Phật Học Online

Tại sao chúng ta khổ vì thiên tai?

Không phải trời giáng tai họa, coi vạn vật như con chó rơm, mà chính ác niệm của mình chính là động lực gây tai họa cho mình. Lực quán tính có tác dụng cả trong thế giới vật chất và cả trong thế giới tinh thần. Ác niệm hay tập khí bất thiện là thói quen tinh thần, là quán tính gây ra thiên tai và nhân họa cho chúng sinh.

Trong khi người Việt Nam hân hoan đón mừng một kỳ nghỉ lễ kéo dài hơn bình thường, kết hợp mừng lễ Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch (28/04/2015), lễ 30 tháng 4 và Quốc tế Lao động 1 tháng 5, công nhân viên được kỳ nghỉ lễ kéo dài cả tuần, có thể đi chơi đây đó một cách vui thích, thì tại Nepal một trận động đất 7,8 độ richter gây thảm họa cho người dân ở đây, khiến con số người chết do chính phủ Nepal xác nhận tới chiều ngày 30/04/2015 đã là 5.844 người, số người bị thương lên tới 11.175. Tâm chấn nằm gần thủ đô Kathmandu của Nepal, tại khu vực lân cận của Ấn Độ và Tây Tạng cũng có 80 người chết.

 Động đất ở Nepal
Tâm chấn nằm gần thủ đô Kathmandu của Nepal, rất nhiều nhà cửa sụp đổ tan tành, người chết và bị thương nằm la liệt khắp nơi, bị đè dưới đống đổ nát.
Nhiều người chết và bị thương dưới đống đổ nát sau động đất tại Nepal
Ngay từ thời cổ đại, Lão Tử đã vô cùng bất nhẫn trước cảnh khổ của vạn vật, ông phát biểu trong Đạo Đức Kinh:

天地不仁 以萬物為芻狗

Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu (Trời đất bất nhân coi vạn vật như con chó rơm)

Chúng ta lấy câu nói của Lão Tử để mô tả cho tấm hình ở trên quả không sai chút nào. Vạn vật, con người, giống như con chó rơm, chỉ là một thứ đồ chơi của tạo hóa. Nhưng nỗi thống khổ của con người thì không bút mực nào tả xiết, bị tan xương nát thịt, bị mất người thân, mất nhà cửa, bị thương, bị đói và rét, không nơi nương tựa. Nhiều nước đã cấp tốc tổ chức ngay những đoàn cứu trợ để giúp đỡ nhân dân Nepal, nhưng cũng chỉ xoa dịu được phần nào thôi, những mất mát người thân hay thương tật là không có gì bù đắp được.

Hàng ngày xem tin tức trong nước và thế giới, thấy cảnh khổ vì chiến tranh, bạo lực, thiên tai, tai nạn, nghèo đói…rất nhiều, không ngày nào không có. Hiện nay, khả năng sản xuất của loài người nói chung đã đạt tới mức dư thừa, thế nhưng nỗi khổ về mọi mặt, kể cả nghèo đói vẫn không bao giờ hết. Bây giờ chúng ta thử nêu câu hỏi, tại sao con người khổ?

Chiến tranh, bạo lực, thiên tai, nghèo đói từ đâu mà có? Từ xa xưa Phật giáo đã có câu trả lời: do chấp ngã và chấp pháp. Chấp ngã là cho rằng cái ta là có thật từ đó mà hại người lợi mình. Chấp pháp là cho rằng thế giới là có thật, từ đó con người có nhiều tham vọng tranh giành làm hại lẫn nhau, từ đó gây nhiều nghiệp chướng.

Nguyên nhân xảy ra động đất theo khoa học giải thích, là quá trình chuyển động thường xuyên của các đường nứt chạy dọc biên giới phía nam của Nepal, nơi tiểu lục địa Ấn Độ va chạm với mảng kiến tạo Á-Âu 40-50 triệu năm trước. “Sự va chạm giữa chúng là một ví dụ tiêu biểu cho hoạt động địa chất”, nhà địa vật lý học Lung S. Chan, chuyên gia Đại học Hong Kong, nói. Mảng kiến tạo Ấn Độ đang dịch chuyển về hướng phía bắc của nó tới khu vực châu Á với tốc độ 5 cm mỗi năm. Theo Chan, về mặt địa chất, tốc độ này là rất nhanh.

Tác động đẩy nhau của các mảng kiến tạo sinh ra ma sát, tạo lực ép khiến năng lượng bị dồn nén cho đến khi lớp vỏ nứt vỡ. Theo chuyên gia Hongfeng Yang, trong trường hợp ở Nepal, mảng kiến tạo dịch chuyển về phía trước khoảng hai mét. Sau một trận động đất, các mảng kiến tạo tiếp tục di chuyển. Chan mô tả cơn động đất giải phóng năng lượng tích tụ, “giống khi ta mở nắp một bình nước đang sôi, năng lượng được phát tán ra, nhưng sau khi ta đậy nắp bình, quá trình tích tụ năng lượng lại bắt đầu”.
 
Đây là cách giải thích nguyên nhân động đất theo các nhà khoa học. Nó giải thích rằng năng lượng bị tích tụ do sự di chuyển, đè ép lên nhau giữa hai mảng địa chất, năng lượng đó tương đương với khoảng 20 quả bom nguyên tử mà mỗi quả bom lớn hơn gấp bội quả bom đã ném xuống Hiroshima năm 1945. Năng lượng khổng lồ đó khi vượt quá sức chịu đựng của lớp đất đá thì bùng nổ, gây gãy nứt mặt đất và rung lắc dữ dội tạo ra cơn địa chấn mà nhân loại đã thấy. Giải thích đó không sai, nhưng mang tính thiển cận và sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề thiên tai. Nó thiển cận vì mới giải thích được cơ chế của trận động đất, theo khuynh hướng duy vật, nhưng không biết được nguyên nhân thực sự của nó. Khi Huệ Năng đến chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu năm 676 CN thì thấy hai ông tăng đang tranh luận về vấn đề lá phướn tự chuyển động hay gió làm cho phướn động. Khoa học thì ắt giải thích rằng gió làm cho phướn động. Ai cũng công nhận gió làm cho phướn động, nhưng đó là một giải thích thiển cận, chỉ có Huệ Năng thấy sâu xa hơn, ông nói:

不是風動,不是幡動,仁者心動 Bất thị phong động, bất thị phan động, nhân giả tâm động

(Không phải gió động, không phải phướn động, tâm của các ông động).

Như vậy theo ý của một bậc trí giả kiến tánh giác ngộ, tâm mới là nguồn gốc của mọi thứ chuyển động. Trận động đất Nepal đang xảy ra cũng như mọi trận động đất khác hay mọi thứ thiên tai, nhân họa đều có nguồn gốc là tâm cả. Phật giáo nói : Tất cả đều là do tâm tạo (Vạn pháp duy tâm). Nhưng nhận định này liệu có cơ sở khoa học gì không ? Trên blog Duy Lực Thiền đã trình bày rất nhiều cơ sở khoa học thuyết minh cho ý tưởng này. Trong bài viết này, để tránh lặp lại những điều đã nói đi nói lại rất nhiều lần rồi, chúng tôi tìm cách trình bày một cách khác đi chút ít với vài dữ liệu mới.

Erwin Schrodinger (1887-1961) là nhà vật lý người Áo, người có đóng góp cơ bản cho vật lý lượng tử, nói :
 Erwin Schrodinger, giải Nobel Vật lý 1934 (cùng với Paul Dirac)

“What we observe as material bodies and forces are nothing but shapes and variations in the structure of space.” (Cái mà chúng ta quan sát thấy là thực thể vật chất và lực kết nối, không là cái gì cả, chỉ là bóng dáng và biến thể của cấu trúc không gian).
 Giáo sư Stuart Hameroff của Đại học Arizona Mỹ
Giáo sư tiến sĩ Stuart Hameroff, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ý thức của Đại học Arizona Mỹ, nói :
“Atoms are mostly empty space as is most of the universe” (Nguyên tử hầu như chỉ là không gian trống rỗng, cũng giống như hầu hết vũ trụ).

Vậy ý của các nhà vật lý lượng tử muốn nói điều gì? Họ nói rằng nguyên tử cũng chỉ là một dạng cấu trúc không gian, nguyên tử thì trống rỗng, cũng giống như không gian. Họ chưa dám khẳng định rằng vật chất hoàn toàn là không có gì cả. Nhưng họ đã nhận thức rằng hầu hết nguyên tử vật chất cũng như không gian vũ trụ đều trống rỗng, gần tương tự như tánh Không của Phật giáo.

Một nhà vật lý khác, tiến sĩ Amit Goswami, người gốc Ấn Độ, thuộc Đại học Oregon.
Tiến sĩ vật lý Amit Goswami
Trong tác phẩm “The Self-Aware Universe: How Consciousness Creates the Material World” (Vũ trụ tự ý thức: Làm thế nào Tâm tạo ra Thế giới Vật chất- chữ Consciousness nên hiểu là Tâm bao gồm 8 thức để tránh nhầm lẫn với Ý thức chỉ là thức thứ sáu trong 8 thức) trong đó ông nói rằng Tâm không phải là vật chất nhưng là nền tảng của tất cả mọi tồn tại hay hiện hữu, kể cả vật chất và phi vật chất, trong sách ông dẫn chứng nhiều hiện tượng và thí nghiệm để chứng tỏ Vũ trụ vật lý của chúng ta cũng chính là Tâm, là Chính biến tri và có khả năng tạo ra thế giới vật chất.
Thầy Duy Lực cũng có nói về 3 đại lượng cơ bản : không gian, thời gian và số lượng vật chất như sau:

Trở lại với trận động đất, theo như ý của Huệ Năng thời xưa và đã được các nhà khoa học hiện đại xác nhận, Tâm có thể tạo ra thế giới vật chất, tạo ra vũ trụ vạn vật, các thiên hà, tạo ra thái dương hệ, quả địa cầu cùng với các mảng cấu tạo địa chất, tâm chính là động lực nguyên thủy kiến tạo các mảng địa chất và gây ra trận động đất, giống như Huệ Năng đã từng nói vào năm 676CN tại chùa Pháp Tánh, Quảng Châu, rằng: “Không phải gió động, không phải phướn động, tâm của các ông động”

Hay có thể diễn tả cách khác, chính cộng nghiệp của chúng sinh, là sức mạnh tâm linh gây ra trận động đất, còn sự di chuyển của các mảng cấu tạo địa chất chỉ là biểu hiện bề ngoài của sức mạnh tâm linh đó mà thôi. Nếu chỉ biết lý giải một cách thô thiển như kiểu hai ông tăng cãi nhau, thì sẽ không bao giờ giải quyết được thiên tai cả. Trên địa cầu có những vùng đất không hề có thiên tai hay nhân họa mà tôi đã từng giới thiệu, ví dụ làng Long Tuyền Cần Thơ. Đây là vùng đất lành, cả trăm năm qua không gặp tai họa nào đáng kể. Suốt 30 năm chiến tranh Việt Nam rất ác liệt, nhưng chiến trận không diễn ra ở đây, chiến họa không chạm vào người dân ở đây. Bờ biển Việt Nam hàng năm phải chịu hàng chục cơn bão lớn nhỏ từ ngoài biển ập vào, nhưng trong cả trăm năm qua, tất cả mọi cơn bão đều tránh không đi qua làng Long Tuyền. Người dân ở đây không gặp bất cứ thiên tai nào đáng kể. Đó quả là một sự kỳ diệu. Trên trái đất có thể còn nhiều vùng đất khác cũng tương tự như vậy, không bao giờ hoặc rất ít gặp tai ương, người ta gọi đó là những vùng đất lành nhưng không hiểu tại sao lại lành.

Những sự kiện như vậy chỉ có thể giải thích bằng cộng nghiệp của cư dân. Các phật tử đều tin tưởng rằng tại Thế giới Tây phương cực lạc của Phật A Di Đà, không bao giờ có thiên tai, cõi đất bằng phẳng, đồng nhất, không có các mảng cấu tạo địa chất, không có gió bão, chỉ có gió nhẹ vi
vu, không bao giờ xảy ra địa chấn. Lý do là vì tâm của chúng sinh ở cõi đó bình an, yên tĩnh. Tâm an thì thế giới an.

Đây không phải chỉ là ý kiến chủ quan, riêng lẻ của tôi, đây là một nhận thức cơ bản của Phật giáo mà các nhà vật lý lượng tử ngày nay cũng rất đồng tình. Có thể mượn lời kinh Hoa Nghiêm 華嚴經 nói:

若人欲了知 Nhược nhân dục liễu tri - Nếu ngươi muốn hiểu rõ
三世一切佛 Tam thế nhất thiết Phật - Tất cả Phật ba đời
應觀法界性 Ưng quán pháp giới tính - Nên xem tính chất của pháp giới
一切唯心造 Nhất thiết duy tâm tạo - Tất cả đều do tâm tạo

Trước thiên tai khổ ách mà nhiều cộng đồng dân cư trên thế giới gặp phải, việc cấp bách cần thiết trước nhất tất nhiên là cứu trợ nạn nhân, giúp đỡ xây dựng lại nhà cửa, cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt của họ. Nhưng về lâu dài, cư dân của những cộng đồng đó cũng phải hiểu rằng thiên tai không phải ngẫu nhiên mà đến, hay do trời giáng họa, mà tâm niệm của họ, nghiệp chướng của họ có phần trách nhiệm. Thiên tai có thể tránh được nếu họ biết tu tâm dưỡng tánh, sống hiền lương, không hận thù, không sát sinh hại vật.

Không phải trời giáng tai họa, coi vạn vật như con chó rơm, mà chính ác niệm của mình chính là động lực gây tai họa cho mình. Lực quán tính có tác dụng cả trong thế giới vật chất và cả trong thế giới tinh thần. Ác niệm hay tập khí bất thiện là thói quen tinh thần, là quán tính gây ra thiên tai và nhân họa cho chúng sinh.

Truyền Bình

phatgiao.org.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage