Phật Học Online

Trồng căn lành & sám hối
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

Nếu người chưa có căn lành, phải trồng căn lành ở các Đức Phật. Trồng căn lành bằng cách nào? Tôi biên soạn Hồng danh Pháp Hoa là pháp môn tu của riêng tôi, trong đó, chính yếu là lạy Phật để trồng căn lành, sám hối để tiêu tội. Pháp này tôi căn cứ theo pháp tu của Thiên Thai Đại sư. Ngài dạy rằng muốn tu phải sám hối cho sạch nghiệp; nếu không, việc tu hành chỉ có kết quả tạm mà thôi.

Người đã từng trồng căn lành ở các Đức Phật quá khứ và có nhân duyên sâu dày với Phật pháp, thì đời này mới xuất gia được và gặt hái kết quả tốt đẹp. Còn người tu bắt chước, hay tu theo hình thức không thể nào có sở đắc, vì không có căn lành. Người có căn lành ví như có máy vi tính mới mở mạng được, mới bắt được các tín hiệu của chư Phật, chư Bồ tát mười phương, mới nhận được lực gia bị của các Ngài, gọi là được Phật hộ niệm, được Bồ tát trợ lực. Như vậy, hành giả mới hành đạo theo tín hiệu của Phật, Bồ tát; đó là việc quan trọng của người tu.


Tuy nhiên, dù đã trồng căn lành với Phật rồi, nhưng việc tu hành của chúng ta bị sai trái. Bấy giờ, chúng ta vẫn nghĩ đến Phật, vẫn tin Phật, nhưng vì căn lành bị hư nên không bắt được tín hiệu của Phật, tất nhiên không nhận được lực gia bị của Ngài. Thật vậy, có nhiều vị trao đổi với tôi về ý này và những vị tu theo Pháp Hoa cũng nói như vậy. Họ nói rằng lúc mới tu rất tinh tấn, việc gì cũng làm được, nhất là chịu đựng dễ dàng những điều xấu ác đổ lên họ; nhưng gần đây, lại dễ giận, dễ bực tức và không có hứng thú lễ Phật, tụng kinh, hay tham thiền. Tôi nhắc nhở rằng vì căn lành của quý vị bị hư, ví như máy vi tính hư, nên không bắt được tín hiệu của Phật; từ đó, Phật lực không gia bị đến thì bị ma bên ngoài tác động, khuấy phá cuộc sống tu hành.

Vì vậy, máy bị hỏng phải tìm thợ sửa, căn lành bị mất thì phải phục hồi lại bằng cách tìm người có căn lành và tu hành có kết quả để nhờ họ chỉ dạy, giống như mình sử dụng nhờ máy của bạn cũng mở mạng được. Chúng ta mất tín hiệu của Phật, nhưng nhờ gần gũi các bậc thiện tri thức mà tâm được an và thấy hằng sa Phật, mau đến Vô thượng Bồ đề. Đức Phật đã dạy như vậy trong kinh Pháp Hoa.

Theo kinh nghiệm riêng tôi, gần ai mà tâm tôi cảm thấy bất an thì tôi tránh họ; còn gần người mà tâm mình được an thì nên theo, vì nhờ đó mà căn lành của ta được phục hồi. Nếu không phục hồi căn lành, cứ ngoan cố tiếp tục đi xa trên lộ trình hành đạo, sẽ dễ bị đọa. Đây là trường hợp thứ hai, người có căn lành và tu hành có kết quả tốt, nhưng sau đó, căn lành bị mất.

Và trường hợp thứ ba là người tu bắt chước, ví như thấy người khác có máy vi tính, họ cũng làm một cái máy giống như vậy, nhưng chỉ giống được cái vỏ bên ngoài, còn bên trong máy không đúng kỹ thuật, cho nên máy không thể hoạt động được. Cũng vậy, người có hình thức tu sĩ, nhưng căn lành bên trong, tức cốt lõi thầy tu không có, thì không nghe được tín hiệu gì và tu hành không đạt kết quả tốt. Thực tế cho thấy tình trạng này xảy ra rất nhiều, vì kết quả tu chứng không có, nên dẫn đến việc tạo nghiệp xấu không thể lường được. Tạo nghiệp bằng cách nào?

Nhờ khoác áo thầy tu, cư sĩ tín tâm trông thấy họ, dễ phát tâm kính trọng, nhưng thật ra họ chỉ là thầy tu hình thức, không phải là đệ tử Phật, không xứng đáng được kính trọng, nên phước họ bị tiêu tan rất nhanh, không được cung kính, cúng dường nữa, cho đến phải hoàn tục, phải trả nợ cũ. Thật vậy, chúng ta thấy không ít những thầy tu ra đời, thường trả nợ không nổi, vì đã thọ hưởng quá nhiều của đàn na tín thí. Các thầy suy nghĩ sẽ thấy người ta cúng dường phẩm vật ít, nhưng yêu cầu của họ quá lớn. Họ cúng một ngàn đồng, nhưng nhờ mình cầu siêu cửu huyền thất tổ của họ. Cửu huyền thất tổ có bao nhiêu người và làm sao họ siêu được? Mình nhận, nhưng làm được hay không? Tôi rất sợ phẩm vật cúng dường. Yêu cầu của người ta quá lớn, không có người nào cúng dường mà không có yêu cầu kèm theo. Nếu là Thánh Hiền Tăng đắc đạo thì tâm thanh tịnh, không kẹt vật, nên việc thọ nhận của cúng dường sẽ được hóa giải bằng lý Bát nhã.

Vì vậy, bước theo dấu chân Phật, cư sĩ có cúng dường hay không, cung kính hay phỉ báng, thì những việc này đều nằm ngoài tâm ta. Không phải thấy phẩm vật cúng dường, ta vui, không phải bị xem thường, ta buồn. Cố gắng giữ tâm thanh tịnh, an trú pháp Không, thì nhân quả sẽ bị bỏ ra ngoài. Thử hỏi người tu có kẹt nhân quả hay không? Nói không có nhân quả thì sai; còn nói có, chúng ta giải quyết cách nào. Việc chính yếu của chúng ta là làm thế nào không kẹt nhân quả. Muốn như vậy, phải đặt mình ngoài cuộc sống, gọi là cái thân ngoại vật, thì tâm sẽ được an.

Nếu người chưa có căn lành, phải trồng căn lành ở các Đức Phật. Trồng căn lành bằng cách nào? Tôi biên soạn Hồng danh Pháp Hoa là pháp môn tu của riêng tôi, trong đó, chính yếu là lạy Phật để trồng căn lành, sám hối để tiêu tội. Pháp này tôi căn cứ theo pháp tu của Thiên Thai Đại sư. Ngài dạy rằng muốn tu phải sám hối cho sạch nghiệp; nếu không, việc tu hành chỉ có kết quả tạm mà thôi.

Theo Ngài Thiên Thai, có ba cách sám hối dành cho ba hạng người. Hạng người thứ nhất không có nghiệp nghĩa là tâm hoàn toàn thanh tịnh, không buồn phiền, bực tức, thì vào đạo liền thâm nhập Phật huệ và được Phật lực gia bị nhanh chóng. Các Ngài không cần sám hối, chỉ niệm đề kinh là ngộ đạo, đắc đạo; vì niệm bằng tâm thanh tịnh, các Ngài đã thấy hằng sa chư Phật. Như vậy, không cần khổ công nhọc sức, nhưng được kết quả bất tư nghì, thì đó là hàng Bồ tát lớn hiện thân lại cuộc đời này, chắc chắn không phải là chúng ta.

Hạng người thứ hai có nhiều nghiệp, nhưng chưa nặng, được ví như mặc chiếc áo dơ. Họ phải lạy Phật để sám hối tội căn, cầu Phật gia bị, giống như giặt áo cho sạch thì nhuộm màu được. Lạy sám hối đến bao giờ sạch nghiệp, thấy hảo tướng, tức là thấy Phật, hình dung được Phật. Nếu lạy Phật, nhưng chưa tập trung tâm, nghiệp còn khởi, sẽ không đạt kết quả tốt. Lạy Phật mà cảm giác như Phật ở trước mặt mình thì hiệu quả mới cao. Còn lạy Phật, nhưng đối tượng là tượng Phật bằng xi măng cốt sắt, bằng gỗ đá, thì chưa sạch được nghiệp.

Vì vậy, đến giai đoạn hai, chúng ta nhìn tượng Phật, phải tưởng ra Phật, là thấy Phật bằng tâm; cho đến nhìn hư không cũng thấy Phật, nhìn núi non biển cả cũng thấy Phật, nghĩa là tâm chúng ta đã thanh tịnh, nghiệp chúng ta không khởi nữa và cuối cùng nhìn người nào cũng thấy Phật, tức thấy Phật tâm của họ, thấy họ sẽ thành Phật trong tương lai. Ý này thể hiện sâu sắc qua công hạnh của Bồ tát Thường Bất Khinh. Ngài nhìn các Tỳ kheo tăng thượng mạn, nhưng thấy được Phật trong lòng họ, nên Ngài mới cung kính, lễ lạy họ. Tất nhiên điều này rất khó. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, thấy được điều tốt của người khác, chúng ta sẽ dễ dàng thương kính họ, đương nhiên gặt hái được kết quả tốt.

Có người nói với tôi rằng họ không làm điều gì sai trái, nhưng bị huynh đệ ghét. Tôi bảo thầy đừng nghĩ và đừng thấy họ khó chịu; vì nghĩ như vậy là đem cái khó chịu vào lòng mình, thì nghiệp sẽ đụng chạm với nghiệp, dẫn đến nặng lời với họ, cho đến tệ hơn nữa là đánh nhau, thì cả hai phải đi khỏi chùa. Theo kinh nghiệm của tôi, người ta có tệ thế nào chăng nữa, mình cũng nên nghĩ rằng họ có căn lành mới sinh làm người, mới được xuất gia. Phải cố tìm thấy được điểm tốt của người, lần lần họ sẽ trở thành tốt.

Bước thứ hai nhìn đâu cũng thấy Phật và nhìn ai cũng thấy Phật, không thấy tánh ác và sang giai đoạn ba, quan trọng hơn. Những người đã tốt sẽ có thiện cảm hơn với mình, những người chưa tốt cũng sẽ tốt với mình và người chống đối cũng tốt với mình. Đó là do nhân sám hối, lạy Phật, nghĩ tốt về người mà họ cư xử tốt với ta như vậy. Thiết nghĩ ai cũng có điểm tốt. Chúng ta chỉ quan hệ với họ ở mặt tốt thôi, thì ta và họ cùng tốt; còn dại khờ nghĩ xấu về họ, chắc chắn phải gánh lấy ác cảm và hành động ác của họ.

Như vậy, ở giai đoạn hai, sám hối thanh tịnh, thì đầu tiên hảo tướng hiện và người cũng thấy chúng ta tốt, nghĩa là chúng ta vào cửa đạo được và đã sám hối tiêu tội.

Trường hợp thứ ba, Ngài Trí Giả ví như chiếc áo dơ và lại bị rách, người này phải hạ thủ công phu nhiều hơn, phải giặt áo cho sạch và phải vá áo cho lành lặn. Mặc dù áo vá rồi, nhưng đường chỉ vẫn còn, nghĩa là dù đã sám hối, nhưng người ta vẫn thấy tội lỗi của mình, thì phải trải qua nhiều kiếp mới thay đổi được. Điển hình như trường hợp Ngài Kiều Phạm Ba Đề là một vị A la hán, nhưng vẫn phải trả quả báo đời trước là trâu, nên đời này tâm bên trong thanh tịnh, nhưng tướng nghiệp của Ngài chưa đổi được, là miệng của Ngài vẫn cứ nhai nhai như trâu đang nhai cỏ.

Vì vậy, khi tướng nghiệp bên ngoài của ta chưa đổi được, họ vẫn nghĩ ta không tốt, thì ta không nên thắc mắc, không nên ấm ức. Theo tôi, có được tâm tốt là quan trọng, còn tướng bên ngoài chưa tốt đành phải chấp nhận. Chỉ sợ người ta hiểu lầm rằng tâm mình tốt, trong khi thật sự mình không tốt. Nếu tâm đã tốt rồi thì không thể thấy cái xấu. Còn thấy điều xấu bên ngoài là cái xấu đã đem vào lòng mình, nên mới có ấm ức.

Hạng thứ nhất thuộc hàng Thánh đã sạch nghiệp rồi và hạng người thứ hai tu hành, sám hối tiêu nghiệp thì cũng đồng với hạng người thứ nhất. Còn hạng người thứ ba đã lăn lộn quá nhiều trong cuộc đời, chất chứa biết bao phiền toái đầy dẫy, sám hối cho tiêu nghiệp rất khó. Có thể nói hạng đồng chơn nhập đạo rất khó tu, nhưng tu được thì mau đắc đạo, ví như áo sạch dễ nhuộm màu đạo. Hạng thứ hai là người bán thế xuất gia nếu sám hối tiêu nghiệp thì cũng bằng với hạng thứ nhất. Và những người lớn tuổi mới tu đã nhiễm đời quá nhiều, ví như chiếc áo vừa dơ, vừa rách. Họ mang tâm hồn dơ bẩn vào chùa mà được đại chúng thương xót là may mắn lắm rồi, có thể tu được. Nói dí dỏm là hạng người quan tha, ma không bắt, nên người già đi tu nhiều, vì ở ngoài đời còn làm được gì. Những người này tu dễ, không ai dòm ngó đến họ, nhưng rất khó đắc đạo, vì nghiệp nặng.

Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, các thầy cũng phải sám hối cho tiêu nghiệp, thì hảo tướng hiện và người ta không thấy mình xấu  nữa, cũng như mình không thấy họ xấu. Tôi có kinh nghiệm về điều này, nếu mọi người đều phớt lờ cái xấu và đem cái tốt vô lòng, ai cũng lo tu hành, thì đại chúng được yên ổn.

Tu theo Hồng danh Pháp Hoa, tôi chú tâm đến pháp sám hối, sử dụng bốn câu trong kinh Hoa Nghiêm:

Con xưa đã tạo bao ác nghiệp

Đều bởi vô thỉ tham sân si

Từ thân miệng ý mà sanh ra

Tất cả con nay xin sám hối.

Ghép bài kệ này với Hồng danh Pháp Hoa để lạy sám hối rồi và bổ sung thêm một phần nữa là ba đời chư Phật. Ba đời chư Phật gồm có 10 Đức Phật quá khứ cũng rút từ kinh Pháp Hoa là: Oai Âm Vương Phật, Nhật Nguyệt Đăng Minh Phật, Nhiên Đăng Phật, Đại Thông Trí Thắng Phật, Không Vương Phật, Vân Tự Tại Đăng Vương Phật, Nhật Nguyệt Tịnh Minh Đức Phật, Vân Lôi Âm Vương, Vân Lôi Âm Tú Vương Hoa Trí Phật và thập phương tận hư không giới nhứt thiết chư Phật.

Trong phẩm Tựa thứ nhất của kinh Pháp Hoa, chúng ta thấy có Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh và hai vạn Phật đồng danh. Chúng ta lạy Phật để kết duyên, để trồng căn lành ở các vị này và nhờ Phật hộ niệm chúng ta. Lạy một vị Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, nhưng chúng ta nghĩ đến hai vạn Đức Phật đồng danh và nếu kết hợp với kinh Hoa Nghiêm, thì Phổ Hiền Bồ tát dạy rằng "Nhứt thân phục hiện sát trần thân. Nhứt nhứt biến lễ sát trần Phật”, nghĩa là có bao nhiêu Đức Phật nhiều như vi trần, chúng ta cũng có bấy nhiêu thân để lễ lạy; vì sử dụng tâm lạy Phật thì thiên biến vạn hóa. Không phải lạy một Phật và nghĩ đến một Phật; nhưng thân ta lạy xuống mà tâm ta linh hoạt vô cùng, cho nên nhiều Phật đến đâu chăng nữa thì chúng ta cũng có vô số tâm tương ưng để kính lễ.

Vì thế, điều chính yếu của người tu là phải vận dụng được tâm. Người tu có kết quả, thân không lạy, nhưng tâm lễ lạy; miệng không niệm, nhưng tâm niệm. Thực tế cho thấy các bậc cao tăng không làm bằng chân tay, không nói năng, các Ngài yên lặng và vận dụng tâm linh hoạt để tiến tu, cho nên các Ngài tu đạt kết quả cao hơn chúng ta rất nhiều; đừng ngu si mà nói các Ngài không tu. Chúng ta phải cố học cho được "Cái không tu mà được”. Chúng ta lạy Phật, tụng kinh, tham thiền, cho nên hảo tướng hiện ra là điều bình thường. Trong khi các Ngài không làm mà hảo tướng hiện và trí tuệ sanh, là tu pháp vô lậu, học pháp vô lậu, thể hiện tinh thần "Hành vô hành”, tức vận dụng tâm mình mà tu. Vì vậy, không cần thân bên ngoài hoạt động; vì thân hoạt động là tâm bị kẹt vô đó, nhưng thân bất động, tâm vận dụng được, là nhập Tỳ lô tánh; đó là yếu chỉ của kinh Hoa Nghiêm. Đầu tiên là ngộ Tỳ lô tánh, mới hiện Tỳ lô thân và ứng Tỳ lô dụng. Đạt được ba pháp này thì viên dung không thể suy lường.

Có thể nói tu theo kinh Hoa Nghiêm là tu Phật thừa, tức chân lý mà Đức Phật chứng ngộ ở Bồ Đề Đạo Tràng. Lúc đó, Ngài không nói, nhưng có vi trần Bồ tát tham dự hội Hoa Nghiêm. Cốt tủy này quá siêu việt, chúng ta chưa thể đạt tới. Cho nên chúng ta phải trở về pháp sám hối, phải giải cấu y, tức chuyển hóa thân ô uế này trở thành trong sạch như hoa sen, mới thể hiện được tinh ba của Pháp Hoa.

Ở hội Hoa Nghiêm, chư Bồ tát đã tự tịnh thân, nên ngộ Tỳ lô tánh, hiện Tỳ lô thân, ứng Tỳ lô dụng. Có Tỳ lô thân thì giáo hóa vô số chúng sinh mà không có chúng sinh nào bị giáo hóa; đó là sự giáo hóa của Phật khác với chúng sinh độ chúng sinh. Tôi tu Pháp Hoa theo Phật thừa là làm sao tôi giáo hóa, nhưng người không bị ràng buộc, tôi không rầy la, nhưng người trở thành tốt.

Kết hợp kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa là pháp tu của tôi, được biên soạn thành Bổn môn Pháp Hoa thông qua lý Bát nhã. Tâm lúc nào cũng trụ Bát nhã, thì có thể hiện Tỳ lô thân và ứng Tỳ lô dụng là dụng của Pháp thân; theo đó, giáo hóa bất khả tư nghì, không giới hạn. Chúng ta thấy có những người thành tựu được việc lớn mà ta không lý giải được, là vì họ trụ Bát nhã, không nói, không làm, nhưng hàng hàng lớp lớp người theo họ mà không ai phá hại được. Như vậy, họ ngộ Tỳ lô tánh rồi thì việc làm của họ là dụng của Pháp thân, nên Pháp thân tự hiện. Chính vì vậy, họ không mang hình thức xuất gia, như ông Ikeda đóng vai cư sĩ lãnh đạo hội đoàn Pháp Hoa là Sokkai Gakkai có 16 triệu hội viên, thì chúng ta phải kính trọng chứ, dù họ mang hình thức gì. Hoặc Ni sư Chứng Nghiêm ở Đài Loan có năm triệu đệ tử; đó cũng là việc khó.

Lạy Phật theo Hồng danh Pháp Hoa, phải kết hợp được kinh Pháp Hoa với kinh Hoa Nghiêm, rồi thâm nhập Pháp giới để lạy thì sẽ có kết quả bất khả tư nghì. Lúc mới lễ lạy, chúng ta đối trước bàn Phật, nhưng về sau, ở bất cứ chỗ nào, tâm chúng ta khởi lên, nghĩ đến Phật thì đều có Phật. Các thầy đi đâu, ở đâu, nghĩ về Phật và được Phật lực gia bị là lạy Phật bằng tâm và niệm Phật bằng tâm; bấy giờ ta và Đức Phật có quan hệ mật thiết, nên tiếp nhận được sự gia bị của Ngài, lòng thanh thản mới thốt lên rằng "Trần duyên thuận nghịch tâm không thiết”. Nói cách khác, đó là sự kết hợp giáo và thiền thành một. Thiền là tâm sáng suốt và vận dụng tâm này để lễ Phật thì ngồi yên nhưng lễ được chư Phật mười phương.

Tôi chọn 10 vị Phật quá khứ trong kinh Pháp Hoa và 18 vị Phật trong tám phương là chư Phật hiện tại. Trong phẩm Hóa thành dụ thứ bảy, Đức Phật Đại Thông Trí Thắng có 16 vị vương tử tu hành thành Phật ở tám phương và Đức Thích Ca là Phật thứ 16 ở phương Đông Bắc. Ở phương Đông, chúng ta thêm Phật Thiện Đức lấy từ kinh Quán Phổ Hiền và Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương ở phương Đông của phẩm Phổ Hiền Bồ tát Khuyến Phát. Như vậy, lạy Phật phương Đông nhiều nhất, có năm vị Phật và câu kết chúng ta lạy Nam mô Đông phương tận hư không giới nhứt thiết chư Phật.

Đầu tiên, chúng ta lạy Phật có tôn danh, về sau, tâm mở rộng, ở phương Đông có bao nhiêu vị Phật, chúng ta lễ lạy đầy đủ là theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm. Lạy Phật tám phương, thì dù ở đâu tôi vẫn có cảm giác chung quanh mình luôn có Phật, nên thấy an ổn trên cuộc đời này. Tôi thường nghĩ xung quanh có Phật thì  tất cả mọi thứ chẳng đáng sợ. Việc khó, tôi càng siêng năng lạy Phật để thấy tâm mình bình ổn hơn.

Lạy Phật nhiều, các thầy thử khởi ý niệm quan sát chư Phật, từ đầu niệm danh hiệu Phật, sau thấy hình tướng các Đức Phật; được như vậy mới cảm thấy an ổn. Lạy Đức Phật A Súc, chúng ta nghĩ đến ánh sáng trí tuệ của Ngài. Lạy Phật Sư Tử Âm, là lạy vị Phật tiêu biểu cho âm thanh Phật. Lạy Phật Hư Không Trụ, ta có cảm giác vị này không vướng bận gì cuộc đời.

Tiếp nhận được lực gia bị của chư Phật ở tám phương truyền cho là ta tổng hợp của các Ngài, mới giáo hóa được chúng sinh. Bấy giờ, Phật gia bị cho ta và ta đại diện Phật, thì việc ta làm trở thành Phật sự, cho nên việc khó cũng trở thành dễ; còn thế gian sự, hay việc riêng thì việc nhỏ cũng không làm nổi. Điển hình như một năm Thành hội Phật giáo TP.HCM làm từ thiện trên 100 tỷ đồng, trong khi thực tế chư Tăng sống phạm hạnh với Tam thường bất túc, không làm ra tiền. Người không có tín ngưỡng phê phán chúng ta là lực lượng phi sản xuất, ăn hại. Tôi nói rằng người tu ăn nhưng không hại, mà ăn có lợi thì người ta mới tự nguyện cúng dường chứ. Thiết nghĩ các thầy cần lưu tâm, đừng làm kẻ ăn hại, ít nhất là ăn không hại, cho đến ăn mà có lợi cho người, thể hiện đúng nghĩa đệ tử Phật hiện hữu trên cuộc đời này để thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage