Phật Học Online

(TT. Thích Phước Đạt)
Đạo đức và Tri thức thời hội nhập 4.0

Thành tựu của nền kỹ nghệ trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu khiến cho vấn đề đầu tư trí tuệ trở thành vấn đề cấp thiết của mỗi người, nếu muốn hòa nhập vào dòng chảy văn minh nhân loại. Đây chính là con đường thăng tiến nội tâm và khai mở trí tuệ mà đại chúng phải tiếp cận lẫn nỗ lực để an trú trong hạnh phúc và thiện lạc giữa bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại 4.0.

Thành tựu của nền kỹ nghệ trong thời đại bùng nổ thông tin toàn cầu khiến cho vấn đề đầu tư trí tuệ trở thành vấn đề cấp thiết của mỗi người, nếu muốn hòa nhập vào dòng chảy văn minh nhân loại. Đây chính là con đường thăng tiến nội tâm và khai mở trí tuệ mà đại chúng phải tiếp cận lẫn nỗ lực để an trú trong hạnh phúc và thiện lạc giữa bối cảnh hội nhập toàn cầu của thời đại 4.0.

Mạng Internet, công nghiệp kỹ thuật số thúc đẩy kinh tế tri thức, làm cho làng địa cầu thu nhỏ lại, nhân loại xích lại gần nhau, hiểu biết nhau hơn. Nguồn tinh hoa tri thức và thông tin không biên giới trở thành cơ sở động lực để mỗi con người tự thân hoàn thiện trên các lĩnh vực phát triển mới của đời sống. Chính Peter Druker (19/11/1909 -11/11/2005), nhà quản lý kinh tế Mỹ cũng thừa nhận vai trò tất yếu của nền kinh tế hiện đại là sự sản xuất và phân phối “tri thức và thông tin” chứ không phải là sự “sản xuất và phân phối” vật chất.

Tri thức là nguồn động lực của sự tăng trưởng kinh tế, những cống hiến của tri thức và kỹ thuật đóng góp ngày càng lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế. Đầu tư trí tuệ (tri thức khai phóng và nhân cách hoàn thiện) đã trở thành vai trò quyết định cho con đường thăng tiến dẫn đến một đời sống thăng hoa vật chất lẫn tinh thần của mỗi cá thể.

Trong khi đó, tôn chỉ của đạo Phật là “duy tuệ thị nghiệp” lấy trí tuệ làm sự nghiệp để giải thoát khổ đau, xây dựng thế giới hạnh phúc thật sự đã được xác lập cách đây 2.500 năm. Đây chính là tiến trình tu tập trí tuệ hay còn gọi là con đường thăng chứng của mỗi cá nhân theo đạo Phật cần phải tuệ tri để chứng đạt chân lý, thành tựu chánh trí, thể nhập Niết-bàn an lạc.

Thế hệ trẻ hôm nay là những người có cơ hội tiếp cận làm chủ thời đại 4.0 hơn bao giờ hết, để xây dựng và phát triển đất nước. Ngay cả khi cả cộng đồng thế giới đang đối diện nạn dịch Covid-19, nhưng chúng ta vẫn duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế, chính trị văn hóa giáo dục, đạo đức của một đất nước Việt Nam độc lập tự chủ. Không những thế, Việt Nam còn đóng góp sức mình vào công cuộc phòng chống dịch toàn cầu, được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Sỡ dĩ có thành tựu như vậy, Nhà nước Việt Nam đã chủ trương đầu tư trí tuệ trên mọi nguồn lực, mọi lĩnh vực để thực thi thông điệp xây dựng quốc gia giàu nạnh, văn minh, công bằng và dân chủ. Thiết nghĩ, sự đầu tư trí tuệ này thành công phải được đặt trên nền tảng xây dựng một nền đạo đức nhân cách hoàn thiện và tri thức khai phóng. Thiếu một trong hai mặt này thì sẽ dẫn đến sự khủng hoảng đạo đức, khủng hoảng môi sinh, khủng hoảng đói nghèo, bất ổn trật tự xã hội và những sự bất cập, hệ lụy sẽ xảy ra trong một đời sống vốn biến động và đầy mâu thuẫn mà ai cũng dễ dàng nhận thấy.

Việt Nam là quốc gia có 100 triệu dân, đây là nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Việt Nam cũng là quốc gia có đa số người dân tin yêu đạo Phật. Theo triết lý duyên khởi, không ai có thể sống một mình mà tồn tại, không một ai không tùy duyên, tùy hoàn cảnh mà không nương tựa lẫn nhau để đối diện, để vượt qua mà phát triển. Con người và vạn vật vốn là một chuỗi duyên sinh duyên khởi trong dòng chảy sự sống bất tận.

Nền tảng đạo đức Phật giáo mỗi khi được vận hành cùng với tri thức khai phóng sẽ góp phần làm cho mỗi con người cá nhân thăng tiến, xã hội phát triển, quốc gia hưng thịnh, nhân loại chung sống hòa bình.

Đạo đức Phật giáo được thiết lập trên nền tảng việc thực hành những lời Phật dạy ghi trong kinh điển. Nền đạo đức đó được cụ thể hóa cho mỗi cá nhân thực thi qua những giới điều cụ thể mà mình thọ lãnh như là những nguyên tắc chuẩn mực thiết lập đời sống thăng tiến đạo đức và cội rễ để phát triển trí tuệ.

Tùy theo cấp độ phát nguyện tu trì mà lãnh thọ 5 giới, 10 giới cho hàng tại gia, 250 cho hàng Tỳ- kheo và 348 cho hàng Tỳ-kheo Ni. Tất cả các hình thức giữ giới, suy cho cùng là sự thực thi cốt lõi từ 5 giới căn bản: Không sát sinh là để nhằm tôn trọng sự sống và nuôi dưỡng tâm từ bi; Không lấy của không cho là nhằm đối trị tâm tham lam, bỏn sẻn và mời gọi sự bố thí, sẻ chia; Không tà hạnh nhằm bảo vệ hạnh phúc lứa đôi và sự bình yên gia đình và trật tự xã hội; Không nói dối là nhằm tôn trọng sự thật, không dẫn đến sự mâu thuẫn đối kháng; Không dùng các chất say là nhằm ổn định thân tâm không làm lu mờ trí tuệ.

Suy cho cùng, đạo đức Phật giáo là những điều nên làm và không nên làm theo hệ quy chiếu mà văn hóa cộng đồng, quốc gia, nhân loại đặt ra và con người cần có thái độ ứng xử cụ thể trong các mối quan hệ giữa người với người, con người với xã hội và con người với thiên nhiên và môi trường sống hàng ngày, hằng giây phút và của cả cuộc đời chúng ta.

Đặc trưng của đạo đức Phật giáo là tính bình đẳng và không phân biệt, tất cả các việc làm hay lời nói, tư duy đều được quy chiếu trên luật nhân quả nghiệp báo. Sự hiểu biết đúng đắn thuyết nhân quả nghiệp báo của đạo Phật sẽ tạo cho mỗi người một ý thức trách nhiệm rất cao đối với cá nhân mình và xã hội. Có thể nói, tất cả mọi hành động lời nói cho đến mỗi ý nghĩa hành động của mỗi cá nhân, đều tác động đến bản thân trong hiện tại và tương lai, đồng thời cũng tác động đến xã hội, nhà Phật gọi là biệt nghiệp, nghiệp riêng đối với mỗi người và tạo ra cộng nghiệp đối với gia đình và xã hội.

Thế nên, mỗi người cần có thái độ sống có ý thức, với đầy đủ trách nhiệm của mình tức là nhận chân thật rõ, có trách nhiệm của mỗi việc làm, lời nói, ý nghĩ của mình đều có tác động ít hay nhiều đến bản thân mình (biệt nghiệp) và đến người khác nữa, đến môi trường sống chung quanh chúng ta (cộng nghiệp).

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, một người mỗi khi trở thành người công chúng thì mỗi lời nói hành vi của họ có ý nghĩa nhân văn cũng có tác động lớn và lan tỏa trong xã hội và ngược lại với tâm ý bất thiện thì bị dư luận lên án gay gắt, loại trừ. Một người lãnh đạo giỏi thì được mọi người ủng hộ. Trong thời đại 4.0 này, mọi thái độ, hành vi ứng xử mỗi người trong thực tế đời sống và ngay cả trên không gian mạng càng có ý nghĩa lớn lao trong việc thiết lập nền đạo đức nhân cách, nhất là tuổi trẻ hôm nay.

Tri thức khai phóng của con người không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình học tập và rèn luyện, tích lũy của bản thân trong một không gian và thời gian suốt cả một đời người. Nó được khai mở và vận dụng truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác để thăng tiến đời sống vật chất lẫn tinh thần. Con người thọ hưởng đời sống hạnh phúc cũng bắt nguồn sự thành tựu trí tuệ hiện khởi. Theo quan điểm Phật giáo thì một cá nhân có trí tuệ khai mở trong đời sống hiện thực bắt đầu từ quá trình thực thi văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ.

Văn tuệ là trí tuệ củả mỗi người có được là do cả quá trình nghe nhiều, hiểu nhiều. Tư tuệ là trí tuệ nhờ sự tư duy sau khi tiếp thu nguồn tri thức và tu tuệ là trí tuệ hành trì, thực nghiệm của quá trình văn tuệ và tư tuệ. Đặc trưng của trí tuệ theo quan điểm của Phật giáo là sự thực chứng để nhìn nhận sự thật các pháp vốn là duyên sinh, duyên diệt. Đây mục tiêu mà mỗi con người cần hướng đến, cần tu tập cần phải tuệ tri để chứng đạt chân lý, thể nhập đời sống hạnh phúc.

Có nhiều bản kinh Nikaya đã xác chứng như thế nào được gọi là trí tuệ khi hành giả tiến sâu vào con đường tuệ giác vô thượng. Kinh Đại Phương Quảng, Phật đã minh định về giá trị trí tuệ như sau: “Này Hiền giả, như gọi là trí tuệ? Vì có tuệ tri, có tuệ tri này Hiền giả nên được gọi là trí tuệ. Có tuệ tri là gì? Có tuệ tri đây là khổ, có tuệ tri đây là khổ tập, có tuệ tri đây là khổ diệt, có tuệ tri đây là, có tuệ tri đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ”.

Tại đây, con người khởi cái nhìn tuệ quán với bất cứ một pháp nào cũng như tuệ tri sự hiện hữu, nguyên nhân của sự hiện hữu, sự đoạn diệt, con đường đưa đến sự đoạn diệt, tuệ tri cả vị ngọt, tuệ tri cả sự nguy hiểm, tuệ tri sự xuất ly của pháp đó. Trong kinh Tăng chi II, trí tuệ cũng được đề cập đến như là sự thiết lập của tuệ lực: “Thế nào là tuệ lực? Ở đây vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt với sự thể nhập bậc Thánh, vào con đường đoạn tận khổ đau”.

Do đó, ngoài công phu tuệ quán sự sanh diệt các pháp như đã trình bày ở trên, con người còn có khả năng phá vỡ các bức tường vọng kiến được bao bọc dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, để tiến sâu vào con đường đoạn tận khổ đau. Đây chính là sự thể nhập chân lý về các pháp để con người bứt phá ra ngoài vùng tâm lý tham, sân, si thường hay vây hãm tâm thức con người.

Mục đích tối hậu của con người là thăng chứng, chứng đạt trí tuệ, trí tuệ mãi mãi là sự nghiệp của con người. Trong thời đại 4.0 để hướng đến mục tiêu hạnh phúc nói trên, con người cũng phải thăng chứng trí tuệ bắt nguồn từ sự hoàn thiện đạo đức và khai phóng trí thức từ điểm nhìn Phật giáo. Nó quyết định thái độ của con người đối với thế giới,đối với những người khác và đối với bản thân mình.

Con người là chủ nhân của nghiệp, là người thừa tự nghiệp, sự nỗ lực tối đa của mình trong hiện tại hoàn toàn có thể chuyển hóa nghiệp quá khứ, thậm chí có thể xóa bỏ nghiệp cũ chuyển thành nghiệp mới thiện lành. Một người trẻ, nếu nỗ lực trong một môi trường giáo dục tốt sẽ trở thành một sinh viên ưu tú, một nhà khoa học trong tương lai. Đạo Phật bao giờ cũng khẳng định khả năng của con người là vô tận. Con nguời có ý chí phấn đấu, bản thân và hoàn cảnh mình đều có thể cải tạo được theo hướng đi lên.Đây chính là đặc trưng của trí tuệ mà đạo Phật đem lại, có giá trị diệt khổ, nghĩa là đem đến hạnh phúc cho số đông mọi người.

Thực tế, kể từ khi đạo Phật du nhập vào nước ta cho đến nay, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, người Phật tử Việt Nam bao giờ cũng nỗ lực xây dựng mẫu người đạo đức hoàn thiện và khai phóng tri thức vốn có. Ngay từ khi thế kỷ II, Phật giáo đã hướng đến việc xây dựng mẫu người lý tưởng (bao gồm yếu tố con người cá nhân và con người xã hội), Thiền sư Mâu Tử diễn giải trong Lý hoặc luận là “Ở trong nhà hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài xã hội phải giúp nước hộ dân”.

Kết quả, chúng ta không chỉ chống lại sự đồng hóa Trung Hoa trên mọi phương diện mà đi đến chiến thắng Bạch Đằng lịch sử vào năm 938, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho nước nhà. Đến thời Lý – Trần, Quốc sư Viên Chứng đã trao vua Trần Thái Tông thông điệp xây dựng mẫu người thành Phật ở đời là “Lòng lặng mà biết đó là Phật thật” được diễn giải trong Khóa hư lục. Có nghĩa mỗi người từ bỏ các ham muốn dục vọng tầm thường, thực thi nếp sống giới đức, sự an định của tâm và khai mở tuệ giác. Kết quả, quốc gia Đại Việt ba lần đánh tan quân Nguyên Mông, hướng đến xây dựng quốc gia độc lập tự chủ trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và kể cả tín ngưỡng tâm linh.

Trong thời đại ngày nay, đất nước ta cũng đang hướng đến sự hội nhập toàn cầu và hợp tác toàn diện với các nước để xây dựng đời sống hạnh phúc thật sự theo tiêu chí: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đạo đức Phật giáo và sự khai mở nguồn tri thức bao giờ cũng được nhận thức song hành để làm nền tảng thực thi cho việc lấy trí tuệ làm sự nghiệp.

Trong cuộc hành trình này, con người không chỉ đối diện với thế giới hiện thực mà con đối diện với thế giới ảo đa chiều, đa sắc diện nữa. Một người học Phật thì cần có thái độ bình thản, đối với mình cũng như mọi người, ý thức sâu sắc về thời gian, về cuộc đời vô thường, niềm tin ở sự tiến bộ là không có giới hạn, trên hết là ý thức sẵn sàng trao truyền kinh nghiệm và kiến thức cho mọi người thông qua sự sẻ chia tài nguyên tri thức và vốn sống. Đây cũng là thế mạnh của giới trẻ hôm nay.

Trong đời sống kinh tế thị trường, ai cũng biết muốn phát triển, phải tăng cường đầu tư, dù đầu tư bất cứ phương diện, lĩnh vực nào có thể. Mọi sự đầu tư suy cho cùng cái gốc vẫn là đầu tư trí tuệ. Trí tuệ ấy được biểu hiện qua sự ý thức khả năng tiến bộ không giới hạn của con người, sống và làm việc theo tinh thần duyên khởi tính, khiến mỗi cá nhân làm việc khẩn trương tối đa và luôn luôn học hỏi ở người khác giỏi hơn mình. Có thể nói sự sẻ chia tài nguyên tri thức chân chính trong thời đại 4.0 là đòn bẩy thúc đẩy cá nhân phát triển mọi mặt và đóng góp cho cộng đồng và quốc gia hưng thịnh.

Tiềm lực của quốc gia không chỉ giới hạn trong nguồn nhân lực dồi dào mà còn nằm ở nguồn dự trữ sẻ chia tài nguyên sở hữu trí tuệ của mỗi con người. Kinh Kutadanta, Trường bộ kinh, Phật từng gợi ý cho nhà vua sự đầu tư chuyên ngành phụ thuộc vào tiềm năng sở hữu trí tuệ của mỗi người: “Những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, thì nhà vua hãy cấp cho những người ấy hạt giống và thực vật. Những người nào trong quốc độ của nhà vua mà nỗ lực về thương nghiệp, thì nhà vua hãy cấp cho họ vốn đầu tư, những người nào trong quốc độ nhà vua, nỗ lực về mặt quan chức, thì nhà vua hãy cấp cho họ thực phẩm và lương bổng. Và những người này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình và sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua nữa. Và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho trẻ con nhảy đùa ở trong lòng, và sống với nhà cửa mở rộng”.

Mặt khác, khoa học và kỹ thuật là phương tiện để phục vụ con người. Ngay cả khi con người thiết lập “Trí tuệ nhân tạo” để hướng đến mục tiêu xây dựng đời sống hạnh phúc thực sự. Mọi sự ứng dụng công nghệ thông minh, quản lý điều hành thông minh, xây dựng thành phố thông minh… trong thời đại 4.0 thực chất vẫn là sản phẩm do sự thành tựu trí tuệ của con người do có chánh kiến và chánh tư duy mà có được. Phật khẳng định mọi hoạt động của con người đều phải thực thi dựa trên nội dung đạo đức hiền thiện và tuệ giác khai mở, nhằm hướng đến hạnh phúc của tự thân và tha nhân. Chính Phật từng đúc kết trong kinh Chuyển luân thánh vương tu hành, A-hàm: “Các vị phải siêng năng tu các điều thiện, nhờ điều thiện mà mạng sống lâu dài, nhan sắc thắm tươi và được an ổn, khoái lạc, của cải dồi dào, uy lực đầy đủ…”.

Và như vậy, Phật giáo đã thực sự đóng góp cho cuộc đời về lý tưởng cuộc sống, và ý nghĩa giá trị đích thực của cuộc đời mà mỗi người tự mình suy tư, tự mình chứng đạt và tự mình thể hiện sự thành tựu trí tuệ đích thực.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage