Phật Học Online

(SC. Thích Nữ Minh Ðạt)
Tàm và quý – nền tảng giới luật Phật giáo

Mỗi mùa An cư về, chư vị Hòa thượng luôn sách tấn đại chúng phải nỗ lực tấn tu Giới – Định – Tuệ; bởi giới luật còn thì Phật pháp còn. Đối với người xuất gia, “Ba tháng An cư, cửu tuần tu học” là thời gian để mọi người rèn luyện nhân cách, trau dồi giới đức. Đức Phật chế định giới luật để hàng đệ tử nương theo đó mà gìn giữ thân – khẩu – ý nghiệp và chỉ ra nền tảng của việc giữ gìn giới luật không gì hơn phải có tâm tàm quý (hổ thẹn). Vì hai thiện tâm này giúp người giữ gìn giới hạnh được trọn vẹn và còn là sức mạnh cho hành giả tu theo Phật tiến đến Niết bàn tối thượng. 



Đức Phật chế định giới luật để hàng đệ tử nương theo đó mà gìn giữ thân-khẩu-ý nghiệp và chỉ ra nền tảng của việc giữ gìn giới luật không gì hơn phải có tâm tàm quý (hổ thẹn).

Mỗi mùa An cư về, chư vị Hòa thượng luôn sách tấn đại chúng phải nỗ lực tấn tu Giới – Định – Tuệ; bởi giới luật còn thì Phật pháp còn. Đối với người xuất gia, “Ba tháng An cư, cửu tuần tu học” là thời gian để mọi người rèn luyện nhân cách, trau dồi giới đức. Đức Phật chế định giới luật để hàng đệ tử nương theo đó mà gìn giữ thân – khẩu – ý nghiệp và chỉ ra nền tảng của việc giữ gìn giới luật không gì hơn phải có tâm tàm quý (hổ thẹn). Vì hai thiện tâm này giúp người giữ gìn giới hạnh được trọn vẹn và còn là sức mạnh cho hành giả tu theo Phật tiến đến Niết bàn tối thượng. Do sự cần thiết của hai tâm này trong quá trình tu tập nên Đức Phật đặc biệt chú trọng và xem đó là nhân tố cho mọi thiện pháp. Cho đến lúc sắp Niết bàn, Ngài cũng không quên căn dặn hàng đệ tử phải lấy sự tự hổ thẹn làm trang phục và xem đó là món trang sức đẹp nhất.

MỐI QUAN HỆ GIỮA TÀM – QUÝ VÀ GIỚI LUẬT 

Theo Từ điển Rộng mở tâm hồn thì tàm quý hay còn gọi là hổ thẹn, là hai đức tính có thể giúp chúng ta xa lìa mọi điều xấu xa, tội lỗi. Khi ta làm một việc xấu, phải biết xấu hổ khi có người khác biết được và tự thẹn với chính mình dù không có ai biết. Trong kinh Di giáo, Đức Phật dạy: “Người biết xấu hổ thì mới làm được điều lành. Kẻ không biết xấu hổ chẳng khác chi loài cầm thú” [1]. Người không biết hổ thẹn thì bất cứ điều xấu xa nào cũng có thể thực hiện được. Còn người biết hổ thẹn thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có bị người khác phát giác hay không cũng luôn tự biết điều đã làm sai của mình để vĩnh viễn trừ dứt.

Trong Luận Thành duy thức cho rằng: Tàm và quý là một trong 11 tâm sở thiện, tuy thiện nhưng không phải tánh vốn thanh tịnh. Tàm là “tính biết hổ với mình, do dựa vào sức chính mình và giáo pháp đã học mà sùng trọng hiền thiện, nó có nghiệp dụng đối trị tâm không biết hổ và ngưng dứt ác hành” [2]. Quý là “tính biết thẹn với người, dựa vào sức thế gian mà khinh khi chống cự điều bạo ác, nó có nghiệp dụng đối trị tâm, không biết thẹn, ngưng dứt ác hành” [3]. Tàm dựa nơi chính mình và giáo pháp mà biết tôn quý, tăng trưởng sự tôn quý đối với bản thân và giáo pháp, nhờ đó tôn kính người hiền việc thiện, xấu hổ tội ác không dám làm nữa. Tâm này dùng đối trị tâm không biết hổ và ngăn dứt các việc ác. Quý dựa nơi sự chê bai, khinh khi chống cự bạo ác của thế gian mà biết thẹn, nó có công dụng đối trị tâm không biết thẹn, ngưng dứt nghiệp ác. Như vậy đối với mọi việc, khi thiện tâm khởi lên, tùy tâm duyên cảnh thiện hoặc cảnh ác mà có sự kính trọng hoặc coi thường. Người có tâm tàm quý sẽ tương ứng với các tâm sở thiện, cũng giống như đồ uống có pha thuốc tốt. Ngược lại, người không có tâm tàm quý thì các pháp sẽ tương ứng với bất thiện, nên ba nghiệp sẽ bị dẫn dắt theo ác pháp. Đức Phật ví “hổ thẹn giống như cái móc sắc, có thể giúp chế ngự được việc làm sai trái. Nên Tỳ-kheo thường luôn phải biết tự hổ thẹn, không lúc nào lơ đễnh. Nếu mình lìa khỏi sự hổ thẹn, ắt phải mất hết các công đức” [4].

Đức Phật đặc biệt xưng tán và ngợi khen người có tâm sợ hãi với điều bất thiện hay chính là sợ hãi cái ác nơi ba hành động của thân, khẩu và ý. Vì sợ hãi và ghê tởm với điều ác, hệ quả tất yếu ba nghiệp sẽ thanh tịnh. Ngược lại, ai không có lòng lo sợ và kinh tởm điều ác thì ba nghiệp sẽ bị ác pháp nhiễm ô, dẫn đến tự gây khổ cho mình và người khác. Do đó, người có tâm sợ hãi đối với các lỗi nhỏ nhặt là đang thọ trì giới, kết quả thành tựu được đạo đức. “Khi tàm quý không có, này các Tỳ-kheo, với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt” [5]. Khi một người không có giới thì chánh định không có. Khi chánh định không có thì chánh tri kiến cũng chẳng có. Theo tiến trình như thế thì không có tàm quý dần dần đưa con người càng rời xa con đường đi đến giải thoát. Người không có tàm quý giống như một cây không có cành và lá, các mầm non của cây ấy không thể phát triển; cho đến vỏ trong, giác cây, lõi cây cũng không đi đến thành mãn. Ngược lại, khi chánh niệm, tỉnh giác có mặt, tàm quý đi đến đầy đủ. Khi tàm quý có mặt, các căn được chế ngự. Từ đây, đưa đến thành tựu Giới – Định – Tuệ. Khi có tuệ dẫn dắt thời nhàm chán, ly tham có mặt. Người có đầy đủ nhàm chán ly tham sẽ đưa đến giải thoát tri kiến [6].

“Khi tàm quý không có, này các Tỳ-kheo, với người thiếu tàm quý, chế ngự các căn đi đến hủy diệt. Khi chế ngự các căn không có, với người thiếu chế ngự các căn, giới đi đến hủy diệt”

Giới luật Phật giáo là những quy định mà Đức Phật chế định nhằm hướng dẫn hành giả thực hành theo; nhờ hành trì giới luật mà đời sống cá nhân được thanh tịnh, đời sống Tăng đoàn được hòa hợp. Giới luật là con đường đưa đến ngăn dứt các tội lỗi mà thân khẩu ý gây ra. Nếu tàm và quý là tâm hổ thẹn khi phạm lỗi, thì giới luật Phật giáo chính là những điều ngăn cấm do Đức Phật chế ra nhằm ngăn ngừa tội lỗi. Giữa hai phạm trù này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Giới luật ngăn người phạm lỗi, còn tàm – quý thì hổ thẹn khi phạm lỗi. Nói như vậy thì giới luật có trước, tàm – quý có sau. Nhưng nếu xét theo chiều ngược lại thì tàm – quý có trước vì nó giúp ngăn ngừa phạm lỗi. Như một người khi đã phát nguyện cương quyết không làm điều ác, nếu gặp vấn đề nào đó có thể phát sinh tâm bất thiện thì khi nhớ lại lời phát nguyện, tâm tàm quý sẽ hiện khởi và người đó sẽ tự điều phục để khỏi phạm giới [7].

TÀM VÀ QUÝ – CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN ĐẠO ĐỨC 

Tàm quý là hai đặc tính cơ bản và đẹp đẽ của con người, là con đường thăng tiến đạo đức cá nhân cũng chính là hai nền tảng căn bản của giới luật. Khi không có tàm quý bảo vệ, con người sẽ bị ác tâm và dục vọng chiếm ngự. Thực vậy, sợ hãi và hổ thẹn là hai tâm sở thiện, chất liệu để nuôi lớn dũng khí làm người. Cái đẹp của hai tâm này như vòng nguyệt quế, không chỉ để trang sức mà còn thể hiện phẩm tính cao thượng của một người. Tất cả những cái ác tồn tại trong thế gian đều bắt nguồn từ sự tham, sân, si. Trong số những phương thuốc đặc trị những thói xấu này, có phương thuốc của sự sợ hãi và hổ thẹn. Người học đạo phải luôn nhớ và nuôi dưỡng hai thiện tâm này. Khi hai hạt giống này đã được gieo và nảy mần vững chãi trên mảnh đất tâm thì đạo tâm làm người càng thêm kiên cố. Để tiến xa trên con đường tu tập, nền tảng đầu tiên phải xây trên tâm hổ thẹn và sợ hãi vậy. Giống như cành lá, vỏ cây che chở cho lõi cây được dùng để so sánh với sự quý báu của phòng hộ từ sự hổ thẹn và sợ hãi đến sự an lạc của tâm thức mỗi cá nhân [8].

Trong Tăng nhất A hàm thì tàm và quý là hai diệu pháp ủng hộ thế gian. “Do thế gian có hai pháp này ủng hộ, nên thế gian ắt phân biệt có cha, có mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, cũng không đồng với lục súc” [9]. Tàm và quý được Đức Phật xem như hai pháp trắng là trụ cột che chở cho thế giới. Nếu không có hai pháp trắng này che chở, không thể phân biệt được các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội; thế giới sẽ đi đến hỗn loạn [10]. Tàm quý được xem là pháp che chở cho thế giới, có nghĩa là nhờ có tàm quý mà cuộc đời được yên ổn, không rối loạn. Nó khiến cho đời sống gia đình và xã hội vận hành có trật tự, có đạo đức, có sự phân biệt đúng sai trong các mối quan hệ, tránh được sự xâm phạm đạo đức.

Đối với hạnh Sa môn, Đức Phật dạy tàm quý là các pháp tác thành Sa môn và Ngài khuyên hàng đệ tử phải tu tập thường xuyên hai tâm này. “Này các Tỳ-kheo, Ta khuyến cáo các ông. Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố cho các ông: Khi các ông hướng đến mục đích Sa môn hạnh, chớ có từ bỏ mục đích này, khi đang còn công việc đáng phải làm hơn nữa” [11]. Như vậy, chúng ta thấy Đức Phật rất xem trọng hai tâm này. Nếu ai đó muốn hướng đến đời sống của một vị xuất sĩ cần phải luôn luôn hoàn thiện và nỗ lực tu tập tàm quý. Chỉ khi nào đạt đến thành mãn thì mới được coi là thành tựu hạnh Sa môn.

Tàm và quý còn là pháp thứ hai và thứ ba trong năm sức mạnh (tín lực, tàm lực, quý lực, tinh tấn lực, tuệ lực) của bậc Hữu học [12]. Khi một người có tàm lực và quý lực là có lòng hổ thẹn và sợ hãi “đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác”, hổ thẹn và sợ hãi “đối với các pháp ác, bất thiện được thực hiện” [13]. Cũng vậy, ở kinh Thành Dụ, thiện pháp thứ hai và thứ ba của một thánh đệ tử là luôn sống biết tàm, biết quý, “điều đáng xấu thẹn biết xấu thẹn, xấu thẹn pháp ác bất thiện, phiền não cấu uế là thứ khiến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử”[14]. Người nào không có tàm quý cũng coi như đã vứt bỏ. Đức Phật dụ người không có tàm quý giống như chậu chứa nước dơ, sau khi đổ đi còn lại một ít, đổ hết nước dơ, lật úp chậu lại, lật ngược trở lại thì cái chậu ấy vẫn không dùng được [15]. Khi ý nghiệp mang tính bất thiện hay hành động mà ta đã làm sẽ đưa đến tự hại mình và hại người hay đưa đến hại cả hai; thì đó là một ý nghiệp hay hành động bất thiện đưa đến đau khổ và phải nhận quả báo đau khổ. Do vậy, Đức Phật đã dạy: “Cần phải lo âu, cần phải tàm quý, cần phải nhàm chán. Sau khi lo âu, tàm quý, nhàm chán, cần phải phòng hộ trong tương lai” [16].

Đây là một trong những cách tu mà Đức Phật rất chú trọng. Không những lo âu, hổ thẹn và nhàm chán bất thiện pháp trong hiện tại mà cần phải phòng hộ nó trong tương lai. Có như vậy mới không bị quả báo đau khổ, tiến đến giải thoát. Vì vậy, hổ thẹn và sợ hãi là hai trong năm yếu tố chính yếu để kiến tạo hạnh phúc, bởi khi thành tựu năm lực, hành giả “ngay trong hiện tại sống an lạc, không có tổn não, không có ưu não, không có nhiệt não; sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là cõi lành” [17].

Kinh số 495 trong Tạp A Hàm giải thích, từ không lương tri hổ thẹn và sợ hãi, con người không tội ác nào không dám làm. Đầu tiên là phá hoại mọi điều đạo đức, phạm tất cả mọi giới điều, thực hiện mọi hành vi bất thiện, không mảy may nhớ nghĩ đến điều thiện. Do mất đi giới đức nên tâm phóng dật, không còn an trú với tâm hỷ lạc, mất tất cả công đức nên không có giải thoát Niết bàn. Bởi theo Tăng Chi Bộ Kinh, hai pháp này là hai yếu tố trong bảy pháp giúp không thối đọa và đến gần Niết bàn [18]. Vì vậy, hổ thẹn và sợ hãi là hạt nhân chính yếu của giữ giới và sống với cái thiện. Đi sâu vào chi tiết hơn, chính hổ thẹn và sợ hãi là áo giáp và khiên đỡ bảo vệ thân trước đao kiếm, giống như lương tri và sợ hãi bảo vệ ba nghiệp trước não phiền. Vậy nên, Đức Phật dạy tàm và quý có khả năng bảo vệ giới thân huệ mạng – bằng việc phát triển ái và kính, niềm tin chánh chân, chánh tư duy, chánh niệm và chánh trí, thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, an chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát.

TÀM VÀ QUÝ – PHƯƠNG PHÁP SÁM HỐI TỐI THƯỢNG 

Đức Phật đã dạy: “Có hai pháp lành cứu được mọi tội lỗi của chúng sanh, nếu chúng sanh có được: Một là tàm. Hai là quý ” [19]. Người tạo tội mà biết sám hối ăn năn, phát lồ sám hối và khởi lòng tàm quý thì tội chướng sẽ được tiêu trừ. Người đã tạo tội ác mà không có tâm hổ thẹn, lại còn che dấu thì tội càng nặng hơn. Người có tàm quý mới biết cung kính cha mẹ, quý trọng Sư trưởng, tôn trọng tình nghĩa giữa người và người, tôn trọng quyến thuộc anh chị em… [20]. Ngài ví hạng này “giống như  ngọc minh châu để trong hồ nước đục thì nước đục được trong; ví như mây mù tan thì mặt trăng liền chói sáng” [21]. Trong thời Đức Phật, Đề-bà-đạt-đa đã phạm tội làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng; nhưng cuối cùng vẫn được Đức Phật thọ ký “Qua vô lượng kiếp về sau, ông Đề-bà-đạt-đa sẽ được thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai…” [22]. Cũng vậy, vua A-xà-thế là người phạm một trong năm tội nặng phải đọa địa ngục nhưng nhờ khởi tâm tàm quý, sám hối tội lỗi đã gây ra mà được thoát khỏi nghiệp chướng trong hiện đời. Về sau trở thành một vị Hộ pháp đắc lực và cũng được Đức Phật thọ ký: “Về sau tám vạn kiếp, kiếp đó tên là Hỷ Quán, vua sẽ thành Phật, hiệu là Như Lai Tịnh Kỳ Sở Bộ, quốc độ ấy tên là Hoa Vương, khi đó, dân chúng thọ bốn mươi tiểu kiếp” [23]. Điều đó chứng tỏ tâm tàm quý vô cùng quan trọng khi sám hối.

Như hai trường hợp của Đề-bà-đạt-đa và vua A-xà-thế thì người phạm tội ngũ nghịch dù là tu sĩ hay cư sĩ đều phải chịu tội như nhau. Đối với người phạm tội Ba-la-di cũng giống như thế. Xét về mặt đối tượng chịu tội thì chỉ dành riêng cho hàng xuất gia, nhưng nội dung thì giống nhau. Đức Phật ví người phạm tội Ba-la-di giống như cây cau, cây dừa bị chặt đứt ngọn, không còn có thể mọc lại được; giống như người bị chặt đứt đầu không thể cứu chữa được nữa [24]. Nhân duyên tội này được Luật Tứ phần ghi lại thông qua câu chuyện của Tu-đề-na [25]. Nếu Tỳ-kheo nào vì sầu ưu, không muốn sống đời phạm hạnh, thì có thể xả giới. Sau đó, muốn tu trở lại vẫn được độ cho xuất gia và thọ đại giới. Nhưng chưa xả giới mà làm hạnh bất tịnh thì phạm Ba-la-di. Trường hợp này xảy ra với Tỳ-kheo Bạt-xà Tử [26]. Cũng vậy, Tỳ-kheo nào phạm bất tịnh với loài súc sanh cũng bị tội Ba-la-di [27].

Ba-la-di là giới nặng nhất đối với người xuất gia. Ai phạm thì bị tẩn xuất ra khỏi Tăng đoàn. Quan trọng hơn là bị đọa địa ngục. Như thế vấn đề đặt ra là: Đối với những người phạm giới lần đầu thì sao. Trong Luật Tứ phần có ghi: “Người  không  phạm: Người  phạm lần  đầu  tiên  khi  chưa kết  giới; người si cuồng, loạn tâm, thống não bức bách” [28]. Như vậy, những người phạm lần đầu thì coi như không phạm. Như trường hợp của ba vị Tỳ-kheo trên thì chỉ bị Đức Phật quở trách ngu si, sau đó họ vẫn tiếp tục tu tập. Chỉ những ai đã biết giới mà còn cố tình vi phạm thì mới bị đuổi ra khỏi Tăng đoàn. Trong Luật cũng ghi chép: “Nếu Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni phạm Ba-la-di rồi, hoàn toàn không có tâm che giấu, chúng Tăng dạy họ sám hối đúng như pháp” [29].

Như vậy, giới luật cũng có khai giá trì phạm, hoàn toàn không phải áp đặt một cách cứng nhắc. Như lời trên, khi phạm Ba-la-di, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni hoàn toàn không che giấu, thì Tăng cho họ suốt đời học hối. Cách thức sám hối cũng được ghi lại: Người phạm tội đến trước chúng Tăng và bạch rõ: “Họ tên, đã phạm giới (dâm, trộm cắp…) Ba-la-di không che giấu, nay đến Tăng xin giới Ba-la-di, mong Tăng cho con giới Ba-la-di, xin thương xót tôi.” Sau đó Tăng thực hiện nghi thức vấn hòa và xin lại giới đã phạm đó. Sau khi chúng Tăng Yết ma “cho giới Ba-la-di rồi, phải thực hành pháp tùy thuận, làm ba mươi lăm việc”. Việc này phải thực hiện suốt đời, được ghi lại rất rõ trong nhiều bộ luật: Tam bộ luật sao [30]; Tứ phần luật [31], Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao [32], Thiên Thai tam đại bộ bổ chú [33], Luật tông tân học danh cú [34]… Nội dung của 35 việc xin tham khảo trong các bộ luật đã nêu ở trên, nhưng nhìn chung là những việc rất khó có thể thực hiện trọn vẹn trong đời. Hòa thượng Tịnh Hạnh thì cho rằng 35 việc này giống như pháp Tăng cương: Không được theo chúng tụng luật, lúc Tăng thuyết giới và Yết ma, “người thực hành pháp thuận theo đến hay không đến tùy ý, nếu phạm lại thì diệt tẫn” [35]. Ngoài ra, người phạm tội còn phải khởi tâm tàm quý, nhất tâm nhất ý cởi Tăng-già-lê, đắp An-đa-hội, đến chỗ chư Tăng thanh tịnh, năm vóc sát đất, đem tâm tàm quý mà sám hối các tội; lại vì chư Tăng chấp lao phục dịch, đảm nhiệm những công việc dơ bẩn như vệ sinh nhà xí, hốt phân với thời gian 800 ngày, sau đó tắm rửa sạch sẽ rồi mới được mặc lại Tăng-già-lê [36]. Tỳ ni mẫu kinh có nói trường hợp người phạm Ba-la-di mà phát lồ sám hối thì: “Đời này tuy không thể thoát tử, siêu sanh, hoặc chứng đắc Tứ thánh quả, lại cũng không được công đức vô lậu, nhưng sẽ ngăn ngừa không bị đọa vào địa ngục” [37].

Qua hai bản Trị thiền bệnh yếu pháp và Tỳ ni mẫu kinh đã cho ta thấy cái quan trọng nhất của sám hối là xuất phát từ tâm của mình, nhất là tâm tàm quý. Đức Phật quy định thực hành 35 việc như trên cũng với mục đích là hướng người phải biết sống tàm quý. Do đó, trong Đại bát Niết bàn, Đức Phật có dạy: “Nếu có lòng tàm quý thì tội tiêu diệt hoàn toàn” [38]. Hay trong Kinh Niết bàn có đề cập đến người phạm bốn tội nặng; nếu cởi bỏ pháp phục nhưng “thường hổ thẹn, lo sợ, tự trách mình, sám hối sửa đổi khởi tâm Hộ pháp, xây dựng chánh pháp vì người giải thích cho họ. Ta nói người này chẳng phải là người phá giới” [39]. Nếu xét theo lời dạy này của Đức Phật thì người phạm giới rồi, sau đó ăn năn hối hận, chí thành sám hối thì vẫn được Đức Phật coi như người thanh tịnh. Người phạm giới, nếu có tâm hổ thẹn và sợ hãi tội lỗi do chính mình tạo ra là một trong những người đáng được tán dương. Đây là một hành động dũng cảm, thể hiện được khát vọng mong muốn tâm thanh tịnh, tiếp tục tu học trong giáo pháp giải thoát.

Người có tâm tàm quý sẽ luôn an trụ tâm nơi pháp chánh niệm, như người bước những bước chân chậm rãi và bình an trên con đường không bằng phẳng vậy.

Như vậy, khi một người lỡ phạm cấm giới, đêm ngày họ sẽ luôn luôn lo sợ bị phát giác, sợ bị đọa địa ngục trong tương lai. Tâm trí của họ chỉ nghĩ về nó. Đây thực sự đã là hình phạt lương tri nặng nề, là địa ngục trong tâm họ, hình phạt mà tâm họ phải chịu nó nặng gấp nhiều lần so với nỗi đau thể xác. Giới, xét cho cùng là để phòng phi chỉ ác, răn người biết sợ tội lỗi, biết tàm quý và có ý muốn tiến bộ trên con đường đạo đức tâm linh, tìm cầu giải thoát sinh tử. Nếu một người không có tàm quý thì giới luật chẳng có tác dụng gì với họ.

Có thể nói, với một người, không gì tốt hơn là sống có hổ thẹn và sợ hãi. Người có tâm tàm quý sẽ luôn an trụ tâm nơi pháp chánh niệm, như người bước những bước chân chậm rãi và bình an trên con đường không bằng phẳng vậy. Vì, hai thiện tâm này giúp loại bỏ ác pháp, không đưa đến đọa lạc, giúp phát triển đạo đức và thiện hạnh, sống trong an lạc, sanh vào thiện thú. Vì vậy, hai tâm này là nền tảng xây dựng con người hoàn thiện. Qua những gì Đức Phật đã dạy về tâm tàm quý, càng cho ta thấy lòng từ bi và trí tuệ vô thượng của Ngài. Ngài đã chỉ ra những tâm lý nhỏ mà hằng ngày chúng ta thường bỏ qua, nhưng những tâm nhỏ này lại có tác động vô cùng lớn đến đời sống của cá nhân và ảnh hưởng đến toàn xã hội.

 

Chú thích:

* SC. Thích Nữ Minh Đạt: Học viên lớp Cao học khóa III tại Học viện Phật giáo tại TP HCM.

[1] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến (Việt dịch và chú giải) (2010), Di Giáo Kinh, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.36.
[2] Thích Thiện Siêu (1996), Luận Thành duy thức, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.251.
[3] Thích Thiện Siêu (1996), Sđd, tr.251.
[4] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến (Việt dịch và chú giải) (2010), Sđd, tr.36.
[5] Thích Minh Châu (dịch) (2005), Kinh Tăng chi bộ 3, Chương Đại phẩm, Tôn Giáo, Hà Nội, tr.417.
[6] Thích Minh Châu (dịch ) (2015), Kinh Tăng chi bộ 2, IX. Phẩm Niệm, Tôn Giáo, Hà Nội, tr.426.
[7] “Luận Câu Xá”, https://www.niemphat.vn/downloads/dai-tang-kinh/luan-nam-tong/luan-cau-xa-dao-sinh-dich.pdf, tr.405.
[8] Thích Minh Châu (dịch) (2005), Kinh Tăng chi bộ 3, Chương Bảy pháp, Đại phẩm, Tôn Giáo, Hà Nội, tr.418.
[9] Thích Thanh Từ (dịch) (2005), Kinh Tăng Nhất A-Hàm 1, Phẩm Tàm Quý, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, tr.259.
[10] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng Chi Bộ 1, tr.101.
[11] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh xóm ngựa, Nxb Tôn Giáo, tr.335.
[12] Cebeta, 雜阿含經卷 24 ( T02, no. 99, p. 176b21-26)
[13] Thích Minh Châu (dịch) (1996), Kinh Tăng chi bộ 2, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, tr.306.
[14] Tuệ Sỹ (dịch) (2008), Kinh Trung A-Hàm 1, Kinh Thành dụ, Tôn Giáo, Hà Nội, tr.31.
[15] Thích Minh Châu (dịch) (2012), Kinh Trung Bộ 1, Kinh giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la, Nxb Tôn Giáo, tr.507- 508.
[16] Thích Minh Châu (dịch), Kinh giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la, tr.512.
[17] Thích Minh Châu (dịch) (2015), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Nxb Tôn Giáo, tr.608.
[18] Thích Minh Châu (dịch) (2005), Kinh Tăng chi bộ 3, Chương Bảy pháp, Phẩm Chư thiên, Nxb Tôn Giáo, tr.320.
[19] Pháp Sư Từ Thông (dịch) (2013), Đại Bát Niết Bàn Kinh 2, Nxb Tôn Giáo, tr.167.
[20] Pháp Sư Từ Thông (dịch), Sđd, tr.167-168.
[21] Pháp Sư Từ Thông (dịch), Sđd,tr.168.
[22] Thích Trí Tịnh (dịch) (2007), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo, tr.331.
[23] Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Kinh vua A-Xà-Thế được thọ ký, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.133.
[24] Thích Đỗng Minh (dịch) (2013), Luật Tứ phần (Tập 1~4), Chương I: Ba-la-di, Nxb Phương Đông, tr.29.
[25] Thích Đỗng Minh (dịch), Sđd, tr.19-23.
[26] Thích Đỗng Minh (dịch), Sđd, tr.23-24.
[27] Thích Đỗng Minh (dịch), Sđd, tr.24-26.
[28] Thích Đỗng Minh (dịch), Sđd, tr.765.
[29] Thích Tịnh Hạnh (dịch) (2000), Tứ phần Luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc, Đài Loan, tr.360.
[30] Cebeta, 三部律抄一卷 (T85n2793, p0676, b09-26.)
[31] Cebeta, 四分律卷第四十四 (T22n1428, p0889, c04-28.)
[32] Cebeta, 四分律刪繁補闕行事鈔序 (T40n1804, p0019, c08-28.)
[33] Cebeta, 天台三大部補注卷第十三 (X28n0586, p0382, b20-c16.)
[34] Cebeta, 律宗新學名句卷下 (X59n1107, p0698, a15-b08.)
[35] Thích Tịnh Hạnh (dịch), Tứ Phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, tr.360-361.
[36] Cebeta, 治禪病祕要法 ( T15n0620, p0337, a24-29.)
[37] Cebeta , 毘尼母經卷第三 (T24n1463_p0813b13-15.)
[38] Pháp Sư Từ Thông (dịch) (2013), Đại Bát Niết Bàn Kinh 2, Tôn Giáo, Hà Nội, tr.169.
[39] Thích Tịnh Hạnh (dịch), Tứ Phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao, tr.359.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage