Phật Học Online

14. Đức Bồ Tát Siddhattha Toàn Thắng Ác Ma Thiên

Ðức Bồ Tát ngự trên bồ đoàn quý báu dưới cội cây Assattha đã toàn thắng Ác Ma Thiên vừa đúng lúc mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng ló dạng hướng Ðông. Khi ấy 10 ngàn thế giới chư thiên cõi trời Dục giới, chư Phạm thiên cõi trời sắc giới, Long vương dưới thuỷ cung… toàn thể chư thiên, Phạm thiên vui mừng reo hò vang dội khắp các từng trời, tán dương ca tụng oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát



Sau khi thọ nhận mâm vàng đầy cơm sữa của nàng Sujātā xong, Đức-Bồ-tát đứng dậy rời khỏi gốc cây da, tay cầm chiếc mâm vàng đầy cơm sữa đi đến bến sông Nerañjarā, nơi mà chư Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác kiếp chót quá-khứ, trước khi trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác cũng đều ngự đến đây để tắm, nên bến sông này gọi là bến Supaṭitthita. Đức-Bồ-tát Siddhattha đặt mâm vàng đầy cơm sữa tại bến Supaṭitthita, rồi xuống dòng sông Nerañjarā tắm.

Sau khi tắm xong, Đức-Bồ-tát Siddhattha mặc y cà sa tượng trưng lá cờ chiến thắng của chư Thánh A-ra-hán,đoạn Đức-Bồ-tát ngồi quay mặt về hướng Đông, độ hết 49 vắt cơm sữa, rồi uống hết bình nước (từ đó về sau suốt 7 tuần lễ gồm 49 ngày, Đức-Phật không độ vật thực và nước, chỉ an hưởng hương vị giải thoát Niết-bàn).

Sau khi độ cơm xong, Đức-Bồ-tát Siddhattha cầm chiếc mâm vàng rồi phát nguyện rằng:

“Nếu hôm nay tôi sẽ trở thành Đức-Phật Chánh- Đẳng-Giác thì xin cho chiếc mâm vàng này sẽ trôi ngược dòng nước, nếu không thì chiếc mâm vàng này sẽ trôi xuôi theo dòng nước.”

Phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ném chiếc mâm vàng xuống dòng sông Nerañjarā.

Thật phi thường thay! Chiếc mâm vàng cắt ngang dòng nước đang chảy, trôi ra giữa sông, rồi từ đó trôi ngược dòng nước một cách vô cùng mau lẹ, khoảng một đoạn khá xa, rồi chiếc mâm vàng chìm sâu xuống đáy nước, đụng phải 3 chiếc mâm vàng của 3 Đức-Phật quá-khứ: Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā- gamana và Đức-Phật Kassapa, phát ra một âm thanh vang dội, làm cho Long-vương Kālanāga tỉnh giấc, nên nghĩ rằng:

“Hôm qua một Đức-Phật đã xuất hiện, hôm nay sẽ có một Đức-Phật khác xuất hiện.”

Long-vương Kālanāga thức dậy tán dương ca tụng hằng trăm bài kệ tán dương ca tụng một sự kiện vô cùng hy hữu xuất hiện trên thế gian.

Trưa hôm ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nghỉ trong một khu rừng Sāla, bên bờ sông Nerañjarā, những cây Sāla đua nhau nở hoa khắp cả khu rừng, để đón mừng Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha.

Chiều hôm ấy, trên đường Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác Siddhattha ngự đến cội cây Assattha(1) tại khu rừng Uruvelā, dọc theo hai bên đường, chư-thiên trang hoàng những đoá hoa trời rất xinh đẹp, các hàng chư-thiên ở các cõi trời đua nhau cúng dường hương thơm cùng với thiên nhạc vang rền khắp 10 ngàn thế giới chúng-sinh.

1 Cây Assattha này là Cây Đại-Bồ-Đề đồng sinh cùng một lúc với Đức- Bồ-tát Siddhattha. Đúng 35 năm sau, Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đến ngồi tại cội cây Đại-Bồ-Đề này, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama. Cho nên, cây Assattha này trở thành cây Đại-Bồ-Đề của Đức-Phật Gotama.

Ngôi Bồ-Đoàn Quý-Báu Phát Sinh

Cùng lúc ấy, một người cắt cỏ tên Sotthiya, trên đường đi ngược chiều về phía Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng- Giác Siddhattha, nhìn thấy Đức-Bồ-tát liền phát sinh đức-tin trong sạch, nên dâng cúng dường tám nắm cỏ lên Đức-Bồ-tát Siddhattha.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha nhận tám nắm cỏ, rồi ngự đi thẳng đến cội cây Assattha.

* Đức-Bồ-tát khi đứng hướng Nam của cội cây Assattha, Đức-Bồ-tát nhìn thẳng về hướng Bắc, có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi tam-giới hướng Nam bị chìm sâu xuống cõi địa-ngục Avīci, còn toàn cõi tam-giới hướng Bắc được nổi lên đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, nên Đức-Bồ-tát suy nghĩ rằng:

“Đây không phải là chỗ ngồi để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”

* Đức-Bồ-tát ngự đi sang đứng hướng Tây của cội cây Assattha, Đức-Bồ-tát nhìn thẳng về hướng Đông, cũng như vậy, có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi tam-giới hướng Tây bị chìm sâu xuống cõi điạ-ngục Avīci, còn toàn cõi tam-giới ở hướng Đông được nổi lên đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, nên Đức-Bồ- tát suy nghĩ rằng:

“Đây cũng không phải là chỗ ngồi, để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”

* Đức-Bồ-tát ngự đi sang đứng hướng Bắc của cội cây Assattha, Đức-Bồ-tát nhìn thẳng hướng Nam, cũng như vậy, có cảm giác mất thăng bằng, như toàn cõi tam- giới hướng Bắc bị chìm sâu xuống cõi điạ-ngục Avīci, còn toàn cõi tam-giới ở hướng Nam được nổi lên đến cõi trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh, nên Đức-Bồ-tát suy nghĩ rằng:

“Đây cũng không phải là chỗ ngồi, để ta có thể trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác.”

* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ngự đi sang đứng hướng Đông của cội cây Assattha, Đức-Bồ- tát nhìn thẳng về hướng Tây.

Thật phi thường thay! Đức-Bồ-tát có cảm giác toàn khắp cõi tam-giới đều ở trạng thái thăng bằng, nên Đức- Bồ-tát suy nghĩ rằng:

“Chính đây là chỗ ngồi, để ta có thể chứng đắc thành bậc Chánh-Đẳng-Giác.”

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trải tám nắm cỏ tại hướng Đông của cội cây Assattha.

Thật phi thường thay! Tại ngay chỗ ngồi ấy bỗng nhiên hóa thành ngôi bồ-đoàn quý-báu có chiều cao 14 hắc tay thật nguy nga lộng lẫy, mà không có một nhà kiến trúc mỹ thuật nào có thể tạo nên một ngôi bồ-đoàn đẹp tuyệt vời như vậy.

Bởi vì, ngôi bồ-đoàn quý báu này phát-sinh do oai- lực của 30 pháp-hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha sắp trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama.

Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha ngồi kiết già vững vàng trên ngôi bồ-đoàn quý báu, quay mặt về hướng Đông rồi phát nguyện rằng:

“Dù cho thịt và máu trong thân ta khô cạn hết, dù sắc thân này chỉ còn da bọc xương đi nữa, nếu ta chưa trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, ta quyết không bao giờ rời khỏi ngôi Bồ-đoàn quý báu này.”

Đức Bồ Tát Toàn Thắng Ác-Ma-Thiên

Trong Tăng Chi bộ kinh (Anguttaranikāya, Catukkanipāta, kinh Pannatisutta), Ðức Phật dạy có bốn chúng sinh được chế định là bậc siêu việt nhất (aggapannatti).
– Trong tất cả chúng sinh có thân hình to lớn, chỉ có Rāhu Asurinda là thiên nam có thân hình to lớn nhất.
– Trong tất cả chúng sinh hưởng lạc ngũ trần, chỉ có Ðức vua Mandhātu, bậc Chuyển luân thánh vương, là người hưởng lạc bậc nhất.
– Trong tất cả chúng sinh có quyền lực, chỉ có Ác Ma Thiên là thiên vương có quyền lực bậc nhất.
– Trong tất cả loài người, vua chúa, Sa môn, Bà la môn, chư thiên, Phạm thiên toàn cõi thế giới, chỉ có Ðức Phật là bậc Vô thượng.

Ác Ma Thiên là thiên vương có quyền lực bậc nhất ở cõi Tha hóa tự tại thiên (Paranimmitavasavatti), là tầng trời thứ sáu tột cùng của cõi trời Dục giới, y có ác tâm không muốn một chúng sinh nào giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, nên y cám dỗ bằng những miếng mồi ngũ trần của y như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm ấm, hoặc danh cao, chức lớn, quyền lợi… để làm cho chúng sinh ấy say mê, đắm đuối trong sắc thân, trong cảnh giới ấy. Nếu dùng mồi cám dỗ không được, y dùng đến phép thuật, các loại vũ khí, làm cho đối phương phải khuất phục.

ÁC MA THIÊN TRANH GIÀNH NGÔI BỒ ÐOÀN

Từ lâu, Ác Ma Thiên vẫn luôn luôn theo dõi để tìm cách cản trở việc hành đạo của Ðức Bồ Tát, bằng lời nói, cả hai lần đều thất bại, vì không thể làm cho Ðức Bồ Tát thoái chí. Nay Ác Ma Thiên nhìn thấy bồ đoàn quý báu hiện lên và nghe lời phát nguyện từ lòng quyết tâm đanh thép của Ðức Bồ Tát, y cảm thấy rúng động thật sự. Bây giờ đã đến giai đoạn quyết liệt, Ác Ma Thiên tự nghĩ: “Ta đã dùng địa vị của bậc Chuyển luân thánh vương để cám dỗ cũng thất bại và đã dùng lời ân cần tha thiết khuyến dụ cũng không làm lay chuyển được Sa môn Gotama. Bây giờ chỉ còn cách duy nhất là dùng sức mạnh của chúng thiên ma và những loại phép thuật lợi hại của ta để đánh đuổi Sa môn Gotama, quyết tranh giành ngôi bồ đoàn quý báu ấy về cho ta mà thôi”.

Thế rồi, Ác Ma Thiên huy động toàn bộ lực lượng thiên ma binh, thiên ma tướng hùng hậu, trang bị tất cả mọi khí giới hình thù quái dị, kinh khủng nhất, rầm rộ rời khỏi Tha hoá tự tại thiên. Ác Ma Thiên cưỡi voi Girimekhala đi đầu, hoá ra ngàn cánh tay đều cầm khí giới khác nhau, cùng chúng thiên ma hiện xuống vây chặt xung quanh cội Assattha, kéo dài 12 do tuần, bên trên hư không dày đặc 9 do tuần, chúng la hét, âm thanh vang dội kinh khủng làm chấn động khắp mọi nơi.

Vừa rồi có 10 ngàn thế giới chư thiên, chư Phạm thiên đến cung kính cúng dường, tán dương ca tụng Ðức Bồ Tát như vua trời Sakka thổi còi Vijayutara, Long vương Mahākāla tán dương Ðức Bồ Tát hàng trăm bài kệ, vị trời Ðại Phạm thiên cầm lọng vàng che cho Ngài… nhưng khi thoáng thấy Ác Ma Thiên cùng với thiên ma binh trùng trùng điệp điệp, từng đoàn, từng lớp hiện xuống, tất cả chư thiên, Phạm thiên đều bay xa lánh mặt, vua trời Sakka bay thật xa đứng nhìn, Long vương Mahākāla chạy về long cung, vị trời Ðại Phạm thiên trở về cõi trời sắc giới, chư thiên, chư Phạm thiên đều bay về chỗ ở của mình, thế là chẳng còn một chư thiên, Phạm thiên nào ở lại, chỉ còn một mình Ngài đang điềm nhiên ngự trên ngôi bồ đoàn.

Ác Ma Thiên lớn tiếng hét vang, truyền lịnh cho bộ hạ rằng:
“Này hỡi chúng thiên binh, thiên tướng, Sa môn Gotama có oai lực phi thường, không có ai dám sánh, các ngươi chớ khá xem thường, hãy chờ lệnh của ta. Bây giờ, chính tự tay ta quyết chiến với Sa môn Gotama”.

Ðức Bồ Tát nhìn chung quanh không một chư thiên, Phạm thiên nào còn ở lại, Ngài chỉ thấy Ác Ma Thiên cỡi voi Girimekhala, có cả ngàn cánh tay cầm đủ tất cả khí giới cùng với thiên ma binh, thiên ma tướng hùng hậu với tất cả các loại khí giới cực kỳ nguy hiểm, bao vây quanh Ngài.

Ngài nghĩ rằng: “Ác Ma Thiên đem chúng thiên ma hùng hậu với mục đích mong chiến thắng chỉ một mình ta, tại nơi đây ta không có cha mẹ, anh em bà con thân quyến nào cả, ta chỉ có 30 pháp hạnh ba la mật xem như là những bộ hạ thân tín, mà ta đã tạo nên và nuôi dưỡng trưởng thành suốt thời gian lâu dài trải qua vô số kiếp. Bây giờ ta phải sử dụng đến những pháp hạnh ba la mật này như là những đội quân thiện chiến bảo vệ ta, chúng cũng là tấm giáp an toàn chống đỡ lại phép thuật của Ác Ma Thiên”. Ngài quán tưởng đến 30 pháp hạnh ba la mật xong, Ngài vẫn điềm tỉnh ngự trên ngôi bồ đoàn quý báu.

CUỘC CHIẾN CỦA ÁC MA THIÊN

Ðầu tiên Ác Ma Thiên dùng phép thuật cuồng phong bão tố, với ý nghĩ làm cho Sa môn Gotama sợ hãi rời bỏ ngôi bồ đoàn mà chạy trốn. Y liền hoá phép nổi lên trận cuồng phong bão tố khủng khiếp, sức gió mạnh mẽ phát xuất từ mọi hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc. Trận cuồng phong bão tố này không những bứng trốc cả rừng cây đại thọ, tiêu hủy xóm làng, mà còn có khả năng bạt đi cả bảy quả núi dài 3 do tuần.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, trận cuồng phong bão tố kia, khi đến gần Ngài liền tan biến mất, không thể làm cho chéo y của Ngài lay động.

Thật là một điều phi thường! Ban đầu Ác Ma Thiên vô cùng ngạc nhiên, sau y đùng đùng nổi giận, tức khắc sử dụng phép thuật thứ nhì đó là nước lụt để làm cho Ðức Bồ Tát chết đuối. Y hoá phép một trận mưa lớn như thác đổ, cuồn cuộn tràn đầy hồ ao, sông núi, dâng ngập mặt đất, dâng cao đến ngọn cây, rồi dâng đến đỉnh núi để ngập chìm Ngài.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, trận lụt lớn kia bỗng nhiên hóa ra vô hiệu, không còn một hạt nước mưa nào có thể làm thấm ướt được chéo y của Ngài. Y càng thêm tức giạän liền sử dụng loại phép thuật thứ ba đó là mưa đá than hồng để thiêu đốt Ðức Bồ Tát. Y hoá phép làm một trận mưa đá than hồng cháy đỏ hừng hực liên miên, bất tận rơi trút xuống kim thân Ngài.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, những cục đá than hồng kia lại biến thành những đoá hoa trời màu sắc xinh đẹp nhẹ nhàng rơi xuống xung quanh Ngài.

Y vô cùng tức tối, liền sử dụng loại phép thuật thứ tư đó là trận mưa vũ khí để giết chết Ðức Bồ Tát. Y hoá phép những loại vũ khí sắc bén như gươm, giáo, răng cưa, móc nhọn… tua tủa rơi từ hư không đâm xuống chỗ Ngài.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, những loại vũ khí sắc bén kia lại biến thành những đoá hoa trời, những báu vật rơi rải rác xung quanh Ngài.

Y giận lồng lộn lên, ngay tức khắc sử dụng loại phép thuật thứ năm đó là trận mưa lửa than để thiêu đốt Ðức Bồ Tát. Y hoá phép trận mưa lửa than đỏ rực cả vùng trời phủ xuống kim thân Ngài.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, trận mưa lửa than kia lại biến thành chùm pháo hoa cõi trời đẹp mắt rơi xuống xung quanh Ngài.

Y bây giờ giận dữ điên cuồng, sử dụng loại phép thuật thứ sáu đó là trận mưa tro nóng để thiêu rụi Ðức Bồ Tát. Y hoá phép trận mưa tro nóng rơi xuống chỗ Ngài.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, trận mưa tro nóng kia lại biến thành bột trầm cõi trời thơm ngát rơi rải rác xuống xung quanh Ngài.

Ác Ma Thiên sử dụng loại phép thuật thứ bảy đó là vũ khí mưa cát mịn có độ nóng kinh khủng để thiêu hủy Ðức Bồ Tát. Y hoá phép trận mưa cát mịn rơi xuống chỗ Ngài.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, trận mưa cát mịn kia lại biến thành vật thơm cõi trời ngào ngạt rơi rải rác xung quanh Ngài.

Ác Ma Thiên sử dụng loại phép thuật thứ tám đó là trận mưa bùn có độ nóng khủng khiếp để thiêu hoại Ðức Bồ Tát. Y hoá phép trận mưa bùn rơi xuống chỗ Ngài.

Do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, trận mưa bùn kia lại biến thành vật thoa trời mát dịu rơi rải rác xuống xung quanh Ngài.

Ác Ma Thiên tức giận điên cuồng, khi dùng các loại phép thuật giết hại mà không có hiệu quả; nên y thay đổi chiến thuật sử dụng loại phép thuật thứ chín đó là không gian tối tăm như mực để làm cho Ðức Bồ Tát kinh sợ bỏ chạy, y hoá phép làm cho không gian tối đen mù mịt.

Do oai lực ba la mật từ kim thân Ngài phát ra hào quang tỏa rộng như vầng thái dương sáng tỏ, làm tan biến bóng tối đen như mực kia ngay tức khắc.

Thế là Ác Ma Thiên đã sử dụng hết chín loại phép thuật lợi hại: cuồng phong, bão tố, nước ngập lụt, mưa đá than hồng, mưa vũ khí, mưa lửa than, mưa tro nóng, mưa cát nóng, mưa bùn nóng và không gian tối mịt… nhưng Ðức Bồ Tát vẫn an nhiên tự tại ngự trên ngôi bồ đoàn quý báu, bất khả xâm phạm. Bị thất bại chua cay, biết là chẳng thể nào làm cho Ðức Bồ Tát từ bỏ ngôi bồ đoàn, nhưng Ác Ma Thiên vẫn tỏ ra oai vệ dõng dạc hét lớn truyền lệnh chúng thiên ma rằng:
– Các ngươi hãy tấn công vào bắt Sa môn Gotama, hãy đánh đuổi Sa môn Gotama ra khỏi ngôi bồ đoàn kia.
Ác Ma Thiên la hét thật lớn, nhưng chẳng có ma quân, ma tướng nào dám cả gan xông đến gần, bởi do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát.

Ác Ma Thiên vẫn chưa chịu thất bại, ngồi trên lưng voi Girimekhala đưa tay chỉ vào Ðức Bồ Tát nói như ra lệnh:
– Này Sa môn Gotama, ông hãy mau mau rời khỏi chỗ ấy, vì ngôi bồ đoàn ấy là của ta!
Ðức Bồ Tát từ tốn đáp:
– Này Ác Ma Thiên, ngôi bồ đoàn quý báu này phát sanh do phước báu của 30 pháp ba la mật, năm hạnh đại thí, ba pháp hành mà Như Lai đã tạo từ vô số kiếp. Như vậy ngôi bồ đoàn này thuộc về của Như Lai, không phải của ngươi. Khi chưa chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, thì Như Lai vẫn chưa thể rời khỏi ngôi bồ đoàn quý báu này.

VŨ KHÍ CUỐI CÙNG

Ðức Bồ Tát nói như vậy, Ác Ma Thiên vô cùng giận dữ đến phát điên, liền sử dụng phép thuật vũ khí vòng sắt cực kỳ nguy hiểm, quyết sát hại Ðức Bồ Tát.

Ðây là một đòn trí mạng cuối cùng. Nếu chiếc vòng sắt ấy ném xuống đất, thì mặt đất bị thiêu hủy suốt 12 năm không có cỏ cây nào mọc được. Nếu chiếc vòng sắt ấy ném lên hư không, thì suốt 12 năm trường không có một giọt mưa nào rơi xuống. Nếu chiếc vòng ấy ném vào núi Sineru (Tu di sơn), thì núi ấy bị cắt làm đôi.

Với ý chí quyết thắng Ðức Bồ Tát, với ác tâm sát hại chúng sinh, Ác Ma Thiên ném vũ khí vòng sắt lên hư không phát ra tiếng sấm sét vang trời, đồng thời ra lệnh thiên ma binh, thiên ma tướng xô đẩy những quả núi lớn xuống nơi Ðức Bồ Tát đang ngự trên bồ đoàn.

Ác Ma Thiên nghĩ là mình sẽ chiến thắng, nếu Sa môn Gotama không từ bỏ ngôi bồ đoàn kia, thì thân xác ông ta sẽ bị nghiền nát.

Tất cả chư thiên, chư Phạm thiên từ xa khi nhìn thấy phép thuật vũ khí vòng sắt của Ác Ma Thiên được ném ra, một số vô cùng lo ngại cho sanh mạng của Ðức Bồ Tát, một số khác tin rằng do oai lực 30 pháp hạnh ba la mật tròn đủ của Ngài, sắp chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, thì không có một loại phép thuật vũ khí nguy hiểm nào có thể sát hại được Ngài.

Quả thật như thế, do oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát, vũ khí vòng sắt cực kỳ nguy hiểm kia đã biến thành cuộn dây chùi chân nhẹ nhàng rơi xuống bên cạnh ngôi bồ đoàn, còn tất cả quả núi lớn kia đã biến thành những đóa hoa cõi trời xinh đẹp rơi rải rác xung quanh ngôi bồ đoàn quý báu nơi Ngài đang ngự.

CUỘC ÐẤU TRÍ CUỐI CÙNG

Khi ấy, Ngài suy sét rằng: “Chư Bồ Tát ở quá khứ khi đã hành tròn đủ 30 pháp ba la mật, thì ngôi bồ đoàn quý báu phát sanh đối với họ để chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác, ta cũng là Bồ Tát đã hành tròn đủ 30 pháp ba la mật. Như vậy, ngôi bồ đoàn quý báu này thuộc về của ta hôm nay, để chứng đắc thành bậc Chánh Ðẳng Giác”.

Suy xét xong, Ngài bèn hỏi Ác Ma Thiên.
– Này Ác Ma Thiên, ngôi bồ đoàn quý báu phát sanh do sự tròn đủ 30 pháp ba la mật của Như Lai; ngươi có từng tạo tròn đủ 30 pháp hạnh ba la mật đâu, mà ngươi dám nói ngôi bồ đoàn này là của ngươi; vậy ngươi có gì làm bằng cớ?

Ác Ma Thiên đắc chí chỉ vào chúng thiên ma của mình tuyên bố:
– Tất cả thiên binh, thiên tướng làm chứng ngôi bồ đoàn kia là của ta.

Chúng thiên ma đồng thanh đáp:
– Ðúng thế! Ngôi bồ đoàn kia là của Ðức vua chúng tôi.

Ác Ma Thiên tưởng mình đã thắng thế, bèn hỏi Ðức Bồ Tát rằng:
– Thưa Sa môn Gotama, Ngài tuyên bố ngôi bồ đoàn quý báu ấy thuộc về của Ngài, vậy ai làm chứng cớ cho Ngài?

Ðức Bồ Tát nhìn xung quanh đều không có một chư thiên, Phạm thiên nào, Ngài suy tưởng: “Ta đã từng tạo 30 pháp ba la mật trải nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, không nói kiếp trước xa xôi, chỉ nói đến kiếp gần đây, khi sanh làm thái tử Vessantara hành đại thí ba la mật: bố thí voi quý, của cải, vợ con…, mặt đất không có tâm thức này cũng đã từng 7 lần rung chuyển”.

Ðức Bồ Tát bèn đưa bàn tay phải ra dùng ngón trỏ chỉ xuống mặt đất tuyên bố bằng lời chân thật rằng:
“Trong tiền kiếp, khi tôi là thái tử Vessantara, tôi đã từng làm đại thí ba la mật 7 lần. Bây giờ, tại nơi đây không có chúng sinh có tri giác nào đứng ra làm chứng cho tôi, chỉ có mặt đất, mặt đất không có tâm thức này có thể làm chứng cho tôi được không?”.

Thật phi thường thay! lời chân thật của Ðức Bồ Tát vừa chấm dứt, lập tức mặt đất chuyển mình, rung động, phát ra những tiếng sấm sét long trời lỡ đất, Ác Ma Thiên kinh hoàng khiếp đảm giục voi bỏ chạy trở về cõi Tha hoá tự tại thiên, còn đám ma binh hỗn quân hỗn quan vô cùng khiếp đảm bỏ mặt nạ, vũ khí, hốt hoảng chạy tán loạn để thoát thân theo chủ soái của mình.

ÐỨC BỒ TÁT TOÀN THẮNG ÁC MA THIÊN

Ðức Bồ Tát ngự trên bồ đoàn quý báu dưới cội cây Assattha đã toàn thắng Ác Ma Thiên vừa đúng lúc mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng ló dạng hướng Ðông. Khi ấy 10 ngàn thế giới chư thiên cõi trời Dục giới, chư Phạm thiên cõi trời sắc giới, Long vương dưới thuỷ cung… toàn thể chư thiên, Phạm thiên vui mừng reo hò vang dội khắp các từng trời, tán dương ca tụng oai lực ba la mật của Ðức Bồ Tát rằng:
– Ðức Bồ Tát Siddhattha đã toàn thắng rồi!
– Ác Ma Thiên đã hoàn toàn thất bại rồi!

Do đó, ngôi bồ đoàn quý báu này gọi là “Aparājitapallanka”: ngôi bồ đoàn nơi toàn thắng Ác Ma Thiên. Chư thiên, chư Phạm thiên đem những đóa hoa trời xinh đẹp, hương thơm đến cúng dường, tán dương ca tụng oai lực ba la mật của Ngài.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage