Phật Học Online

Thầy tôi & đôi bàn chân của mẹ
Tòa soạn

GNO - Với mỗi người chúng ta, dù mình có bao nhiêu tuổi, có lớn thế nào thì trong mắt cha mẹ, chúng ta đều là những đứa con bé nhỏ, luôn cần sự chăm sóc thương yêu như thuở mới lọt lòng. 

Thầy tôi sinh ra khi cha của Thầy đã qua đời trong một cuộc chiến biên giới Tây Nam. Gia đình vốn đã khốn khó, lại mất đi một trụ cột của gia đình. Một mình mẹ của Thầy phải vất vả mưu sinh, tay bồng tay bế, chạy ăn từng bữa để nuôi 2 người con ăn học. Năm 12 tuổi, Thầy xin mẹ xuất gia. Dù nghèo khổ, nhưng bà vẫn không muốn xa Thầy. Nhưng sau đó vì nguyện vọng của con, bà cũng mềm lòng để Thầy thỏa lòng ước nguyện. Đời sống nơi cửa Thiền lại khó khăn trăm bề, luôn thiếu trước hụt sau. Nhà của bà thì xa, lâu lâu mới có dịp lên thăm Thầy được một lần. Nhưng lần nào cũng chắt chiu cho Thầy từng củ sắn củ khoai, dúi cho Thầy dăm ba đồng bạc lẻ. 

Bà nói dối là Phật tử gửi cúng chứ không dám nhận là của mình, vì sợ thầy áy náy, nghĩ rằng mình đã không lo được cho mẹ mà lại để cho mẹ chu cấp ngược lại cho mình! Giờ đây, cuộc sống của Thầy ở chùa đã bớt phần cơ cực với vai trò là vị Thầy hướng dẫn tâm linh cho hàng chục người đệ tử xuất gia. Thầy cũng đã rước mẹ về ở trong chùa để tiện việc chăm sóc và khuyến hóa cho mẹ tu tập. Nhưng mỗi khi Thầy tôi có Phật sự đi xa, bà vẫn giữ thói quen gửi cho Thầy chút tiền nói là “cho Thầy cần dùng gì thì dùng”. 

Sự ân cần chăm sóc của bà dành cho Thầy nhiều khi chỉ là chén canh, ly nước, nhưng lại chứa đựng cả một bầu trời yêu thương của một người mẹ dành cho con. 

Mùa Vu lan năm ngoái, cũng là mùa Vu lan đầu tiên của tôi khi chính thức được mang hình hài của một người xuất gia. Hình ảnh khiến tôi xúc động nhất trong lễ Vu lan, chính là hình ảnh Thầy của tôi quỳ xuống nâng đôi bàn chân của mẹ mình để rửa. Đôi bàn chân của bà đã chai sần theo năm tháng vì vất vả mưu sinh. Đôi bàn chân đã rong ruổi khắp Bắc cùng Nam, cáng đáng vai trò vừa là cha vừa là mẹ của các con. 

Có thể với chúng tôi, Thầy vừa là một người thầy, vừa là một người cha vĩ đại. Vì không những đã khai sinh ra chúng tôi một lần nữa trong đạo pháp, chăm lo đời sống vật chất lẫn tâm linh cho từng người đệ tử của mình, mà Thầy còn là một tấm gương sáng chói cho mọi người noi theo về sự phụng sự chúng sanh không mệt mỏi. Nhưng sao lúc ấy tôi thấy Thầy thật là bé nhỏ trước bà - bé nhỏ trong tình thương bao la của một người mẹ. Lúc ấy, chợt tôi thấy đâu đó hình ảnh của Bồ-tát Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu mẹ hay Hòa thượng Cua - Thiền sư Tông Diễn lưu truyền khắp nhân gian vì hạnh Hiếu, trong hình ảnh của Thầy. Tôi chợt nhận ra, thì ra mình có thể lớn với ai, vĩ đại với ai, là chỗ dựa tinh thần cho bao nhiêu người khác, nhưng khi về với vòng tay của mẹ, mình vẫn là một đứa trẻ bé nhỏ như ngày nào, như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: 

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ, 

đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”

Vào chùa học đạo, người xuất gia mang trên mình lý tưởng của sự giải thoát, không còn sự ràng buộc của tình cảm luyến ái, dù là với cả cha mẹ hay người thân! Khi làm lễ thế phát, bổn sư đã cho mình lạy trả 4 ân lớn, mà một trong những ân đó là ân cha mẹ sanh thành dưỡng dục. Nhưng điều đó không có nghĩa là phủi sạch đi tất cả công ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng song thân kể từ giây phút đó. Cái lạy đó là cái lạy của sự  tri ân, báo ân, cái lạy để phát nguyện sống có ích cho mình cho người trước hai đấng sinh thành. Cái lạy ấy xuất phát từ tấm lòng chí tình chí hiếu của một người mang trong mình chí nguyện “phát túc siêu phương”. 

Sự báo đáp công ơn sinh thành của người xuất gia, không chỉ có tiền tài, vật chất hay niềm vui tinh thần thường tục. Mà nó là sự cộng hưởng và nâng tầm của hiếu đạo thường tình của thế gian với tinh thần từ bi - trí tuệ giác ngộ của đạo Phật. Sự báo hiếu ấy dựa trên tinh thần đạo pháp, khuyến hoá cha mẹ tu tập để cha mẹ có được niềm vui của sự giác ngộ giải thoát. Thiền sư Đạo An đã từng nói “Người xuất gia là người gánh vác đạo đức, đeo mang nhân nghĩa”. Là người phát tâm đi trên con đường của bậc thánh, thì hơn ai hết đạo đức và nhân nghĩa càng phải được sáng soi hơn người phàm kẻ tục. 

Cũng vì lẽ đó mà trong kinh Đức Phật cũng từng dạy: “Ơn cha lành như núi Thái, nghĩa mẹ hiền sâu hơn biển cả. Nếu ta ở trong đời một kiếp, nói công ơn cha mẹ không thể hết”  hay như “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế, gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy” (kinh Tâm địa quán). 

Thiền sư Nhất Hạnh đã từng nói: 

“Con có cha có mẹ.
cha mẹ có trong con,
nhìn cha mẹ con thấy,

có con trong cha mẹ”

Mỗi người chúng ta là một sự truyền thừa và tiếp nối của ông bà tổ tiên, mà gần nhất là cha và mẹ. Mùa Vu lan về là một cơ hội để mỗi chúng ta nói lên lời tri ân và báo ân đến  hai đấng sinh thành. Cũng là dịp để mình nhìn nhận lại những gì mà cha mẹ dã truyền trao và trông đợi nơi mình. Từ đó nỗ lực tu tập, sống an lạc thảnh thơi, chế tác được niềm vui và khuyến hóa được cha mẹ từ sự tu tập của mình. Đó mới chính là báo Hiếu thù thắng trong đạo Phật. 

Kính gửi đóa hoa tâm kết tinh từ tấm lòng tri ân, báo ân, từ công phu tu tập đến vị Thầy của chúng tôi, đến người mẹ đã sinh ra cho chúng tôi một vị Thầy tâm linh mẫu mực, cũng như cha mẹ hiện tiền và tạ thế của tôi và mọi người. Và hãy yêu thương cha mẹ của mình đi, khi còn có thể... 

“Mưa tháng bảy mưa của mùa Hiếu hạnh 
Một hoa lòng xin Mẹ mãi bình an 
Tiếng chuông chùa một giọt ngân vang 

Chợt tỉnh thức... hôm này... còn có... Mẹ”

Sa-di Thích Đức Kiên 
(Linh Quang - Nha Trang) 

Cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ "Cảm xúc Vu lan"

Từ ngày phát động (19-8) đến nay, tiểu mục "Cảm xúc Vu lan" đã nhận được bài vở của các tác giả: Võ Thị Long Giang, Hoa Tâm, Thùy Dung, Huệ Tài, Nguyễn Thành Công, Nguyễn Minh Út, Đức Chơn, Ho Phuong, Lê Văn Duân (Hải Dương), Chân Nguyên, Minh Tựu (Bình Định), Hợp Vũ, Yên An, Thích nữ Huyền Linh, Diệu Hoàng, Nhất Mạt Hương, Tâm Hà, Kim Tuyền, Diệp Kim Tùng, Hoàng Thị Nga, Tín Nhãn, Thích Đức Kiên, An Quy, Bình Yên, Oanh Phạm Thị, Thích Chơn Pháp, Diệp Linh... 

Tòa soạn mong tiếp tục nhận được những bài viết, là những cảm xúc chân thành, sâu lắng, mang thông điệp tri ân, khơi gợi lòng hiếu... của bạn đọc. Bài viết dưới hình thức văn xuôi, gửi về email onlinegiacngo@gmail.com, toasoan@giacngo.vn. Chủ đề thư điện tử xin đề “Cảm xúc Vu lan”. 

"Cảm xúc Vu lan" do Ban Ban Thông tin - Truyền thông GHPGVN TP.HCM và Báo Giác Ngộ tổ chức nhân mùa Vu lan - Báo hiếu PL.2564. Ban Tổ chức sẽ nhận bài đến 15-7 ÂL (2-9-2020). 

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc! 

  • Mời bạn đọc viết "Cảm xúc Vu lan"


GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage