Phật Học Online

Thiền Quang sách tấn-Thiền sư Triều Châu dạy
Hòa thượng Thích Nhật Quang

Các ông chỉ thấu đạt lý tọa thiền, chuyên khán hai ba mươi năm, nếu không hội ngộ chặt đầu lão tăng đi. Lão tăng ngót bốn chục năm chuyên khán không dụng tâm tạp loạn, trừ hai thời cơm cháo mới tạp dụng tâm.

Ngài Triệu Châu có hiệu Tùng Thẩm, là một vị thiền sư nổi tiếng và có tuổi thọ rất cao, trăm hai chục tuổi. Có một điểm đặc biệt nơi Ngài, chúng ta học hoài mà làm theo không nổi. Đó là trong suốt mười hai thời dụng công tu hành, không bị vọng tưởng dẫn đi đâu hết, chỉ trừ hai thời cơm cháo. Hai thời này khởi tâm là vì hồi hướng cho chúng sinh, chứ không phải tâm lăng xăng điên đảo như chúng ta. Như thế xuyên suốt bốn chục năm, không chút tạp loạn.

 Từ chỗ này chúng ta thấy công phu tu hành của mình so với người xưa thật là quá ít ỏi. Sống đạo ít quá, công phu ít quá nên chúng ta không thoát khỏi gọng kìm của vọng tưởng điên đảo. Bởi không thoát khỏi điên đảo loạn tưởng nên cả ngày lăng xăng. Nghĩ mà thương cho mình!

 Mỗi vị kiểm lại xem, vừa sáng ra mình đã điên đảo rồi, dù thời khóa tu hành kè một bên. Cho nên nếu không khéo dụng tâm, không trị bệnh điên đảo dởm thì chuyện điên thật không phải là khó khăn gì. Chẳng lạ chi có một số người tu thời gian bỗng nhiên mất bình thường. Ai biết tại sao? Tại điên đảo. Mỗi ngày điên đảo một chút, nhiều ngày điên đảo càng nhiều thành ra điên luôn. Chúng sinh quen chạy theo vọng tưởng, không thể phản kháng cái gọng kìm điên đảo vọng tưởng ấy. Đây là điều quan ngại đối với chúng ta. Huynh đệ phải chuẩn bị việc tu hành của mình như thế nào, không lẽ để cho vọng tưởng điên đảo kéo lôi cả đời sao ?

 Tôi nhớ mấy năm ở chùa quê Từ Lâm Cổ Tự, chùa gần nhà bên ngoại nên gần như ngày nào tôi cũng chạy về nhà một chút. Nếu tôi không về thì mấy cậu, bà con chung quanh cũng ghé qua chùa. Đất chùa là đất gò và rất rộng, do vậy không cấy lúa mà chỉ trồng hoa màu thôi. Cậu tôi có mấy con trâu đực, trong đó có hai con mà ông vừa ý nhất. Mỗi khi chuẩn bị cho nó đi cày, cậu kêu chúng lại bắt đứng yên. Sau đó cậu đưa cái ách lên cổ một con, canh thật vừa vặn, con còn lại chỉ cần kéo dây sơ sơ là nó vào ngay. Cái ách nằm gọn trên cổ hai con trâu, quen thuộc như vậy. Dường như cậu nói gì nó cũng biết, bảo gì cũng nghe. Cày tới lúc nghỉ, cậu kêu: “Dò dò” là nó đứng lại. Chờ chủ gỡ ách ra là tự nó đi ngậm cỏ. Cậu sống gần gũi với hai con trâu và cưng nó lắm. Chúng thật nhuần nhuyễn, ngoan ngoãn. Cậu không phải la hét, đánh đập gì khi cày, chỉ thá thá dí dí nhỏ nhỏ thôi là đâu vào đó hết.

 Kể lại chuyện này, tôi muốn nói tới cái điên đảo vọng tưởng của chúng ta, nó khớp như cái ách cái gọng kìm, để vào là y như vậy. Có khi ta đang tụng kinh, đang tọa thiền, đang tu mà vọng tưởng dấy lên, khớp nhau rồi là nó dẫn đi, không còn biết gì nữa hết. Tới lúc tỉnh lại thì nó đã dẫn mình đi quá xa. Ngủ mê nói mớ, tạo ra vô số điên đảo vọng tưởng, cứ thế mà chồng chất lên nhau. Nói tu mà mỗi ngày cứ chồng chất toàn những thứ làm mất mình, làm điên loạn. Cho nên dẫn tới điên thật là xác đáng thôi.

Điều này mỗi vị tự nghiệm lại bản thân, thấy rõ vọng tưởng tuy không thật, nhưng tích lũy thành vết hằn năm tháng, nó sẽ có năng lực đủ sức nhận chìm chúng ta. Nó làm cho mình không thể ngoi đầu thức dậy tỉnh sáng. Chư huynh đệ xuất gia tu hành, tới bây giờ có vị mười năm hoặc trên mười năm, nhưng kiểm lại không biết có đạo lực chưa. Đạo lực chưa thấy nhưng bệnh tật thì thêm nhiều!

 Trong chúng có vị tu đã năm sáu năm, một hôm tự dưng nhớ nhà. Hồi trước sống ở gia đình, đang làm việc, bao nhiêu thứ dồn tới nên muốn vùng ra, vào chùa. Cuối cùng người thân cũng phải thuận theo, cho xuất gia làm tăng. Bây giờ tự dưng muốn đi về. Vị này xin quý thầy có trách nhiệm một vài lần rồi cũng ngại. Sau tự tìm cách đi. Huynh đệ đông đảo, không nói ai hết, ngó qua ngó lại rồi lấy áo và chút ít phương tiện giấu riêng, tìm cách đón xe đi. Đi năm ngày, mười ngày... bẵng một thời gian trở về xin sám hối.

Tội gì đây? Thật sự mà nói tôi không dám chủ trì lễ sám hối của vị này. Tại vì tôi không biết lý do tại sao. Nếu hồi đi đến trình, tôi biết lý do để quyết định cho hay không cho, bây giờ sám hối mới có thể giải quyết. Hồi đi không nói chi, bây giờ sám hối tôi biết chuyện gì đây. Tự mình giấu đi nguyên nhân rồi sám hối, là một hình thức qua loa. Tìm không ra tội danh, bắt không được tội tướng nên không thể sám hối. Huynh đệ sám hối lấy lệ, giả như có bị rầy một chút rồi cũng xong. Bệnh nào tật nấy, có khi chồng chất thêm. Nhiều vị sám hối lần đầu còn thấy hổ thẹn, sám hối riết tự nhiên pháp sám hối bị kháng thuốc đâm lờn, mất hiệu năng. Bất quá cũng chỉ là thầy trò nói với nhau chơi mà thôi. Thầy không có lực gì để chuyển hóa đệ tử, đệ tử lại càng lún sâu vào điên đảo vọng tưởng.

 Huynh đệ chớ xem thường loạn tưởng. Hòa thượng Trúc Lâm dạy làm chủ dấy niệm, nếu làm chủ dấy niệm là sống được với tánh giác. Chỉ sợ mình không chịu làm chủ. Cũng như câu chuyện ở trên, vị ấy giấu đi cái lý do tạo lỗi, nghĩa là không chịu trách nhiệm về lỗi của mình. Nếu dám lôi ra trình bày, có thể thầy bạn nhân cớ sự đó góp ý cho mình hóa giải. Hoặc giả có đưa ra cũng thêu dệt này khác, tại bị... lung tung, cố gắng biện luận che lấp lỗi lầm.

Nói tự dưng nhớ nhà, chứ thật ra có gì tự dưng đâu. Rõ ràng do mình không chịu tu. Đâu phải anh em mới nhớ đây, mà là nhớ muôn thuở rồi. Nhưng lúc đầu mình còn biết sợ, còn biết ngại ngùng nên ráng. Ráng tụng kinh, ngồi thiền, học Phật pháp, làm việc trong chúng, sống hòa hợp với mọi người, sửa đổi những ươn yếu... Bây giờ cái ráng đó bị thương nhớ nó đè bẹp nên trở thành bất lực, cái thương nhớ kia mạnh hơn nên nó lôi đi. Tất cả đều từ mình, không phải ai bày ra.
Nếu nhớ lời thầy dạy cắt ái từ thân, xuất thế tục gia, xuất phiền não gia, xuất tam giới gia... hai ba cái xuất như thế dồn tới thì vọng động đâu dám léng phéng.

 Nếu nó ló ra cũng tìm cách đẽo gọt, đâu để cho nó thành ma thành quỷ dẫn đi như vậy. Cuối cùng chúng ta thấy rõ tu không được là do mình, làm bậy làm bạ cũng do mình. Không tiếp nhận, không nuôi dưỡng, không thực hành lời Phật dạy nên công phu không tăng tiến. Bởi xem thường như thế nên mất chuẩn, mất sự thăng bằng cho việc tiến đạo.

 Hồi xưa thời của chúng tôi muốn tìm một quyển sách để đọc không dễ chút nào. Nếu không bị Ban quản viện gạn hỏi thì huynh đệ cũng phản đối, vì lúc đó sách rất hiếm. Nếu có đều nằm trong tạng chữ Hán, mình cũng không rớ tới được. Chỉ những vị có trách nhiệm mới được quyền xem tạng. Muốn mượn đi hay photo khó lắm. Ngày xưa Hòa thượng Trúc Lâm muốn đọc tạng phải xin làm Tri tạng. Như vậy ngài mới có thời gian và thẩm quyền đọc.

 Chúng ta thấy người xưa làm gì cũng gặp khó khăn, không dễ dàng như bây giờ.

 Nhưng chính nhờ những khó khăn thiếu thốn, bất như ý đó mà người xưa un đúc sức phấn đấu, mới có được những thành tựu tốt đẹp. Chúng ta ngày nay thư viện bàn ghế ngồi thoải mái, nước uống đầy đủ mà không ai đọc hết. Mạt pháp ở chỗ đó. Không đọc kinh luận Phật tổ dạy mà đọc cái khác. Dốt việc chính nhưng giỏi việc phụ. Giỏi cái gì? Bấm điện tử. Có thể ngồi bấm ngày này qua ngày kia vẫn thấy khỏe, thấy thích. Nhưng nếu làm chút ít việc trong chùa hoặc bị rầy thì buồn liền. Chánh giáo nằm ngời ngời đó mà không ai rớ, còn những thứ cấm kỵ thì cố lén xem nghe.

 Hồi xưa tôi ở Học viện, anh em chúng Huyền Trang đọc sách nhiều lắm. Họ bảo giáo sư lên lớp chỉ nói nửa điều, còn lại chín điều rưỡi tự mỗi người khui ra. Vị nào muốn giỏi phải chịu khó nghiên cứu tìm tòi. Huynh đệ có điều kiện thì trong tủ sách của họ toàn là sách nghiên cứu hoặc ngoại ngữ, rất ít sách Phật học. Mình nhìn vào không đọc được. Không khéo tăng sỹ càng tu càng quay lưng với Phật pháp. Như vậy làm sao ngộ đạo, làm sao thành Phật ?

 Ngày nay tại thiền viện chúng ta không thiếu thứ chi, Đại tạng, Tục tạng, Thiền tạng v.v... nhưng ít ai quan tâm, trong khi đó vọng tưởng điên đảo đầy ắp. Vì mình nuôi dưỡng bảo vệ nó, làm sao hết được. Con đường thiền giáo là vừa tu thiền vừa học kinh điển của Phật. Để làm gì? Để nương theo lời dạy đó mà chúng ta tu. Lấy kinh giáo làm thước đo công phu mà không biết kinh giáo thì lấy gì để đo. Do vậy tu sai mình không biết. Đó là điều phải lo ngại.

 Có những bậc thầy không lập chùa, không thâu đệ tử, chỉ có cuốn kinh trong tay nải, tiền bạc vừa đủ dùng. Các ngài đọc xong, thấy thích thú nên sớ giải cho người sau cùng chung hưởng lợi lạc. Trong công phu tu hành, chư huynh đệ phải để tâm xét nét cho kỹ, xem mỗi ngày qua ta làm gì. Đừng để rơi vào tình trạng càng tu lâu chừng nào càng bệnh nhiều chừng nấy. Mỗi ngày phải kiểm nghiệm công phu, thấy điểm nào ương yếu liền sửa. Huynh đệ nhắc nhở, cảm ơn vui vẻ sửa. Tuy nhiên chủ yếu bản thân phải biết bệnh hoạn của mình. Bản thân không trị sửa thì không thầy thuốc nào trị được bệnh của mình.

 Thầy thuốc giỏi phải gợi ý, chỉ cho bệnh nhân biết nguyên nhân gây bệnh. Tìm ra nguyên nhân rồi mới cho thuốc họ uống. Sự tiến bộ của y học bây giờ chính là tìm ra phương pháp ngồi thiền, ăn kiêng, tập thể dục... là phương thuốc trị một số bệnh không có thuốc trị. Đó là vấn đề hiện thực trong đời sống, trong sự tu học của chúng ta. Thầy thuốc cho thuốc chỉ để hỗ trợ, chánh yếu vẫn là bản thân mình.

 Chư huynh đệ có thời gian học hiểu, nhưng đáng tiếc phần chánh giáo, phần quan trọng lại xem thường. Bây giờ Phật tử bên ngoài đôi khi học hiểu và hành trì hơn cả chư tăng. Mình đâu có đọc mà hiểu mà hành trì, không biết trong đó nói cái gì. Nguyên cả giáo trình của Hòa thượng đều có đủ tại Tổ đình, vì nơi này là trung tâm giáo hóa Thiền tông của Hòa thượng, anh em phải để tâm đọc học mới nắm vững phương pháp mà hành trì. Phật tử các nơi đã lục, đã toát yếu thành một quy trình trong việc tu học. Cho nên anh em cần phải chỉnh đốn lại tinh thần tu học cho thật nghiêm túc.

 Thiền viện Trí Đức khánh thành ngót hai năm, tôi chạy tới chạy lui ngót hai năm, cho tới bây giờ chữ Hán có nhiều vị chưa viết được. Việc chính của bản thân không lo, mà lo vớ vẩn chuyện không đâu. Cứ sợ tận thế, sợ trời sập, sợ nước này bị mất, nước kia bị chìm,... trong khi chính mình đang bị chìm, bị chới với trong điên đảo vọng tưởng mà không hay.

Mấy hôm nay trên tỉnh có đám tang của Hòa thượng Huệ Hiền, là Phó thường trực của Ban trị sự. Ngài nhỏ hơn tôi một con giáp, năm nay 59 tuổi. Buổi sáng đi công việc rồi chết. Như vậy không đột quỵ cũng do tai biến. Mình đi đám ma nhưng vẫn chưa tỉnh. Hồi còn nhỏ, tôi nghe Hòa thượng Thiền Tâm dạy: “Con đường luân hồi hết phiên người sang phiên ta.” Hoàng tử Sĩ-đạt-ta khi thấy một người bệnh liền hỏi cận vệ đó là ai, cận vệ trả lời là một người bệnh. Câu hỏi kế là “Như vậy ta có bệnh không?” Cận vệ thật thà đáp: “Ai có thân cũng phải bệnh.” Nghe đáp án đó ngài quyết định đi tu, đi tìm lối thoát, giải quyết bản án tử hình của con người.

Lời dạy ở đây thật đơn giản: Các ông chỉ thấu đạt lý tọa thiền. Tọa thiền để làm gì? Thường có bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi, oai nghi ngồi là chuẩn nhất nên trong pháp tọa thiền chư tổ chọn oai nghi ngồi. Thiền là gì? Là không mắc bên này không dính bên kia, phát huy trí không có thầy, tự tại, thông thoáng. Ngài bảo đảm: Các ông chỉ thấu đạt lý tọa thiền, chuyên khán hai ba mươi năm, nếu không hội ngộ chặt đầu lão tăng đi. Ngài thấu đạt lý tọa thiền, chuyên tu hai ba mươi năm, chỉ dụng công tu hành. Trừ hai thời cơm cháo khởi nguyện hồi hướng cho chúng sinh, ngoài ra không niệm tạp. Xuyên suốt như thế, không bị vọng tưởng kéo lôi, không chạy theo vọng tưởng, không dính mắc gì hết. Việc này chúng ta có thể làm được mà. Ngài bảo đảm tu hai ba mươi năm chuyên nhất, nếu không xong thì chặt đầu ngài. Khẳng định như vậy.

Cũng thế, Hòa thượng Ân sư nói người biết thương mình phải ráng tu. Chúng ta nhìn vào gương của người xưa, ngót bốn chục năm không tạp dụng tâm, chỉ trừ hai thời cơm cháo. Người xưa nói ngộ đạo, chứng đạo, Hòa thượng nói sáng đạo. Phải giải quyết được vấn đề sinh tử, làm chủ lấy mình. Chúng ta không chứng đạo nhưng sáng đạo. Sáng đạo là sáng cái gì? Là không bị vọng tưởng dẫn, thấy rõ đường đi, biết được việc làm của mình một cách sáng suốt đúng đắn. Cho nên hành giả cần phải phát huy định tuệ bằng công phu hành thiền, phát huy trí không thầy học đạo.

Nhiều đời chúng ta đã bị lưu đãng, trôi giạt vướng mắc, bây giờ vứt tất cả những thứ đó đi thì bản thể hiện tiền. Việc buông bỏ tất cả không phải học thầy nào. Đó là trí không thầy, không bài bản, không trường lớp.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage