Phật Học Online

Phật kinh trong thơ văn Nguyễn Trãi và Nguyễn Du

Mạch Thiền trong lịch sử văn học là một đặc điểm lớn của văn học Trung đại Việt nam. Sự độc tôn, biến thể, phân hóa của thơ Nho và sự tồn tại thầm lặng nhưng có khuynh hướng phục hưng của thơ Thiền là hai mạch quan trong trong lịch sử văn học. Nếu bỏ mảng thơ Thiền sẽ là thiếu sót vì có nhiều bài, chính sự cộng hưởng giữa hai phái đã làm nên những tác phẩm giá trị.

Kinh Phật như một di sản văn hóa của nhân loại, xuất phát từ Ấn Độ, sau đó được truyền đi khắp nơi.

Giáo pháp đạo Phật được tập hợp trong Tam tạng bao gồm: Kinh tạng Luật tạng Luận tạng. Từ thế kỉ thứ 3, đạo Phật được truyền đi các nước khác ngoài Ấn Độ. Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên. Luy Lâu (thuộc tỉnh Bắc Ninh) là trung tâm Phật giáo quan trọng (sớm hơn trung tâm Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc).

Phật giáo ăn sâu, bám rễ vào Việt Nam từ rất sớm. Đến đời nhà Lý, nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc giáo, ảnh hưởng đến tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. Sau đó, vai trò của Phật giáo đối với xã hội có giảm đi nhưng vẫn còn thầm lặng tiếp tục ảnh hưởng.

Trong hệ thống kinh Phật, những kinh điển như “Đại Bát Nhã”, “Kim - cang Bát - nhã Ba – la – mật”, “Bát Nhã Tâm kinh”, “Pháp bảo đàn kinh”…là những kinh điển có ảnh hưởng lớn đến văn hóa – văn học Việt Nam.

Kinh “Đại Bát Nhã” (600 quyển) tương truyền được Phật thuyết trong 22 năm (nhị thập nhị niên Bát nhã đàm). Tóm tắt kinh “Đại Bát Nhã” là kinh “Kim - cang Bát - nhã Ba – la – mật” (còn gọi là “Kim cang” hay “Kim cương”). Bản dịch của Tam Tạng pháp sư Cưu – ma – la – thập từ Phạn ngữ sang Hán ngữ là phổ biến nhất.

(“Bát Nhã Tâm kinh” cũng là bản tóm tắt ngắn gọn của “Đại Bát Nhã” (còn gọi là kinh “Đại Bát Nhã toát yếu”).

Bên cạnh đó Pháp bảo đàn kinh do Lục tổ Huệ Năng thuyết, được đệ tử là Pháp Hải ghi về sau gọi là Đàn kinh. Kinh tiếp tục phản ánh lí luận "Vô niệm", "Vô tướng" và "Vô trụ" vốn có trong kinh Kim cương. Pháp Bảo Ðàn Kinh đã trở thành một quyển Kinh chuyên hoằng Pháp Ðốn Giáo của Thiền Tông.

Từ “Kim cang” đến “Pháp bảo đàn” là một truyền thống. Nguyên do khi Huệ Năng hội được ý Tổ, đến canh ba liền lén vào thất. Khi đó Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn lấy ca-sa che chung quanh và nói kinh Kim Cang cho Huệ Năng. Đến câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng ngay lời đó đại ngộ. Từ đó, Thiền học phát triển rực rỡ.

Trong thơ ca Trung đại Việt Nam, có nhiều tác phẩm không chỉ do nhà nho thuần túy hay thiền sư thuần túy sáng tác mà có khi, trong một tác giả có cả thơ Nho lẫn thơ Thiền. Tư tưởng Thiền ảnh hưởng đến thơ văn của nhiều tác giả. Nó tạo nên mạch ngầm trong thơ văn của họ. Ở các tác giả như Nguyễn Trãi (1380 -1442), Nguyễn Du (1765-1820), tư tưởng Phật giáo qua kinh Phật đã chảy suốt sự nghiệp thơ văn ca của các tác giả này.

NT1.jpg

1. Nguyễn Trãi (1380-1422)

Thời đại của Nguyễn Trãi là thời Nho giáo độc tôn, ảnh hưởng của Nho giáo đã bao trùm không khí thời đại. Bản thân Nguyễn Trãi là một nhà nho hành đạo, tích cực và có công lớn với đất nước.

Nguyễn Trãi có một vị trí quan trọng trong lịch sử nhưng mặt khác Nguyễn Trãi còn là một nhà văn hóa. Thế kỷ XV văn hóa dân tộc, thành tựu của văn hóa Lý - Trần đã bị giặc Minh tàn phá nặng nề. Sau khi “bình Ngô”, Nguyễn Trãi “đã có ý thức phục hưng văn hóa Lý - Trần, văn hóa Tam giáo” [2, tr.163 – 1930]. Đồng thời, nhiều bài thơ của Nguyễn Trãi cũng mang phong cách Thiền: “Đề Đông Sơn tự”, “Du Nam Hoa tự”, “Tống tăng Đạo Khiêm qui sơn”…

Trước Nguyễn Trãi không xa, tuy Phật giáo không còn thịnh trước sự lớn mạnh của Nho giáo nhưng Phạm Nhân Khanh (đỗ Tiến sĩ, khoảng 1373- 1377) đã giao du với Lãm Sơn quốc sư (Thiền phái Trúc Lâm), Lương thế Vinh (đỗ Trạng Nguyên năm 1463) đã viết tựa cho “Nam tông tự pháp đồ” của thiền sư Thường Chiếu (Thiền phái Vô Ngôn Thông). Mạch Thiền vẫn còn lưu dấu trong thời Nho độc tôn. Nguyễn Trãi thường gắn bó với mảnh đất Côn Sơn quê ngoại, nơi ông đã từng sống, từng ẩn dật. Đó cũng là nơi Trúc Lâm đệ tam tổ Huyền Quang thị tịch (1334). Nơi đó cũng là cửa ngõ của trung tâm Thiền học Trúc Lâm Yên Tử.

Nguyễn Trãi thường giao du với tăng đạo Khiêm, viếng An Tử Sơn (“Đề An Tử sơn”), và thăm “Hoa Yên Tự”. Chính nơi đây Trúc Lâm nhất tổ Trần Nhân Tông thờ Phật. Nguyễn Trãi đã từng nhờ chùa Huy Văn cưu mang Lê Thánh Tông cũng cho thầy ông đã từng có quan hệ mật thiết với Phật giáo nói chung và chùa Huy Văn nói riêng.

Những thời gian Nguyễn Trãi sống trong khó khăn ờ “góc thành Nam, lều một gian”, những hiểm nguy trong buổi đầu kháng chiến đã giúp ông từng bước đến với Thiền. Lúc hòa bình, ông đã có chủ trương đưa mô hình văn hóa Lý Trần làm tư tưởng quan trọng trong xây dựng đất nước. Tuy nhiên tư tưởng đó đã gặp nhiều trở lực. Trong những trở lực đó, ta thấy có những nhân vật như Lương Đăng và cả vua Lê.

Trong lúc đi sứ cũng như đưa hài cốt cha về nước, ông dã có dịp đến trung tâm Thiền học Thiều Châu. Những năm tháng cuối đời nhiều trắc trở, hiểm nguy là lúc ông đến với Thiền mạnh mẽ.

Nguyễn Trãi cũng từng đến Tào Khê (Thiều Châu) – trung tâm thiền học của Lục Tổ: “Vạn lý Nam lai sơn thủy viễn, Nhất sinh năng kỷ quá Tào Khê” (Muôn dặm từ Nam non nước thẳm, Một đời mấy bận tới khe Tào). Nguyễn Trãi có nhiều xúc động với Lục Tổ Huệ Năng. Điều đó chắc chắn đã có từ trước chứ không phải đợi đến lúc đi sứ. Tác giả dùng ý thơ của Lục Tổ: “Bồ đề bổn vô thụ, Minh kính diệc phi đài…” – để viết: “Vô thụ phi đài, ngữ nhược tâm” (Chẳng đài chẳng thụ vẫn lòng truyền – “Du Nam Hoa tự” – Đào Duy Anh dịch). Tác giả cũng nhắc đến lịch sử của những thiền phái và cảm giác thanh thoát nhẹ nhàng khi đến “Nam Hoa tự”: “Môn thiền nhất phái Tào Khê thủy, Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần” (Trước cửa Tào Khê dòng nước chảy, Lâng lâng gột sạch mọi trần duyên).

Trong thơ Nguyễn Trãi, ta thấy có một ít ảnh hưởng của thơ thi xã Bích Động, Nguyễn Phi Khanh và có cả Tuệ Trung Thượng sĩ. Câu thơ “Bụt ấy là lòng Bụt há cầu” cũng tương tự với “Tâm tức Phật- Phật tức tâm” (“Phật tâm ca”). Ở bài “Thu dạ khách cảm”, “Thuật hứng, 17” là những kinh nghiệm về cuộc sống dưới cái nhìn Thiền học: “Đành hay thương hải đòi thời biến, Đã biết nhân gian mọi sự không” (Thuật hứng, 17) hay: “Đáo đầu vạn sự giai hư ảo, Hưu luận Phàm vong với Sở tồn” (Sau cùng vạn sự đều hư ảo, Chớ luận Phàm vong với Sở tồn – “Thu dạ khách cảm”). Ở bài “Mộc cận” (hoa râm bụt), tác giả dùng nghệ thuật chơi chữ để phản ánh triết lý Phật giáo: “Vết nhơ chẳng bén, Bụt làm lòng…Sự lạ cho hay chuyện sắc không”. Tư tưởng “Bát nhã” đã được thể hiện khá rõ ở đây.

Ngôn ngữ Thiền, lời thơ Thiền làm cho tác giả không còn là nhà nho mà là một là một nhà nho có tâm hồn Thiền đích thực: “Nhất niệm tức lai thiên niệm tức, Kê trùng tự thử liễu tương tranh” (Một nghĩ đã thôi nghìn nghĩ hết, Chỉ nghe tiếng dế, tiếng canh gà) (Ức Trai thi tập, bài 65). “Nhất niệm” vốn được phản ánh trong “Pháp Bảo Đàn kinh”: “Một niệm tu hành tự thân bằng Phật... niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật” (Bát nhã phẩm) [7, 24]. Chẳng ngộ tức Phật là chúng sanh, khi một niệm ngộ chúng sanh - vốn là Phật là một thông điệp mạnh mẽ của Thiền.

Tác giả cũng đề cập đến giới hạn của ngôn ngữ thông thường khi diễn tả Thiền ý: “Cá trung chân hữu ý, Dục ngữ hốt hoàn vương” (Cảnh trông như có ý, Muốn nói, bỗng quên lời – “Du Tiên Sơn tự”). Lục Tổ trả lời Ni sư Vô Tận Tạng: “Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng gì đến văn tự” (Phẩm “Cơ duyên”).

Cuối cùng trong cuộc đời, tác giả quyết định: “Lão khứ cuồng ngôn hưu quái ngã, Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa Thiền” (Già ngông còn lạ chi đâu, Rẽ đường ta cũng đi tu thượng thừa – Phan Võ, Lê Thước, Đào Phương Bình dịch). Tuy nhiên, tác giả ảnh hưởng Thiền đến mức nào thì vẫn khó lý giải. Phải chăng tác giả quan niệm như Đàn kinh: Tâm bình không nhọc giữ giới, Hạnh thẳng không cần tu thiền (Tâm bình hà lao trì giới, Hạnh trực hà dụng tu thiền) (Thích Thanh Từ dịch). Để từ đó, tác giả đã sống với Thiền mà vẫn ung dung trong việc triều chính.

2. Nguyễn Du (1765-1820)

Cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các nho sĩ thế hệ Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Du… đã trở thành thế hệ các nhà nho tài tử. Nguyễn Du trước hết vẫn là nhà nho, nhà thơ Nho.

Đời ông cũng gắn với những tai họa “chiến tranh” cuối triều Lê. Tấm lòng cao cả của ông là tấm lòng thanh cao của cốt cách nhà nho: “Trạm trạm nhất phiến tâm, Minh nguyệt cổ tỉnh thủy” (Vằng vặc bầu tâm sáng, Giếng cổ nguyệt ngời gương – “Đạo ý”, Viễn Phương dịch). Nhưng đặc điểm ở Nguyễn Du còn là nhà nho đã vượt qua quan niệm: “Văn chất bân bân” để yêu mến văn chương.

Trong cuộc đời quan chức, có lần ông đã đồng cảm với Đỗ Phủ: “Mỗi độc nho quan đa ngộ thân, Thiên niên bất khốc Đỗ Lăng nhân” “Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ”. Đó cũng là nguyên nhân tác giả đi sâu vào Phật giáo. Đến thế hệ Nguyễn Du, Phật giáo đã được nhà Nguyễn ủng hộ. Nguyễn Ánh đã nhiều lần lánh nạn trong các chùa ở miền Nam. Khi lên ngôi, ông đã nhiều lần cho thỉnh Đại tạng, xây dựng nhiều ngôi chùa lớn ở kinh đô Huế. (các chùa đó đã có trước khi Nguyễn Du vào Huế và còn đến ngày nay như: Báo Quốc, Thiên Mụ, Ấn Tôn (Từ Đàm), Thuyền Tôn…). Lúc đó, phái Liễu Quán đã phát triển. Nhiều quan chức cuối Lê – đầu Nguyễn như Mạc Thiên Tích, Lê Quí Đôn, Trịnh Hoài Đức… đã giao du với các thiền sư.

Nguyễn Du trong cuộc đời lưu lạc, lúc ở Nghệ Tĩnh (Tiên Điền), cũng đã từng giao du đàm đạo với các cao tăng . Đó cũng là lúc ông viết “Văn tế thập loại chúng sinh”. Vào làm quan ở Huế, ông đã tiếp xúc với không khí văn hóa đậm bản sắc Phật giáo ở kinh đô này. Kiệt tác “Truyện Kiều” có nhiều đoạn mang dấu ấn Phật giáo khá rõ, trong đó đậm đà yếu tố nhân quả và triết lý Thiền. Trong đó Phật giáo như một “bè lau” cứu người tài hoa bạc mệnh. Nguyễn Thạch Giang (Truyện Kiều dưới cái nhìn Nho gia, Thiền gia – Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2006)… đã bàn đến tính chất này.

Ngoài “Truyện Kiều”, ta cũng thấy yếu tố Thiền trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Bài “Đề Nhị Thanh động” mang đậm bản sắc và ngôn ngữ Thiền: “Mãn cảnh giai không hà hữu tướng, Thử tâm thường định bất ly thiền. Đại sư vô ý diệc vô tận, Phủ thán thành trung đa biến thiên” (Khắp cõi đều không đâu sắc tướng, Lòng này thường định, chẳng xa thiền, Đại sư vô ý mà vô tận, Buồn ngắm thành xưa bao biến thiên – Vũ Định Nhân dịch).

Ở bài “Lương Chiêu Minh Thái tử phân kinh thạch đài”, tinh thần thiền học của Nguyễn Du đã đạt đến mức độ sâu sắc: “Nhân liễu thủ tâm, nhân tự độ... Cập đáo phân kinh thạch đài hạ, Tài tri vô tự thị chân kinh” (Nguời ta hiểu được tâm, tức là tự độ rồi… Khi đến dưới đài phân kinh này, Mới biết kinh “Không chữ” mới thật là chân kinh). Tác giả đã đi vào triết lý chân không – diệu hữu của kinh (phẩm “Chánh tín hy hữu”). Yếu tố Thiền làm cho thơ văn của ông càng tăng thêm chiều sâu. Cũng trong bài thơ này ông đã viết: “Ngã độc Kim Cương thiên biến kinh” (Tụng niệm Kinh Kim Cương hơn ngàn vạn lần).

Như vậy ngay cả thời còn ở dưới chân núi Hồng, lúc viết “Văn tế thập loại chúng sinh” ông đã tiếp xúc với “Kim Cang rồi”. Ờ đây ta hấy tác giả đã vượt thoát khái niệm về Nhân, Ngã. Ta và những cái không phải ta, người và những thứ không phải con người.

Tuy nhiên ông đã ngộ nhập tư tưởng Thiền như thế nào vẫn là vấn đề khó giải thích. Trong “Truyện Kiều” cũng như “Độc tiểu Thanh ký” đã vẫn thấy “thời gian sinh mệnh” (Kinh Kim Cương gọi là “thọ giả”- phẩm “Chánh tín hy hữu”) vẫn còn ám ảnh nhà thơ (“Bất tri tam bách dư niên hậu...”). Trong khi đó Kim cương giúp hành giả vượt thoát các khái niệm về Ngã, Nhân, chúng sanh, Thọ giả. (Này Tu Bồ Đề , nếu một vị Bồ Tát mà còn có khái niệm về Ngã, về Nhân, về Chúng sanh, Thọ giả thì vị ấy không phải là một vị Bồ Tát - Kinh Kim Cang- phẩm Năng tịnh nghiệp chướng). Việc trì tụng nhiều lần đã đưa tác giả vào một cảnh giới chân thật?

3. Kết luận

Mạch Thiền trong lịch sử văn học là một đặc điểm lớn của văn học Trung đại Việt nam. Sự độc tôn, biến thể, phân hóa của thơ Nho và sự tồn tại thầm lặng nhưng có khuynh hướng phục hưng của thơ Thiền là hai mạch quan trong trong lịch sử văn học. Nếu bỏ mảng thơ Thiền sẽ là thiếu sót vì có nhiều bài, chính sự cộng hưởng giữa hai phái đã làm nên những tác phẩm giá trị.

Truyền thống của họ là mạch Phật kinh từ “Đại Bát nhã” đến “Kim Cang” đến “Pháp bảo Đàn”. Đó là mạch tư tưởng Phật giáo, tư tưởng Thiền liên tục từ Lý - Trần đến thơ Thiền Lê Nguyễn. Đó là mạch thơ dân tộc Việt, vừa trữ tình vừa chuyển tải đạo lý, chuyển tải những tư tưởng nhân văn mang có giá trị vượt thời gian và vượt qua giới hạn của một dân tộc, một quốc gia để góp vào những giá trị chung của văn hóa. Ta cũng có thể tìm thầy tuyền thống đó trong những thiền sư thời Lê -Nguyển, kể cả Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm...

Ths.NCS. Huỳnh Quán Chi

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thích Thiên Ân (1966), Giá trị triết học tôn giáo trong Truyện Kiều, Nxb Đông Phương, HN.

2. Thạch Trung Giả - “Từ tâm sự qua mọi giai đoạn của cuộc đời đến Thiền trong thơ của Nguyễn Trãi” – Hải Triều âm, số 9-10, tháng 4/1975

3. Nguyễn Thạch Giang (2005), Đoạn trường tân thanh dưới cái nhìn của Nho gia – Thiền gia, Nxb Văn hóa Sài Gòn. Tp. HCM.

4. Nhất Hạnh, Kim Cang – gươm báu chặt đứt phiền não, Nxb Lá Bối.

5. Nguyễn Phạm Hùng (1998), Thơ Thiền Việt Nam những vấn đề về lịch sử và tư tưởng nghệ thuật, Nxb Đại học Quốc gia, HN.

6. Kim Cang và Tâm kinh dịch nghĩa và lược giải (1967) (Thích Thiện Hoa dịch), Hương Đạo xb, SG.

7. Kinh Pháp Bảo Đàn (1997) (Thích Duy Lực dịch), Thành hội Phật giáo Tp. HCM.

8. Nguyễn Trãi toàn tập (1976), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Nhiều tác giả (2000), Đến với thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

10. Trần Ngọc Ninh (2009), Nguyễn Trãi Huyễn – Thực và Sắc – Không, Tc Hồn Việt, số 25.

11. Nguyễn Hữu Sơn (2005), Văn học trung đại Việt Nam quan niệm con người và tiến trình phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

12. Thích Thanh Từ (1999), Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Thiền viện Thường Chiếu.

13. http://vi.wikipedia.org/wiki

14. Hai mạch Nho – Thiền trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Du (http://hoalinhthoai.com/?option=ban_...id=117&lang=vn)

http://www.hoalinhthoai.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage