Phật Học Online

Hồn quê, hồn người & tâm Phật

Thỉnh thoảng, tôi nhận được điện của bạn phương xa. Ban đầu, lúc mới đi, anh bạn gọi để kể chuyện xứ người lắm điều lạ, nhưng sau đó gọi về anh không còn nói chuyện người nữa mà nói về mình, về quê hương.

Chắc là bạn nhớ nhà lắm, nhớ đến độ dù biết rõ sự chênh lệch múi giờ, không sợ phiền, vẫn gọi về lúc nửa đêm khi tôi đang ngủ. Giữa khuya đang ngủ sâu phải bật đèn ngồi dậy, tôi hơi quạu.

honquen 3.jpg

Góc quê hương Việt mà lòng người đi đâu xa vẫn nhớ - Ảnh minh họa

Tưởng chuyện gì, thức dậy để nghe anh nói về nước nôi, con cá linh, bông điên điển còn được người trộn với bột để làm bánh. Ở quê nhà, ai mà không biết, nhưng rồi tôi cảm thấy bồi hồi cho anh. Trường hợp của anh y như sách Quốc văn giáo khoa thư tôi học lúc nhỏ nói - đi đâu cũng không thấy nơi nào đẹp hơn quê nhà. Và như Chế Lan Viên viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”.

Hai câu thơ có điều gì đó bâng khuâng. Tâm hồn là gì, nằm bên ngoài hay bên trong? Tâm hồn, hồn vía, hồn phách là những từ trừu tượng. Đất hóa tâm hồn vậy mà nó sờ nắm được, có hương vị lẫn màu sắc thật khó trả lời. Nhưng rồi ta cũng hiểu được nếu như theo quan niệm của dân gian, của cái gọi là tâm linh. Con người có hai phần xác và hồn. Hồn nằm trong thể xác. Như vậy không có người sao có hồn. Không có quê sao gọi là hồn quê? Quê là nơi có mồ mả tổ tiên ông bà, là nơi người ta sinh ra, lớn lên cùng với xóm làng chan hòa yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

Cuộc sống của người bắt đầu từ đó, nên đi đâu cũng đều nghe có tiếng gọi trở về. Hồn quê gắn kết giữa hai người lạ với nhau. Thí dụ như đang lang thang ở Sài Gòn, gặp một người nói mình dân miền Tây. Tự nhiên hai người cảm thấy gắn kết không cần hỏi thêm là ở Long Xuyên hay Cần Thơ, Đồng Tháp. Như vậy, hồn quê bắt đầu từ đặc điểm vùng đất và nó tạo ra tập quán, tính cách của người. Hồn quê nằm ở những thửa ruộng, cánh đồng. Vùng Bảy Núi đất gò pha cát - muốn làm ruộng mới đợi mưa xuống cày bừa gieo sạ. Vùng Tứ giác Long Xuyên rộng bao la, mỗi năm có mùa nước nổi lênh đênh - làm ruộng rất vất vả, trông nắng trông mưa thời tiết thay đổi thất thường nên năm trúng, năm thất mùa. Làm trối chết mà vẫn nghèo, đôi khi chuyện giàu nghèo cũng do số phận hên xui. Dân nghèo kéo nhau về các khu đô thị, khu công nghiệp kiếm sống.

Ở quê cũng có người vì nghèo phải bươn chải bỏ quê đi xa nhưng rất ít, đất níu chân người ở lại. Vì hồn quê còn là màu xanh của ruộng đồng, màu vàng rực khi lúa chín. Còn là mùi hương lúa, mùi hương gạo mới, mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng. Còn là những âm thanh tiếng gió rì rào thổi qua vườn cây, tiếng chim hót buổi sáng rộn ràng. Nhất là buổi trưa văng vẳng xa xa tiếng gà gáy trưa (không biết căn cứ vào đâu, dân gian cho tiếng gà gáy trưa là báo hiệu có con gái chửa hoang. Hay là buổi trưa ở quê tiếng gà gáy nghe buồn lắm, bắt nhớ tới chuyện này chuyện kia nên nói vậy).

Hồn quê còn là những con sông. Miền Tây với hai con sông Tiền, sông Hậu. Cũng với mạng kênh rạch chằng chịt tạo ra miền sông nước. “Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình. Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ. Con sông tôi tắm mát. Con sông tôi đã hát. Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà. Sông cũng như người ấy. Có khi vui buồn có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy…” (Trở về dòng sông tuổi thơ). Con sông đã đi vào nhạc của Hoàng Hiệp rồi như trở nên bất tử.

Tôi đang ở quê, anh bạn ở xứ người lãng xẹt khi anh hỏi tôi nhớ quê không? Trong khi tôi đang hít thở, nhìn thấy quê thay đổi mỗi ngày! Làm sao tôi quên được tuổi thơ của mình, trong đó có anh. Hình ảnh buổi trưa mùa cày, khói đốt đồng mù mịt. Mùa cày đốt đồng còn là mùa chuột, mùa dế. Mấy tháng sống yên trong hang, nay lưỡi cày lật đất lên, chúng quýnh quáng chạy ra dọc theo luống cày. Mùa này ở quê rất vui, nhất là với lũ trẻ. Nhiều đứa buổi trưa trốn học rủ nhau xách thùng ra đồng bắt chuột, bắt dế đem về ăn, về chơi. Tuổi thơ khác người lớn, người lớn mấy ai đạt tới cái gọi là “lạc vô dư” vui không dứt, trong khi con nít hết trò này bày tới trò kia. Bắt dế trở về thấy con rạch buổi trưa nước trong mát lập tức cả bọn cởi quần áo. Có đứa ở truồng nhảy xuống rạch, thi nhau lội đua, móc sình liệng nhau làm khuấy động không khí yên tĩnh của buổi trưa quê.

Hồn quê còn nằm trong những người dân nếp sống giản dị mộc mạc. Nhà có món gì ngon hay múc ra đem cho láng giềng bên cạnh. Đi chơi về lỡ buổi cơm, xách chén qua hàng xóm xin cơm là chuyện bình thường. Hay là hàng xóm nấu gì thơm nức lỗ mũi, không có ai mời cũng chạy qua hỏi: “Ai kêu tui đó, tui nghe mà”. Rồi xáp vô bàn ngồi tự nhiên. Và cũng người đó thấy con đường đất mưa xuống lỗ hang, tự động lấy len đào đất đắp đường cho nó bằng phẳng (không như ở thị thành cái gì cũng chờ nhà nước). Chẳng những đắp đường mà còn cất cầu. Đó là hình ảnh những cây cầu tre, lắt lẻo - nhưng không còn - giờ được thay bằng cầu treo, cầu đúc xi-măng. Hồn quê thể hiện qua hình ảnh người giàu, nghèo tự động hùn tiền, bỏ công ra, không nghĩ xe của ai chạy qua mà lập trạm thu phí để lấy tiền lại.

Giữa khuya thức dậy để nghe anh nhớ đủ chuyện, không quên nhớ về ngôi đình, mái chùa xưa. Những ngày rằm, lễ kỳ yên cúng đình hàng năm có còn vui không. Tôi hình dung cảm xúc qua câu hỏi của anh. Qua đó cho thấy, hồn quê còn là ngôi chùa mái ngói rêu phong, ngôi đình cổ kính trên nóc có gắn hình sư tử, kỳ lân. Như là hồn quê tập trung về hai nơi này. Nó như xuất hiện cùng một lúc với làng quê để rồi cùng với làng quê sống mãi theo thời gian.

Cuộc sống trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, thiếu thốn nhưng người vẫn không quên mỗi năm chung tay hùn tiền, góp công tu bổ nó để có chỗ cúng bái, thờ tự. Là nơi thuộc về tâm linh tín ngưỡng, đồng thời cũng là trung tâm văn hóa của làng xã. Dưới mái chùa, sân đình, dân quê gặp nhau ngoài những câu chuyện về đạo đức, Phật pháp, còn là những câu chuyện về kinh nghiệm mùa màng chia vui cùng với nhà nào có con cháu ăn nên làm ra và chia sẻ với những ai họ gặp, gắn kết nên nghĩa xóm làng.

Mỗi năm đình mở hội cúng kỳ yên cầu cho mưa thuận gió hòa, cờ xí được treo lên rồi tiếng trống đình tùng tùng vang lên. Mọi người mang lễ vật đến đình để cúng thần cầu cho làng xóm được bình yên rồi xem hát bội. Người đi xa luôn nhớ tiếng trống đình cũng như nhớ tới tiếng chuông chùa thong thả ngân lên sáng, trưa, chiều. Tiếng chuông sâu lắng làm cho người thấy lòng thanh thản hướng tới điều thiện.

Đạo Phật là đạo tự do, đạo của tâm, của luật nhân quả, mọi việc tùy theo người nên đạo Phật không quy định ra những luật lệ để buộc người theo, do đó ban ngày chùa như vắng, trừ những ai có nhu cầu mới đến chùa thắp nhang lạy Phật chuyện trò với sư trụ trì, lắng nghe những lời giảng dạy. Buổi chiều tối, công việc đồng áng xong xuôi, người mới kéo nhau đến chùa để cùng quý sư đọc kinh. Tuy nhiên, vào những ngày rằm, chùa là nơi cho thấy sức sống tâm linh hiện ra mãnh liệt qua việc có mặt đông đủ mọi người quy tụ về đây. Ngày rằm giống như ngày hội, quang cảnh náo nhiệt nhưng lại trang nghiêm, người tới lạy Phật, người nghe thầy thuyết pháp rồi ngồi quây quần thưởng thức những món ăn chay.

Tóm lại, hồn quê là ảo, là trừu tượng không nhìn thấy, không nắm bắt được nhưng lại là thực để người vui buồn, thương nhớ, mong đợi. Hồn quê có trong người. Qua hồn quê cho người thấy được tâm mình. Mà thấy được tâm mình theo như kinh Phật dạy là đã thấy được Pháp. Thấy được Pháp tức là người đã vào cửa Phật.

Ngô Khắc Tài

Theo giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage