Phật Học Online

Kết rộng thiện duyên

Chúng ta đều biết tham là tật xấu không tốt, nhưng có lúc chúng ta lại rơi vào một cực đoan khác là keo kiệt, cũng chính là hẹp hòi, tiếc rẻ và bủn xỉn. Có người cho rằng đây là tiết kiệm. Thật ra, keo kiệt và tiết kiệm là hai việc khác nhau.

Keo kiệt khác với tiết kiệm, mục đích chủ yếu của tiết kiệm là đúng chỗ, giống như chúng ta có mười đồng tiền, vì muốn bố thí mà tính kỹ việc thu chi, tiết kiệm lại một đồng; đây không phải là keo kiệt. Trái lại, nếu như sinh hoạt của chúng ta chỉ cần chi phí năm đồng, nhưng lúc đó gặp người thiếu cơm ăn, áo mặc đến xin, chúng ta tiếc rẻ năm đồng còn lại, không dám bố thí cho họ; đó là keo kiệt.

Vì thế, keo kiệt là mình có dư của cải cũng không chịu cho người khác mà để cất giữ cho nhiều, hành vi như thế không ích lợi cho ai cả. Nhưng nó không giống tham là cứ muốn lấy đồ của người khác làm của mình; cho nên, keo kiệt không hại đến người khác, so ra đỡ hơn tham một chút.

Mặc dù keo kiệt không làm tổn hại người khác, nhưng có nhiều người tiếc của không chịu bố thí, nên ngăn trở sự trưởng thành của mình. Như có người học vấn rất tốt, hiểu biết phong phú; hoặc rất giỏi kỹ thuật, nhưng họ không muốn truyền trao cho người khác, cũng không muốn chia lợi cho mọi người cùng hưởng. Sau khi chết khác nào đem trí tuệ, tài sản vào trong quan tài; như thế chẳng phải vô ích sao? Lại như trong công ty bạn có rất nhiều công nhân, viên chức. Họ ra sức làm việc số tiền lãi bạn thu về rất nhiều, nhưng rốt cuộc bạn không thưởng cho họ đồng nào; như thế, công ty này có tiếp tục tồn tại phát triển được không? Có lợi thì mọi người cùng hưởng chung, khi phân chia có thể theo công sức góp phần, người làm nhiều hưởng nhiều, người làm ít thì hưởng ít.

Có một ông chủ đầu tư hết vốn liếng, đem hết trí tuệ và tâm lực để làm việc kinh doanh; bởi vì ông ta bỏ ra rất nhiều nên thu lợi nhiều là việc bình thường. Nhưng một viên chức bình thường, ít nhất cũng phải ra sức làm việc bằng trí tuệ và nỗ lực, thậm chí làm hoàn thành công việc trước thời gian công ty quy định, vì để cho công bằng thích hợp, chia hưởng hợp lý là điều nên làm. Nếu như ông chủ chỉ biết bóc lột, hoặc không muốn chia cho nhân viên hưởng lợi ích thì dần dần sẽ mất đi nhân lực và quần chúng, tổn thất này do keo kiệt đưa đến.

Có người tuy không có tài sản gì, nhưng họ rất rộng rãi, bằng lòng đem tất cả tài vật chia cho người khác cùng hưởng. Nhờ họ sống rộng rãi như vậy, cho nên được nhiều người tin tưởng, ủng hộ họ, có thể nói là nhân tài lãnh tụ. Nhưng kẻ keo kiệt vì không muốn chia tiền vật của mình cho mọi người cùng hưởng, nên không có mối quan hệ với mọi người, không được họ ủng hộ và thương yêu.

Nhưng người hào hiệp khác với kiểu “giả làm người hào hiệp”. Hào hiệp là mình không có tiền, hoặc có tiền không nhiều, nhưng đem hết khả năng của mình giúp đỡ người khác. Có người tuy không có gì, nhưng dùng nhiều cách lấy đồ của nhà giàu, như mua chịu, mượn, lấy trộm... đem chia cho người nghèo cùng hưởng, cũng là của người phúc ta; đó là “giả làm người hào hiệp”.

Người nào đời này không kết duyên rộng với mọi người thì đời sau sẽ thành kẻ ngu si. Nếu bản thân mình có tiền vật đem chia cho người cùng hưởng thì đời sau mới tăng trưởng phước tuệ.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage