Phật Học Online

Thiền tập
Thích Trừng Sỹ

Thiền có nghĩa là yên lặng, tĩnh lặng, trầm lặng, thanh lặng, nhớ nghĩ, tỉnh thức, định tĩnh, quán chiếu, và nhất tâm. Nó là một môn thực tập rất sống động, an lạc, và hữu ích cho thân và cho tâm.

Hôm nay thứ bảy, ngày 5 tháng 11, năm 2011. Tại giảng đường Pigott của trường đại học Seattle,[1] tiểu bang Washington, Ông Bill Hirsch, một giáo Sư Phật học, mời thầy Trừng Sỹ tới trường để thuyết trình một buổi pháp thoại ngắn về thiền tập cho các Giáo sư và các bạn sinh viên. Cũng đề tài này, vào sáng thứ năm, ngày 3 tháng 11, năm 2011, giáo Sư tiến Sĩ Sharon Suh,[2] trưởng Khoa Tôn Giáo học và Thần học của trường này, dẫn khoảng 30 sinh viên lên Chùa Cổ Lâm, thành phố Seattle để thiền tập do thầy Trừng Sỹ hướng dẫn[3] khoảng một tiếng đồng hồ.

Kính chào quý vị Giáo sư và các bạn sinh viên thân mến!

Hôm nay, mình rất vui có mặt trước các bạn để hướng dẫn và trình bày thiền tập cho các bạn. Như các bạn biết thiền là món ăn tinh thần cho cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Thiền trong tiếng Anh là Meditation; tiếng Pāli là Jhāna; tiếng Phạn là Dhyāna; tiếng Nhật là Zen; tiếng Trung Quốc là Chán (禪); và tiếng Việt là Thiền. 

Thiền có nghĩa là yên lặng, tĩnh lặng, trầm lặng, thanh lặng, nhớ nghĩ, tỉnh thức, định tĩnh, quán chiếu, và nhất tâm. Nó là một môn thực tập rất sống động, an lạc, và hữu ích cho thân và cho tâm. Nó có khả năng đưa thân tâm thiền giả tới chánh niệm và tĩnh giác, và giúp thiền giả ý thức được những gì đang xảy ra ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại, như trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở, tiếng suối chảy… Thiền tập có khả năng giúp chúng ta dừng lại, nhận diện, và chuyển hóa các phiền não bất hạnh và khổ đau thành hạt giống an vui và hạnh phúc.   

Có hai loại thiền trong Phật giáo: Thiền Chỉ (Samatha Meditation) và Thiền Quán (Vipassāna Meditation). Chỉ (Samatha) có nghĩa là an tịnh, định tĩnh, nhất tâm, hoặc dừng lại. Quán (Vipassāna) có nghĩa là tuệ giác, nhìn rõ, hiểu biết rõ, quán chiếu, hoặc nhìn sâu.

Từ “Chỉ” (Samatha) hầu như hoán đổi với từ “Định” (Samādhi), và nó bắt nguồn từ một gốc từ Sam trong Samādhi – Định. Chỉ có nghĩa là dừng lại, yên tĩnh và định tĩnh. Dừng lại là một phương pháp thực tập rất quan trọng trong thiền chỉ (Samatha Meditation).    

Khi đang ngồi thiền, chúng ta nghe tiếng ồn đang xảy ra xung quanh chúng ta. Chúng ta ý thức rất rõ tiếng động đó chúng ta dừng lại, và theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra một cách có ý thức. Thở vào, chúng ta biết mình đang thở vào. Thở ra, chúng ta biết mình đang thở ra. Thở vào, chúng ta biết tiếng ồn đó trong tâm ta không còn nữa. Thở ra, chúng ta biết tiếng ồn đó trong tâm ta biến mất dần. Thực tập như vậy chừng vài ba lần bằng cách theo dõi hơi thở vào và theo dõi hơi thở ra có chánh niệm và tĩnh giác, thì âm thanh mà chúng ta nghe từ từ biến mất. Đó là Thiền Chỉ.

Thiền Chỉ có nghĩa là dừng cái tâm lang thang lại và tập trung nó vào hơi thở có ý thức. Như các bạn biết tâm của chúng ta giống như con khỉ và con ngựa. Nó chuyền từ nhành này tới nhành khác, và nó chạy từ nơi này tới nơi khác. Đôi lúc chúng ta ngồi đây, nhưng tâm của chúng ta suy nghĩ vẫn vơ về Nữu Ước, Ấn Độ, Úc, Việt Nam… Để đặt tâm lang thang vào hơi thở có ý thức bằng cách thiền tập, dần dần chúng ta hướng tâm tới định tĩnh và nhất tâm. Đừng lo lắng khi tâm ta giong ruổi. Hãy nhẹ nhàng đặt tâm ta vào hơi thở có ý thức bằng cách theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra sâu, lâu, chậm, và thảnh thơi. Lăng xăng là bản chất của tâm; vọng động là bản chất của tâm; an tịnh là bản chất của tâm; định tĩnh là bản chất của tâm; thảnh thơi là bản chất của tâm… Tu tập Thiền Chỉ là quá trình để thiền giả có thể thanh lọc và chuyển hóa cái tâm lăng xăng và vọng động thành cái tâm an tịnh, định tĩnh, và thảnh thơi.

Từ Quán (Vipassāna) có gốc từ: “Vi” và “Passāna.” “Vi” là một tiếp đầu ngữ có nghĩa là phân chia hay riêng biệt. “Vi” có nghĩa là quan sát chính mình trong phương pháp thiền quán. “Passāna”có nghĩa là xem hay nhận biết. Như vậy, Quán (Vipassāna) có nghĩa là nhìn sâu vào các sự vật và biết các sự vật đó là vô thường, duyên khởi, và vô ngã. Quán (Vipassāna) là quá trình tu tập và thanh lọc thân tâm, và đưa thiền giả tới đời sống an vui và hạnh phúc đích thực.     

Thiền Quán (Vipassāna) có nghĩa là quán chiếu vào hơi thở rõ ràng và trong sáng. Thở vào và thở ra, mình biết là mình đang còn sống. Thở vào thật sâu, mình biết là mình đang thở vào thật sâu. Thở ra chậm rãi, mình biết là mình đang thở ra chậm rãi. Thở vào an lạc, mình biết là mình đang thở vào an lạc. Thở ra vững chãi, mình biết là mình đang thở ra vững chãi. Thở vào thảnh thơi, mình biết là mình đang thở vào thảnh thơi. Thở ra thư thái, mình biết là mình đang thở ra thư thái. Mình có thể nói tóm tắt bằng tâm chánh niệm như thế này: Vào, ra, sâu, chậm, an lạc, vững chãi, thanh thản, và thảnh thơi.  

Quá trình thực tập Thiền Quán (Vipassāna Meditation) là quá trình tu tập trí tuệ, và gặt hái những hoa trái an vui và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại. Khi thực tập Thiền Quán (Vipassāna Meditation), chúng ta đừng suy nghĩ về quá khứ, đừng suy nghĩ tới tương lai, chỉ biết an trú vững chãi vào hơi thở chánh niệm ngay trong giây phút hiện tại mà thôi. Bởi vì quá khứ đã qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có giây phút hiện tại là giây phút có thật. Ta an trú vững chãi vào giây phút hiện tại để theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra chánh niệm và tĩnh giác. Thực tập như vậy đều đặn, ta có thể xả bỏ những lo lắng, phiền muộn, giận hờn, và trách móc.

Nhờ thực tập Thiền Quán (Vipassāna Meditation), chúng ta có thể thấy mọi vật là vô thường, như tham là vô thường, sân giận là vô thường, si mê là vô thường, khổ đau là vô thường, v. v… Nếu tham lam, sân hận, si mê… là thường hằng, thì chúng ta không thể chuyển hóa. Nhưng thực tế, chúng là vô thường và biến đổi. Là người tỉnh thức tu tập ngon lành, chúng ta có thể nhận diện và chuyển hóa chúng từ từ; chuyển hóa tham thành vô tham – bố thí; sân thành vô sân – từ bi; si thành vô si – trí tuệ; buồn phiền thành an vui; khổ đau thành hạnh phúc bằng cách thực tập nói những lời nói thiện, nghĩ thiện, và làm thiện để đem lại an lạc và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.

Tu tập Thiền Quán (Vipassāna Meditation), chúng ta có thể quán chiếu và thấy rõ ba mẹ trong ta, con cái trong ta, vợ chồng trong ta, anh chị em trong ta, thầy trò trong ta, mọi người trong ta, và ta trong mọi người. Chúng ta thấy họ rất rõ trong từng tế bào của đời sống hằng ngày của chúng ta. Để áp dụng thiền tập một cách thích hợp và khéo léo, chúng ta có thể mời họ cùng thiền tập với ta. Chúng ta hạnh phúc, thì họ cũng hạnh phúc. Chúng ta an lạc, thì họ cũng an lạc. Chúng ta tươi mát, thì họ cũng tươi mát.

Thực tập Thiền Quán (Vipassāna), chúng ta có thể nhìn sâu vào đời sống của ta luôn luôn biến đổi và vô thường. Đời sống của chúng ta càng ngày càng ngắn dần. Sống trên trái đất này khoảng một thời gian nhất định nào đó, rồi từ từ mỗi người trong chúng ta cũng phải ra đi. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta đã khéo vun trồng và tưới tẩm năng lượng tâm linh, năng lượng từ bi, và năng lượng thương yêu và hiểu biết trong ta và trong mọi người. Chúng ta có đủ hành trang và tư lương tốt trong cuộc đời. Dù vô thường có đến, chúng ta cũng vẫn bình thản ra đi. Sống thì an lạc, chết thì bình an. Ý thức rõ ràng được như vậy, chúng ta sống cho sâu sắc và thảnh thơi trong từng giây, từng phút. Mỗi hơi thở là sự sống. Mỗi thực tập là thảnh thơi. Mỗi phút giây là sự sống. Mỗi phút giây là thảnh thơi. Hiểu và thực tập được như vậy, thì chúng ta cảm thấy an vui hiện tiền. 

Trên đây, Thiền Chỉ (Samatha Meditation) và Thiền Quán (Vipassāna Meditation) được trình bày như vậy là để cho người đọc và người học dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ, và dễ hành trì. Theo cái nhìn tương tức, trong Thiền Chỉ có Thiền Quán, và trong Thiền Quán có Thiền Chỉ. Thiền Quán và Thiền Chỉ luôn đi đôi với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành, chúng ta có thể thực tập riêng biệt từng cái một miễn là chúng ta đưa thân và tâm chúng ta tới chánh niệm và tĩnh giác, vững chãi và thảnh thơi, an vui và hạnh phúc ngay trong cuộc sống hiện tại.   

Thực tập thiền đều đặn, chúng ta có thể làm vơi đi những đau nhứt và những căng thẳng trong thân và trong tâm của chúng ta. Nhờ thực tập thiền đều đặn, chúng ta có thể nuôi dưỡng và phát triển những năng lượng từ bi và trí tuệ, an vui và hạnh phúc. Khi có thời gian thích hợp, áp dụng thiền tập cho buổi sáng, buổi chiều, hoặc buổi tối, chúng ta có thêm năng lượng tâm linh, năng lượng bình an và vững chãi trong ta rất nhiều.

Từ đây, những gì chúng ta nói, những gì chúng ta nghĩ, và những gì chúng ta làm đều đem lại những hoa trái an vui và hạnh phúc đích thực cho tự thân và cho tha ngay trong cuộc đời này. Áp dụng thiền tập mỗi ngày có nghĩa là chúng ta thực tập tưới hoa mỗi ngày; mỗi ngày chúng ta tưới hoa là mỗi ngày đóa hoa trong ta sẽ trở nên tươi đẹp. Ngược lại, mỗi ngày chúng ta quên tưới hoa, là mỗi ngày đóa hoa trong ta sẽ héo úa đi từ từ. Thiền tập là để cho mỗi chúng ta tưới hoa mỗi ngày. Thiền tập là để cho mỗi chúng ta có cơ hội tốt nạp thêm năng lượng tâm linh mỗi ngày. Chúng ta hiểu và thực hành được như vậy, thì an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.   

Cũng vậy, mỗi người chúng ta đều có một bình ắc quy tâm linh, được mang theo với ta suốt đời. Bình ắc quy này có khả năng tích chứa năng lượng thương yêu và hiểu biết, an vui và hạnh phúc nếu mỗi chúng ta biết cách nạp điện tâm linh bằng cách áp dụng thiền tập vào đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Mỗi lần thiền tập là mỗi lần tưới hoa. Mỗi lần thiền tập là mỗi lần nạp thêm điện tâm linh. Mỗi lần thiền tập là mỗi lần khơi dậy và nuôi dưỡng hạt giống giác ngộ trong ta nẩy mần và vươn lên xinh tốt.

Trong một ngày, hai ngày, hoặc ba ngày; trong một tuần, hai tuần, hoặc ba tuần, nếu chúng ta quên tưới hoa, thì đóa hoa trong ta sẽ bị héo và úa đi; nếu chúng ta quên nạp điện tâm linh, thì năng lượng tình thương trong ta sẽ yếu đi; và nếu chúng ta quên thiền tập, thì năng lượng hòa bình trong ta cũng sẽ yếu đi. Lúc đó, chúng ta không có đủ năng lượng tâm linh, tình thương, an lạc và hạnh phúc để chia sẻ cho người khác. Quá trình tu tập là quá trình huân tập và nạp thêm năng lượng tâm linh, an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay cuộc đời này.

Trong đời sống hằng ngày, dù bận làm một việc gì, nhưng chúng ta cũng đừng quên việc tưới hoa, nạp thêm năng lượng tâm linh, và việc thiền tập. Chúng ta nên ý thức rằng việc tưới hoa hằng ngày là cần thiết; việc chạt điện tâm linh hằng ngày là quan trọng; việc áp dụng thiền tập trong mỗi ngày là thảnh thơi. Chúng ta hiểu và thực tập được như vậy, thì đóa hoa trong ta sẽ trở nên tươi tốt, bình điện tâm linh trong ta sẽ trở nên tràn đầy, và năng lượng tâm linh trong ta sẽ trở nên sung mãn. Nhờ áp dụng thiền tập thuần thục, chúng ta có thể gặt hái những hoa trái từ bi và trí tuệ, an vui và hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại. Từ đây, chúng ta có khả năng chia sẻ và hiến tặng các hoa trái ngọt ngào và năng lượng an bình ấy cho mọi người và mọi loài.

Hoa an lạc thấm nhuần trong tâm trí,

Hoa từ bi thấm đượm cả non sông.

Mỗi chúng chúng ta là mỗi nhà hành giả

Tặng cho đời những hoa trái thơm ngon.

 

Như vậy, thiền tập là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi người chúng ta có thể ứng dụng thiền tập vào mọi nơi và mọi lúc, như trường học, ở nhà, ở nơi thanh vắng, hoặc ở nơi văn phòng, thậm chí khi chờ đèn đỏ, khi làm bài, soạn bài, viết bài, khi xếp hằng mua vé, mua sắm, v. v và v. v... Thở vào và thở ra, mình biết mình đang an trú chánh niệm trong giây phút hiện tại. Với hơi thở có ý thức, chúng ta thở vào; với hơi thở có ý thức, chúng ta thở ra. Với hơi thở chánh niệm, chúng ta thở vào; với hơi thở chánh niệm, chúng ta thở ra. Thở vào, mình biết mình đang thở vào. Thở ra, mình biết mình đang thở ra. Mình thực tập như vậy đều đặn mỗi ngày, thì năng lượng từ bi, an vui và hạnh phúc trong ta lớn mạnh.

Chúng ta biết rằng đời sống của chúng ta có giá trị trong hơi thở. 

Hơi thở có giá trị trong chánh niệm. 

Chánh niệm có giá trị trong an lạc và hạnh phúc. 

An lạc và hạnh phúc có giá trị trong thân và trong tâm của chúng ta. 

Tu tập là quá trình nhận diện, thanh lọc và chuyển hóa sai thành đúng, buồn thành vui, phiền não thành bồ đề, khổ đau thành an vui và hạnh phúc từng bước từng bước. 

Tu tập là để đạt được an vui và hạnh phúc cho tự thân và cho tha nhân ngay bây giờ và ở đây trong cuộc sống hiện tại.

 

Thực vậy, càng áp dụng thiền tập trong mỗi phút, chúng ta càng cảm thấy an vui trong mỗi phút. Càng áp dụng thiền tập trong mỗi giờ, chúng ta càng hạnh phúc trong mỗi giờ. Và càng áp dụng thiền tập trong mỗi ngày, chúng ta càng an vui và thảnh thơi trong mỗi ngày. An vui trong thiền tập, hạnh phúc trong thiền tập, và thảnh thơi trong thiền tập. Từ đây, an lạc và hạnh phúc có khả năng thấm nhuần và làm mát dịu thân tâm.

Trước khi chấm dứt buổi pháp thoại về thiền tập, mình mời các bạn cùng nhau hát bài thiền ca mang tựa đề “mình thảnh thơi” cho vui nha.

“… Thở vào, thở ra

Là hoa tươi mát,

Là núi vững vàng,

Nước tĩnh lặng chiếu,

Không gian thênh thang.”

(Làng Mai)

Breathing in, breathing out,

Breathing in, breathing out,

I am blooming as a flower,

I am fresh as the dew,

I am solid as a mountain,

I am firm as the earth.

I am free.

 

Breathing in, breathing out,

 Breathing in, breathing out,

I am water

Reflecting

what is real, what is true

And I feel

There is space

Deep inside of me

I am free, I am free, I am free.”[4]

(Plumvillage song)

Sau khi hát xong, mời các bạn cùng nhau thiền tập khoảng 10 hoặc 15 phút. Bây giờ mình xin hướng dẫn cơ bản và đơn giản cho các bạn cách ngồi thiền, cách theo dõi hơi thở, cách điều phục thân tâm, và cách đi thiền hành.

Ở nhà hoặc ở đây, các bạn có thể ngồi ngay thẳng trên ghế, trên đi văng, trên giường, hoặc trên bồ đoàn. Trong tư thế hoa sen, các bạn có thể ngồi kiết già hoặc bán già. Các bạn đặt bàn tay phải trên bàn tay trái, hoặc đặt bàn tay trái trên bàn tay phải. Các bạn đặt bàn chân phải trên bắp vế chân trái, hoặc đặt bàn chân trái trên bắp vế chân phải. Hai ngón tay cái tiếp xúc với nhau. Lưng thẳng, và mắt nhắm lại. Khi nào cảm thấy buồn ngủ, các bạn có thể mở mắt ra hé hé một tí. Các bạn ngồi thiền trong tư thế thoải mái và vững chãi.    

Thở vào, bạn biết bụng của bạn đang phình ra. Thở vô, các bạn biết bụng của bạn đang tóp lại. Bạn tiếp tục theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra đều đặn từ đầu cho tới cuối. Trong khi đang thiền tập, bạn nghe âm thanh của xe hơi, âm thanh của xe gắn máy, âm thanh của tiếng chó sủa, v. v… Bạn ghi nhận âm thanh đó trong một vài giây, và sau đó bạn quay về với hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức và chánh niệm.     

Khi bạn đang thiền tập, có mùi hương của hoa, mùi hương của trái cây, hoặc mùi hương của một vật gì khác đang xảy ra tới mũi của bạn. Bạn ghi nhận mùi hương đó một vài giây, quay về với hơi thở, và tiếp tục theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra chánh niệm và tỉnh giác. Hoặc khi bạn đang ngồi thiền, bạn cảm thấy ngứa. Bạn từ từ đưa tay tới chỗ ngứa đó, và gãi nhẹ nhàng. Khi gãi xong, bạn từ từ đưa và đặt tay trở lại vào lòng bàn tay. Lúc ấy, cảm giác trong thân và trong tâm của bạn đang khởi lên, bạn ghi nhận, và tiếp tục theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra chánh niệm và tĩnh giác.

Khi ngồi thiền, chân bạn tê buốt và khó chịu. Bạn ghi nhận cảm giác tê nhức và khó chịu đó khoảng một vài giây phút. Bạn chánh niệm và nhẹ nhàng thay đổi tư thế ngồi, và sau đó tiếp tục duy trì những cảm giác dễ chịu.

Khi bạn đang ngồi thiền, bạn muốn đứng dậy để đi thiền hành. Bạn mở mắt ra và xoa hai tai với nhau, áp lòng bàn tay trên mặt, và nhẹ nhàng xoa bóp mặt và đầu một, hai, hoặc ba lần. Sau đó, bạn giở chân và thẳng chân ra, di chuyển thân chậm rãi, và bắt đầu đứng dậy trong chánh niệm. Bạn bước đi từng bước và biết rằng mỗi bước chân là vững chãi, mỗi bước chân là thảnh thơi, mỗi bước chân là an lạc, và mỗi bước chân là hạnh phúc.

Áp dụng thiền tập đều đặn như vậy mỗi ngày và mỗi tuần, các bạn cảm thấy an vui và hạnh phúc.

Cuối cùng, kính chúc các bạn thân tâm thường an lạc!

 By Thích Trừng Sỹ


[1]   Trường đại học Seattle tại tiểu bang Washington là trường của Ki Tô giáo. Hiện nay môn Phật học được chính thức giảng dạy tại trường này. Phật học bây giờ được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học ở Mỹ cũng như ở các nước khác trên thế giới.

[2]  Giáo sư Sharon Suh, tốt nghiệp tiến sĩ Tôn Giáo học và Thần học tại trường đại học Harvard. Hiện nay Giáo sư đang giữ trách nhiệm Chủ tịch Khoa Tôn giáo học và Thần học tại đại học Seattle, tiểu bang Washington.

[3]   http://www.youtube.com/user/Hoatraituhoc#p/u/0/l2e9FSzZQFU

[4]  http://www.youtube.com/watch?v=jshH6GQbSbw&feature=related

 

Xin giới thiệu một số hình ảnh trong buổi giao lưu và học tập:


Thầy Trừng Sỹ đang chia sẻ





Hướng dẫn thực hành thiền



Chụp hình lưu niệm

daophatngaynay.com


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage