Có đông đảo khách đi chùa
trong bộ đồ leo núi. Nhiều người đến đây để tu Phật pháp, một số
người khác thì đến để rèn luyện thân thể hoặc vãn cảnh. Có lẽ tôi là
người duy nhất đến đây để được ăn.
Chiếc áo nâu sồng trông thật trái ngược
với vẻ sống động vui vẻ của người dẫn đường. Tôi được đưa đi theo lối
lên lưng chừng núi, nơi có khu nhà bếp. Tôi bắt đầu bị tụt lại phía sau,
chật vật đi trên những bậc thang xi măng kéo dài vô tận.
‘Tâm quyết định thân’
“Hãy tưởng tượng rằng những bậc thang này đang đi xuống,” người dẫn đường nói.
“Đi xuống à, Seunim Hyeonduk?,” Tôi hỏi.
‘Seunim’ trong tiếng Hàn có nghĩa là ‘nhà sư’ và do lịch sự tôi lúc nào
cũng phải xưng hô với người dẫn đường bằng đầy đủ danh xưng như vậy.
Sư cô gật đầu: “Tâm quyết định thân.”
Tôi cố làm theo, nhưng đầu óc tôi không
chịu nghe lời. Ngôi chùa là một mạng lưới các bậc thang và từ chỗ tôi
đứng, các bậc thang đều đi lên.
Mới tồn tại có 70 năm, chùa Guinsa tương đối trẻ để được coi là một di tích tôn giáo quan trọng.
Được xây vào năm cuối cùng của thời
Nhật chiếm đóng Triều Tiên, lúc đầu chùa chỉ là một mái nhà tranh lẻ
loi nhưng nó nhanh chóng trở thành điểm đến của khách hành hương và
khách vãn cảnh.
Khách đến viếng chùa cúng dường và số
tiền này dùng để mở rộng chùa. Ngày nay, khu chùa chiếm trọn một thung
lũng ở phía bắc dãy núi Sobaek nằm cách Seoul 150km về phía tây nam.
Mỗi ngày, chư tăng thí thực bữa trưa cho tất cả khách thập phương. Trên đường đi, tôi hỏi Seunim Hyeonduk về tập quán này.
Sư cô giải thích thí thực là sự thể
hiện lòng biết ơn – cảm ơn niềm tin và sự cúng dường của Phật tử vốn
đã giúp xây dựng nên Chùa Guinsa. Nhưng ai cũng có thể đến, cho dù là
Phật tử hay người Công giáo, cho dù là người Hàn Quốc hay người nước
ngoài. Tất cả mọi người đều có thể tham dự buổi thí thực.
Gian bếp lớn
Những chiếc nồi đất lớn nằm khắp sân
bếp. Trong đó là nước tương, đậu ngâm và tương ớt. Các nhà sư ở đây tự
trồng và thu hoạch, bảo quản các loại thực phẩm, từ cải bắp cho đến hạt
dẻ. Giữa các mùa vụ, họ ăn những thực phẩm truyền thống như tương và kim
chi.
Bên trong, nhà bếp được xây bằng xi măng
theo hình móng ngựa, đặt nhiều vạc lớn. Mỗi chiếc vạc có thể nấu đủ cơm
cho 500 người hay đủ canh cho 3.000 người ăn. Chúng rất sâu, và các nhà
sư phải dùng xẻng để khuấy nồi. Ở góc bếp, một thiếu nữ quấn khăn hồng
đang vo gạo. Nước gạo được đổ vào một chiếc nồi khác để nấu canh.
Lên tầng, ở khu nhà ăn, chúng tôi được
yêu cầu lấy vừa đủ đồ ăn cho mình. Toàn là đồ chay đơn giản: cơm và kim
chi, canh đậu tương, khoai tây nướng. Các Phật tử và những người leo
núi ngồi sát nhau, hàng trăm người ngồi quanh những chiếc bàn ăn dài.
Vào những ngày lễ, số thực khách có thể lên đến hàng ngàn người, nhất là
vào dịp Tết Âm lịch hay Lễ Phật Đản.
Ăn chung là một nét văn hóa Triều Tiên.
Người ta có thể ăn cùng một dĩa hay uống cùng một ly. Ẩm thực là sự
thể hiện tính cộng đồng. Với việc chào đón tất cả mọi người đến nhà
ăn, chư tăng ở chùa Guinsa khiến cho tất cả mọi người thấy như người một
nhà, ít nhất là trong bữa ăn.
Nghi lễ trên chánh điện
Là người nhà, chúng tôi phải ăn hết mọi
thứ trên khay. Seunim Hyeonduk mắng mấy cậu thanh niên bỏ thừa. Gãi đầu
gãi tai như học trò bị phạt, các cậu này lại ngồi vào bàn ăn cho hết.
Thấy những hột cơm rơi vãi trên khay của tôi, sư cô dùng muỗng gom lại
và dứt khoát đút vào miệng tôi.
Sau bữa trưa, Seunim Hyeonduk mời tôi
tham dự một nghi lễ. Chúng tôi đi xuống các bậc thang vào chánh điện,
nơi có một tượng Phật bằng vàng đặt trang trọng, với các bức tượng Bồ
tát ở hai bên. Trước mặt các bức tượng là trái cây bày cúng. Các lá
phướn bay phần phật trên đầu. Tường chánh điện được vẽ như một câu
truyện tranh. Các nhà sư vỗ trống và tụng kinh.
Seunim Hyeonduk dẫn tôi đến một chiếc gối đỏ ở dưới chân tượng Phật. “Anh là khách của chúng tôi,” sư cô nói.
Phía bên phải tôi là hai phụ nữ ăn mặc
sang trọng với khuôn mặt trông như chị em đang quỳ gối. Họ không nhìn
tôi mà hướng cặp mắt u buồn về Đức Phật. Tôi băn khoăn tự hỏi không
biết mình đang tham gia vào nghi lễ gì. Seunim Hyeonduk ngồi xuống bên
cạnh và chúng tôi cúi đầu lạy.
Trong độ gần một tiếng đồng hồ, chúng
tôi đi đến các ban thờ cúi đầu lạy từ ban này đến ban khác. Một lạy cúi
nửa người, ba lạy cúi sát đất và một lạy nửa người nữa. Tôi bắt đầu
hiểu tại sao các nhà sư ở đây thể đi nổi các bậc thang lên chùa.
Tưởng nhớ người đã khuất
Tôi không biết đây là lễ gì cho đến khi
chúng tôi đến bàn thờ cuối cùng vốn bị che khuất bởi những bát rau,
những chồng táo và những keo thủy tinh đựng kẹo. Một mảnh giấy trắng
được đặt trên chiếc ngai ở giữa. Đây là một buổi lễ tưởng niệm người
mất và tờ giấy trắng tượng trưng cho người quá cố.
Theo tập tục Triều Tiên, vào một số
ngày trong năm, những vong linh người chết trở về thăm nhà. Lúc đó, họ
được cúng và lạy. Vào Tết Âm lịch và ngày lễ thu hoạch mùa thu Chuseok,
cả nước tham gia vào các hoạt động tưởng nhớ tổ tiên. Nhưng hôm nay chỉ
có hai người phụ nữ này đang làm lễ giỗ người thân.
Buổi lễ kết thúc, chúng tôi bước ra
ngoài để đốt vàng mã. Hóa vàng xong, hai chị em kia lần đầu tiên quay
sang tôi. Họ cảm ơn tôi đã đến tưởng nhớ tổ tiên của họ. Sự hiện diện
của tôi không được xem như sự đường đột mà là sự kết nối.
“Có lẽ ở kiếp trước người thân của họ là người Mỹ,” Seunim Hyeonduk dịch cho tôi nghe.
Tôi được mời dự phần cuối cùng của nghi
lễ. Seunim Hyeonduk ra dấu cho chúng tôi đi vào một căn phòng trống với
chiếc bàn thấp đặt ở giữa. Các dĩa hoa quả và rau củ được đem từ bàn
thờ tới đặt cùng với các cốc cà phê và trà. Những thức cúng người mất
giờ đây được người sống hưởng dụng. Điều này về mặt biểu tượng kết nối
hai thế giới lại với nhau, cùng nhau dùng bữa.
Tất cả chúng tôi cùng ngồi xuống thọ
thực: các vong linh, hai chị em người phụ nữ, sư cô và tôi – người lạ mà
có lẽ không phải là người lạ. Ngồi cùng nhau quanh bàn ăn, chúng tôi
đều là người nhà.
Tác giả: Erin Bergstrom/Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2015/07/150719_free_meals_with_a_monk_vert_tra