Phật Học Online

Thượng tọa Lý Hùng: Nhà tu hành tinh thông cả giáo lý và pháp lý
Bởi BTV TP.HCM - 20 Tháng Mười, 2021

Với những cống hiến cho cộng đồng, đồng bào dân tộc, Thượng tọa Lý Hùng đã nhận được hơn 200 bằng khen, giấy khen, 10 huy chương, kỷ niệm chương của các bộ, ngành, địa phương và nước bạn Campuchia. Ông đóng góp trong nhiều lĩnh vực “Vì sự nghiệp nhân đạo”, “Vì hòa bình hữu nghị”, “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”… Trên hết, cảm nhận được ở vị tu sĩ này là tấm lòng tha thiết “vì nhân dân”, “vì đồng bào dân tộc”

Khi nhà sư tham gia trợ giúp pháp lý

Luôn tâm niệm “mình xuất phát từ không, phải cố gắng biến thành có, mới phụng sự giúp đời, giúp người được”, Thượng tọa Lý Hùng đã không ngừng cố gắng, vượt qua mọi thách thức, khó khăn để cố gắng vươn lên: “Từ thiếu thốn mình mới có nhận thức để cố gắng học tập thoát khỏi nghèo khó, vươn tới thành công. Mình có thiện tâm, có niềm tin thì sớm muộn cũng thành công. Đi không nổi thì bò, bò không nổi thì lết, riết cũng tới à!”.

Sinh ra và lớn lên tại TP Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng trải qua tuổi thơ cơ cực, vất vả. Khi còn nhỏ, ông làm nhiều việc như lượm ve chai, mò cua, bắt ốc… để có tiền mua sách vở đến trường. Với niềm tin và nỗ lực không ngừng, ông đã vượt lên mọi khó khăn, khát vọng “lập thân” giúp đời.

Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn). Từ tâm thiện sẵn có cùng những giáo lý “từ bi, hỷ xả” của nhà Phật đã hun đúc thêm phẩm chất. Ông luôn tâm niệm “đạo” cũng là “đời”, “đời” cũng như “đạo”, có tính chất song hành. Người tu sĩ phải học đạo để tu đời, sống sao cho “tốt đời, đẹp đạo”.

Ông luôn mang tinh thần “nhập thế”, giúp đỡ cộng đồng, nhiệt tình tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, hướng đến giúp đỡ cộng đồng. Ông kêu gọi quyên góp xây trường học ở các vùng sâu, vùng xa; làm đường giao thông nông thôn, cầu bê tông ở các phum, sóc; xây nhà tình thương; tổ chức mổ mắt nhân đạo cho người mù… Bên cạnh đó, ông vận động, giải thích cho bà con hiểu các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tháo gỡ, vận dụng thực tế, giúp bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn có việc làm, chỗ ở ổn định, góp phần giảm khiếu kiện.

Từng là sinh viên trường luật, từng tham gia lớp học chứng chỉ nghiệp vụ luật sư, ông có trình độ pháp lý vững vàng và nhiệt tình tham gia làm cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Cần Thơ cũ. Trong khoảng thời gian gần 10 năm tham gia trợ giúp pháp lý, ông đã vận dụng hiệu quả những kiến thức pháp lý của mình cũng như đặc thù về văn hóa dân tộc Khmer để hòa giải thành, giúp đỡ nhiều trường hợp người đồng bào dân tộc Khmer vướng mắc, tranh chấp về pháp lý.

Nhớ về những kỷ niệm trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc Khmer, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ: “Nhiều trường hợp gia đình đông con nhưng không lập khai sinh, không được đi học, trợ giúp viên xuống phối hợp với UBND xã để hỗ trợ làm khai sinh cho các cháu và gửi đi học. Mình giúp xong, họ mừng, mình cũng mừng”.

Theo Thượng tọa Lý Hùng, công tác hòa giải trong đồng bào Khmer là việc khó nhưng cực kỳ quan trọng. Muốn trợ giúp phải hiểu đặc tính vùng miền, ngôn ngữ để tiếp xúc với bà con, vận dụng cái lý, cái tình sao cho hài hòa, thuyết phục. “Để hòa giải, trợ giúp phải chọn điểm chùa mời họ lại phân tích, giải thích pháp luật cho họ hiểu. Sử dụng tiếng Việt là chưa đủ mà phải dùng tiếng Khmer để họ hiểu. Đôi khi họ nghe, họ nói tiếng Việt được nhưng hiểu không hết ý mình muốn diễn đạt. Sở dĩ phải chọn điểm chùa để hòa giải vì chùa là trung tâm cộng đồng của đồng bào Khmer, khi sinh ra, lớn lên và cho đến khi chết đi đều gắn bó với chùa. Vai trò của chùa và sư sãi với đồng bào dân tộc như sợi dây liên kết không thể thiếu. Trong niềm tin của đồng bào dân tộc, chùa là nơi tín ngưỡng rất linh thiêng và họ rất tin tưởng nên chọn chùa là nơi hòa giải rất thích hợp và đạt hiệu quả cao hơn”, ông giải thích.

Nặng lòng với nghiệp giáo dục

Từ một cậu học trò nhỏ phải lượm ve chai, mò cua bắt ốc để có tiền đi học; nay ông đã trở thành một vị Thượng tọa đáng kính, có uy tín trong đồng bào dân tộc và được nhiều người biết đến bởi những hành động, việc làm giúp ích cho cộng đồng, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer. Những năm tháng xuất gia, Thượng tọa Lý Hùng dành hết tâm trí chuyên tâm vào tu học. Hiện ông là Tiến sĩ Tôn giáo học và có thể thành thạo giao tiếp nhiều ngôn ngữ như: Việt, Khmer, Anh, Trung Quốc, Bali…

4.jpg

“Mình càng nghèo thì mình càng phải cố gắng để học tập, phải học mới tiến thân được, phải học mới vươn lên được. Cũng vì lẽ đó mà sư không ngừng và miệt mài học tập để có trình độ, kiến thức để giúp đời, giúp người. Thấu hiểu khó khăn đó nên sư tập trung lo cho nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, lo cho các em sinh viên ở Đồng bằng sông Cửu Long nghèo, khó khăn”, Thượng tọa Lý Hùng nói.

Trong khuôn viên chùa Pitu Khôsa Răngsây, Thượng tọa Lý Hùng cho xây dựng 2 khu ký túc xá để nhận nuôi và hỗ trợ các sinh viên nghèo đang theo học trung cấp, cao đẳng và đại học ở TP Cần Thơ: “Chùa tiếp nhận và hỗ trợ các em từ 1996 đến nay. Lúc đầu do điều kiện khó khăn nên chỉ hỗ trợ vài em. Từ năm 2000, hỗ trợ một lần vài chục em, có lúc đông nhất lên đến 60 em. Các em đi học theo diện chính sách được miễn học phí”.

“Ở đây mình sẽ chăm lo hoàn toàn miễn phí cho các em từ điện nước, ăn uống, sinh hoạt, những em nào khó khăn thì thông qua các dịp lễ hội trao tặng học bổng cho các em, trường hợp nào không có xe đạp thì mình sắm xe đạp cho các em đi học. Ở đây các em sinh sống như một thành viên trong chùa. Do lúc đầu cha mẹ đem lại gửi nên khi các em ra trường, tốt nghiệp thì cha mẹ lại làm lễ nhận các em về”, Thượng tọa Lý Hùng cho biết.

Khi sinh hoạt tại chùa, các em còn được dạy lễ nghi, phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa của dân tộc… “Thanh niên đồng bào dân tộc lớn lên vô chùa tu, các em không được đi tu nhưng có dịp ở trong chùa coi như được tu. Mình dạy cách sống, lễ độ cho các em”, ông chia sẻ.

“Sư mong muốn hỗ trợ một phần trong việc đào tạo nguồn nhân lực trong con em đồng bào dân tộc Khmer để các em có được cái chữ, cái nghề để sau này các em trở về quê hương phục vụ tại địa phương. Thấy các em học đến nơi đến chốn là sư vui rồi. Đến nay các em đều thành tài. Sư nhớ có một em đi bán vé số nhưng bị giật, rồi đi bán bánh mì, bán ế nên sư mua hết, sư hỗ trợ cho em có điều kiện đi học bây giờ đã trở thành Giám đốc Maketting của một doanh nghiệp lớn. Nhiều trường hợp 14-15 năm sau, các em chở vợ con lại kể cho vợ con nghe rồi kính ân với sư, xúc động lắm”, Thượng tọa Lý Hùng kể.

25 năm qua đã có khoảng 500-700 kỹ sư, bác sĩ, giám đốc… thành tài đang công tác khắp nơi bước ra từ ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây với sự dìu dắt, giúp đỡ của Thượng tọa Lý Hùng. Những số phận khó khăn cứ ngỡ sẽ bỏ lỡ sự học nhưng với sự tiếp sức đồng hành của Thượng tọa Lý Hùng đã giúp các em vươn lên thành tài, giúp ích cho đời, phụng sự đất nước. Ông còn hỗ trợ đỡ đầu cho 17 du học sinh Campuchia học tại các trường đại học ở Cần Thơ (Chương trình “Ươm mầm hữu nghị”).

Với những cống hiến cho cộng đồng, cho đồng bào dân tộc Khmer, hết lòng phụng sự “đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, Thượng tọa Lý Hùng đã nhận được hơn 200 bằng khen, giấy khen, 10 huy chương, kỷ niệm chương của các bộ, ngành, địa phương và của nước bạn Campuchia. Điển hình như Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bằng khen của Bộ trưởng Công an, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp nhân đạo”, “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”, “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”, “Vì hòa bình, hữu nghị”, “Vì sự nghiệp nhân đạo”…

Thượng tọa Lý Hùng hiện là Uỷ viên Hội đồng Trị sự – Phó Trưởng ban Pháp chế Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế giáo hội Phật giáo TP Cần Thơ, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước TP Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia TP Cần Thơ, Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây (tên tiếng Việt là Viễn Quang, tại TP Cần Thơ).

Thương Đình/PL

https://www.phattuvietnam.net/


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage