Phật Học Online

Ký sự Hội nghị hoằng pháp tại Vũng Tàu

Các đại biểu và hoằng pháp viên ra về trong niềm phấn khởi lẫn nỗi ưu tư phía trước còn lắm vấn đề mà sau cuộc Hội thảo kết thúc, sẽ đạt được những gì qua 60 bản tham luận có quá nhiều vấn nạn.


Sáng ngày 5/12/2015, lần lượt các đoàn, các đại biểu tham dự chương trình Hội thảo Hoằng pháp vân tập về Tp.Vũng Tàu. Một số khách sạn được BTC đặt sẵn, vẫn chưa có phòng cho các đại biểu, bởi lẽ, 12h khách lưu trú mới trả phòng, vì thế, chư tăng ni đều tản mát trên đường phố biển, như đàn bướm dạo vườn hoa.

Đại biểu được nghỉ gần một ngày. Sau khi cơm chiều tại khách sạn Hera Palace, 119 Hoàng Hoa Thám, phường Thắng tam, Tp.Vũng Tàu, đoàn được đưa về Đại Tòng Lâm dự chương trình văn nghệ với chủ đề “Tùy duyên”, vào lúc 18g. Chương trình văn nghệ do nhạc sĩ Quý Luân đạo diễn. Trong lúc văn nghệ trình diễn, một số Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã phải lui về chính điện cắt băng khai mạc phòng triển lãm với chủ đề: "Phật giáo Bà Rịa Vũng Tàu Xưa và Nay" do Ban Hoằng pháp Bà Rịa Vũng Tàu phụ trách. Và chủ đề: "Phật giáo & Mạch sống dân tộc" do Ban Hoằng pháp T.Ư đảm trách. 


Lúc 20h, lễ khai mạc Hội thảo với chủ đề: SỨ MẠNG HOẰNG PHÁP - HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN, được truyền hình trực tiếp. Đoàn về lại khách sạn lúc 24h cùng ngày.

Sáng 6/12/2015, sau buổi tiểu thực vào lúc 6h tại Hera Palace, cũng tại khách sạn nầy, lầu 3 diễn ra Hội thảo với sự chứng minh của HT.Thích Đức Nghiệp, HT.Thích Thiện Tâm, và chủ tọa đoàn gồm có: Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp, Phó Chủ tịch HĐTS, HT.Thích Bảo Nghiêm cùng với HT.Thích Quang Nhuận, HT.Thích Minh Thiện, Ts.Nguyễn Quốc Tuấn, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Phó GsTs.Trần Hồng Liên, HT.Thích Tấn Đạt cùng Chư tôn Giáo phẩm. 

Buổi Hội thảo bắt đầu.
 
Những tham luận chia sẻ của Ts.Trần Hồng Liên, với chủ đề: "Hoằng pháp vùng dân tộc Khmer hiện nay" đã tạo một nhận thức sâu sắc về những hiện tượng cải đạo tại miền Tây Nam bộ. Sư cô  Thích Nữ Tuệ Đăng với chủ đề "Giải pháp cấp thiết của hoằng pháp Phật giáo dành cho thanh thiếu niên phạm pháp" đã đem lại cho hội chúng một suy nghĩ trầm lắng.

Ts.Phan Anh Tuấn: "Cần chú ý đến di sản văn hóa Phật giáo trong công tác hoằng pháp hiện nay" cũng là một quan tâm mới đối với Phật giáo nói chung và Ban Hoằng pháp nói riêng. Tuy nhiên, cũng có những tham luận chưa đưa ra được những hiện tượng cốt lõi để cần có một phương án hoằng pháp thích đáng; những vấn đề được đưa ra mà không lạ đối với mọi người làm mất thời gian. Cũng có những diễn giả biến nghị trường thành nơi diễn giảng, làm cho hội chúng cứ cười vui.

Qua chủ đề - "Hoằng pháp trong thời hội nhập" đại biểu đơn vị Đồng Tháp sau khi trình bày, có ý kiến thay phần kết:

1.Yêu cầu các Ban Hoằng pháp cấp tỉnh thành lập một Tiều ban nhằm thực hiện việc kiểm soát các bài giảng, băng đĩa của các giảng sư trước khi cho phép xuất bản lên mạng, hoặc in ấn,ghi đĩa trước khi phát hành đến tay phật tử.

2.Yêu cầu quý thầy là giảng sư thuộc Ban Hoằng pháp cũng cần gửi đĩa giảng của mình về Ban Hoằng pháp cấp tỉnh xin xem xét nội dung trước khi đưa lên mạng. Nội dung giảng nào cần cắt bỏ chỉnh sửa v.v...

3.Yệu cầu trong các băng giảng đề cập tên giảng sư, vị trí trong Giáo hội (nếu có), chương trình đào tạo ở đâu, khi nào...

4. Trong tương lai, cần kiểm soát những bài thuyết giảng do quý thầy không phải là giảng sư thực hiện, nhưng đã post lên mạng, cần yêu cầu tháo xuống.

5. Những vị có năng lực và có nhu cầu thuyết giảng nhưng không phải là giảng sư chỉ được thuyết giảng tại ngôi chùa mình sinh hoạt, và thính chúng không quá 50 người, không được ghi đĩa đưa lên mạng. Trong trường hợp phật tử tự ý ghi đĩa và đưa lên mạng, thì quý thầy nên sinh hoạt trước buổi giảng để quý phật tử được hiểu rõ quy chế.

6.Trong trường hợp những vị có khả năng nghiên cứu và thuyết giảng, đã được đánh giá của số đông là có năng lực nhưng chưa có chứng chỉ giảng sư, muốn ghi hình ghi đĩa cho các bài giảng và đưa lên mạng, cần xin ý kiến Ban Hoằng pháp của tỉnh hội mình sinh hoạt tu tập trước đó.

7.Quy chế nầy không áp dụng đối với bậc Hòa thượng.

Kết thúc  hội thảo buổi sáng, Hòa thượng Trưởng BTC đúc kết nội dung của các bản tham luận và đưa ra những giáo huấn chân thành và thực tiễn.

Chiều cùng ngày, lúc 16g, đoàn được đưa đến "Phố ẩm thực chay" ở khu công viên Tam Giác, Bãi Trước, Vũng Tàu. Ngoài 1.000 đại biểu tăng ni, 10.000 phật tử và bà con địa phương cùng du khách, các gian hàng do chư ni các chùa thết đãi khá chu tất.

Ngày 7/12/2015, hai diễn giả tạo một không khí trầm lắng, thâm thúy, có đạo lực tác động mãnh liệt đối với hội chúng, do Hòa thượng Luật sư Thích Minh Thông và Hòa thượng pháp sư Thích Quang Nhuận, xoay quanh vấn đề giới luật - "chỉ trì" ". Các ngài giải thích nguyên nhân Phật chế giới. HT.Thích Quang Nhuận nhấn mạnh: - "Người hoằng pháp mà không giữ Giới luật là tà giáo"... 

Tuy hai ngài nói năng từ tốn, nhẹ nhàng nhưng đã rót vào lòng hội chúng một ý thức sâu lắng. Cả hội trường đông đảo và im phăng phắc chứng tỏ nội lực của hai ngài có sức cuốn hút đối với tăng ni trẻ. Một số câu hỏi lấn cấn giữa giới luật và đời thường cũng đã đuợc HT.Thích Minh Thông trả lời rất thỏa đáng. Trong ba ngày, phải nói sáng ngày 7 là buổi hội thảo có nhiều giá trị nhất về giáo huấn đạo đức cho chư tăng, ni hoằng pháp.

Vào buổi chiều cùng ngày là vấn đáp những điều mà các diễn giảng qua những bản tham luận nêu ra. Cuối cuộc thảo luận, HT.Thích Minh Thiện cho biết, được sự giao phó của HT.Thích Trí Quảng và HT.Thích Thiện Nhơn, để thầy và thầy Tấn Đạt thành lập giảng sư đoàn, đã tạo một số lo lắng trong giới tăng ni hoằng pháp có thể có sự lũng đoạn, cả nể trong vấn đề tuyển chọn người.

Trong cùng thời gian sinh hoạt của đoàn đại biểu tại khách sạn Hera Palace, tại Đại Tòng Lâm có các khóa tu học cho đạo tràng 30.000 phật tử, khóa tập huấn hoằng pháp viên cho 500 phật tử, và khóa tu học cho thanh thiếu niên phật tử với số lượng 2.000 em tham dự.
 
Sáng ngày 8/12/2015, đoàn đại biểu trở về Đại Tòng Lâm sau buổi tiểu thực sáng, nghi thức hành chính cho lễ bế mạc, BTC báo cáo Tổng kết công tác tổ chức Hội thảo, trao Giấy chứng nhận cho đại biểu các đoàn; chính quyền địa phương và Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu. Sau cùng là đạo từ của Ban TT HĐTS GHPGVN do HT.Thích Trí Quảng đảm nhiệm. HT.Thích Quang Nhuận thay mặt BTC cảm tạ.

Các đại biểu và hoằng pháp viên ra về trong niềm phấn khởi lẫn nỗi ưu tư phía trước còn lắm vấn đề mà sau cuộc Hội thảo kết thúc, sẽ đạt được những gì qua 60 bản tham luận có quá nhiều vấn nạn.

Đây là sự kiện rất mới so với ba lần Hội thảo Hoằng pháp vừa qua, vừa là lễ hội, vừa là Hội thảo, vừa là huấn luyện các Hoằng pháp viên, vừa là khóa tu cho các thanh thiếu niên và diễn giảng cho các đạo tràng. Một sự kiện với 1.200 đại biểu, 30.000 phật tử, giải quyết đưa đón, nơi ăn chốn ở, điều hành nhân sự, điều phối sinh hoạt là cả một thách thức lớn đối với các tăng ni trẻ của Bà Rịa Vũng Tàu lần đầu tiên đứng ra đăng cai. 

Về tổng thể là một thành công tốt đẹp, tuy nhiên không một tổ chức nào tránh khỏi sơ suất, vì thế, BTC Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Bà Rịa Vũng Tàu cũng không ngoại lệ. TT.Thích Giác Nhân đã bị đăng nhầm tên và hình ảnh của sư Giác Nhàn với tên đời mà toàn bộ đại biểu đều được nêu đạo hiệu. Phông màn hình từ phía tay mặt ngoài nhìn vào, trên cùng, thay vì là Ban Trị sự  viết là Bạn trị sự. Một vài tham luận không được Ban kiểm soát đọc kỹ, có nhiều sai sót về ngôn từ. Ví dụ, ngày nay không còn ai dùng từ Tiểu thừa và Đại thừa mà phải nói là Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Phát triển để tôn trọng lẫn nhau.

Việc thành công lớn của tổ chức đã khỏa lấp được những khiếm khuyết nhỏ mà ai cũng phải thông cảm.

Minh Mẫn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage