Phật Học Online

Xe đạp tình thương

Suốt đời tôi tin chắc một điều: Cứ làm việc lành với tâm trong sáng, đừng mong gì cả, việc gì cũng thành. Dân gian Việt Nam thường nói: “Phật độ”. Phật độ cho anh Thọ. Phật độ cho mọi tình thương...


P1010550.JPG
Trao xe đạp tới học trò hiếu học


Tôi có nhiều anh bạn cùng tên Thọ. Cùng cả tên lẫn họ. Bởi vậy, để khỏi đánh lầm địa chỉ trên email, đem râu Thọ nọ cắm cằm Thọ kia, tôi cẩn thận mở vòng đơn sau tên mỗi anh: Anh Thọ (Nhật); Anh Thọ (Mỹ); Anh Thọ (Sài Gòn); Anh Thọ (Huế) v .v... Đến tên anh Thọ láng giềng thân thiết của tôi, tôi lưỡng lự một hồi rồi gõ bàn phím: Anh Thọ (xe đạp).

Anh Thọ (xe đạp)! Đùa danh tính như thế, chắc người khác sẽ giận. Nhưng không, anh Thọ của tôi cười vui, cho là vinh dự. Bởi vì bạn bè thân xung quanh anh đều biết: từ nhiều năm nay, anh quyên góp xe đạp để mang về nước tặng các em học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa; các em ấy nhiều khi phải đi bộ hơn chục cây số để đến trường. Anh mang xe về? Không, anh mang tiền quyên được về nước, mua xe đạp khá tốt sản xuất trong nước, tiền ít xe nhiều. 

Chuyện anh mua xe đạp cũng thú vị. Về Huế, trời xui đất khiến thế nào mà tự nhiên anh có cảm tình với một tiệm xe đạp không có gì là đặc biệt. Anh vào, cũng tự nhiên anh có cảm tình với người chủ. Chuyện trò một lát mới biết chủ tiệm ăn trường trai! Bà mẹ của chủ tiệm cũng ăn trường trai! Chủ tiệm cũng làm từ thiện! Chuyện mua bán bỗng thành chuyện đồng thanh tương ứng.

Mua xe chỉ là việc nhỏ. Làm thế nào để chiếc xe đạp đến tay em học sinh mà không tốn thêm một xu phí tổn phụ nào cả mới là điểm son của anh Thọ. Anh bỏ tiền túi mua vé máy bay, bỏ công đi tìm phương tiện chuyển xe, bỏ mồ hôi chở xe lên tận các vùng nghèo, trao tận tay các em học sinh được chọn, tất cả đều là tiền túi, mà anh thì không giàu. Trước đó anh còn phải mất thì giờ liên hệ với các trường, được sự cộng tác của các hiệu trưởng, các thầy cô giáo. Cuối cùng, phải nói thêm là trong công việc của anh Thọ, không có ai khác chứng kiến việc anh làm ngoài nhà trường. Tuyệt đối không có quan chức đến dự việc trao tặng, không diễn văn, không trống kèn điếu đóm. Tất cả chỉ diễn ra trong tình cảm thân ái, lễ lượt đơn sơ, ngắn ngủi, nhưng bao giờ cũng đầy xúc động.

Ai bảo chiếc xe đạp là vô tri? Nó biến đổi cuộc đời của em học sinh, nó là người bạn thân thiết, nó là hạnh phúc của em, và chắc chắn cũng là hạnh phúc của các vị hảo tâm khi biết hàng ngày các em đã hạnh phúc như thế nào trên yên xe đạp để đi đến trường. Ai bảo chiếc xe đạp là vô tri? Nó có một trái tim nhưng không cần ai thấy, vì một trái tim vị tha không cần ai biết, chỉ trao tình thương và nghĩ rằng đâu đó có người hạnh phúc vì nhận được tình thương. Xe đạp của anh Thọ đúng là “xe đạp tình thương” như tên anh đặt cho nó.

Ai đã từng quyên góp để làm công tác từ thiện đều biết: lần đầu quyên dễ, lần thứ hai đã khó, những lần sau lắm khi phải bỏ cuộc. Anh Thọ làm “xe đạp tình thương” đã 10 năm rồi, đến nay vẫn chưa nản. Năm đầu, anh chỉ tặng được 30 chiếc xe đạp. Năm sau, số xe tăng lên và càng năm càng tăng. Mà anh có kêu gọi, quảng cáo gì đâu, chỉ âm thầm làm một mình, chẳng qua tổ chức nào, chẳng mượn tên tuổi ai. Tôi thầm phục anh nhưng cũng thầm thắc mắc: làm sao anh có tiền để làm tình thương bền bỉ như vậy? Thắc mắc, nên phải hỏi. Anh cười, kể cho tôi nhiều chuyện tình cờ, tưởng khó xảy ra mà cứ tự nhiên đến. Tôi nhớ vài ba chuyện, cũng lạ thật.

Một hôm, anh kể, nghe tiếng ai bấm chuông, ra mở cổng thì gặp một bà không quen, bà nói: “Tôi nghe bạn bè nói có ông Thọ về Việt Nam, mang xe đạp tặng học sinh nghèo, tôi xin bạn bè ở các chùa được 7 chiếc, nhờ ông mang về hộ. Tôi là người Bắc, nhưng biết Huế nghèo...”. Bà đưa bao thư rồi ra về. Anh Thọ quá ngạc nhiên, sững sờ đến quên cả xã giao mời khách vào nhà. Tuần sau lại nghe bấm chuông, lại khách hôm trước. Khách nói: “Tôi gọi điện thoại cho các bạn ở bên Mỹ, bên Canada, xin thêm được 9 chiếc nữa, đây là số tiền tôi ứng trước”. 

Anh Thọ cũng quên, không hỏi thêm chi tiết về tên tuổi của người hảo tâm, chỉ biết bà làm công chức nhỏ ở Sài Gòn trước 1975, đã về hưu, nghĩa là chẳng giàu có gì. Thế mà từ năm đó, cứ vào mỗi tháng 9 tựu trường, bà lại đem quà đến cho các em, với danh sách tên tuổi rõ ràng của người cho, nét chữ nắn nót rất đẹp. Riêng về tiền của bà, bà đề: “ẩn danh”.

Thế là 16 chiếc xe đạp từ trên trời rơi xuống chứ gì nữa! Một tiếng chuông, 16 chiếc, quá cảm động. Một lần khác, không phải chuông mà là tin nhắn qua email. Một tuần trước khi lên máy bay, anh Thọ nhận được một hàng tin nhắn ngắn ngủi: “Tui vừa có một nguồn lợi tức bất thường, muốn cho xe đạp, hẹn sáng mai ở nhà ga Bourg-la-Reine”. Chẳng lẽ anh chàng này trúng loto? Hay lượm được tiền rơi giữa đường? Sáng hôm sau, đúng hẹn 7g30, anh Thọ đến nhà ga, người ấy, cũng quen biết thôi, trao cho anh 1.000 euros! Cắt nghĩa: “Thất nghiệp hai năm, nay tìm được việc rồi, mừng quá”.

Anh Thọ mừng không kém, vì số tiền quá lớn. Mà cũng rơi xuống từ trời. Nhưng đừng tưởng tiền nhỏ mà làm xúc động nhỏ. Cảm động không thua. Anh Thọ sửa nhà. Thợ cả đem theo hai cậu sinh viên phụ việc để kiếm tiền ăn học. Đến ngày trả công, cả hai cậu đều nói: “Tiền công của riêng ngày hôm nay, bác cho cháu tặng lại xe đạp”. Một trong hai cậu, anh Giang, nay đã học xong, đang ở trong nước.

Bất ngờ nhiều khi đến... rất bất ngờ, quái lạ. Anh Thọ đi khám bác sĩ tim tuy anh chẳng đau gì, chỉ cốt để hỏi đi máy bay có việc gì không. Bác sĩ hỏi: “Khám tim để làm gì?” Trả lời: “Để đi Việt Nam”. Hỏi: “Đi Việt Nam làm gì?” Trả lời: “Để cho xe đạp”. Hỏi: “Một chiếc giá bao nhiêu?” Trả lời: “35 euros”. Bác sĩ J.L Bitar mở hộc bàn rút ra tờ 50 euros: “Còn lại bao nhiêu, để dành mà sửa xe”. Lại còn nói thêm: “Tôi có một cái máy tim còn tốt, ông mang về biếu được không?”. Rồi đùa: “Kiếp trước tôi là người Việt Nam, kiếp này là người Pháp”. A, ông này hay quá, chắc kiếp sau ông luân hồi về lại quê quán ở vùng sâu vùng xa! Đi xe đạp đến trường!

Nói đến luân hồi, tôi sực nhớ thêm hai chuyện bất ngờ nữa xảy ra tại chùa. Một lần, sau buổi lễ cầu siêu 49 ngày cho một anh bạn vừa mất, chị vợ đến đưa cho anh Thọ một phong thư 28 chiếc xe đạp. Chị nói: “Đây là quà của anh gửi lại”. Anh Thọ biết đó là tiền phúng điếu. Một lần khác, một chị quen - chị Thảo - đến tìm anh Thọ ở chùa Khuông Việt. Hôm đó, lễ Phật đản, người đông quá, chị tìm không ra. Anh Thọ sắp ra về, đi vào chánh điện để chào sư, bất ngờ gặp chị Thảo. Chị mừng rối rít: “Tôi đang cầu Phật để gặp anh thì anh vào”. Tôi quên hỏi anh Thọ: “Hôm ấy Phật cho anh bao nhiêu chiếc?”.

Tôi không dám đùa đâu. Suốt đời tôi tin chắc một điều: Cứ làm việc lành với tâm trong sáng, đừng mong gì cả, việc gì cũng thành. Dân gian Việt Nam thường nói: “Phật độ”. Phật độ cho anh Thọ. Phật độ cho mọi tình thương.

Theo: GN


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage