiếng chửi rủa, gào rống, những tiếng thét đau đớn của những con vật bị giết, những tiếng chửi thề của cha mẹ, anh em, hàng xóm, những lời nói thô tục của đồng nghiệp, bạn bè; chưa bao giờ họ nghe và hiểu được những tiếng lòng thổn thức của một con tim biết khóc, biết đau, biết chịu đựng; chưa bao giờ họ nghe được tiếng ru ngọt ngào yêu thương của mẹ từ thuở chào đời; chưa bao giờ họ biết thẫn thờ rung động trước cái đẹp mong manh của đất trời; chưa bao giờ họ biết nhỏ lệ xót thương cho nỗi đau của người thân, của đồng loại thì xin đừng bao giờ chê bai họ rằng sao họ không biết thưởng thức loại âm nhạc trong veo như tiếng suối bên rừng chiều hoang vắng, rì rào như tiếng sóng vỗ bên ghềnh đá u buồn, xa xôi, ai oán như tiếng nức nở của những thân phận con người lạc loài trong cõi nhân gian.

Cảnh giới nào, âm nhạc đó. Có những tần số âm thanh, những giai điệu mà ở cảnh giới này người ta nghe được, cảm được; trong khi đó những con người ở cảnh giới khác lại chẳng thể nào cảm nhận được. Những cảnh giới đó quá xa cách nhau, quá khác biệt nhau. So sánh, phân tích mà làm gì – một việc không đáng làm, vô ích, và một sự so sánh quá khập khiễng.

Hãy mỉm cười chấp nhận mọi thể loại âm thanh trong cõi thế gian ồn ào, hỗn tạp này. Khi nào họ đạt đến một tầng khác, một cảnh giới khác, họ sẽ tự khắc thích ứng với một loại âm nhạc tương đồng với con người nơi khung trời họ phiêu dạt đến đó ngay thôi. ■ (Văn Hóa Phật Giáo số 185)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage