Phật Học Online

Dấn thân như… tăng ni

Đại đức Thích Quảng Lâm cho biết thầy đã tự xây dựng một website có tên phathoc.net bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Trung nhằm cung cấp kiến thức Phật giáo cho Phật tử cả nước hoặc những người muốn học hỏi giáo lý nhà Phật.


Dấn thân như… tăng ni
Bên cạnh việc tu tập, nhiều vị tăng ni còn dấn thân theo con đường du học, hoặc tới các nơi xa xôi làm việc thiện giúp đỡ người nghèo, trong đó có những tăng ni tuổi đời còn rất trẻ.


Chư tăng ni suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tiếp tục ở ngôi Pháp chủ. Ảnh: Xuân Phú
Chư tăng ni suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tiếp tục ở ngôi Pháp chủ. Ảnh: Xuân Phú.

Đại hội đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ 7 đã diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21 đến 24 - 11 là dịp hội ngộ nhiều tấm gương tốt đời, đẹp đạo như vậy.

Tăng ni trẻ dấn thân

Kết thúc 4 năm tu học Đài Loan và 1 năm du học tại Mỹ, nhà sư thế hệ 8x Thích Quảng Lâm (chùa Tảo Sách, Hà Nội) trở về Việt Nam với khát vọng được đem những kiến thức đã thu nhận được giúp các tăng ni trẻ trên con đường tu thân.

Đại đức Thích Quảng Lâm cho biết thầy đã tự xây dựng một website có tên phathoc.net bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Trung nhằm cung cấp kiến thức Phật giáo cho Phật tử cả nước hoặc những người muốn học hỏi giáo lý nhà Phật.

Không chỉ những bài giảng đơn thuần, trang web còn có các thông tin thời sự hoạt động Phật giáo cả nước, các thông tin đời sống người trẻ, hoạt động văn hóa, nghệ thuật có liên quan Phật giáo, v.v…

Đại đức Thích Quảng Lâm
Đại đức Thích Quảng Lâm.

Cũng như những người trẻ khác, thầy Lâm có trang cá nhân trên Facebook, nơi thầy giao lưu với bạn bè là các tăng ni trên khắp thế giới nhằm trao đổi kiến thức, tài liệu, mời tham gia các hội thảo, đại hội Phật giáo.

Thầy đã tự xây dựng một website có tên phathoc.net bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Trung nhằm cung cấp kiến thức Phật giáo cho Phật tử cả nước.

Vui với việc nhiều bạn trẻ theo con đường tu học tại gia hiện nay, Đại đức Thích Quảng Lâm cho rằng đó là dấu hiệu tốt lành cho nền Phật giáo Việt Nam, trong bối cảnh còn một bộ phận không nhỏ người dân không có kiến thức đúng đắn về Phật giáo mà tới chùa chỉ nặng về cầu khấn, lễ bái xin phù hộ tiền bạc thay vì tu dưỡng, sửa đổi bản thân để buông bỏ những khát vọng vô cùng về vật chất.

Trong khi Đại đức Thích Quảng Lâm dấn thân theo con đường tu học nước ngoài, Đại đức Thích Giác Nghĩa lại chọn hải đảo xa xôi làm nơi tu tập và làm việc thiện. Chất giọng Huế nhẹ nhàng, cách nói chuyện dí dỏm, Đại đức Thích Giác Nghĩa tạo ra cảm giác trẻ trung, bình dị và ấm áp.

Theo con đường tu hành từ năm 12 tuổi, ông đã có gần 30 năm gắn bó với kinh kệ, giáo lý nhà Phật.

Tuổi đời còn trẻ (ngoài 30), đang trụ trì một ngôi chùa lớn ở thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa, Đại đức Thích Giác Nghĩa đã phát nguyện ra tu hành tại đảo Trường Sa Lớn.

Đại đức Thích Giác Nghĩa
Đại đức Thích Giác Nghĩa.

Ông kể, tâm nguyện này hình thành sau 3 lần ra Trường Sa cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ đã hi sinh để bảo vệ vùng biển Tổ quốc.

Đang trụ trì một ngôi chùa lớn ở thành phố biển Nha Trang, Khánh Hòa, Đại đức Thích Giác Nghĩa đã phát nguyện ra tu hành tại đảo Trường Sa Lớn.

Cùng với ông, còn có 5 huynh đệ phát nguyện ra Trường Sa để hoằng dương Phật pháp dưới sự chỉ đạo của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm và nước uống, giao thông, nhưng Đại đức Giác Nghĩa không cho đó là sự hy sinh mà là việc tiến tu tạo nghiệp và đây là điều kiện rất tốt cho đời sống tu hành.

Hằng tuần, Đại đức Giác Nghĩa đều đi lại thăm nom các gia đình và tổ chức lớp giáo lý nhà Phật cho người dân trên đảo.

Ông đặc biệt quan tâm tới việc khuyến khích các tăng ni trẻ dấn thân vào vùng biên cương, hải đảo, để tu thân, mang đạo pháp giúp đời và làm các việc thiện nguyện.

Tại đại hội lần này, Đại đức đề nghị Giáo hội Phật giáo nên quan tâm giáo dục tăng ni trẻ để chất lượng tăng hơn số lượng, tiếp tục triển khai các phần việc như Thành lập Ban đại diện huyện hội Phật giáo Trường Sa; bổ sung thêm chư Tăng cho một số chùa trên quần đảo; xây dựng thêm cơ sở vật chất...

Mỗi ngày, Đại đức Thích Giác Nghĩa lạy dập đầu trên hòn đá trước bàn thờ Phật 900 lần, đến mức hòn đá bị mòn vẹt và nhẵn thín.

Đó cũng là bí quyết để những hành trình hàng chục ngày đi, về từ quần đảo Trường Sa của ông tới đất liền không hề bị say sóng.

Giới trẻ cần tìm Phật trong tâm

Khác với 2 vị Đại đức Thích Giác Nghĩa và Thích Quảng Lâm phát tâm đi tu, Hòa thượng Thích Như Niệm, trụ trì chùa Pháp Hoa (TPHCM) đã 77 tuổi, được gia đình gửi vào chùa khi còn nhỏ do gia cảnh quá cơ cực.

Hòa thượng Thích Như Niệm
Hòa thượng Thích Như Niệm.

Thấm nỗi khổ của người nghèo, lại được tu học dưới dự chỉ bảo của một sư phụ giỏi cũng hết lòng vì người nghèo, Hòa thượng Thích Như Niệm suốt đời nguyện một lòng lo cho người nghèo.

Hòa thượng đã xây được gần 200 cây cầu trên khắp cả nước, nhiều nhất ở Đồng Tháp, Tiền Giang, những nơi nhiều kênh rạch, cầu khỉ.

Tuổi đã cao nhưng thầy vẫn đi tới nhiều vùng quyên góp xây cầu. Tới nay Hòa thượng đã xây được gần 200 cây cầu trên khắp cả nước, nhiều nhất ở Đồng Tháp, Tiền Giang, những nơi nhiều kênh rạch, cầu khỉ.

Bên lề đại hội, Hòa thượng nhắn nhủ các tăng ni trẻ cố gắng đi đúng khuôn khổ giới luật của nhà Phật và tìm kiếm Phật tận trong tâm, luôn nhắc nhở bản thân để tránh những cám dỗ từ một xã hội hiện đại.

Chia sẻ điều này, Đại đức Thích Quảng Lâm tâm sự, tiếp xúc bạn bè khắp thế giới, thầy nhận thấy việc tu tập trong một xã hội vật chất như hiện nay có nhiều thách thức hơn.

Tại đại hội lần này, Đại đức Thích Quảng Lâm đề xuất nên đào tạo đội ngũ kế thừa vì các giảng sư ở các học viện đang rất thiếu.

Cần có kế hoạch tạo điều kiện cho các tăng ni trẻ có thành tích học tập xuất sắc đi tu học nước ngoài và trở về mang kiến thức của mình giúp xây dựng Phật giáo và đất nước.

Ngày 24 - 11, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần 7 bế mạc. Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ tiếp tục được đề nghị Đại hội suy tôn ngôi Pháp chủ. Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh được tái suy tôn ngôi vị Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Mỹ Hằng
Theo Báo giấy


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage