Phật Học Online

Đọa ba đường ác

Thế Tôn đã chỉ rõ, xan tham-tật đố, thùy miên, trạo cử-hý luận là nhân của ba đường ác.


 Ai tạo ác nghiệp thì sẽ bị đọa vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Nhất là tạo những nghiệp ác nặng nề thì chắc chắn sẽ rơi vào địa ngục. Dù không ai biết rõ về địa ngục, trừ các bậc Thánh A-la-hán trở lên và những người tạo trọng tội, nhưng với niềm tin nhân quả sâu sắc, chúng ta cảm nhận được phước báo và tội báo rất rõ ràng.

Dù không thấy nhưng địa ngục cũng không xa, mỗi người đều có thể nhận ra khi cái ác xảy ra trong cuộc sống xung quanh ta ngày càng nhiều. Thế Tôn đã chỉ rõ, xan tham-tật đố, thùy miên, trạo cử-hý luận là nhân của ba đường ác. Gây nhân ác thì đàn bà hay đàn ông đều có, nhưng Thế Tôn xác quyết “đàn bà sẽ vào địa ngục nhiều hơn đàn ông”, đây cũng là điều thú vị mà chúng ta cần suy nghiệm để tự rút ra bài học cho chính mình.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Ví như mùa xuân, trời mưa đá lớn; nếu Như Lai không ra đời chúng sanh sẽ vào địa ngục. Cũng lại như thế, bấy giờ đàn bà sẽ vào địa ngục nhiều hơn đàn ông. Vì sao thế? Tỳ-kheo nên biết: vì ba việc mà chúng sanh thân hoại mạng chung phải vào ba đường ác. Thế nào là ba? Là tham dục, thùy miên và điều hý (trạo cử). Có ba điều này ràng buộc tâm ý, thân hoại mạng chung rơi vào ba đường ác. Đàn bà suốt ngày tập quen ba pháp để tự vui thú. Thế nào là ba? Sáng sớm dùng tâm tật đố mà ràng buộc mình, đến trưa lại đem thùy miên kết buộc, về chiều lấy tâm tham dục cột trói. Do nhân duyên này khiến đàn bà ấy thân hoại mạng chung sanh vào ba đường ác. Thế nên các Tỳ-kheo, hãy nhớ lìa ba pháp này.

Thế Tôn liền nói kệ: Tật đố, ngủ, điều hý/Tam dục là pháp ác/Dắt người đến địa ngục/Rốt cuộc không giải thoát/Vì thế nên xa lìa/Tật đố, ngủ, điều hý/Cũng nên lìa bỏ dục/Chớ tạo hạnh ác kia.

Thế nên, các Tỳ-kheo, hãy nhớ lìa tật đố, không tâm xan lẫn, thường hành bố thí, không đắm thùy miên, hãy hành bất nhiễm, chẳng mắc tham dục. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Cúng dường,
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr398)

Có sự phân biệt hay kỳ thị chăng khi Thế Tôn nói “Đàn bà sẽ vào địa ngục nhiều hơn đàn ông”? Hoàn toàn không, vì những gì Đức Phật nói đều dựa trên lòng từ bi, và nhất là sự thấy biết như thật về tập nghiệp của chúng sinh. Vấn đề là mỗi người nên tự quan sát tập nghiệp của mình để nhận chân rõ ràng về biệt nghiệp của tự thân mà nỗ lực tự chuyển hóa.

Tự tâm nhiều tham dục, ưa gom góp mọi thứ về cho mình mà không muốn sẻ chia. Thấy người thành công hay được lợi danh hơn mình thì khởi lòng ganh tức, đố kỵ. Lại thêm ham mê ngủ nghỉ, biếng nhác dật dờ, chẳng hề siêng năng tinh tấn. Tâm luôn trạo cử tạo nghiệp nhiều chuyện, thích buôn chuyện thị phi trên trời dưới đất, ưa nói lỗi người. Một người mà sáng trưa chiều tối luôn tạo nghiệp như thế thì quả báo rơi vào ba đường ác là đương nhiên.

Không phải tự nhiên trong dân gian hình thành nên thuật ngữ “bà tám”, người ưa buôn chuyện thị phi. Điều đó cho thấy khuynh hướng “Tật đố, ngủ, điều hí” tức ganh ghét, đố kỵ, xan tham, mê ngủ, trạo cử, hí luận nơi người nữ có phần trội hơn nên “sẽ vào địa ngục nhiều hơn”. Nói như thế không có nghĩa đàn ông không tạo tội, không vào địa ngục, chỉ có điều là tỷ lệ ít hơn người nữ mà thôi.

Hiểu rõ nguyên nhân tạo ra đau khổ để chuyển hóa, tự sửa mình. Người đệ tử Phật nguyện “lìa tật đố, không tâm xan lẫn, thường hành bố thí, không đắm thùy miên, hãy hành bất nhiễm, chẳng mắc tham dục” thì chắc chắn sẽ gặt hái quả phúc, sống an vui. 

Quảng Tánh

GN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage