Phật Học Online

"Giả sư" chiếm cổng chùa

Chiều 11 tháng 2 Ất Mùi, tôi đến Long Hải nhân lễ hội Dinh Cô, lễ hội bãi biển có hàng trăm người tập họp về, cúng kiến có, nhưng vui chơi cũng có.


Đối với tôi, đây là dịp về thăm lại tịnh xá Ngọc Hải, trong không khí vui tươi, rộn ràng còn sót lại của mùa xuân phương Nam. Tịnh xá Ngọc Hải là một chùa ni lớn, lâu đời và nổi tiếng ở vùng đất du lịch Long Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, có đông đảo phật tử.
 
Buổi chiều, chùa đông nghịt người ngoài cửa, trong sân. Thật bất ngờ, đến lúc chạng vạng có khoảng 5-6 người đàn ông mặc áo khất sĩ cạo trọc đầu đứng trước cửa chùa phía hướng ra bờ biển dàn hàng ngang trên một cự ly khoảng 1/3 mặt tiền chùa để xin tiền. Họ cầm bình bát, chắp tay nghiêm trang như đi khất thực thật sự. Chỉ có điều lúc đó là 19 giờ tối.

Thời điểm khất thực vào đêm cho thấy họ rõ ràng là đóng giả sư. Hơn nữa, tịnh xá Ngọc Hải là chùa ni. Việc làm của họ vừa oái oăm, vừa lố bịch. "giả sư" đàn ông chiếm lĩnh cửa chùa ni khất thực trong đêm tối.

Đông đảo "giả sư" chiếm lĩnh cửa chùa ngay giữa thời điểm lễ hội để lừa đảo. Chuyện quả là đáng quan tâm. Đến lúc chúng tôi rời chùa khoảng 1 giờ sau đó, nhóm sư giả vẫn tiếp tục đứng trước cửa chùa thu tiền.

Ở đây, có 2 vấn đề: Một là, tại sao nhà chùa không đuổi? Biết rằng "giả sư" đều là thành phần du đãng, bất hảo, đuổi họ là cả vấn đề nguy hiểm lớn. Nhưng nếu quý sư cô không trực tiếp đuổi, thì còn có công an, bảo vệ, dân quân… Chớ chi để mặt tiền chùa ngay lúc cao điểm đêm trước lễ hội dưới mắt đông đảo khách hành hương bị chiếm giữ, không còn thể thống gì nữa.

Giả sư mà còn ngang nhiên chiếm cửa chùa, thì còn giới hạn nào họ không thể vượt qua? Sự bất lực của Giáo hội Phật giáo, của nhà chùa trong việc dẹp tệ nạn bộc lộ rất rõ ràng.

Trước mắt đông đảo khách thập phương tham dự lễ hội, có vẻ như nhà chùa đang thực hiện nghi lễ trước cửa (tịnh xá khất sĩ với giả sư mặc y khất sĩ dàn hàng ngang trước cửa chùa).

Hai là, phật tử vẫn kính cẩn đặt tiền vào… bình bát sư giả, dù đã chiều tối. Chính vì phật tử cúng tiền vào bình bát nên cuộc khất thực giả cứ kéo dài.

Việc cúng tiền cho sư giả lúc chiều tối của một số lượng không nhỏ phật tử cho thấy trình độ giáo lý cơ bản của một bộ phận phật tử rất thấp. Chuyện làm sai trái với giáo lý nhà Phật rõ ràng nhưng vẫn được ủng hộ, còn có phần mạnh mẽ.

Trong bóng tối đêm xuống, chúng tôi không ước lượng được số tiền nhóm giả sư này thu vào, nhưng số lượt cho không phải ít.

Như vậy, vấn đề giả sư không chỉ nằm ở phía "sư giả", mà còn ở chính phía Giáo hội, chính quyền và cả ở phật tử.

Nhà chùa, phật tử đối với giả sư như thế, thì làm sao mà dẹp "giả sư" với "sư giả"?

Minh Thạnh


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage