Phật Học Online

Quan điểm Phật giáo về tử vi, bói toán
Bài viết: "Quan điểm Phật giáo về tử vi, bói toán" Lily Trần - Vườn hoa Phật giáo

Coi tử vi, bói toán, coi tướng số, xin xăm và cúng giải hạn đang là những hoạt động rất phổ biến trong cuộc sống. Người ta tìm đến chuyện coi tử vi, bói toán, cúng sao,.. để tìm sự an tâm, tìm những lời khuyên hay cầu sự may mắn. Những người này thường là những người mê tín dị đoan, thường tin vào các đấng thần linh, tin vào một định mệnh hay số mệnh đã an bài. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng tử vi, bói toán không có trong giáo lý nhà Phật.



Coi tử vi, bói toán, coi tướng số, xin xăm và cúng giải hạn đang là những hoạt động rất thường gặp trong cuộc sống. Người ta tìm đến chuyện coi tử vi, bói toán, cúng sao,.. để tìm sự an tâm, tìm những lời khuyên hay cầu sự may mắn.

Những người thích coi bói toán là những người mê tín dị đoan, thường tin vào các đấng thần linh, tin vào một định mệnh hay số mệnh đã an bài. Và nếu là một Phật tử thì họ sẽ xem đức Phật như một vị thần linh tối cao có thể ban vui hoặc giáng họa. Tuy nhiên, những việc coi bói toán, tử vi... không có trong giáo lý nhà Phật.

Quan điểm Phật giáo về tử vi, bói toán

Đạo Phật là đạo Giác, hay là con đường tới Giác Ngộ. Phật là người đã giác ngộ, là thầy dẫn đường cho chúng ta tới giác ngộ. Ngài không phải là một vị thần linh tối cao, hay một đấng thượng đế toàn năng, sáng tạo và bất diệt. Ngài không ban phát ân huệ hay trừng phạt chúng sinh.

Ngài có thể cứu giúp chúng sinh bằng cách chỉ dạy cho chúng sinh phương pháp tu hành để chuyển hóa nghiệp lực, thoát khỏi những khổ đau và đạt được niềm vui an lạc. Đức Pkhông thể tu thay hoặc ban phép cho chúng sinh thoát mọi khổ đau và đạt được niềm vui an lạc.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật nói: "những hành vi tạo lỗi này do chính bạn làm, không phải do nơi cha mẹ, bè bạn, hay người thân quyến thuộc, cho nên chính bạn phải gặt hái kết quả đau khổ."  

Theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề tai họa hay sung sướng, khổ đau hay bất hạnh, giầu có hay nghèo khổ đều do nhân thiện ác mà chúng ta gieo trồng từ nhiều đời sống trước rồi đời này hay đời sau chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại mà có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này hay đời sau. Do việc gieo nhân khác nhau trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này.

Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng và giáo dục, anh em, họ hàng, thầy bạn và đồng nghiệp. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu có sự tu tập về mặt nội tâm và luyện tập thân thể tốt, trau dồi thêm ý thức, mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt.
 
Như thế thì tử vi bói toán đâu có ích lợi gì! Điều cần thiết là làm lành, lánh ác, thì nhân xấu ác sẽ tàn lụi, nhân lành sẽ nẩy nở xum xuê. Cho nên nhà Phật có câu:

Khi trước gây nhân hiền, ác

Bây giờ đang lãnh thọ đây

Muốn biết tương lai sướng khổ

Cứ xem hành động lúc này


Không có cái gọi là "Số Mệnh" an bài, bởi vì chúng ta có tự do làm thay đổi và khắc phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích. Như chúng ta thi rớt, chúng ta phải cố gắng luyện thi lại, thế nào cũng đạt được. Chúng ta làm chủ tạo nhân, chính chúng ta làm chủ thọ quả. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Ðó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi hay đi xin xăm cầu đảo.  

Theo truyện cổ Phật giáo, có trường hợp một chú Sa-di trẻ ở cùng chùa với một vị trụ trì đã chứng quả A-la-hán. Vị trụ trì biết trong vòng một tuần nữa học trò mình sẽ chết bệnh, không thể tránh khỏi, bèn lẳng lặng cho học trò mình về thăm nhà. Anh học trò lên đường về nhà thấy một ổ kiến trên bờ đê đang bị một dòng nước xoáy đe doạ cuốn trôi đi. Chú Sa-di trẻ động lòng thương lũ kiến đang nháo nhác, bèn cởi quần áo nhảy xuống sông, ra sức đắp lại chỗ đê có thể bị vỡ để cứu ổ kiến. Cứu được ổ kiến, chú Sa-di tiếp tục lên đường về thăm nhà và sau một tuần trở lại chùa.

Vị Thầy trụ trì thấy học trò mình trở lại chùa an toàn, khí sắc lại còn hồng hào hơn xưa, rất lấy làm lạ, bèn hỏi chú Sa Di, tuần lễ vừa qua đã làm những gì.  Sau một hồi nhớ lại chú Sa di đã tường thuật cặn kẽ đầu đuôi chuyện cứu ổ kiến thoát chết. Vị trụ trì kết luận là do chú Sa-di phát tâm từ bi rộng lớn cứu ổ kiến cho nên đã chuyển nghiệp, đáng lẽ phải chết trong vong một tuần lại vẫn sống an toàn và còn tiếp tục sống thọ trong nhiều năm nữa.
 
Do câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng không có một cái gì là cố định, không có một cái gì là định pháp hay định mệnh, tâm thức chúng ta biến chuyển từng sát na và do đó nghiệp thức lẫn nghiệp quả cũng thay đổi từng sát na. Nếu các ông thầy bói toán tử vi tướng số nói những gì xảy ra trong tương lai mà chúng ta tin, tức là chúng ta tin rằng muôn sự muộn việc là thường chứ không phải là vô thường và là định pháp chứ không phải là bất định pháp, tức là chúng ta mù quáng mà phủ nhận định luật nhân quả và giáo pháp vô thường của Phật dạy.  

Tóm lại, việc coi tử vi bói toán, cũng như việc xin xăm cầu đảo, là một thứ mê tín, nó tạo nên những con người yếu hèn, không sáng suốt và mất tự tin nơi chính mình. Nó cũng đi ngược lại với qui luật nhân quả của thế giới hiện tượng, một qui luật mà đạo Phật coi như là căn bản để chuyển hóa nghiệp lực của dòng sinh mệnh.

Nhà chùa tùy duyên hành đạo

Tuy nhiên, nhiều nhà chùa vẫn làm những việc coi ngày, coi sao, đoán quẻ, mục đích là vì muốn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, theo tập tục mê tín lâu đời của mọi người mà thôi.

Tuy việc làm này không đúng với chánh pháp Phật dạy, nhất là trái hẳn với lý nhân quả nhưng vì đã trở thành một thói quen tin tưởng lâu đời rồi nên người Phật tử cũng khó dứt khoát trừ bỏ hẳn. Vì thế trong chùa mới bày ra việc coi sao, bói toán. Ðây cũng là một trong muôn ngàn phương tiện độ sinh. Vì nếu không bày ra như thế thì Phật tử cũng vẫn đi tìm nơi khác để xem coi. Trong chùa bày ra như thế để Phật tử còn có cơ duyên về chùa. Khi Phật tử về chùa thì dù sao Phật tử cũng còn lạy Phật hoặc nghe pháp.

Lợi ích là vì Phật tử còn có cơ hội trau dồi học hỏi thêm Phật pháp và đồng thời cũng gieo duyên lành với Tam Bảo. Và nhân đó, chư Tăng Ni còn có thể giải thích cho Phật tử biết thêm về chánh lý nhân quả. Nhờ phương tiện bày ra đó, có nhiều Phật tử bước đầu chưa hiểu Phật pháp còn mê tín nhưng dần dần về sau, khi nghe chư Tăng Ni giảng pháp và tìm hiểu học hỏi Phật pháp sẽ phát khởi tín tâm vào Tam bảo và lý nhân quả. Trở lại với con đường chánh lý, chánh tín vậy


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage