Khởi
đi từ sự đản sinh của Đức Phật, một cuộc cách mạng tư tưởng cũng ra
đờilà một vị thái tử, nhưng không bị những xa hoa vật chất nơi cung vàng
điện ngọc cuốn, thái tử Tất Đạt Đa sớm tỉnh ngộ trước cảnh sinh, lão,
bệnh, tử, triền miên của kiếp người. Vào năm hai mươi chín tuổi, một đêm
kia, thái tử cùng với người đánh xe tên là Xa Nặc lìa bỏ kinh thành,
quyết tâm lên đường tìm Chân Lý. Sáng hôm sau, thấy đã đi được một
quãng đường khá xa, Ngài xuống xe, thay đổi y phục thái tử rồi trao cho
Xa Nặc đem về, chỉ khoác lên mình một tấm vải vàng, ôm một bình bát,
quyết quay lưng lại đời sống xa hoa, dư thừa vật chất, với người hầu kẻ
hạ vây quanh, thái tử từ biệt Xa Nặc, dấn bước lên con đường gian nan
phía trước.
Trải qua sáu năm trời sống trong
cảnh thiếu thốn, kham khổ, hành trì nhiều phương pháp tu với nhiều bậc
thầy, nhưng Ngài đều không thỏa mãn, cứ đi hoài, tìm mãi. Cuối cùng,
Ngài nhận ra rằng tất cả các bậc thầy đó đều chưa thoát ra khỏi được
vòng vô minh. Từ nhận định đó, Ngài không còn trông cậy vào một bậc thày
từ bên ngoài, ngưng tìm kiếm, mà một mình một bóng, tự quay vào soi rọi
nội tâm.
Cuộc chiến đấu để tự thắng bản
thân của Ngài vô cùng cam go. Với niềm tin tưởng rằng nếu không sống
cuộc đời khắc khổ thì sẽ không thể giải thoát, Ngài tự khép mình vào kỷ
luật, sống khổ hạnh, trong cảnh cực kỳ gian nan, thiếu thốn, chỉ khoác
trên mình một mảnh áo, chỉ ăn một chút hạt khô và rau cỏ, đến nỗi cơ thể
Ngài vốn là một thái tử đẹp đẽ oai phong, nay chỉ còn lại lớp da bọc bộ
xương. Thế nhưng sự hành hạ xác thân đó cũng không khiến cho Ngài thấy
được Chân Lý. Cuối cùng, sau khi đã suýt gục ngã vì quá khổ cực, Ngài
mới thấy rằng lối sống xa hoa phủ phê thì kéo con người xuống thấp vì
đắm say vật chất, lối sống quá thiếu thốn, quá cơ cực thì lại khiến cho
tâm thần mỏi mệt, không đủ ý chí để theo đuổi việc lớn. Từ nhận định
này, Ngài chọn con đường trung dung, không có những cực đoan của sự hành
hạ xác thân hoặc nô lệ dục lạc, luôn giữ sự quân bình đối với những nhu
cầu cần thiết trong đời sống để có đủ sức khỏe, nhưng không nuông chiều
những đòi hỏi quá với sự cần thiết. Con đường trung dung này còn được
các hành giả của đạo Phật ứng dụng rất thành công cho tới tận ngày nay.
Từ sự phát hiện đó, Ngài ngưng
hành thân xác, thọ nhận một vài món thực phẩm thô sơ do thí chủ cúng
dường. Sức khỏe nhờ vậy mà dần dần hồi phục, tinh thần minh mẫn, Ngài tự
thanh tịnh hóa nội tâm, không cần đến một năng lực siêu nhiên nào hỗ
trợ.
Sau 49
ngày đêm thiền định dưới cội bồ đề, vào lúc rạng đông, khi sao Mai lóe
sáng trên bầu trời, Ngài bừng tỉnh, giác ngộ được Chân Lý, trở thành bậc
Đại Giác Ngộ, thành Phật. Ngài đã nói lên những lời đầu tiên, sau khi
giác ngộ: "Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh
thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người
thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi
người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất
nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi
dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như
Lai đã tận diệt mọi ái dục." (Dhammapada - Kinh Pháp Cú, câu 153-154) Và
tuyên ngôn cao thượng: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ
thành".
Chúng sinh ở đây không chỉ riêng
cho loài người, mà là bao gồm tất cả mọi loài chúng sinh hữu tình thể
hiện qua nhiều dạng sống khác nhau ở khắp các cõi, vì tất cả mọi loài
hữu tình đều có giác tánh, đều biết khổ đau, yêu thương, sợ hãi và đều
muốn được sống. Tuyên ngôn của Ngài nói lên lòng từ bi và bình đẳng
tuyệt đối với muôn loài chúng sinh. Ngài không chỉ nói suông, mà Ngài đã
ứng dụng tuyên ngôn ấy trong suốt cuộc đời hoằng pháp độ sinh của
Ngài.
Mùa Hè tại Ấn Độ mưa nhiều nên
côn trùng sinh sôi nẩy nở do ẩm thấp. Vì thế Đức Phật chế ra mùa an cư
kiết Hạ, mỗi năm ba tháng từ sau Rằm tháng Tư cho đến Rằm tháng Bảy, để
chư Tăng Ni không đi ra ngoài, tránh giẫm đạp lên côn trùng.
Từ tấm lòng từ bi vô bờ bến, Ngài
đã chế giới tu sĩ không được chặt cây, đào đất, vì làm như vậy có thể
giết hại các loài vi sinh vật. Sở dĩ có thể thi hành giới này vì vào
thời Phật còn tại thế ở Ấn Độ, tăng sĩ ôm bình bát đi khất thực hằng
ngày, không cần phải trồng trọt để mưu sinh.
Ngài ban hành giới luật Không Sát
Sinh, yêu cầu mọi người chớ có tự tay mình giết hay bảo người khác
giết. Ngài yêu cầu phải trân quý giá trị thiêng liêng của sự sống, phải
bảo vệ sự sống đối với tất cả mọi loài chúng sinh.
Ngài cũng lên án mọi hình thức
hủy hoại sự sống, khi còn tại thế Ngài kiên quyết chống lại các cuộc tế
lễ của đạo Bà La Môn, đem những con vật xấu số ra cúng tế thần linh.
Ngài cũng lên án những thú vui săn bắn của vua chúa. Và lẽ tất nhiên,
Ngài phản đối mọi hình thức chiến tranh bạo động. Ngài chủ xướng tư
tưởng từ bi bất bạo động. Ngài dạy, hận thù không thể diệt được bằng
hận thù. Chỉ có lòng từ bi mới hoá giải được hận thù. Nếu không có lòng
từ bi thì hận thù sẽ chồng chất từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có
lòng từ bi mới cởi mở được những nỗi oan ức và những khổ đau của con
người..
Có lần, Ðức Phật thuyết pháp cho
ông Cấp Cô Ðộc về công đức của sự cúng dường. Ngài nói “cúng dường cho
Phật và Tăng chúng thì có công đức rất lớn. Nhưng có công đức lớn hơn là
xây một tu viện cho Tăng chúng ăn ở và tu học. Có công đức lớn hơn xây
dựng tu viện là thọ tam quy Phật, Pháp, Tăng. Có công đức hơn thọ tam
quy là giữ năm giới. Có công đức hơn giữ năm giới là giữ tâm niệm từ bi,
dù chỉ là trong giây phút. Nhưng có công đức hơn tất cả là quan sát sâu
sắc đạo lý vô thường của sự vật". (Tăng Chi IV trg 264 - 265).
Trong đoạn kinh văn trên, chúng
ta thấy rất rõ là Ðức Thế Tôn vô cùng chú trọng đến việc tu tập tâm từ
bi. Công đức giữ tâm niệm từ bi còn lớn hơn cả viêc xây tu viện cho
Tăng chúng, lớn hơn cả việc cúng dường cho Đức Phật và Tăng chúng. Nếu
hành trì như kinh Từ bi chỉ dạy, nếu suốt đời khi đi đứng nằm ngồi giữ
một niệm từ bi, thương xót đến mọi người, mọi loài chúng sinh, thì công
đức sẽ vô cùng lớn lao, khó có thể nghĩ bàn. Mà tâm từ bi, ở mức cơ bản
chính là tư tưởng và hành động trân quý sự sống, bảo vệ sự sống và không
tàn hại sự sống. Ai cũng muốn sống và muốn được bảo vệ sự sống ấy.
Ngay cả cỏ cây, sông nước, bầu không khí cũng cần phải được săn sóc và
bảo vệ, vì tất cả đều có sự sống hay đều có sự liên hệ hỗ tương với
nhau. Bảo vệ môi trường sống, cũng tức là bảo vệ sự sống.
Thật vậy, lòng từ bi bình đẳng
của Đức Phật luôn lan tỏa đến cho muôn loài, đến tất cả mọi dạng sống
trên trái đất, dù lớn hay nhỏ, ở gần hay ở xa, mắt thấy được hay không
thấy được, đã sinh hay sắp sinh, như Ngài đã nói trong Kinh Từ Bi thuộc
Kinh tạng Pali:
“Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật
trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh,
những loài cao, những loài thấp, những loài lớn,những loài nhỏ, những
loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở
gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại
loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác
tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.”
Tâm từ bi của Ngài vô cùng bao la rộng lớn, Ngài đối xử bình đẳng với
tất cả mọi người, không phân biệt thân sơ, thù bạn, từ vua chúa, vương
phi đến người gánh phân, trẻ mục đồng. Ngay cả kẻ sát nhân Anguilimala
hay kỹ nữ Ambapali cũng được Ngài giáo hóa và thành tựu công hạnh như
các đại đệ tử của Ngài.
Câu chuyện về kẻ sát nhân
Angulimala trong kinh điển Pali đã minh họa một cách hùng hồn cho tâm từ
bi vô lượng của Đức Phật đã chuyển hoá được tâm của một tên sát nhân
hung bạo như thế nào và cũng cho thấy sức mạnh của lòng từ bi của
Angulimala do tu tập về sau, bao giờ cũng mạnh hơn bất cứ ác nghiệp nào
mà y đã tạo tác.
Angulimala là một kẻ sát nhân
khét tiếng. Tên của ông được lấy từ sự kiện ông đeo trên cổ một xâu
chuỗi kết bằng những ngón trỏ tay phải của các nạn nhân mà ông đã giết
hại (Anguli có nghĩa là ngón tay và mala là xâu chuỗi). Quân lính của
triều đình lùng bắt ông, còn dân chúng thì hoảng sợ không dám ra khỏi
nhà.
Một buổi sáng, đức Thế Tôn vào
thành, đang bưng bát đi khất thực thì nghe có tiếng chân chạy phía sau.
Ngài biết rằng Angulimala đang đuổi theo, nhưng vẫn bình thản bước đều.
Angulimala lớn tiếng gọi: “Ông khất sĩ kia, đứng lại!” Thế Tôn vẫn tiếp
tục đi, không mau hơn, không chậm hơn. Phong độ của Ngài rất an nhiên
tự tại. Thấy vậy, Angulimala lớn tiếng hơn: “Đứng lại! ông khất sĩ kia,
đứng lại! “ Đức Thế Tôn thản nhiên tiếp tục bước đi, vẻ tự tại vô úy.
Angulimala chạy mau hơn chỉ trong khoảnh khắc đã đuổi kịp và la lên:
“Tôi bảo ông dừng lại, tại sao không dừng?”. Thế Tôn vẫn bước đi, nói
với giọng bình thản: “Này Angulimala! Ta đã dừng lại từ lâu rồi, chính
anh mới là người chưa dừng lại.” Angulimala không thể hiểu được ý nghĩa
của những lời này. Vì thế y lại hỏi: "Này khất sĩ, tại sao ông nói rằng
ông đã dừng lại còn tôi vẫn chưa dừng?" Đức Phật đáp: "Ta nói rằng ta
đã dừng lại vì ta đã từ bỏ việc giết hại chúng sanh. Ta đã từ bỏ thói
bạo hành, tàn sát mọi loài và ta đã an trú vào lòng từ đối với muôn
loài, lòng kham nhẫn và trí tuệ do tư duy quán sát. Song ngươi vẫn chưa
từ bỏ việc giết hại và đối xử tàn bạo với người khác cũng như chưa an
trú vào lòng từ bi và kham nhẫn đối với mọi loài hữu tình. Do đó, người
vẫn là người chưa dừng lại". Thái độ điềm đạm và câu trả lời của Phật đã
làm cho Angulimala kinh ngạc và đột nhiên buông dao hối hận. Phật liền
làm lễ thế phát cho Angilimala trở thành một tu sĩ ngay tại chỗ. Từ đó
về sau, Angulimala (pháp danh mới là Ahimsaka) đã tu tập rất tinh tấn,
trở thành một trong những đệ tử lớn của Phật và đạt được giác ngộ sau
đó.
Trong xã hội Bà La Môn, sự phân
chia giai cấp được mô tả là vô cùng khắc nghiệt, giai cấp hạ lưu chỉ
đụng tay vào giai cấp thượng lưu cũng đủ để bị tội chặt tay, thì một
quan điểm bình đẳng rốt ráo, bình đẳng không chỉ giữa người với người,
mà trên bình diện chúng sinh như thế của nhà Phật, phải nói là đức Phật
đã làm một cuộc đại cách mạng. Ngay đến thế kỷ thứ hai mươi mốt này, tại
nhiều quốc gia trên thế giới, người ta vẫn còn đang phải chật vật tranh
đấu để giành quyền bình đẳng giữa nam nữ, giữa các mầu da, vân vân, thì
đức Phật, cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm, đã tuyên bố: " Không có
sự khác biệt giữa những giọt nước mắt cùng mặn và những giọt máu cùng
đỏ", cao thượng thay lời nói của bậc Đại Giác!
Suốt quãng đường dài hơn hai ngàn
năm trăm năm của Phật giáo, không giọt máu nào đổ xuống vì sự truyền bá
Phật pháp. Ðức Phật mãi là nhà truyền giaó đầu tiên và vĩ đại nhất đã
từng sống trên thế gian này. Những tư tưởng từ bi bình đẳng của Ngài đã
tuôn chảy như những dòng suối ngọt ngào lan tỏa đi khắp nơi, khắp chốn,
mang hoà bình an lạc đến với chúng sinh. Có lẽ Ngài cũng là vị Giáo Chủ
đầu tiên đã ra tận chiến trường để tìm cách ngăn chận chiến tranh. Ngài
đã hóa giải sự xung đột giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Koliya khi hai bên
đang sửa soạn tấn công vì tranh chấp nước sông Rohini. Ngài cũng đã
thuyết phục vua Ajatasanu bỏ ý định tấn công vương quốc của bộ tộc
Vaiji.
Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi
qua, dù cho mọi sự vật đều đổi thay, biển xanh biến thành ruộng dâu,
nhưng suối nguồn từ bi bình đẳng từ cội Vô ưu vẫn tuôn chảy đến ngày
nay, vẫn ngày đêm lan tỏa để thức tỉnh, giác ngộ cho nhân loại đang chìm
đắm trong khổ đau, thù hận và vô minh.
Tâm Diệu