Phật Học Online

Pháp hành căn bản cho hàng Phật tử

Hàng Phật tử tùy gia cảnh và căn cơ mà thọ trì, tu học Chánh pháp theo những cách khác nhau. Quan trọng là phải xác định được pháp gì là quan trọng, tinh túy, cốt tủy để nương vào. 

Bốn pháp Bất hoại tịnh, tức sống trọn vẹn với niềm tin trong sạch, kiên cố vào Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới là pháp căn bản nhất nhằm thành tựu phước báo trời người, nền tảng cho việc dự phần vào các Thánh vị.
phat tu tai gia.jpg
Phật tử tham gia một khóa lễ hoa đăng, cầu nguyện an lành cho tự thân, gia đình và xã tắc - Ảnh minh họa

“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên đang ở trong thôn Ha-lê của họ Thích. Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên nghe gia chủ thôn chủ Ha-lê mắc bệnh khổ. Sau khi nghe, vào buổi sáng sớm, đắp y mang bát vào thôn Ha-lê khất thực, lần lượt đến nhà gia chủ thôn chủ Ha-lê…

Tôn giả nói với gia chủ:

- Thế nào gia chủ, tật bệnh có chịu đựng được không? Mọi thứ đau đớn của thân thể có thuyên giảm không? Không tăng thêm chăng?

Gia chủ đáp:

- Thưa Tôn giả, bệnh con rất khó nhẫn chịu. Những sự đau đớn của thân thể càng tăng thêm, không bớt chút nào!

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

- Cho nên ông nên tu tập bất hoại tịnh đối với Phật, tu tập bất hoại tịnh đối với Pháp, tu tập bất hoại tịnh đối với Tăng, tu tập và thành tựu Thánh giới. Nên học như vậy.

Gia chủ đáp:

- Bốn Bất hoại tịnh như Đức Phật dạy con đã thành tựu được tất cả…

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

Ông nên nương vào bốn pháp Bất hoại tịnh này mà tu tập sáu pháp Niệm. Nên niệm công đức Phật: Ngài là Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nên niệm công đức Pháp: Đối với Chánh pháp luật của Thế Tôn, ngay trong đời này, xa lìa các phiền não bứt rứt, pháp được thông đạt, phi thời gian, duyên tự mình mà giác ngộ. Nên niệm công đức Tăng: Bậc thiện xảo thú hướng, chân chánh thú hướng, trực chỉ thú hướng, bình đẳng thú hướng, tu hạnh tùy thuận. Đó là hướng Tu-đà-hoàn, đắc quả Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, đắc quả Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, đắc quả A-na-hàm; hướng A-la-hán, đắc quả A-la-hán. Như vậy, bốn đôi, tám bậc, đó gọi là Tăng đệ tử của Thế Tôn, đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, là phước điền vô thượng của thế gian, là nơi cúng dường, cung kính, lễ bái. Nên niệm công đức Giới: Tự giữ gìn chánh giới, không hủy, không khuyết, không vỡ, không nát, là giới chẳng trộm lấy, giới cứu cánh, giới đáng khen ngợi, giới phạm hạnh, giới không bị ghét bỏ. Nên niệm công đức Bố thí: Tự mình nghĩ đến bố thí, tự tâm cảm thấy hân hoan, xả bỏ keo kiệt, tham lam; tuy ở tại gia nhưng tâm bố thí giải thoát, thường bố thí, vui vẻ bố thí, bố thí đầy đủ, bố thí bình đẳng. Nên niệm công đức chư Thiên: Niệm trời Tứ vương, trời Tam thập tam, trời Diệm-ma, trời Đâu-suất-đà, trời Hóa lạc, trời Tha hóa tự tại. Chư Thiên này với tín và giới thanh tịnh, khi chết ở cõi này được sanh về trong các cõi kia. Ta cũng như vậy, nhờ tín, giới, thí, văn, tuệ thanh tịnh, nên được sanh về trong các cõi trời kia.

Này gia chủ, như vậy nên biết nương vào bốn pháp Bất hoại tịnh và thêm sáu Niệm xứ nữa.

Gia chủ thưa Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên:

- Bốn pháp Bất hoại tịnh và sáu Niệm xứ mà Đức Thế Tôn đã nói, ở đây, tất cả con đều thành tựu. Con đang tu tập niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên.

Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên bảo gia chủ:

- Lành thay! Gia chủ có thể tự xác nhận là đắc quả A-na-hàm…”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 554 [trích])

Sau khi thành tựu bốn Bất hoại tịnh, người Phật tử tinh cần tu tập sáu Niệm xứ (niệm Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Thiên) để thanh tịnh và thăng hoa tâm. Đệ tam quả A-na-hàm, Bất lai (không trở lại cõi người nữa, chỉ tái sanh ở cõi Sắc hay Vô sắc, từ đó tu hành và đạt quả Tối thắng, thành tựu Giải thoát tối hậu) là quả ngọt của pháp tu Lục niệm. Nếu nỗ lực, tinh cần với căn lành sâu dày, hành giả tu tập Lục niệm có thể thành tựu Chánh trí, Giải thoát ngay trong hiện tại.

Quảng Tánh

Theo giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage