Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Tu Bồ Đề kính cẩn đặt câu hỏi với Phật:
“...Làm thế nào để an trụ tâm, làm thế nào để hàng phục tâm?” (Vân
hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?) thì Phật bảo rằng không có gì khó
cả, các vị Đại Bồ tát đều hàng phục tâm bằng cách như vầy... như vầy...
Giờ đây chúng ta cũng đang rất muốn nghe lời
dạy của Phật cho Tu Bồ Đề lúc đó, bởi chưa bao giờ con người sống trong
sợ hãi, lo âu, căng thẳng như bây giờ, với chiến tranh, khủng bố, thiên
tai, dịch bệnh đủ thứ! Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, thế giới
phẳng, toàn cầu hóa, mọi thứ như chỉ còn trong lòng bàn tay, đầy thần
thông phép lạ, thế nhưng lòng tham sân si của con người càng lúc càng
gia tăng, vô minh càng lúc càng dày đặc, khổ đau càng lúc càng chồng
chất!...
Trả lời câu hỏi của Tu Bồ Đề, Phật nói: Dễ
lắm, muốn hàng phục tâm ư, muốn an trụ tâm ư? Chỉ cần “diệt độ tất cả
chúng sanh”, loại nào cũng “diệt độ”, cho vào Vô dư Niết bàn sạch trơn,
mà thật ra... chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả!
(..., ngã giai linh nhập vô dư Niết bàn
nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh.
Thật vô chúng sanh đắc diệt độ giả).
Thiệt là choáng váng! Phật nói tiếp: “Hà dĩ
cố? Tại sao vậy? Tại vì Bồ tát mà còn có tướng ta, tướng người, tướng
chúng sanh, tướng thọ giả thì... chẳng phải là Bồ tát! ”. Tu Bồ Đề kêu
lên: Con có thể hiểu không khó những lời Phật dạy, nhưng liệu năm trăm
năm sau, người ta có thể hiểu được vậy không?
Phật quở ngay: “Ông chớ nói thế!”. Bởi Phật
tin tưởng ở tương lai, người ta có thể hiểu Phật nhanh hơn, vì phương
tiện truyền thông tiến bộ hơn, và... vì đời sống con người... khổ đau
hơn, dù vật chất có được cải thiện mà phiền não thì cứ gia tăng không
ngớt!
Lâu nay, ta vẫn nghĩ chúng sanh là beings, là êtres,
là những sinh vật- gồm có cả con người trong đó – nên “diệt độ” hết
chúng sanh thì ta sống với ai? Có sách nói phải diệt độ hết chúng sanh
đi mà đừng kể công, ấy mới là lòng quảng đại, là chí nguyện của Bồ tát.
Có sách lại bảo chúng sanh ở đây không phải là người, không phải là sinh
vật mà là những tư tưởng, những ý nghĩ, những khái niệm! Người thường
như ta nghe “diệt độ” chúng sanh, rồi đưa hết vào “Niết bàn” cũng thấy
ớn! Thực ra chữ “diệt độ” ở đây không có nghĩa là tiêu diệt mà là giúp
đưa qua bờ bên kia, bờ của giải thoát.
Nhưng cốt lõi nằm ở hai chữ “chúng sanh”! Giải
mã được từ khóa này thì hy vọng hiểu được lời dạy trên của Phật. Tôi
đem thắc mắc “chúng sanh” này hỏi một vị sư. Sư trả lời ngắn gọn: Tùy chúng duyên nhi sanh! Rồi
chẳng nói gì thêm. Nhưng, vậy là đã đủ, đã rõ! “Chúng sanh” ở đây không
phải là chúng sanh như ta vẫn hiểu – beings, êtres- mà là do các
“chúng” duyên với nhau mà “sanh” ra nên gọi là “chúng
sanh”! Duyên hết thì chúng sanh cũng hết! Kim Cang nói rõ hơn: “Chúng
sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh”! Chúng sanh tức không phải
chúng sanh, chỉ tạm gọi là chúng sanh vậy thôi!
Phải làm quen cách nói “tức phi... thị danh”
này trong Kim Cang! Đây là thứ ngôn ngữ “phá chấp”, cũng gọi là “ngôn
ngữ ly niệm”, nhằm giúp phá vỡ “khái niệm” đã đóng khuôn trong vỏ não ta
từ lâu. Bởi muốn giúp giải thoát con người thì trước hết phải vượt qua
những khái niệm, những định nghĩa cứng ngắc, làm cho con người bị gò bó,
dính mắc, khó mà thoát ra được. Mỗi ngành học đều có những terminology,
thuật ngữ riêng của mình. Danh từ y học chẳng hạn, chỉ người trong
ngành hiểu với nhau, người ngoài không sao hiểu chính xác được, thậm chí
một số từ y học không thể dịch mà phải phiên âm, phải giữ nguyên gốc để
diễn đạt đầy đủ ý nghĩa sâu xa hơn. Chính vì thế mà các thầy thuốc
thường dùng... tiếng Latinh với nhau khi nói chuyện, làm cho bệnh nhân
nghe chới với không hiểu mô tê, rồi có khi diễn dịch sai, hiểu lầm, đâm
ra hoang mang.
“Tùy chúng duyên nhi sanh” là tùy theo các
duyên mà sanh ra thứ “chúng sanh” này hay “chúng sanh” khác! Cho nên mới
có “vô số vô lượng vô biên” chúng sanh! Bản thân ta cũng là một chúng
sanh vì do các “uẩn” (chúng) sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại mà
thành.... Nói cách khác, do ba mẹ mình “duyên”... với nhau mà có mình,
chớ nếu hai người “vô duyên đối diện bất tương phùng” thì còn lâu mới có
ta! Đó là chưa kể ông nội “gặp gỡ” bà nội, ông ngoại “gặp gỡ” bà
ngoại. (Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không? - Nguyễn Du).
Cho nên, mình mới có cơ hội mang gien của cả dòng họ kể cả gien tính
khí hoặc gien suyễn, gien tiểu đường! Hai nguyên tử H và O “duyên” với
nhau thì sanh ra thứ này hay thứ khác, nếu thêm C vào nữa thì có khi
thành đường, có khi thành giấm, thành rượu tùy điều kiện xúc tác! Ta mà
“duyên” với rượu thì cũng lắm “chúng sanh” sẽ được tạo ra! Vì một lời
nói xúc xiểm nào đó của ai đó có khi làm ta bừng bừng nổi giận! Lời qua
tiếng lại một lúc thì “chúng” đã “sanh” ra lắm thứ! Từ chúng sanh “lời
nói” có thể chuyển sang chúng sanh “đấm đá”... như chơi! Cơn giận, lòng
tham, nỗi buồn, sự sợ hãi, lo âu, căng thẳng... đều là những “chúng
sanh”, nó quậy phá trong tâm ta làm cho ta bị bấn loạn, phiền não, khổ
đau không ngớt! Ngay cả những con người rất dễ thương quanh ta, có khi
mới sáng sớm là tiên, là Bồ tát, chiều đến đã biến thành Atula, Dạ
xoa... các thứ! Mà chính ta cũng vậy dưới mắt người khác!
Gió không động, phướn không động. Tâm ta mới
động. Tâm ta mà thanh tịnh rồi thì “chấp” hết! Cơn giận, nỗi buồn gì
cũng “diệt độ” xong ngay! “Chúng” nào “sanh” ra thì ta... “diệt độ” hết,
nghĩa là dẹp bỏ sạch trơn. Đến lúc mặt hồ không xao động thì ánh trăng
mới vằng vặc soi! Nhưng, còn lâu! Còn phải khổ công rèn tập dài dài!
Không thể nóng vội được. Chữ “diệt” ở đây không có nghĩa là tiêu diệt,
mà là “dẹp, bỏ” qua một bên, hay còn có nghĩa là “không để phát sanh ra”
nữa, tức là một trạng thái “vô sanh”! Tiếng Việt ta thật hay: Sanh sự thì sự sanh!
Vô sanh thì vô sự, mà vô sự thì bình an: “Bình an vô sự”! Vậy nếu ta...
rèn tập giỏi, ta có thể “diệt độ hết chúng sanh” rồi “đưa tất cả vào vô
dư Niết bàn” được lắm chớ! Diệt độ hết chúng sanh mà thực ra không có
chúng sanh nào được diệt độ cả, bởi có còn chúng sanh nào được/bị sanh
ra nữa đâu mà diệt với độ!
Khi hiểu được “chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh”, ta tưởng đã nắm được từ khóa để mở vào kho tàng “Kim Cang”, nhưng thực ra còn lâu, bởi vì, vậy mà chẳng phải vậy!
Trở lại không khí buổi thuyết giảng hôm đó,
thấy không ít người bối rối vì câu nói của mình, Phật liền giải thích
thêm: Tại sao vậy? Nếu Bồ tát mà còn có tướng ta, tướng người, tướng
chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải Bồ tát! (Nhược Bồ tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ tát).
Tưởng Phật sẽ giải thích cho rõ, ai ngờ Ngài
lại nói một câu có vẻ chẳng ăn nhập gì với phần trên! Chắc có một bí ẩn
gì ở đây chăng? Lúc đầu, tôi nghĩ đến ngôi thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, số
ít số nhiều với các thời quá khứ, hiện tại, vị lai, như một cách chia
“verbe” để nói lên mối quan hệ giữa ta, người, không gian, thời gian,
nhưng hình như không phải vậy! Tôi lại nghĩ hay đó là một biểu đồ có ba
trục không gian và một đường cong thời gian, trên đó, mỗi cá nhân xác
định vị trí của mình trong xã hội, mối tương quan của mình với những
“chúng sanh” khác ở một thời điểm nào đó! Cũng không phải! Vậy thì... là
cái gì? Mãi sau, tôi mới vỡ ra: đó chính là trạng thái vô ngã của hành giả trên bước đường giải thoát! Hành giả phải “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”
thì mới có thể “độ nhứt thiết khổ ách”; mà có “độ nhứt thiết khổ ách”
cho mình rồi thì mới có thể giúp cho người khác được, mới xứng danh là
Bồ tát. Cho nên đây là một đòi hỏi có tính quyết định, là điều kiện “ắt
có”.
Vô ngã không dễ! Có thể dùng lý luận, triết lý về duyên sinh, duyên khởi, về cái “Không” để
thấy vô ngã, nhưng đó chỉ là cái vô ngã của lý thuyết, của khái niệm!
Còn vô ngã ở đây lại là một trạng thái, một cảnh giới – được cảm nhận
bởi hành giả qua một quá trình tu tập dài lâu và miên mật: Thiền! Chính
thiền là con đường “độc đạo” mà Phật đã từng nhấn mạnh trong Tứ niệm xứ
(Satipatthana), và đặc biệt hướng dẫn cụ thể trong An ban thủ ý
(Anapanasati): “Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết-bàn...”.
Thiền đã có từ xa xưa. Ngay hồi còn nhỏ xíu, một hôm, Thái tử Tất Đạt
Đa trong lúc ngồi dưới bóng cây coi người ta làm ruộng đã tình cờ rơi
vào trạng thái sơ thiền. Sau này trên đường học đạo, Ngài đã gặp hai vị
thầy dạy thiền cao nhất thời bấy giờ, và chỉ trong một thời gian ngắn,
Ngài đã vượt qua tám cảnh giới thiền cho đến “phi tưởng phi phi tưởng”
mà vẫn chưa “hàng phục kỳ tâm”, nên phải từ biệt ra đi tìm một con đường
riêng của mình! Khi đạt đến cảnh giới thiền thứ chín, “Diệt thọ tưởng
định” thì mới hết chuyện! Lúc đó, Ngài mới trở thành bậc Giác ngộ thực
sự, bậc Toàn giác! Nói cách khác, “Diệt thọ tưởng định” mới là thứ thuốc
chữa tận gốc căn bệnh phiền não, khổ đau mà các giai đoạn trước đó chỉ
là chữa triệu chứng, kiểu đau đâu chữa đó nên cứ bị tái phát hoài. Chữa
tận gốc là chữa dứt điểm, hết sợ tái phát, hết sợ di chứng! “Diệt” trong
diệt thọ tưởng định ở đây cũng không mang nghĩa triệt tiêu mà là không
để nảy sinh! Cắt bỏ một khối u thì không bằng phòng ngừa để khối u đừng
sinh ra. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tóm lại, để xứng danh là Bồ tát thì
phải vượt qua được cửa ải này. Nói khác đi, Bồ tát phải “hành thâm”
thiền định cho rốt ráo, đạt đến trạng thái vô ngã - không còn thấy có
tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả gì nữa cả - không
còn phân biệt, chấp trước gì nữa cả – thì mới thênh thang thõng tay vào
chợ giúp đời mà không sợ vướng bụi trần!
“Phật cáo Tu Bồ Đề” chính là để nhắc nhở những ai muốn bước vào con
đường Bồ tát thì không thể không thiền định. Giới sẽ dẫn đến Định, Định
sẽ dẫn đến Huệ và ngược lại. Đây là một tam giác cân, có hai chiều xuôi
ngược. Để điều trị cho tận gốc bệnh “tham sân si” thì chỉ có thể dùng
thuốc đặc trị là “giới định huệ”. Giới để chữa tham, định chữa sân và
huệ chữa si. Nhưng nếu chỉ chữa triệu chứng thì không thể chữa dứt điểm
được, nó sẽ tái phát, nó sẽ để lại di chứng. Vậy muốn chữa rốt ráo, chữa
tận gốc, thì phải phối hợp cả ba thứ thuốc. Định không thôi dễ mù mịt.Giới không thôi dễ cố chấp. Huệ không
thôi dễ ba hoa. Tuy vậy, rõ ràng là tùy đối tượng mà ba thứ thuốc này
sẽ gia giảm cho phù hợp. Người hay “sân”, dễ thương dễ nhớ dễ sầu dễ
bi... thì chữa bằng định là tốt nhất. Người trí thức, ham cóp nhặt gom góp, tự hào vì “đãy sách” của mình, thì chữa bằng huệ để khống chế, hàng phục triệu chứng “si” trước. Nhưng bất cứ trường hợp nào, giới vẫn luôn là điều kiện thiết yếu, cơ bản vậy
(Trích Phật Học Từ Quang tập 13)