Cũng vậy, khi ta không biết giữ gìn
sức khỏe mà lao vào những thú chơi vô ích, thức suốt sáng thâu đêm để cờ
bạc, rượu chè, hút chích, đàn điếm mà lãng phí thời gian một cách vô
tích sự. Ai đã lỡ vướng vào vòng này thì thân tàn ma dại, sống thì làm
khổ gia đình người thân, chết thì bị đọa lạc vào ba đường dữ, chịu khổ
báo vô số kiếp không có ngày cùng.
Đến khi trở lại làm người thì thân thể
xấu xí, đen đúa, bệnh tật, cô đơn, không người nuôi dưỡng. Gia đình là
tổ ấm để chúng ta nương tựa, là nền tảng vững chắc nhằm phát triển một
xã hội tốt đẹp.
Một con người tốt, một gia đình đạo
đức, một xóm làng sống có nghĩa tình, biết thương yêu đùm bọc giúp đỡ
lẫn nhau, thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc. Ngược lại, nếu
ta sống không hiếu thuận với ông bà cha mẹ, không biết kính trên nhường
dưới, vợ chồng không biết thông cảm và tha thứ cho nhau, không biết nuôi
dạy con cái làm điều thiện lành tốt đẹp, không biết sống có chừng mực
đạo đức, “muốn ít biết đủ”, thì ta sẽ dễ dàng bị tha hóa, sa đọa, mà bị
dòng đời cuốn trôi.
Một khi con người đã sống thiếu hiểu
biết thì rất nguy hại cho gia đình, xã hội, tình cha nghĩa mẹ không còn,
tình chồng vợ cũng bị phôi phai, chia lìa, con cái cũng bị ảnh hưởng mà
không có chỗ tựa nương. Nói chung, một con người hư hại làm khổ lụy bao
nhiêu người thân và làm xã hội thêm nhiều gánh nặng.
Nhiều người dính vào tệ nạn xã hội dẫn
đến trộm cướp, lường gạt, giết hại lẫn nhau. Có tệ nạn xã hội, có phạm
pháp thì phải có chỗ dung chứa tội nhân, nên cứ thế con người mãi nghèo
nàn, lạc hậu và trình trạng đạo đức, nhân phẩm con người càng bị xuống
cấp trầm trọng. Đó là nỗi đau chung cả nhân loại phải gánh lấy, dần rồi
tình người không còn nữa và con người dễ dàng sống trong vô cảm.
Chính chủ nghĩa tiêu thụ vật chất quá
lừng lẫy làm con người mỗi lúc mỗi xa rời nhau, bởi thời gian ngồi lại
bên nhau tâm tình, sẻ chia không có. Gia đình là nền tảng của xã hội,
vậy mà ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái không có cơ hội để sống yêu
thương, hiểu biết. Xã hội càng nghèo nàn lạc hậu thì con người càng mê
tín, mù mờ, càng sống theo chủ nghĩa tiêu thụ vật chất nên tình người
dần rồi không còn nữa.
Chính vì vậy mà Phật dạy ta phải “muốn
ít biết đủ” để có cơ hội cùng giúp đỡ sẻ chia, mà cùng cảm thông nỗi
đau của người khác. Cái gì cần xài ta mới xài, để có dư chút đỉnh mà mở
rộng tấm lòng, với tinh thần lá lành đùm lá rách. Khi đau yếu, bệnh
hoạn, ta mới thấy sức khỏe là quý. Khi sa cơ, thất thế, ta mới thấy tình
người là quan trọng. Vậy mà đa số con người chỉ biết sống vì tiền bạc,
tài sản, vật chất mà đành lòng giết hại lẫn nhau.
Thế giới này là một vòng lẩn quẫn của
sự hơn thua, phải quấy, tốt xấu, nên hư, thành bại. Ta cứ mãi tranh
giành các thứ vật chất vô tri phù phiếm xa hoa, mà làm mất đi tình nghĩa
của một con người. Vật chất là vô tri, con người là hiểu biết, là tri
giác, con người là nền tảng của gia đình và xã hội. Do đó, ta cần sự yêu
thương bằng trái tim hiểu biết, biết cảm thông và tha thứ, biết khoan
dung và độ lượng, nhưng ta lại mặc tình làm ngơ, dửng dưng, lạnh lùng,
vô cảm.
Cuộc sống này sở dĩ xây dựng mở mang
phát triển cũng chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích con người, ấy thế mà
có mấy ai có được tấm lòng rộng mở vì tha nhân? Phật dạy, “trong bầu vũ
trụ bao la này, từ con người cho đến muôn loài, muôn vật đều phải nương
nhờ lẫn nhau mới bảo tồn mạng sống”.
Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm
ăn, kẻ thiếu phước thì phải cày sâu cuốc bẩm, phơi mình trong nắng mưa
vậy mà đôi khi vẫn bị thiếu ăn. Ta không nuôi tằm, dệt vải, nhưng vẫn có
áo quần và ta cứ như thế mà có đủ các thứ phục vụ nhu cầu cần thiết
trong đời sống hằng ngày.
Sức khỏe của ta và những người thân
yêu nếu để mất đi thì khó tìm lại được. Bạn bè cũng rất quan trọng trong
cuộc sống hằng ngày, nó là nhịp cầu nối kết để cùng nhau chia vui, sớt
khổ. Có gia đình, có bè bạn, có sức khỏe, ta có thể sống vui, sống khỏe
mà cùng nhau gầy dựng sự nghiệp giống nòi nhân loại.
Tinh thần lại càng quan trọng hơn hết,
ta có hiểu biết, ta có nhận thức sáng suốt, nên biết tiếp nhận những
thứ gì cần thiết. Nhờ vậy, ta sống có định tĩnh chừng mực nên khi được
lợi lộc ta không vì nó mà tham đắm, mê mờ. Ngược lại, khi bị mất mát ta
cũng không quá sầu bi, khổ não, do đó ít bị hai thứ được mất, hơn thua
làm tổn hại tinh thần, nhờ ta thường xuyên biết quay lại chính mình mà
thân tâm luôn được an ổn.
Tóm lại, ta muốn thành đạt trong cuộc
sống thì trước tiên phải có ý chí và nghị lực, biết tranh thủ tận dụng
hoàn cảnh sống của mình vì ta có hai bàn tay và khối óc. Như anh ăn mày
cụt tay kia, nếu không được bà già cho một liều thuốc bổ tự lực cánh
sinh, thì chắc có lẽ anh sẽ chịu chết chìm trong cuộc đời bần cùng, đói
rách. Lần đầu tiên rinh gạch một tay gần hai tiếng đồng hồ, anh chắc
phải chịu nhức mỏi, ê ẩm cả người. Nhờ vậy, anh học được cách thức làm
người “sống phải có lòng tự trọng”.
Khi còn nhỏ dại, ta đương nhiên phải
nương nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Nhưng nếu bất hạnh, ta không có
người thân thì sao? Ta vẫn phải chấp nhận một mình đơn độc, tự mình bươn
chải, để làm sao có miếng ăn mà tồn tại với đời.
Cũng như có hai đứa bé một con nhà
giàu, một con nhà nghèo. Đứa con nhà giàu khi bị té ngã sẽ khóc thét
lên, chờ cha mẹ đỡ dậy. Cha mẹ vì thương con nên mọi cái đều đỡ đần chu
đáo khiến đứa trẻ trở nên ỷ lại, cái gì cũng đều trông chờ người khác.
Ngược lại, đứa trẻ con nhà nghèo khi bị té ngã không có ai nâng đỡ, nó
không khóc ré như đứa con nhà giàu, mà tự đứng lên tiếp tục bước đi.
Cũng vậy, ai biết nỗ lực, siêng năng,
tinh cần học hỏi, quyết chí vươn lên sống không ỷ lại nhờ vã người khác,
thì người này nếu đầy đủ phước báu sẽ thành tựu trong nay mai mà vững
vàng đi tới, không chịu khuất phục bởi một áp lực nào.
Người Phật tử chân chính khi đến với
đạo pháp, ban đầu phải nhờ vào tha lực, nhờ sự hướng dẫn của quý Thầy
Cô, đến khi hiểu biết rồi phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, hành trì
theo chánh Pháp. Chính vì vậy, Lục Tổ Huệ Năng nói, “Khi mê thì Thầy độ -
Khi ngộ thì tự độ”.
Nhiều người chỉ hiểu biết suông nên
lúc nào cũng van xin cầu cạnh người khác, cứ nghĩ rằng trời Phật sẽ ban
ơn hay gia hộ cho mình, nên đành chấp nhận cuộc sống như bèo dạt, mây
trôi. Họ chẳng biết suy nghĩ, tìm tòi nghĩa lý sự thật của cuộc đời,
thấy ai làm sao thì mình làm vậy mà không biết đúng sai, phải trái. Tuy
nhiên, sự sống này ta vẫn cần “tha lực”. Khi chưa có hiểu biết hay đủ
khả năng, ta vẫn cần sự trợ giúp của người khác. Khi đã biết rồi thì
chính ta phải tự lực vươn lên.
Chính vì vậy mà Phật thường nói, “ta
chỉ là người Thầy dẫn đường, còn có chịu tu hay không là do ý chí và
nghị lực của mọi người”. Tha lực tuy rất cần thiết cho con người bước
đầu vượt qua khó khăn, thử thách nhưng nếu muốn đạt được thành công viên
mãn thì ta phải tự lực vươn lên bằng chính đôi bàn tay và khối óc của
mình.