Phật Học Online

Chuyện hai tiểu đồng tử xuất gia ở núi Tam Đảo

Đời người có 4 câu hỏi lớn: Ta vốn là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Phải chăng luật nhân quả là có thật, thiện có thiện báo, ác có ác báo?

Hai vợ chồng tiến sĩ chấp thuận cho 2 con nhỏ xuất gia: tất cả là hai chữ “tùy duyên”!

Anh Đào Nguyên Khải, tiến sĩ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tam Nông, và vợ là chị Lê Thị Hải, chủ tiệm áo cưới Lưu Triều ở trung tâm thị trấn Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ sống tại một xã nghèo huyện Tam Nông với cái tên xã mộc mạc, giản dị: Hương Nộn. Điều đặc biệt là 2 anh chị bằng lòng sống một mình, để 2 đứa con sáng sủa xinh xắn được thỏa nguyện mong muốn xuất gia tu hành ở nơi đỉnh núi Tam Đảo: chùa Tây Thiên. Điều gì đã làm nên câu chuyện lạ kỳ này…?

luu_trieu_3-675x400.jpg

                      2 em nhỏ đã xuất gia ở chùa Tây Thiên, Tam Đảo. (Ảnh Đức Sơn - báo Bảo vệ Pháp Luật)                                        

Ở miền đất Tổ trung du Phú Thọ, 2 vợ chồng anh chị Đào Nguyên Khải và Lê Thị Hải đã trở nên khá nổi tiếng, nhưng không phải vì tri thức, học vị, sự thành đạt trong sự nghiệp, sự khá giả về kinh tế mà họ đang có, mà bởi tấm lòng nhân từ, sự giản dị, luôn sẵn lòng giúp đỡ những người khó khăn, và việc họ có 2 người con 1 trai 1 gái đẹp như tranh vẽ, thông minh học giỏi nhưng được anh chị đồng ý cho xuất gia tu hành theo nguyện ý của chúng.

Nếu như một cuộc sống sung túc, hạnh phúc, có nếp có tẻ xinh xắn ngoan ngoãn là niềm mơ ước của biết bao gia đình bình thường, thì vợ chồng anh và những đứa con lại đi theo một con đường khác, con đường mà họ gọi là: tùy duyên.

Sự giản dị khiêm nhường và niềm tin chân thành vào Phật Pháp

Screen-Shot-2015-09-21-at-7.37.59-AM.jpg

Hai vợ chồng với nét giản dị, hồn nhiên và an lạc – (Ảnh Đức Sơn, báo Bảo Vệ Pháp Luật)

Anh Khải có dáng người gầy dong dỏng, chân chất, hiền lành, trầm tính, ăn mặc giản dị khiến không ai nghĩ rằng anh đang là tiến sĩ và là giám đốc một bệnh viện đa khoa. Người vợ là chị Lê thị Hải trắng trẻo, phúc hậu, nhân từ với nụ cười an lạc dễ mến thường trực trên môi, cũng không có chút vẻ kiêu kỳ nào của một bà chủ của tiệm áo cưới trung tâm thị trấn Cổ Tiết. Ngoài công việc, tối về họ tìm thấy niềm vui trong kinh sách nhà Phật, trong thiền định, 2 đứa con đã xuất gia nên cửa nhà vắng vẻ. Người thân của họ đã quen với cảnh tụng kinh, niệm Phật, và cùng ngồi thiền của cả 2 vợ chồng trẻ mỗi đêm.

Chị Hải chia sẻ:

“Có lẽ những ai có niềm tin tâm linh trong sáng, lành mạnh bằng cái tâm thánh thiện, chí thành sẽ thấy cuộc sống có nhiều điều kỳ diệu, kỳ bí. Và càng thấy rằng Phật Pháp thực sự vô cùng màu nhiệm mà ngay cả chính khoa học cũng không lí giải nổi”.

Niềm tin tâm linh “trong sáng, lành mạnh, thánh thiện và chí thành” mà chị đã trải nghiệm là như thế nào? Phải chăng là cái tâm hướng Phật mà không chút vụ lợi, không chút truy cầu tiền bạc và truy cầu hạnh phúc thế tục cho bản thân là sự thánh thiện mà chị nói đến…?

Trải nghiệm sự kỳ diệu của Phật Pháp trước biến cố lớn trong cuộc đời

Chị Hải kể rằng ngày trước gia đình chị rất nghèo, năm chị học lớp 4, khi mẹ chị sinh em bé gặp biến cố lớn là chửa ngoài dạ con bị vỡ phải cấp cứu. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ bệnh viện chẩn đoán tình trạng của mẹ chị rất nguy kịch, bởi bị vỡ dạ con từ 9h30’ sáng mà tới tận 6h30’ chiều mới nhập viện thì nguy cơ cứu sống chỉ còn 0,1%. Nhưng gia đình chị vẫn quyết tâm “còn nước còn tát” đề nghị mổ phẫu thuật. Do còn nhỏ, chị Hải không biết làm gì khác ngoài việc ngồi ngoài và khóc.

Trong giây phút ấy chị sực nhớ tới bộ phim Tây Du ký, hình ảnh thầy trò Đường Tăng khi nào gặp hoạn nạn kêu cầu thì Quán Thế Âm Bồ Tát đều xuất hiện cứu giúp. Vậy là trong đầu chị lóe lên rằng chỉ có Bồ Tát Quán Thế Âm mới có thể cứu giúp được mẹ chị. Vậy là chị bắt đầu thiết tha cầu khẩn Bồ Tát Quán Thế Âm, thậm chí chị vừa đi chăn bò trên núi vừa khóc khẩn cầu. Chẳng biết có phải cái tâm chí thành tha thiết của chị đã cảm ứng đến chư Phật, chư Bồ Tát hay không mà ngay hôm đó, ca mổ của mẹ chị thành công tốt đẹp, chỉ chưa đầy 1 tuần sau sức khỏe của mẹ chị hoàn toàn bình phục và xuất viện trong sự ngỡ ngàng của các bác sĩ . Chị sung sướng vô cùng.

Giác ngộ từ trong tâm…

Và bắt đầu từ đó chị có niềm tin tuyệt đối vào Phật Pháp. Không có bất cứ vị cao tăng nào chỉ dẫn, cũng không hay đi lễ chùa, thậm chí nhà chị cũng không có cả bàn thờ Phật, tất cả đều là sự tự giác ngộ, hàng ngày chị chỉ nhất tâm niệm Phật. Đã không ít lần chị có ý định xuất gia đi tu, nhưng vì nghĩ thương bố mẹ không có ai chăm lúc về già, hơn nữa lại chưa gặp được vị thầy nào đủ tâm đức dìu dắt mình trên con đường tu đạo, nên chị lại thôi.

Một hôm, đi qua nhà hàng xóm chị bỗng nghe được câu thơ phát ra từ loa: “Vui trong tham dục, vui mà khổ – khổ trong tu hành, khổ mà vui – chị dừng lại nghe một cách chăm chú, Phật Pháp đã ngấm vào chị như thế…

Phát nguyện…

Dần dần trong đầu chị ước nguyện, sau này nếu mình lấy chồng sinh con, mình sẽ cho nó xuất gia đi tu.

Và rồi dường như duyên trời đã định, chị gặp được anh Đào Nguyên Khải – chàng cử nhân sinh viên y khoa Hà Nội, cũng là người rất mộ đạo Phật. Cả 2 nhanh chóng nên duyên. Hàng ngày vợ chồng anh chị thường tụng kinh, niệm Phật. Điều kỳ lạ là cả 2 đều có cùng ước nguyện sau này có con sẽ cho nó xuất gia đi tu. Và sau khi tổ chức đám cưới 1 tháng chị có bầu. Trong thời gian mang bầu, chị nằm mơ thấy một con rồng, rất lớn, nhưng nó lại nằm im, đôi mắt lim dim trông rất hiền rồi nhìn chị…

Đứa con trai kỳ lạ ra đời

luu_trieu_1.jpg

Hai anh em bé Lưu Triều – Mẫn Nghi trước lúc xuất gia – (Ảnh: Đức Sơn báo Bảo Vệ Pháp Luật)

Tới tuần thứ 2 bỗng chị Hải bị nóng sốt kéo dài nhiều ngày. Người thân trong gia đình lo ngại rằng mới mang thai mà bị nóng sốt cảm cúm như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới bào thai, thậm chí là hỏng thai, nên khuyên chị Hải phá thai. Xong chị Hải vẫn quyết định giữ lại cái thai ấy, chị có linh cảm thai nhi không có vấn đề gì cả. Và thực tế là bào thai vẫn phát triển hoàn toàn bình thường đến thời kỳ sinh nở. Ngày sinh nở vợ chồng anh chị và hai bên gia đình họ hàng vui mừng vì đứa con đầu lòng là một quý tử rất kháu khỉnh, bụ bẫm. Chị Hải bảo: “Khi trẻ nhỏ vừa sinh lọt lòng mẹ thường mắt nhắm tịt lại vài ngày sau mới mở và thường người đỡ đẻ phải “tét” vào mông để kích thích trẻ cất tiếng khóc đầu đời.” Thế nhưng, đứa con đầu lòng của anh chị vừa ra đời đã mở mắt tròn xoe nhìn xung quanh, rồi tự cất tiếng khóc oe oe. Điều kỳ lạ là chị sinh hạ đứa con trai đầu lòng vào đúng giờ mùi, ngày mùi, tháng mùi, năm mùi. Với mong muốn con mình luôn mạnh mẽ như dòng nước lớn của biển cả bao la, nên vợ chồng anh chị đặt tên con là: Lưu Triều.

Trải nghiệm những điều kỳ lạ đầu tiên…

Sau khi sinh con, anh Khải thường xuyên đi làm vắng, chị Hải ở nhà chăm con, đồng thời mở cửa hàng chụp ảnh và kinh doanh áo cưới. Nhà chỉ có 2 mẹ con, nên mọi công việc nhà đều đến tay chị. Hàng ngày, chị để bé Lưu Triều nằm một mình trong nôi ở gần trước cửa ra vào để chạy đi chạy lại lo công việc phía sau nhà. Mỗi lần như thế chị nói với con: “Nằm ở đây ngoan, trông nhà cho mẹ nhé, để mẹ đi làm. Có khách vào thì nhớ khóc lên gọi mẹ nghe chưa!” Những tưởng chỉ là căn dặn con để lấy lệ tự động viên tâm lý mình là chính, vì con còn nhỏ xíu vài ba tháng tuổi làm sao đã hiểu và biết nghe lời người lớn được. Thế nhưng, điều lạ là đúng y như lời mẹ dặn, mỗi khi có khách vào là bé Lưu Triều lại khóc thé lên gọi mẹ.

Sau 4 tháng lại tiếp tục mang thai…

Chỉ trong vòng 4 tháng sau, chị Hải bất ngờ khi phát hiện mình lại tiếp tục mang thai đứa con thứ 2. Lần sinh hạ này là một bé gái. Cũng giống như người anh Lưu Triều, em bé gái này vừa lọt lòng mẹ cũng đã tự mở mắt và tự cất tiếng khóc chào đời. Song có điều kỳ lạ hơn là vừa sinh lọt lòng, móng chân móng tay của bé gái đã dài ngoằng  và lại sinh đúng vào giờ Dần, ngày Rằm tháng 7 Âm lịch.

Chẳng biết có phải sinh vào ngày đặc biệt hay không mà từ khi lọt lòng mẹ, bé gái này tỏ ra khác người rất thông minh, nhanh nhẹn, dễ dàng thích nghi với môi trường xung quanh, nên vợ chồng anh Khải – chị Hải chọn đặt tên cho con là “Mẫn Nghi”.

Hai anh em Lưu Triều và Mẫn Nghi lớn rất nhanh, học hành rất giỏi trở thành 2 trong số những “học sinh cưng” của các thầy cô Trường tiểu học Hương Nộn. Thế nhưng, bỗng một ngày 2 “học sinh cưng” ấy bỗng…biến mất khỏi nhà trường, khiến cô chủ nhiệm và cô hiệu trưởng rơi nước mắt đi tìm…

Xuất gia đi tu

Kể cả những buổi học sau đó cũng không thấy xuất hiện. Sự vắng mặt bất thường này khiến cô hiệu trưởng và cô chủ nhiệm nôn nóng phải liên lạc với phụ huynh để tìm hiểu. Và rồi cả nhà trường đều cảm thấy bị sốc nặng khi hay tin bé Mẫn Nghi đã xuất gia đi tu tại một ngôi chùa Tây Thiên tận trên ngọn núi cao của Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Cô chủ nhiệm đã khóc nức nở, còn cô hiệu trưởng thì một mực yêu cầu vợ chồng anh phải đón cháu về không được làm như thế. Thậm chí, cả cô chủ nhiệm và cô hiệu trưởng đã có những lần lặn lội lên tận Tây thiên để tìm gặp bé Mẫn Nghi.

Vợ chồng tiến sĩ Đào Nguyên Khải Tâm Sự: “Mình dân y khoa, vợ là dân kỹ thuật, thường xuyên lên án những gì là mê tín dị đoan, đồng bóng…. Thế nhưng, giữa mê tín và tín tâm lại hoàn toàn khác biệt, những gì thuộc về thế giới tâm linh đã và đang xảy ra đối với gia đình mình thực sự là kỳ lạ không lý giải nổi. Lúc chưa sinh con thì cả vợ lẫn chồng đều tâm nguyện sau này có con cho nó xuất gia đi tu, nhưng khi dứt ruột sinh được 2 đứa con ngoan ngoãn, thông minh, xinh đẹp mà nghĩ cảnh cả 2 con đi tu là bố là mẹ ai chẳng thấy tiếc và xót con, nên đã không ít lần vợ chồng mình thối chuyển suy nghĩ”.

Song lạ thay, khi vừa khởi lên suy nghĩ ấy thì ngay đêm ấy chị Hải nằm mơ thấy mình nhìn thấy cảnh tượng xung quanh mình rất nhiều người bị ma quỷ sát hại và trong số đó có cả chính bản thân mình. Trong lúc hoảng sợ chị Hải bỗng nghe tiếng nói từ trên không trung vọng lại là hãy trì niệm câu chú cầu Quán Thế Âm Bồ Tát. Y như lời chỉ dẫn, chị nhất tâm trì niệm thì thấy bỗng dưng chị mặc áo choàng màu vàng ma quỷ không làm gì được chị. Rồi chị gặp một vị thầy cao tăng, vị thầy bảo muốn giúp đỡ những người khổ cực kia thì hãy tìm cách cho 2 tiểu đồng tử xuất gia đi tu. Tỉnh giấc, chị Hải liền vội kể lại toàn bộ giấc mơ với chồng. Anh Khải bảo: “Giấc mơ đó như lời nhắc nhở 2 vợ chồng mình rằng tâm không được lay động với những gì mình đã phát nguyện”. “Song 2 đứa con có đi tu được hay không lại phải tùy duyên chứ không thể ép buộc được !” – chị Hải nhấn mạnh.

Duyên đã tới…

Kỳ nghỉ hè năm 2011, lần đầu tiên chị Hải đưa bé Mẫn Nghi lên chùa Tây Thiên, Tam Đảo vãn cảnh chùa. Vừa gặp các sư thầy tại đây, bé Mẫn Nghi bỗng quay sang nói với mẹ: “Con cảm thấy rất thích ngôi chùa này và muốn ở lại đây tu”. Các thầy bảo: “Đi tu xuất gia rất kham khổ và phải cắt đứt hết mọi tình thân dù là cha mẹ, con có đồng ý không?”. Không chút đắn đo Mẫn Nghi liền gật đầu. Dù luôn chuẩn bị tâm lý rằng các con mình sẽ đi tu, nhưng chị cũng không thể nghĩ rằng bé lại xuất gia đi tu một cách nhanh chóng và nhẹ nhàng như vậy, chị chỉ còn biết đồng ý. Chiều theo ý con, chị Hải kìm nén lòng để lại đứa con nhỏ thơ dại mới 6 tuổi giữa đất khách quê người hoàn toàn xa lạ, chắp tay đảnh lễ các thầy rồi lẫm lũi cất bước xuống núi. Đi được một đoạn, bỗng bé Mẫn Nghi vẫy tay gọi chị quay lại, những tưởng bé sẽ nhớ bố mẹ mà đòi về hoặc ôm lấy mẹ mà khóc nức nở, nhưng chị bỗng sửng sốt khi thấy bé ghé vào tai nói rằng: “Cô về tu tập tinh tấn nhé! mà cô về bán nhà cửa đi mà cúng dường Tam Bảo, cúng cho nhà chùa rồi đi tu. Cô vào chùa đi tu mới độ được nhiều cho chúng sinh chứ cô ở ngoài thì độ được mấy!”. Câu nói ấy khiến chị Hải không kìm nén được cảm xúc trào dâng nước mắt. Là một người mẹ hơn 30 tuổi đời, dù hiểu biết Phật pháp, nhưng mình vẫn chưa giác ngộ được tới vậy, vậy mà một đứa trẻ 6 tuổi nói được những lời triết lý đạo Phật thâm sâu như vậy, chắc hẳn con mình đã có duyên tu với Phật Pháp từ tiền kiếp.

Vì nhớ con, nên thi thoảng chị Hải lên thăm con, một lần gặp lại con tại Tây Thiên, chị lại thêm lần nữa sững người khi bé Mẫn Nghi bỗng hỏi: “Mà nhà cô Hải là ở đâu ấy nhỉ? Nhiều người hỏi nhà chùa quê ở đâu mà nhà chùa chẳng biết. Cô nói để nhà chùa còn biết nhà chùa trả lời”.

Sau khi bé Mẫn Nghi xuất gia đi tu tại ngôi chùa Tây Thiên trên ngọn núi thiêng Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cách nhà tới hơn một trăm km, dù rất nhớ thương đứa con gái nhỏ, nhưng vợ chồng tiến sĩ Đào Nguyên Khải thường kìm nén lòng mình bằng việc hàng ngày nhất tâm cầu chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ, gia trì cho con mình vững bước trên con đường tu tập.

Duyên với Tây Thiên của Lưu Triều

Tam-dao-2-copy.jpg

Tây Thiên trên đỉnh núi Tam Đảo – (Ảnh: diadiembamien.com)

Mùa hè năm 2013, vợ chồng anh chị đưa bé Lưu Triều lên Tây Thiên thăm em gái. Sau cả chặng đường leo núi vất vả mới lên tới Tây Thiên, Lưu Triều bỗng nói với bố mẹ: “Con chưa đến chỗ nào mà thấy như chỗ này, con muốn ở lại đây không muốn về”. Biết là cả 2 đứa con mình có duyên đặc biệt với ngôi chùa này, nhưng ngặt một nỗi ở đây đa số là các ni sư nên việc tiếp nhận các tăng vào tu tập e rằng khó khăn, nên vợ chồng anh chị một mặt động viên con là quay trở về nhà tiếp tục học đợi tới khi đủ 12 tuổi thì xuất gia đi tu, một mặt anh chị liên hệ với các chùa khác, thậm chí liên hệ với cả một vị thầy tận bên Canada xem có chùa nào phù hợp tiếp nhận con trai mình vào tu tập. Nhưng bé Lưu Triều khóc một mực đòi chỉ thích tu ở Tây Thiên, cho dù tu ở đây là khắc khổ nhất, rừng núi hẻo lánh nhất trong số tất cả các ngôi chùa mà bé Lưu Triều được bố mẹ đưa đi thăm.

Dù hiếm khi được lên tới đây, nhưng với bé Lưu Triều dường như tất cả đều rất đỗi quen thuộc, một lần Lưu Triều chạy ngay tới cầm chiếc micro rồi quỳ xuống, bạch với các sư thầy một cách hồn nhiên: “Con xin được trọn đời xuất gia đi tu” trong sự ngỡ ngàng của bố mẹ và những người có mặt. Lưu Triều bảo: “Bố mẹ đã hứa năm 12 tuổi cho con đi tu, nên năm nay con đủ tuổi rồi, đến lúc con phải đi rồi, con quyết tâm đi”. Vợ chồng anh chị Khải – Hải đưa ánh mắt nhìn nhau, rồi cùng quay sang nhìn đứa con trai nhỏ bé trong nỗi niềm cảm xúc trào dâng buồn vui lẫn lộn khó diễn tả thành lời.

Bộc lộ từ rất sớm thiên tính từ bi và thấu đạt Pháp lý

Anh chị kể, từ lúc bé xíu 2 đứa con mình đã bộc lộ những điều khác thường và thể hiện có duyên sâu đậm với Phật Pháp. Với nhiều người lớn đi lễ chùa quanh năm có khi chẳng học được thuộc 1 bài khấn nôm, thế nhưng, từ khi học mẫu giáo, 2 bé đã có thể học thuộc lòng câu chú của Đức Phật Dược sư (được phiên âm từ tiếng Phạn sang Tiếng Hán rất khó đọc và khó nhớ) chỉ sau một lần được bố dạy cách đọc. Có lần 2 bé đi học, gặp một con cóc nhỏ bị chết ngang đường, 2 bé không chút đắn đo lấy ngay cây bút mẹ mới mua đào đất để…chôn cóc, rồi niệm Phật, quy y cho chú cóc nhỏ. Một lần khác, 2 bé gặp cảnh tượng một con chó đang mang bầu bị xe cán chết, bé Lưu Triều khóc thương con chó, bé Mẫn Nghi liền động viên an ủi: “Thật ra nó không phải là con chó đâu, nó chỉ đổi từ thân này sang thân khác thôi, nên Triều đừng khóc.”

Mẫn Nghi dường như đã thấu hiểu từ lâu lắm rồi sự luân hồi chuyển kiếp trên cõi đời…

Khi tới trường học, thấy các bạn bắt ve sầu để nghịch, bé Lưu Triều khuyên các bạn không nên giết hại chúng sinh, mà nên phóng sinh nó đi, các bạn cười mỉa mai trêu Lưu Triều là “thần kinh”. Lưu triều vội lao vào đánh nhau với các bạn, giành giật bằng được con ve sầu để…giải cứu nó.

Nhìn thấy những điều ở không gian khác trong lúc thiền định: vén bầu trời ra là thấy…

shenyun-copy.jpg

Ảnh minh họa: Vén bầu trời lên là nhìn thấy rất nhiều thứ…(Ảnh: shenyun.com)

Một buổi nọ, cả nhà được nghỉ rảnh rỗi, anh Khải rủ 2 con cùng thi ngồi thiền. Điều kỳ lạ là chưa bao giờ dạy bé Mẫn Nghi ngồi thiền mà bé có thể ngồi thiền một cách thuần thục và định trụ rất lâu. Khi vừa xả thiền xong, bé liền quay sang hỏi bố: “Bố ơi vén bầu trời ra thì thấy cái gì nhỉ ?”. Anh Khải chỉ biết lắc đầu trong sự ngạc nhiên. Bé liền đáp: “Trong lúc ngồi thiền con thấy nhiều điều lắm bố ạ…!” Rồi bé kể một cách thao thao bất tuyệt những gì bé nhìn thấy trong lúc thiền định.

Trong khoa học người ta đã ghi nhận hiện tượng những người có khả năng đặc biệt, hay những người tu hành có khả năng nhìn thấy những điều mà người bình thường không nhìn thấy như Thần Phật, hào quang, hay người âm ở các cõi không gian khác v.v… Có lẽ đây là trường hợp của Mẫn Nghi.

Ca-gia-dinh-copy.jpg

Cả gia đình hướng Phật- (Ảnh Đức Sơn)

Còn bé Lưu Triều thường kể với bố về những giấc mơ lạ: “Con hay mơ lắm, mà trong giấc mơ con thấy con trải qua 800 kiếp luân hồi. Trong đó, nhớ nhất là con trải qua 2 kiếp làm rắn. Kiếp thứ nhất con là 1 con rắn nhỏ chui vào gầm giường bị một con rắn to hơn cắn chết. Còn kiếp nữa con là rắn được một vị hòa thượng cúng rồi thả phóng sinh, nhưng sau đó lại bị người ta dùng tên bắn chết. Có lẽ con sợ nhất khi có kiếp con là con giun bị người ta xéo chết. Có kiếp con mải chơi quá, nên bị đọa vào địa ngục, quỷ giữ dồn đuổi đánh con, con vừa chạy vừa niệm Phật thì sau đó con được lên làm người…”.

Thấy Đức Phật đang thuyết Pháp…

Duc-Phat-copy.jpg

Từ khi bé Lưu Triều đủ 12 tuổi, anh chị quan sát thấy bé có nhiều biểu hiện tâm trạng lạ, có đợt thấy bé ngồi học bài mà tỏ vẻ trầm ngâm, bố lân la hỏi thì bé trả lởi: “Dạo này con cứ hay có những ý nghĩ lạ, mà cứ như là mọi việc đang hiển hiện rất thật ngay trước mắt con ấy. Con thấy con đang ở trên một ngọn núi tuyết, con là chú tiểu đi cùng với 3 vị sư bước lên những bậc thềm toàn tuyết trắng toát. Sau đó con gặp ngài Anan ( Tôn giả A Nan là một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni có học thức uyên thâm, trí nhớ siêu phàm. Được coi là Thị giả của Đức Phật, luôn tận tụy bên cạnh Đức Phật, chăm sóc Đức Phật và ghi nhớ tất cả những lời Phật dạy), ngài bảo con cố mà tu đi. Sau đó, con nhìn thấy một ngôi chùa rất to lớn và rất đẹp trong đó Đức Phật đang ngồi thuyết Pháp”. Lưu Triều nói với bố mẹ: “Con thấy mọi người khen nhà mình đẹp, sao mà con thấy chẳng thích ở nhà mình tí nào ấy. Con thích vào chùa tu”…

Nui-tuyet-copy.jpg

Ảnh minh họa: con đang thấy con ở trên một ngọn núi tuyết, là một chú tiểu cùng 3 vị sư…. (Ảnh: workmark.com)

Những lời ngăn cản từ khắp phía và niềm tin kiên định vào Phật Pháp

Vậy là cuối cùng, vợ chồng tiến sĩ Đào Nguyên Khải đã “dâng” trọn 2 đứa con cho cửa Phật theo đúng lời phát nguyện từ trước khi mang thai và cũng là theo ý nguyện của cả 2 con. Việc làm này của vợ chồng anh khiến người thân, họ hàng, lãnh đạo chính quyền địa phương, đồng nghiệp, dân làng…ai cũng bị sốc. Không ít người ngăn cản, chỉ trích vợ chồng anh là điên, rồ, nhưng anh chị chỉ nở nụ cười an lạc. Anh chị bảo:

Đời là bể khổ, mà nỗi khổ lớn nhất là ai cũng phải chết. Cái chết luôn rình rập đến bất cứ lúc nào. Chết đi, bao của cải, danh vọng đều bỏ lại, chỉ có nghiệp tốt xấu tạo tác ở đời là mang theo. Chính cái nghiệp ấy cuốn con người vào vòng luân hồi sinh – tử… Có được kiếp người là vô cùng quý giá. Vậy nên, việc tận dụng từng giờ từng phút mà tu tập sửa mình, tẩy rửa nghiệp xấu đề giải thoát là việc quan trọng hơn cả.

***

Tỉnh Mộng

Luân hồi chuyển thế mấy nghìn năm
Đến đến đi đi tại cớ gì?
Công danh lợi lộc nào đáng mấy
Thế đạo hưng suy định bởi Trời
Sinh mệnh vốn là tiên thiên thượng
Thành bại trong đời mây khói bay
Thị phi vốn là ân oán trước
Đắc Pháp tỉnh mộng về cố hương

Tác giả: Minh Tịnh

Nguồn: https://daikynguyenvn.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage