Phật Học Online

Nghệ Thuật Sống: Đức Phật Có Phải Nhà Khoa Học?

Sự thật mà nhà khoa học này khám phá ra cũng giống như những gì Đức Phật đã thấy, nhưng sự khác biệt giữa hai người thật bao la! 

Nghệ Thuật Sống: Đức Phật Có Phải Nhà Khoa Học?

 

ĐỨC PHẬT VÀ NHÀ KHOA HỌC

Thực tế vật lý thay đổi không ngừng từng giây từng phút. Đây là điều mà Đức Phật đã thực chứng được khi ngài tự quan sát bản thân. Với một định lực thâm sâu, Ngài thâm nhập vào bản chất của mình và thấy rằng thân được cấu tạo bởi những vi tử luôn luôn sinh và diệt. Ngài nói, chỉ trong một cái búng tay, hay một nháy mắt, những vi tử này đã sinh diệt hàng tỷ lần.

Bất cứ người nào quan sát thực tế bề ngoài của thân thể có vẻ chắc đặc và trường cửu đều nghĩ rằng điều đó không thể tin được. Tôi thường cho rằng từ ngữ “hàng tỷ lần” chỉ là một lối diễn tả đặc biệt chứ không dùng để chỉ nghĩa thật của nó; nhưng khoa học hiện đại đã xác nhận điều này.

Vài năm trước đây, một nhà khoa học Hoa Kỳ đã được giải thưởng Nobel về vật lý. Từ lâu ông đã nghiên cứu và làm thí nghiệm về những vi tử, đơn vị của vũ trụ vật lý. Được biết rằng những vi tử này liên tục sinh và diệt rất nhanh. Nhà khoa học này quyết định chế tạo một dụng cụ để có thể đếm số lần các vi tử sinh và diệt trong một giây đồng hồ. Ông rất có lý khi gọi dụng cụ này là “phòng bọt bóng” và ông tìm ra rằng các vi tử sinh và diệt 10 lũy thừa 22 lần trong một giây.

Sự thật mà nhà khoa học này khám phá ra cũng giống như những gì Đức Phật đã thấy, nhưng sự khác biệt giữa hai người thật bao la! Một đệ tử người Mỹ đã theo tôi học thiền ở Ấn Độ trở về nước và đến thăm nhà khoa học này. Anh ấy kể với tôi rằng mặc dầu nhà khoa học này đã khám phá ra thực tế như vậy, ông vẫn chỉ là một người bình thường với tất cả những đau khổ mà người bình thường có. Ông chưa thoát khỏi đau khổ. Không, nhà khoa học này chưa trở thành một người giác ngộ, chưa thoát khỏi đau khổ vì ông đã không trực tiếp thể nghiệm được sự thật. Những gì ông học hỏi được chỉ là sự hiểu biết tri thức. Ông tin vào sự thật này vì ông tin tưởng vào dụng cụ mà ông đã phát minh ra, nhưng ông đã không tự mình trải nghiệm.

Tôi chẳng có gì chống đối nhà khoa học này cũng như nền khoa học hiện đại. Tuy nhiên, ta không nên chỉ là nhà khoa học của thế giới bên ngoài. Cũng như Đức Phật, chúng ta cũng nên là nhà khoa học của thế giới bên trong để có thể trực tiếp thể nghiệm sự thật. Sự chứng nghiệm sự thật của cá nhân sẽ tự động thay đổi tập quán của tâm, do đó ta bắt đầu sống theo sự thật.

Mỗi hành động đều hướng về lợi ích cho chính mình và cho người khác. Nếu kinh nghiệm nội tại này bị thiếu sót, khoa học có thể bị sử dụng sai lầm đưa tới sự hủy diệt. Nhưng nếu chúng ta trở thành những nhà khoa học của thực tế bên trong, chúng ta sẽ sử dụng khoa học một cách đúng đắn để tạo dựng hạnh phúc cho mọi người.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage