Phật Học Online

Để sống khỏe mỗi ngày
ThS.Nguyễn Quế Kỳ / Báo Giác Ngộ

GN - Sức khỏe là vốn quý, có sức khỏe là có tất cả. Sức khỏe là vàng nên mỗi chúng ta luôn phải có ý thức trân trọng, giữ gìn nó như giữ con ngươi của mình. 

Làm việc, cống hiến, phụng sự

Lao động là niềm vui. Khi ta hăng say làm việc, luôn nêu cao tinh thần việc hôm nay chớ để ngày mai, ta đã phát huy hết năng lực, sở trường của mình. Sản phẩm của ta dù nhỏ bé giản đơn hay cao siêu phức tạp, thuộc lĩnh vực vật chất hay tinh thần thì cũng góp phần cống hiến cho xã hội. Chính sự lao động không biết mệt mỏi tạo cho ta tâm thế sẵn sàng, sự hưng phấn khi làm việc và chắc chắn ta có được sự kính trọng của người đời; đạt niềm vui, rất tốt cho sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. 

Ngược lại, nếu ta chây lười, ỷ lại, sống dựa dẫm, không chịu suy nghĩ, đổi mới sáng tạo, lúc nào cũng hằn sâu: ta không thể…, khi nào cũng có tâm lý kệ, được đến đâu hay đến đó, dẫn đến việc nọ dồn việc kia, không hoàn thành công việc khiến cho tâm ta bất an, lo lắng, muộn phiền, lâu ngày dẫn đến sự chán nản, buông xuôi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. 

Ăn uống khoa học, tích cực thể dục, khám sức khỏe định kỳ

Khoa học đã chứng minh ăn uống hợp lý góp phần nâng cao sức khỏe. Chúng ta nên ăn uống nhiều hoa quả, rau xanh, ngũ cốc… Ăn chay hiện không còn xa lạ đối với mọi người nữa. Hiện nay, phong trào tập thể dục diễn ra sôi nổi, hào hứng trên khắp đất nước. Mỗi người có thể lựa chọn cho mình một bộ môn phù hợp. Phong trào tập dưỡng sinh, học thiền (Phật giáo), tập yoga, đạp xe, bơi lội, võ cổ truyền v.v… được mọi người luyện tập. Đặc biệt, đi bộ được nhiều người lựa chọn vì tính đơn giản và hiệu quả cao. Tốt nhất là đi bộ ngoài trời, vừa đi vừa thư giãn, hòa nhập với thiên nhiên trời đất. Đáng tiếc, hiện nay còn có một số người chưa quan tâm đúng mức sức khỏe bản thân, luôn lấy lý do bận mà không đi khám định kỳ, thậm chí còn tàn phá sức khỏe của mình bằng cách lao vào những trò chơi vô bổ, lạm dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia… 

Tích cực làm việc thiện

Để có một sức khỏe tốt, mỗi chúng ta phải thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần, tích cực làm việc thiện, trao niềm tin, sự  yêu thương cho người, luôn tu nhân tích đức… Ta giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống để họ vững tin vượt qua nghịch cảnh. Ta hiến máu cứu người. Tâm niệm lời Phật dạy vị tha trong cuộc sống nên cho hơn là nhận. Ta luôn sống tốt, sống hữu ích, có trách nhiệm cao với gia đình, quê hương, đất nước để người thân không phải lo lắng, buồn phiền vì mình. Phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… là những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. 

Sống có kỷ luật, đạo đức

Để sống vui khỏe, sống hữu ích mỗi ngày, chúng ta phải luôn tuân thủ kỷ luật, đạo đức, nghiêm khắc với chính mình. Cuộc sống luôn chứa đựng sự đối lập. Mỗi người chúng ta luôn tồn tại bên cạnh cái cao cả là những cái thấp hèn, bên cạnh những ưu điểm là những nhược điểm, hạn chế đi kèm. Không ai hoàn hảo cả. Cái tham vọng lợi danh của ta là vô cùng. Không ít người vì danh lợi tình tiền mà dám đánh đổi, bất chấp tất cả, vi phạm pháp luật, đạo đức lối sống. Đối với người Phật tử muốn hướng đến tịnh tâm, khai trí trước cần tuân thủ năm nhân cách người Phật tử: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không say nghiện. Sống tốt đời, đẹp đạo, lưu dấu ấn giá trị cá nhân giữa cuộc đời. 

Buông bỏ tham sân si

Thấy rõ tham sân si là nguồn gốc của mọi khổ đau. Mỗi cá nhân chúng ta luôn cố gắng thanh lọc tâm để thoát khỏi những tâm ô uế. Ta học buông bỏ, cố gắng loại trừ tham sân si ra khỏi cuộc sống để thảnh thơi, an lạc. Ranh giới thiện - ác mong manh như sợi tóc, vì vậy chúng ta phải luôn tu nỗ lực, khắc chế tham sân, luôn làm chủ và chiến thắng chính bản thân mình. 

Tóm lại, để có một sức khỏe tốt, an lạc, hạnh phúc ta phải làm việc, cống hiến, lấy việc thiện làm niềm vui, thân luôn phải vận động, tâm phải an tịnh nhờ tu dưỡng tọa thiền, niệm Phật. Luôn suy nghĩ tích cực, sống lạc quan, yêu thương, buông xả… Đó là cách sống tích cực, nhân văn, sống khỏe mỗi ngày. 


GNO


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage