Phật Học Online

Tứ vô úy theo quan điểm của Thành Thật Luận
NCS. Liên Thảo

Trong Kinh Văn Thù quyển hạ có chép: Ngài Văn Thù thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn thì đệ tử của Ngài phân hóa bộ phái như thế nào? Bộ phái căn bản là gì?” Đức Thế Tôn dạy: “Văn Thù, sau này đệ tử của Như Lai có 20 bộ phái, sự kiện này giúp cho sự tồn tại của pháp. Tất cả 20 bộ phái cùng được 4 đạo quả, 3 tạng của họ bình đẳng, không ai hơn kém, như nước biển cả toàn một mùi vị, như người có 20 đứa con.”

“Lúc mê: Có Phật, có pháp. Lúc ngộ, không Phật, không pháp. Vì ngộ chính là Phật pháp vậy”

Trong Kinh Văn Thù quyển hạ có chép: Ngài Văn Thù thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, sau khi Đức Thế Tôn nhập Niết bàn thì đệ tử của Ngài phân hóa bộ phái như thế nào? Bộ phái căn bản là gì?” Đức Thế Tôn dạy: “Văn Thù, sau này đệ tử của Như Lai có 20 bộ phái, sự kiện này giúp cho sự tồn tại của pháp. Tất cả 20 bộ phái cùng được 4 đạo quả, 3 tạng của họ bình đẳng, không ai hơn kém, như nước biển cả toàn một mùi vị, như người có 20 đứa con.”

Đúng thật như thế, dù các bộ phái phân chia trong Phật giáo, nhưng mỗi bộ phái đều có một quan điểm riêng, căn bản vẫn là tìm sự hoàn thiện cho nhân loại, sự giải thoát đúng chánh pháp mà Phật đã dạy.

Ngài Ma-hê-bạc-ma là học trò của Nhất Thiết Hữu Bộ. Sau khi Phật nhập Niết bàn khoảng 900 năm, học xong Ngài nhận thấy Nhất Thiết Hữu Bộ không phát triển thêm được, Ngài muốn hoàn thiện hơn nên lập tư tưởng A-tỳ-đàm luận thư. Thành Thật Luận là một trong những bộ luận được Ngài tạo ra trong giai đoạn này.
Nội dung bộ luận bao hàm rất nhiều vấn đề như: Luận về Phật thân, vô ngã, thọ báo nghiệp… Tuy nhiên, ở đây Tứ vô úy là một tinh thần tự tại, vô ngại mà trường hợp nào trong quá trình tu tập và hành đạo cũng đều cần đến. Từ đặc tính Tứ vô úy đủ để thấy được tấm gương sáng của Đấng Cha lành, một hình ảnh tuyệt vời có một không hai trong lịch sử loài người, là Đấng Trượng phu cao tột, Đức Phật rất tự tại, luôn xuất hiện với chúng sanh bằng nụ cười hiền từ. “Như Lai đã thoát khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh trời hay cảnh người. Các con cũng vậy, hỡi các Tỳ khưu, đã vượt ra khỏi mọi thằng thúc” (Mahàvagga I.10).

Dù các bộ phái phân chia trong Phật giáo, nhưng mỗi bộ phái đều có một quan điểm riêng, căn bản vẫn là tìm sự hoàn thiện cho nhân loại, sự giải thoát đúng chánh pháp mà Phật đã dạy.

TIN PHẬT BẬC CÓ ĐỦ TỨ VÔ ÚY 

Đức Phật là một con người có nhân cách đặc biệt siêu phàm, có một không hai trong lịch sử của nhân loại. Một nhà văn hào châu Âu nhận định: “Không có nơi nào trong thế giới tôn giáo, sùng bái và tín ngưỡng mà chúng ta có thể tìm thấy một vị Giáo chủ chói sáng như thế! Trong hàng loạt các vì sao, Ngài là vì Tinh tú khổng lồ, vĩ đại nhất. Một số các khoa học gia, triết gia, các nhà văn hóa đã tuyên bố về Ngài “Con người vĩ đại nhất chưa từng có”. Ánh hào quang của vị Thầy vĩ đại này soi sáng cái thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn Hải Đăng hướng dẫn và soi sáng nhân loại” (Phật giáo dưới mắt các nhà trí thức) [1].

Hiểu chữ Phật là do chữ Phạn Bouddha phiên âm ra. Hán dịch là Giác giả, nghĩa là bậc Giác ngộ sáng suốt hoàn toàn về ba phương diện: Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn [2]. Vậy tin Phật là tin thế nào? Như trong Luận Đại Thừa Khởi Tín có nói: “Tin Phật là Bậc có vô lượng công đức, thường niệm (nghĩ, nhớ), gần gũi, cúng dường, cung kính, để phát khởi căn lành, mong cầu Nhất thiết trí” [3].

Chúng ta tin ở Phật là bậc Chân trí, đối trước Ngài, ta quyết định sanh tâm thanh tịnh, vì trí Phật đối với chúng sanh là cao cả. Ngài là người duy nhất có đủ khả năng để chỉ đường cho ta tìm về giải thoát mà thôi. Không tu theo Phật mà muốn được như Phật thì chẳng khác nào cát mà muốn nấu thành cơm, dầu nấu đến trăm ngàn kiếp cũng không khi nào nấu cho chín được.

Khi chưa ngộ, chúng ta phải có điểm trụ một cách đáng tin cậy, đó là gương sáng của Như Lai. Đồng thời, cũng nên biết rằng: Trong chúng ta, ai cũng có khả năng thành Phật. Có câu: “Lúc mê: Có Phật, có pháp. Lúc ngộ: Không Phật, không pháp. Vì ngộ chính là Phật, pháp vậy” [4]. Chúng ta nên xác nhận một cách trung thực rằng: Sự chứng ngộ chúng ta chưa có, mà chỉ biết qua lý thuyết của Kinh điển… mà thôi, thế lấy cớ gì chúng ta không tin có Phật?

Như trong Thành Thật Luận có nói; Đức Phật gọi là bậc Người tự nhiên, đem Nhất thiết chủng trí biết tất cả tự tướng của các pháp sai khác; lìa tất cả điều chẳng lành; nhóm tất cả điều lành, thường cầu lợi ích cho tất cả chúng sanh, nên gọi là Phật [5].

Thấy được Phật là bậc Tối thắng biết khắp, thân vô ngại tự tại, tức tự tại dung thông không chướng ngại, như các ánh sáng hòa cùng nhau trên một không gian rộng lớn, mà không hề trở ngại gì cả. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói: Do thân nghiệp của Phật hoàn toàn thanh tịnh, nên thân ấy có vô lượng tướng, tướng ấy có vô lượng tướng tốt, căn căn viên dung, khắp giáp tự tại, mười thân rõ khắp, không hoại, không tạp lẫn [6].

Đức Phật của chúng ta có đầy đủ mười danh hiệu [7], tám tướng thành đạo [8], mười vấn đề tự tại [9], tam minh, lục thông và thành tựu ngũ phần pháp thân [10], Tứ vô sở úy,…tin như thật như thế. Đồng thời, cũng tin rằng: Mình với Phật không có hai thể, chỉ do vô minh che lấp mà có thân chúng sanh, thân Phật phân biệt như thế thôi. Phải tin rằng: Mình có đủ khả năng thể nhập lại với tâm thường hằng thanh tịnh bằng những phương tiện mà Phật dạy qua Kinh điển. Bởi Phật là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.

TÌM HIỂU VỀ KHÁI NIỆM TỨ VÔ ÚY 

Tứ vô úy còn gọi là Tứ vô sở úy, là bốn sự tự tin; không sợ hãi và dũng mãnh, an ổn của chư Phật, chư Bồ tát khi thuyết pháp.

Tứ vô sở úy bao gồm:

1. Chư Pháp hiện đẳng giác vô úy. Nhất thiết trí vô sở úy, Chánh đẳng giác vô úy, đối với các pháp đều giác biết, trụ trong chánh kiến không khuất phục điều gì. Có sự tự tin, không sợ hãi. Chánh đẳng giác vô úy, lấy tập trí làm tánh, đồng thể với xứ vô xứ trí lực trong thập lực.

2. Nhất thiết lậu tận trí vô sở úy, còn gọi là Lậu vĩnh tận vô sở úy, tức là đoạn tận phiền não, nên không có sự sợ hãi đối với tất cả sự chướng ngại bên ngoài.

3. Khi gặp các chướng ngại và hành pháp bất thối chuyển quyết định thành tựu, còn gọi là Thuyết pháp không chướng đạo vô úy. Nói rộng pháp tu hành về sự chướng ngại, đồng thời không sợ hãi đối với bất cứ một sự trở ngại nào.

4. Chứng nhứt thiết trí, xuất đạo như tánh thanh tịnh vô sở úy, còn gọi là Thuyết xuất đạo vô sở úy, Thuyết tận khổ đạo vô sở úy, xuất khổ đạo vô sở úy, xuất khổ đạo vô sở úy thuyết giảng đạo xuất thế, không hề sợ hãi điều gì.

Đức Phật từng nói với ngài Ca-diếp: “Này Ca-diếp, được nói là Sư tử, là chỉ cho Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác. Như Lai, khi ở giữa đại chúng tuyên bố chánh pháp một cách rộng rãi, tự tại, vô úy. Do đó được gọi là Sư tử. Thế nào, Ca-diếp, Như Lai khi rống tiếng Sư tử, lúc ấy không dũng mãnh sao? Chớ nghĩ như vậy. Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống Sư tử một cách dũng mãnh. Ca-diếp, ngươi bảo rằng Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống Sư tử một cách dũng mãnh, nhưng không thể thuyết pháp chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Như Lai ở giữa đại chúng cất tiếng rống Sư tử một cách dũng mãnh và thuyết pháp một cách thiện xảo” [11].

Như Lai ở giữa đại chúng dũng cảm, Vô úy mà cất tiếng rống sư tử, thuyết pháp một cách thiện xảo, những người đến hội thảy nhất tâm lắng nghe và hoan hỷ tín thọ, đồng thời thi thiết cúng dường. Họ cũng có thể sau đó cạo bỏ râu tóc, bận ba pháp y, xuất gia tu đạo, đạt cứu cánh phạm hạnh, đến chỗ an ổn, vô dư Niết bàn.

Vô úy chính là sự tự tại, dũng cảm, tự tin… biện tài vô ngại trước bất kỳ hoàn cảnh nào để thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh bình an, hoan hỷ, cúng dường, đồng thời có thể xuất gia tu tập hạnh giải thoát vậy. Đức Thế Tôn từ nhiều kiếp lâu xa đến nay tâm luôn hằng rộng lớn, các Ngài đã chứng đắc Nhứt thiết trí thì không làm sao khiếp nhược được. Nếu nói về kinh thơ, nghị luận… khéo dùng lời lẽ vô ngại biện tài, thiện xảo khéo léo, trí huệ vô lượng không ai có thể vượt qua Ngài. Nếu chọn về bốn điều Luật pháp là:

1. Trụ – Chánh – Báo
2. Thọ nhân và Phi nhân
3. Năng thọ thí dụ
4. Trụ trong luật pháp” [12].

Như trong Luận Đại Thừa Khởi Tín có nói: “Tin Phật là Bậc có vô lượng công đức, thường niệm (nghĩ, nhớ), gần gũi, cúng dường, cung kính, để phát khởi căn lành, mong cầu Nhất thiết trí”.

Bốn điều trên Đức Như Lai không thể không có, chính vì vậy, dù là thiên nhơn tài giỏi đến mức nào, không ai có thể thắng được Ngài. Đức Phật nói có hai nghĩa đế: Đế thế và đệ nhất nghĩa. Đối với đệ nhất nghĩa đế thì người trí không thể thắng Phật, còn đối với kẻ tà đạo, phàm phu, vô trí thì Phật không cần đối đáp với họ. Phật không hề cùng người đời tranh cãi nên họ chẳng thể phá hoại được.

Thắng thế của Đức Phật là trong quá trình thuyết pháp hoặc gặp các nhà ngụy biện ngoại đạo, họ đa phần dựa vào luận thư mà bàn cãi. Nhưng Phật thì không như thế, Ngài sử dụng Chân Thật Luận, vì vậy không ai có khả năng phá hoại được Phật.

Về mặt Trí đức và Đoạn đức như đã nói trên, thì Phật đã chứng được Vô úy. Hơn thế, Ngài còn điều Vô úy nữa là nói pháp chướng đạo và nói đạo hết khổ, đấy là Trí đoạn cũng gọi là Nhất thiết trí vô úy. Pháp chướng đạo ở đây Phật nói chẳng hạn như Dục là chướng đạo, mà có người không chấp nhận như thế, đó là hạng người thiểu trí. Nhưng nếu hành giả tu tập mà không đoạn trừ được các pháp chướng đạo này thì không lấy đâu ra sự hạnh phúc, an vui chân thật.

TRƯỜNG HỢP SỬ DỤNG TỨ VÔ ÚY 

Tứ vô úy chính là hành trang, là áo giáp giúp cho Đức Phật cũng như những hành giả đứng vững trên mọi lĩnh vực, mọi hoàn cảnh để thuyết pháp lợi sanh. Ngài tùy cơ mà giáo hóa chúng sanh không quản ngại cho dù đó là những chúng sanh “cứng đầu” của ngoại đạo tà giáo cũng không lấy làm khó. Chỉ cần đủ duyên thì đều có thể làm được.

Trong Kinh Duy Ma, Bồ tát hành theo con đường của Phật chính là sử dụng Tứ vô úy để làm thông suốt đường đi của Phật. Làm thông suốt như thế nào? Theo những đường không phải nên đi thì gọi là thông suốt đường đi của Phật, tức là làm năm tội vô gián mà lại không quấy phá tức giận. Đến địa ngục mà lại không có dơ bẩn của tội ác, đến súc sanh mà lại không có ngu muội; đến Tu la mà lại không có kiêu ngạo; đến Ngạ quỉ mà lại hoàn thiện công đức. Đi theo đường đi cõi Sắc và Vô Sắc mà lại không cho là siêu việt. Thị hiện tham dục mà lại xa rời nhiễm trước. Thị hiện sân hận mà lại không tức giận chúng sanh. Thị hiện ngu si mà lại thuần hóa tâm tính bằng trí tuệ. Thị hiện tham lẫn mà lại xả bỏ của trong, của ngoài, tính mạng cũng không tiếc. Thị hiện phạm giới mà lại đứng yên trong tịnh giới, đến nỗi lỗi nhỏ cũng sợ lớn. Thị hiện giận dữ mà lại thường từ bi, ẩn nhẫn. Thị hiện biếng nhác mà lại nỗ lực tu tập công đức. Thị hiện loạn động mà lại thường xuyên chánh niệm, chánh định. Thị hiện ngu si mà lại thông suốt trí tuệ thế gian xuất thế. Thị hiện dua nịnh, dối trá mà lại khéo léo phương tiện, tùy theo ý nghĩa trong kinh. Thị hiện kiêu ngạo mà lại đối với chúng sanh thì in như cầu đường. Thị hiện phiền não mà lại tâm thường thanh tịnh. Thị hiện ma quân mà lại thuận với trí tuệ của Phật, không theo sự chỉ dạy của người khác. Thị hiện thanh văn mà lại nói cho chúng sanh những pháp chưa nghe. Thị hiện
duyên giác mà lại thành tựu đại bi, giáo hóa chúng sanh. Thị hiện bần cùng mà lại có bàn tay ngọc, công đức vô tận. Thị hiện thân hình tồi tàn mà lại đủ các tướng hảo để tự trang nghiêm. Thị hiện thấp hèn mà lại sanh trong dòng dõi của Phật, đủ mọi công đức. Thị hiện ốm yếu, xấu xí mà lại được thân Na la diên, chúng sanh ai cũng thích nhìn. Thị hiện già bệnh mà lại vĩnh viễn chặt đứt gốc rễ bệnh tật, vượt khỏi sự sợ hãi về sự chết. Thị hiện có tài sản mà lại thường xét vô thường, thật sự không ham gì cả. Thị hiện có vợ, có thiếp, có thể nữ, mà lại thường rời xa bùn lầy năm dục. Thị hiện đần độn mà lại thành tựu hùng biện, nhớ hết không quên. Thị hiện sự cứu vớt theo tà pháp mà lại cứu vớt chúng sanh bằng chánh pháp. Thị hiện nhập vào sanh tử mà lại cắt đứt nhân tố sanh tử. Thị hiện nhập vào Niết bàn mà lại không cắt đứt sanh tử.

Đó là những thị hiện của chư Phật, chư Bồ tát tự tại vô ngại, ứng hóa khắp để phổ độ chúng sanh mà không hề dính mắc, như hoa sen mọc giữa bùn nhơ vậy.

HỌC VÀ HÀNH TỨ VÔ ÚY 

Nền tảng để hành giả học được Tứ vô úy

Hành giả muốn tu để đạt được Tứ vô úy, hẳn nhiên đòi hỏi chúng ta phải thực hiện những gì Phật làm để được có đủ công đức như chư Phật. Phật có công đức này thì hàng Thánh và phàm phu cũng đều có được. Có ba thứ chung với hàng Thánh, Thanh văn mà ai thực hành các hạnh sau đều có thể thành tựu:

Hạnh vô tránh: Lấy tục trí làm thể. Đây là hạnh khiến kẻ khác không vì duyên với thân mình mà sinh lòng tham giận… Hàng Thánh vô học quán thấy chúng sanh bị khổ là do phiền não, rồi tự nhìn lại thân ta đã ở hàng phước điền tối thắng, thế mà nếu có kẻ khác duyên vào thân ta sanh phiền não, tham, giận… thì đó là điều thật đáng đau xót. Nhờ suy nghĩ như vậy phát sinh trí tuệ, duyên vô tránh. Khi trí này phát sinh thì khiến cho kẻ khác không còn duyên nơi thân mình sinh ra tham, giận nữa.

Nguyện trí: Trước có nguyện sau mới dẫn sinh ra diệu trí. Khi vị Bất động A-la-hán muốn phát khởi nguyện trí này, thì trước phát lòng thành khẩn mong muốn biết đến cảnh giới cần biết, rồi tiếp tục cố gắng thuận, nghịch ra vào bốn Thiền, bốn Vô Sắc, định nhờ đó dẫn sanh Thánh trí đúng như sở nguyện, đối với cảnh giới cần biết, thì biết được rõ ràng, đúng như thật.
Bốn vô ngại giải: Pháp vô ngại giải, hiểu một cách quyết đoán, về ngôn giáo năng thuyên; Nghĩa vô ngại giải, hiểu một cách quyết đoán về nghĩa lý sở thuyên; Từ vô ngại giải, hiểu một cách quyết đoán về các loại ngôn từ, cú pháp; Biện vô ngại giải, hiểu một cách quyết đoán những ngôn thuyết phù hợp chánh lý, định tuệ khởi lên ngôn thuyết đó. Bốn vô ngại giải cũng lấy trí làm thể.

Ba công đức trên trong hàng Thanh văn cũng có, nhưng không rốt ráo thanh tịnh bằng Phật. Những công đức mà hàng phàm phu cùng có được như Phật là: Sáu Thông, bốn Tịnh lự, bốn Vô sắc, tám Đẳng chí, ba Tam ma địa, bốn Vô lượng tâm, tám Giải thoát, tám Thắng xứ, mười Biến xứ…

Tóm lại, nguyên nhân của giác ngộ không ngoài những trí có khả năng thành tựu và những công đức được thành tựu từ trí. Như vậy, trí tuệ đối với kết quả giác ngộ thật là chính yếu. Trí tuệ do từ sức gia hạnh hữu lậu dần dần phát đạt cho đến tận trí vô sinh trí, bèn chứng được các Thánh vị trong bốn hướng, bốn quả, cho nên nói trí tuệ là nguyên nhân gần của Thánh vị giác ngộ.

Tứ vô úy là cung bậc duy nhất để hành giả đứng ở quả vị giác ngộ

Từ ngàn xưa, các Đức Phật dù quá khứ hay hiện tại đều là những bậc chứng đắc Tứ vô úy. Chư Phật tự tại phóng đại quang minh trùm khắp muôn ngàn thế giới độ tận tất cả chúng sanh. Giá như có một hành giả nào tu hành muốn thành chánh giác mà đối trước các duyên đều sanh lòng sợ hãi, không thể thuyết pháp, không thể vấn đáp Phật pháp với mọi người, như thế có thể thành tựu công đức Phật chăng? Không thể được. Vì sao? Bởi trong quá trình tu tập, chắc chắn sẽ có rất nhiều người đến vấn nạn, nhất là các nhà ngoại đạo. Chính vì vậy, hành giả không thể không nắm chắc Phật pháp và lại càng không thể rụt rè trước họ, Phật pháp phải được hoằng truyền cho tất cả chúng sanh, tiếp nối mạng mạch cho hậu thế… cho nên nói: “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” là vậy.

Chúng ta tu tập, nếu không tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, không tạo thiện nghiệp, không bỏ ác nghiệp, sám hối lỗi lầm xưa sao có thể gọi là tu được? Tu còn không được huống là thành tựu chánh giác, thật là xa vời. Nhưng nếu thực hành các thiện pháp, thực hiện Ba-la-mật trên mọi nẻo, thì hành giả đó đang tu tập để đạt Tứ vô úy vậy.

“Vị A-la-hán,tính khí an nhiên
Như đám đất lớn, không còn cuồng nộ
Như cột trụ to, không còn lay động
Như hồ nước sạch, không còn bùn dơ
Không còn luân hồi, là chính các vị” [13].

Được quả vị giác ngộ tức là bậc A-la-hán tối thắng, tự tại vô ngại dẹp bỏ tam độc: Tham, sân, si. Vững chãi, thảnh thơi, vô cùng thanh tịnh. Đó chính là Tứ vô úy đã thành tựu, tức đây là Đấng Đại giác. Vậy nên nói, Tứ vô úy là cung bậc duy nhất để hành giả đứng ở quả vị giác ngộ.

“Mặt trời chiếu sáng ban ngày. Mặt trăng rạng tỏ ban đêm
Nhung giáp và gươm đao, chói sáng nhà vua khi lâm trận
Lúc thiền định, hào quang chư Phạm Thiên chiếu sáng.
Nhưng ngày như đêm, Đức Phật rực rỡ, sáng lòa trong vinh hạnh”.
(Pháp Cú Kinh)

Có thể nói, Đức Như Lai là Đấng Đại giác, là bông hoa đẹp nhất, tỏa ngát hương thơm trong vườn hoa nhân, thiên. Hương thơm ấy tỏa khắp ba cõi, sáu đường, nơi nào có bước chân Ngài đến thì giáo pháp ngân vang trong tiếng Sư tử chúa, thậm thâm nhiệm mầu giải thoát. Dù là kẻ ác hay người thiện, không ai Ngài không độ. Sau khi ánh đạo vàng bừng tỏa, Ngài vận dụng sức Từ đi khắp nơi thuyết pháp, độ sanh với tinh thần Vô úy tự tại, Ngài chỉ rõ cho chúng sanh hướng đi đến giải thoát, nơi nào là đường dữ, Ngài dạy ta đừng đến, chỉ rõ pháp ngăn Đạo mà hướng đến Niết bàn.

Đức Thế Tôn đã chứng được Nhất thiết trí, Nhất thiết lậu tận, Năng nói chướng Đạo và Đạo hết khổ, đó là bốn Pháp để Ngài có đủ năng lực vô ngại tự tại, không sợ hãi bất cứ thứ gì. Đấy là hành trang để cho bất kỳ ai có khả năng tu hành và làm lợi ích chúng sanh. Chính vì thế, hàng hậu học chúng ta tuy là xuất gia nhưng gặp thời quá xa Đức Phật, kẻ thế trí biện thông thì quá nhiều, tham, sân, si thì chưa dẹp hết, giặc phiền não ngày đêm đe dọa, chuyện vô thường không tránh được ngày mai. Nếu chúng ta không tin, mà học hạnh Ngài, âu cũng khó đến bờ giải thoát.

Pháp Vô úy mà Ngài đạt được, chúng ta nên thực tập từ nội tâm đến hình thức, mong sao giáo nghĩa vô biên, thậm thâm vi diệu ấy thấm sâu vào tâm thức, giúp chúng con thực hành không lệch lạc. Đường về chánh giác còn xa, mà nghiệp lực quá ư dày đặc, tự lực khó thành, phải nương nhờ sức Tam bảo hộ trì. Hạnh Đại thừa nguyện theo Như Lai học tập những mong đạt Tứ vô úy, đem lợi lạc đến cho nhân loại đang chìm đắm trong sanh tử luân hồi khổ đau.

NCS. Liên Thảo

 

Chú thích:

* Liên Thảo: Nghiên cứu sinh.

[1] Thích Viên Giác (2000), Sự Vĩ Đại Của Đức Phật, Trang Nhà Đạo Phật Ngày Nay.
[2] Thích Thiện Hoa (2007), Phật Học Phổ Thông (quyển I), Nxb Tôn giáo, tr.58.
[3] Bồ tát Mã Minh – Thích Thanh Từ (2004), Luận Đại Thừa Khởi Tín giảng giải, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.285.
[4] Thích trí Tịnh (1973), Bồ Đề Đạt Ma Ngộ Tánh Luận, chùa Vạn Đức Thủ Đức ấn tống, tr.32.
[5] Thích Trí Nghiêm (dịch) (1970), Thành Thật Luận, Tỳ kheo Thích Đăng Quang ấn tống, tr.4.
[6] Kinh Hoa Nghiêm.
[7] Mười danh hiệu là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
[8] Tám tướng thành đạo là: Giáng sinh, thọ thai, trụ thai, đản sanh, xuất gia, thành đạo.
[9] Mười vấn đề tự tại: Thọ, tâm, chúng cụ, nghiệp, sinh, thắng giải, nguyện, thần lực, trí, pháp.
[10] Ngũ phần pháp thân là: Giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến.
[11] Kinh 25.Trường A Hàm, Lõa Hình Phạm Chí.
[12] Thích Trí Nghiêm (dịch) (1970), Sđd, tr.11.
[13] Thích Trí Quang (2001), Trích Pháp Cú Nam Tông, Nxb Tôn giáo, tr.461.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage