Phật Học Online

Bẫy của sự tôn kính, tu không khéo dễ mắc phải

Con người nói chung và người tu hành nói riêng rất dễ rơi vào bẫy của sự tôn kính. Thế tục có bẫy của thế tục. Đạo học có bẫy của đạo học. Quyền lực, địa vị là bẫy của thế tục. Sự tôn trọng và ngưỡng vọng chính là bẫy của đạo học.

Trên thế gian này luôn có những chiếc bẫy chết người. Nếu chúng ta không không cẩn thận sẽ dễ dàng dẫm phải những chiếc bẫy đó. Bởi bề ngoài chúng lung linh, mỹ lệ, đẹp đẽ như một tòa lâu đài. Nhưng bên trong thì vô cùng nguy hiểm và ẩn chứa rất nhiều rủi ro.

Và có rất nhiều chiếc bẫy khác nhau trên cuộc đời. Đặc biệt hơn cả, có một loại bẫy rất đẹp, đẹp như một tấm thảm nhung đang chờ đón bước chân của chúng ta. Và chiếc bẫy thảm nhung đang mở ra rất dài đó là lời khen.

Vì sao biết chiếc bẫy nguy hiểm nhưng ai cũng tình nguyện bước chân vào? Hay nói cách khác, tại sao chúng ta lại thích lời khen đến vậy? Đơn giản, đó chính là ngã chấp. Khi được khen, chúng ta sẽ nghĩ chúng ta giỏi, chúng ta tốt và thấy bản thân xứng đáng nhận được lời khen ấy.

Con người ta ai cũng thích được khen. Nhưng chúng ta làm sao phải tỉnh ngay lúc nhận lời khen đó để đừng bao giờ bước chân xa hơn nữa. Cần tự nhìn nhận chính mình và suy nghĩ: “Liệu ta có xứng đáng với lời khen đó không? Sau khi nhận được lời khen đó ta phải làm gì?” Chúng ta luôn có tâm lý muốn được người khác quan tâm, nâng niu và trân trọng. Vậy nên chúng ta dễ dàng sa vào chiếc bẫy “lời khen”. Khi đối mặt với sự tác động của lời khen liệu tâm lý của chúng ta tồn tại ngã chấp ở mức độ nào?

Đó là điều không thể không thận trọng và chúng ta không thể xem thường vấn đề này. Chính vì thế, bài học muôn thuở đối với người tu học đó chính là mối tương quan giữa ngoại cảnh và tu tập.

Hoàn cảnh, môi trường sẽ bắt đầu xâm nhập lấy thân tâm thanh tịnh của chúng ta. Giống như dòng nước bào mòn khúc sông, bờ đê mà chúng ta không hay biết. Cho đến một ngày, con sông ấy bị sụp xuống thì chúng ta mới nhận ra nước đã ăn mòn đất đá tự lúc nào? Lúc đó, chúng ta chỉ biết hòa vào trong dòng nước và cuộn chảy ra đại dương mênh mông.

Là người tu học, chúng ta phải luôn sống trong sự tỉnh thức, không thể lơ là. Trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng phải suy nghĩ xem bản thân có đang bị ru ngủ bởi khen không? Chúng ta có đang bị thả trôi đi giữa dòng sông mênh mông của lời khen? Đừng bao giờ tự biến mình thành một “con nghiện”. Và lời khen là liều thuốc khiến chúng ta chìm trong cơn mê ngày này qua ngày khác.  

 
Tiến trình này diễn ra vô cùng tự nhiên mà chúng ta ít nhận thức được. Cuộc sống thường ngày dẫn ta đi và khiến ta ngập chìm trong lời khen. Đây là một sự đớn đau, là đoạn trường trong cuộc đời mỗi con người. 

Lời khen gắn liền với ta như bằng hữu, như bóng với hình. Nó keo sơn, gắn bó với ta như thế nên chúng ta tôn trọng và yêu quý nó. Chúng ta giữ gìn nó cũng như nó giữ gìn ta. Không thoát ra được, không tách ra được.

Cho nên, người tu học thực chất không nặng tình với những điều huyễn mộng này. Khởi nghiệp tu tập chúng ta có nhận thức tốt nhưng dần dần, xã hội phân hóa và cuộc sống làm chúng ta càng ngày càng đi xa. Bởi vậy chúng ta cần cố gắng giữ nếp xưa để không đánh mất bản thân. Một hình ảnh đẹp không có nghĩa chúng ta phải gắn liền với nó như một thương hiệu. Mà nó phải lặng thầm tồn tại trong mỗi người bằng trái tim, bằng nghĩa tình.

Cái tôi của mỗi người luôn lớn theo tỉ lệ thuận giá trị bản thân mà họ nhận biết được trong mối quan hệ của mình với cộng đồng, với xã hội. Khi mối quan hệ của mình với cộng đồng rộng rãi hơn thì bản ngã cũng tăng lên. Khi thấy mình có được nhiều thứ mà người khác không có được ta sẽ dễ sinh ra sự bất kính.

Con người nói chung và người tu hành nói riêng rất dễ rơi vào bẫy của sự tôn kính. Thế tục có bẫy của thế tục. Đạo học có bẫy của đạo học. Quyền lực, địa vị là bẫy của thế tục. Sự tôn trọng và ngưỡng vọng chính là bẫy của đạo học.

Chính vì chúng ta luôn ưa thích nghe những lời khen siêu tuyệt, xa rời thực tế nên khó thoát khỏi cạm bẫy của cuộc đời. Chúng ta thật sự cần học cách dè dặt trước sự tôn trọng, quý mến của người khác. Bằng cách tu theo lời Phật dạy, chúng ta chấp nhận việc được mọi người tôn quý như một sự bình đẳng.

Khi được người khác khen ngợi hay bày tỏ sự tôn trọng, cung kính chúng ta tự nhắc nhở bản thân cần hoàn thiện hơn nữa. Đó chính là biểu hiện của sự khiêm cung. Điều đó giúp chúng ta hướng thiện mạnh hơn và nó cũng giúp ta gieo một hạt giống tốt trên một mảnh đất tốt xứng đáng.

Nếu không nhận thức được bản thân thì chúng ta sẽ trở thành tín đồ, cuồng tín với giáo chủ là lời khen. Chúng ta phục tùng nó và lúc nào cũng sống với sự nguy hại của nó, không dừng lại được. Cứ tiếp diễn như vậy, căn bệnh trầm kha này sẽ dẫn chúng ta tới một hố sâu. Đó là luôn che giấu khuyết điểm của mình.

Khi nhận được quá nhiều lời khen tụng, tán dương từ người khác chúng ta sẽ luôn muốn có được sự tôn kính suốt cuộc đời. Chúng ta nuôi dưỡng cái tôi quá lớn. Và cái tôi đó khiến chúng ta mải mê tô vẽ vỏ bọc bên ngoài mà không để tâm tới những giá trị bên trong. 

Giống như chiếc áo dơ không lo giặt, cứ giặt mãi mặt ngoài. Còn bâu áo, tay áo, nách áo thì không lo giặt. Đây chính là nguyên nhân khiến chúng ta tu mà không có giác ngộ.

Dần dần, chúng ta hướng đến sự hoàn hảo huyễn mộng, giấu đi sự yếu kém và sống gian dối, thiếu trung thực. Chân lý sẽ không hiển bày khi một con người có quá nhiều uẩn khúc, che giấu và khuất tất. Cho nên, cuộc sống hôm nay và ngày mai có phát triển, có thăng hoa đến mấy thì chúng ta cũng nên quay lại với cuộc sống chân thật của chính mình.

Có như thế, mới khắc phục được bản thân, hoàn thiện hơn nhân cách. Đó mới gọi là viên mãn công hạnh. Khi tự phản quang, luôn soi xét thân tâm chúng ta sẽ nhận ra trong suy nghĩ luôn có hai khuynh hướng trái ngược nhau về việc tu tập. Một cái là chân lý. Một cái là tục đế. Hai tiến trình âm thầm đan xen, chiến đấu trong tâm thức của chúng ta. 

Nó sẽ dẫn chúng ta đi từ miền khổ đau này đến cảnh khổ đau khác nếu không nhận thức được mình đang chịu áp lực bởi phiền não do chính ngã chấp khởi nguồn từ những lời khen. 

Bản chất con người sinh ra ai cũng ưa sự ngọt ngào, nhất là những lời khen tặng từ người khác. Chúng như mật ngọt, rót nhẹ nhàng vào tai làm ta hạnh phúc và lâng lâng vui sướng. Lời khen vốn không có lỗi, lỗi ở người tiếp nhận nó mà thôi.

Chúng ta là những người tu học cần phải biết tự giữ mình và ý thức được lời khen đó có trở thành những viên thuốc ngủ bọc đường ngọt cho chúng ta uống hay không ? Ngọt lắm, uống vào sẽ ngủ say. Nhưng có bao giờ chúng ta làm chủ được giấc ngủ của mình chưa ? Hay chúng ta say sưa với những viên thuốc ảo đường để rồi trôi mãi vào cõi mộng, bước đi trên những tấm thảm nhung đầy cạm bẫy của khổ đau ?

(PGVN)


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage