Phật Học Online

Xây dựng quốc gia lý tưởng theo tinh thần Phật giáo

Trong số nhiều phương pháp được đức Phật thuyết giảng liên quan đến chủ đề xây dựng quốc gia, người viết vô cùng tâm đắc với “bảy pháp bất thối” trong sự nhập thế sâu sắc của đạo Phật. Có thể nói, “bảy pháp bất thối” đã phản ánh đầy đủ các tiêu chí cần thiết để xây dựng một quốc gia lý tưởng theo tinh thần Chính Pháp trị của nhà Phật. Thông qua đề tài “XÂY DỰNG QUỐC GIA LÝ TƯỞNG THEO TINH THẦN PHẬT GIÁO” ngoài việc làm sáng tỏ cách thức xây dựng mô hình của một quốc gia lý tưởng, người viết còn mong muốn truyền tải thông điệp nhập thế của Phật giáo trên phương diện giáo dục, chính trị và xã hội nhằm chuyển hóa tư duy và hành động của con người theo hướng tích cực vì sự phát triển bền vững của toàn nhân loại.


Nội dung cốt lõi trong tư tưởng Phật giáo là chú trọng đến các phương pháp tu tập để chuyển hóa thân tâm, phát triển đời sống tâm linh, nhưng không vì thế mà Phật giáo tách ly hoàn toàn đời sống chính trị, xã hội. Bởi lẽ, ngay từ thời đức Phật, những sinh hoạt của Phật giáo cho đến ngày nay luôn có sự gắn kết với xã hội và sự thịnh suy của Phật giáo trong suốt các thời đại cũng không thể không chịu sự tác động của các thể chế mà Phật giáo xuất hiện.

Thêm vào đó, yếu tố con người trong xã hội được xem là đối tượng của giáo dục Phật giáo, vì thế những vấn đề liên quan đến hạnh phúc hay khổ đau của con người luôn được đức Phật quan tâm. Ngài thấy rằng, con người không thể có được đời sống hạnh phúc trong một quốc gia bất ổn, chia rẽ và thiếu thốn vật chất. Do đó, ngoài việc giảng dạy mọi người con đường tu tập để phát triển đời sống tâm linh, đức Phật còn trình bày nhiều quan điểm chính trị, xã hội liên quan đến các phương pháp để xây dựng một quốc gia lý tưởng, một quốc gia mà ở đó không còn hiện hữu của khổ đau và bất công, con người hưởng được sự an lạc, hạnh phúc và thăng hoa trong đời sống tâm linh.

Trong số nhiều phương pháp được đức Phật thuyết giảng liên quan đến chủ đề xây dựng quốc gia, người viết vô cùng tâm đắc với “bảy pháp bất thối” trong sự nhập thế sâu sắc của đạo Phật. Có thể nói, “bảy pháp bất thối” đã phản ánh đầy đủ các tiêu chí cần thiết để xây dựng một quốc gia lý tưởng theo tinh thần Chính Pháp trị của nhà Phật. Thông qua đề tài “XÂY DỰNG QUỐC GIA LÝ TƯỞNG THEO TINH THẦN PHẬT GIÁO” ngoài việc làm sáng tỏ cách thức xây dựng mô hình của một quốc gia lý tưởng, người viết còn mong muốn truyền tải thông điệp nhập thế của Phật giáo trên phương diện giáo dục, chính trị và xã hội nhằm chuyển hóa tư duy và hành động của con người theo hướng tích cực vì sự phát triển bền vững của toàn nhân loại.

Nội dung

1. Khái quát về mô hình quốc gia lý tưởng

1. 1. Khái niệm quốc gia lý tưởng

Thuật ngữ chỉ cho quốc gia lý tưởng là Utopia. Trong tác phẩm “Câu chuyện triết học” của Will Durant, Utopia được dùng để chỉ cho quốc gia lý tưởng của Platon[1].

Theo từ điển Oxford, Utopia mang ý nghĩa “an imaginary place or state in which everything is perfect” được dịch là “nơi chốn hay xã hội không tưởng”[2]. “Không tưởng” ở đây mang ý nghĩa chỉ cho một xã hội tốt đẹp không có áp bức, bốc lột, đảm bảo cho con người có cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc.

Trong từ điển tiếng Việt, quốc gia lý tưởng là một cụm từ được cấu tạo từ hai thành tố “quốc gia” và “lý tưởng”. Nếu như “quốc gia” chỉ cho “đất nước” thì “lý tưởng” mang ý nghĩa là “mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà người ta phấn đấu để đạt tới”[3].

Vậy, quốc gia lý tưởng được hiểu là một đất nước có đầy đủ những điều tốt đẹp, ở nơi đó con người sẽ hưởng được cuộc sống yên bình và hạnh phúc.

1.2. Các quan điểm tiêu biểu về mô hình quốc gia lý tưởng

1.2.1. Quan điểm của Khổng Tử

Khổng Tử (551 – 479 TCN) là người khai sáng Nho giáo, một trong những hệ thống triết thuyết lớn ở phương Đông[4]. Theo Khổng Tử, một quốc gia được xem là lý tưởng, khi quốc gia đó có nền “đức trị” được thực thi từ “thiên tử” đến “thứ dân”. Khổng Tử cho rằng, một người lãnh đạo mà lấy cái đức của mình cảm hóa người khác cũng giống như sao Bắc đẩu tuy ở yên một chổ mà mọi sao khác đều chầu về[5].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Xay dung quoc gia ly tuong theo tinh than Phat giao 3

Cũng theo Khổng Tử, để thực hiện có hiệu quả mô hình “đức trị”, điều quan trọng trước tiên là phải củng cố đạo đức từ trong gia đình. Nho giáo đã đề ra một hệ quy chiếu những chuẩn mực, gồm: Tam cương (cha – con, chồng – vợ, anh – em) và ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) để đảm bảo nền “đức trị” từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Mặc dù Nho giáo đề cao “đức trị”, nhưng đối với những thành phần bất hảo của xã hội, không chịu an phận, thì Nho giáo sử dụng “pháp trị” để răn đe và giáo hóa những thành phần đó, như Tuân Tử đã nói: “Từ hàng sĩ trở lên, phải dùng lễ nhạc mà tiết chế, đối với thứ dân, phải dùng pháp luật mà chế tài”[6].

Đích đến của việc quản lý đất nước theo mô hình “đức trị” và “pháp trị” của Khổng Tử là nhằm xây dựng một “xã hội đại đồng”. Theo sách Lễ ký, thiên Đại đồng, quốc gia lý tưởng phải hội tụ đủ các yếu tố sau: Một là, thiên hạ vi công (thiên hạ là của chung); Hai là, tuyên hiền nhiệm năng (lựa chọn người hiền đức, tài năng để giao trách nhiệm; Ba là, các tận kỳ năng (ai nấy dốc hết năng lực của mình); Bốn là, các đắc kỳ sở (mỗi người, mỗi vật đều có vị trí xứng đáng); Năm là, giảng tín tu mục (trọng điều tín nghĩa và chăm lo sự hòa mục)[7].

Hình mẫu về một quốc gia lý tưởng do Khổng Tử khởi xướng đã phản ánh được khát vọng của con người thời bấy giờ. Nhưng đáng tiếc, lý tưởng mà ông khởi xướng đã không thể thực hiện. Bởi lẽ, mô hình quốc gia này còn nhiều hạn chế về mặt tư tưởng, nhất là trong một xã hội đang có sự phân hóa mạnh mẽ giữa giai cấp thống trị và bị trị đang tranh giành quyền lực và lợi ích, thì lý tưởng về sự bình đẳng thật khó thực hiện.

1.2.2. Quan điểm của Platon

Ở phương Tây, ngay từ những thế kỷ trước công nguyên, quan niệm về một quốc gia lý tưởng đã được trình bày bởi Platon (427 – 347 TCN), một triết gia vĩ đại trên nhiều lĩnh vực trong nền triết học Hy Lạp cổ[8].

Quốc gia lý tưởng được Platon khởi xướng là quốc gia được được lãnh đạo bởi các nhà triết gia thông thái, ông cho rằng đây là thành phần ưu tú về đạo đức và trí tuệ trong xã hội, thế nên chỉ có thành phần này mới xứng đáng vai trò lãnh đạo, Platon đã phát biểu: “Khi nào triết gia trở thành quốc vương và tất cả quốc vương trên thế giới đều trở thành triết gia thì những tệ đoan của xã hội sẽ không còn”[9].

Sở dĩ Platon đưa ra mô hình xã hội như thế là do ông thấy được những hạn chế và khiếm khuyết của những mô hình nhà nước hiện tại đang có xu hướng thoái hóa dần: “Tất cả những chính thể quốc gia đều có khuynh hướng tự đào thải khi đi vào con đường quá khích. Chính thể quý tộc tự đào thải khi thu hẹp số người nắm giữ quyền hành, chính thể dân chủ tự đào thải vì lòng tham giành giựt danh lợi”[10].

Dựa trên tư tưởng triết học duy tâm của mình, Platon đã chia các thành phần trong xã hội thành ba đẳng cấp: Thứ nhất, là tầng lớp lãnh đạo gồm những nhà triết học có đức hạnh và thông thái (tượng trưng cho lý trí); thứ hai, là tầng lớp những chiến binh có nhiệm vụ bảo vệ đất nước (tượng trưng cho ý chí); thứ ba là tầng lớp nông dân và thợ thủ công tạo ra của cải vật chất nuôi sống xã hội (tượng trưng cho dục vọng)[11]. Thông qua việc phân chia các đẳng cấp, Platon mong muốn mọi người đều có những vai trò riêng biệt trong xã hội. Chỉ cần mọi người làm theo đúng bổn phận của mình là góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước hạnh phúc. Quốc gia lý tưởng đã được Platon mô tả như sau: “Người ta sẽ sản xuất lúa, rượu, áo quần, giày dép, nhà cửa. Họ sẽ làm việc lưng trần trong mùa hạ và mang áo ấm trong mùa đông… Họ ăn uống với gia đình, uống rượu do họ làm lấy, mang những vòng hoa trên đầu, hát những điêu ca tụng thần linh, sống trong hòa nhã êm ái không để cho nhân khẩu vượt quá phương tiện sinh nhai vì họ biết lo xa, sợ đói nghèo và chiến tranh…”[12].

Mô hình quốc gia lý tưởng do Platon khởi xướng mang nhiều ý nghĩa tích cực về chủ thể quyền lực, các ưu điểm và khuyết điểm của các thể chế cũng được ông chỉ rõ. Tuy nhiên, tư tưởng của ông còn bộc lộ nhiều hạn chế, chứa đựng những yếu tố không tưởng và bảo thủ, khi cho rằng chỉ có những nhà triết học mới đủ khả năng lãnh đạo xã hội, còn những giai cấp khác thì không thể. Kế đến ông đã dựa vào quan điểm triết học của mình mà tự phân loại dân chúng thành những giai cấp riêng biệt, không khác gì “nhà côn trùng học phân loại các côn trùng”[13].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Xay dung quoc gia ly tuong theo tinh than Phat giao 2

1.2.3. Quan điểm của đức Phật

Có thể nói, từ khi Phật giáo xuất hiện, các quan điểm về một quốc gia lý tưởng đã được trình bày bởi đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người khai sáng Phật giáo. Mặc dù đức Phật đã thoát ly khỏi chính trị, nhưng Ngài rất quan tâm đến vấn đề hạnh phúc của con người. Theo đức Phật, hạnh phúc của con người không thể có được nếu họ không sống đời sống trong sạch, có giới luật và đạo đức. Ngài cũng thấy rằng, đời sống như thế sẽ khó đạt được trong một quốc gia không ổn định và thiếu thốn vật chất: “… Vì không cho tiền của những người nghèo, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cấp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh; vì đao kiếm tăng thịnh nên sát sinh tăng thịnh; vì sát sinh tăng thịnh nên nên nói láo tăng thịnh; vì nói láo tăng thịnh nên nói xấu tăng thịnh… thiếu sự hiếu kính với cha mẹ, thiếu sự hiếu kính đối với các vị cầm đầu trong gia đình. Vì những pháp này tăng thịnh nên tuổi thọ các loài hữu tình này giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu…”[14].

Đối với đức Phật, vật chất tuy không phải là cứu cánh tuyệt đối, nhưng con người cũng cần có những điều kiện vật chất tối thiểu để hỗ trợ trên con đường tu tập tâm linh. Do đó, ngoài những bài thuyết giảng mang triết lý tu tập để chuyển hóa thân tâm, đức Phật còn trình bày các vấn đề chính trị – xã hội, về các phương pháp hiệu quả nhất để xây dựng một quốc gia mà nơi đó con người hưởng được an lạc, hạnh phúc về vật chất và thăng hoa trong đời sống tâm linh.

Thế nên, mô hình quốc gia lý tưởng của Phật giáo không chỉ nhấn mạnh đến “đức trị” như Nho giáo, hay đề cao vai trò lãnh đạo của “các nhà thông thái” như Platon, mà quốc gia lý tưởng của Phật giáo là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Ngoài những tiêu chí căn bản để xác định sự ổn định của đất nước như chính trị, văn hóa, kinh tế và giáo dục, đức Phật còn nêu rõ trách nhiệm của người lãnh đạo đối với dân chúng và bổn phận của người dân đối với đất nước. Những quan điểm của đức Phật về việc xây dựng một quốc gia lý tưởng được tìm thấy trong nhiều bản kinh như kinh Đại bát niết bàn[15], kinh Cứu-la-đàn-đầu[16], kinh Phi pháp [17] v.v.

Như vậy, so với hơn hai quan điểm như trên đã trình bày, quan điểm về cách thức để xây dựng một quốc gia lý tưởng của Phật giáo mang tính thuyết phục, thực tiễn và vô cùng sâu sắc. Bởi lẽ đức Phật có xuất thân từ giai cấp lãnh đạo, nên chắc rằng trong khoảng thời gian còn làm Thái tử, những vấn đề trị nước cũng đã ít nhiều lưu lại mối quan tâm trong Ngài. Do đó, khi trình bày về các vấn đề chính trị – xã hội, đức Phật luôn nhấn mạnh đến hạnh phúc của con người và sự hòa bình giữa các quốc gia, dân tộc. Đích đến sau cùng của một quốc gia lý tưởng theo quan điểm Phật giáo chính là thiết lập “tịnh độ giữa nhân gian”.

2. Những nhân tố quan trong trên

2.1. Xã hội đoàn kết, hòa hợp

Xây dựng xã hội hòa hợp, đoàn kết là một trong các nhân tố kiện toàn quốc gia đã được đức Phật thuyết giảng cho người dân xứ Vajji. Nhờ thực hành theo lời dạy của đức Phật, người dân xứ Vajji đã thoát khỏi cuộc chiến tranh với vương quốc Magadha của vua Ajatasattu. Trong kinh, đức Phật dạy về sự hòa hợp như sau: “Khi nào dân Vajji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau… dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[18].

Chính yếu tố thường xuyên tụ họp của dân chúng xứ Vajji đã chứng minh rằng đây là một tập thể đoàn kết, tin cậy lẫn nhau. Việc thường xuyên tụ họp cũng là dịp để người dân có thể bàn luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển, tiến bộ. Đó cũng là cơ hội để mọi người đóng góp ý kiến vào các chủ trương, đường lối xây dựng đất nước.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong khối đại đoàn kết nhân dân, đức Phật còn nhấn mạnh thêm yếu tố “niệm đoàn kết”, Ngài dạy: “Khi nào dân Vajji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết… dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[19].

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Xay dung quoc gia ly tuong theo tinh than Phat giao 1

Chữ “niệm” trong tiếng Pāli là Sati, nghĩa là sự ghi nhớ hay sự chú tâm[20]; từ “đoàn kết” tiếng Pāli là Sahita, nghĩa là hòa hiệp hay cùng theo nhau[21]. Do đó, yếu tố “niệm đoàn kết” mà đức Phật dạy cho dân chúng Vajji mang ý nghĩa là sự hòa hợp của một tập thể thống nhất, lúc nào cũng ghi nhớ đến mục đích chính của sự tụ họp.

Thông qua lời dạy của đức Phật về xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, có thể nói, chính yếu tố hòa hợp, đoàn kết, là sức mạnh nội lực của một quốc gia. Cùng với đó, tư tưởng “dân chủ” và “bình đẳng” cũng được đức Phật khéo léo lồng ghép trong lời dạy trên qua yếu tố: Thường xuyên tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán và làm việc trong niệm đoàn kết. Điều đó đã chứng minh rằng, để có sự hòa hợp thống nhất trong cùng một dân tộc, cùng một quốc gia, thì mọi người đều có quyền đóng góp ý kiến vào các vấn đề chung của đất nước, không có sự phân biệt, kỳ thị về giai cấp, địa vị, giàu hay nghèo. Đây được xem là nhân tố đầu tiên góp phần kiến tạo quốc gia lý tưởng.

2.2. Kiện toàn hệ thống pháp luật

Để giữ cho trật tự xã hội được ổn định, các quyền và lợi ích cơ bản của công dân được bảo vệ, thì vai trò của hệ thống pháp luật là rất quan trọng. Pháp luật không chỉ là công cụ để quản lý đất nước, mà nó còn giữ vai trò làm lành mạnh hóa đời sống của cộng đồng người trong xã hội. Điểm chung trong các hệ thống pháp luật là được thành lập dựa trên những thỏa thuận, những quy ước chung, phù hợp với đạo đức xã hội. Thế nên giữa đạo đức và pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ, hổ tương lẫn nhau. Nếu hệ thống pháp luật nghiêm minh, chặt chẽ và được thực thi đồng bộ thì đạo đức con người sẽ được nâng cao[22].

Một đất nước muốn ổn định, vấn đề trước tiên là hệ thống pháp luật cũng phải được ổn định. Và tất nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, pháp luật cũng phải thích nghi với bối cảnh và thời đại mới, nhưng không vì thế mà pháp luật có sự thay đổi thêm bớt tùy tiện. Điều này đã được đức Phật dạy rõ: “Khi nào dân Vajji không ban hành những điều không được ban hành, không hủy bỏ những luật đã ban hành, sống đúng với truyền thống như đã ban hành thuở xưa… dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[23].

Cũng nói thêm rằng, dưới sự soi sáng của lời Phật dạy về sự tôn trọng pháp luật mà người nữ xứ Vajji được bảo vệ, không xảy ra các tệ nạn áp bức, bóc lột, cưỡng ép người nữ để làm vợ hay nô lệ. Điều đó đã góp phần khiến cho dân chúng Vajji được cường thịnh như lời Phật dạy: “Khi nào dân Vajji không có bắt cóc và cưỡng ép phụ nữ và thiếu nữ Vajji phải sống với mình, thời dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[24].

Song song với việc kiện toàn hệ thống pháp luật, nhằm đảm bảo trị an, trật tự xã hội có hiệu quả, đức Phật còn dạy thêm về phương pháp để đảm bảo an sinh xã hội, Ngài dạy: “Những vị nào trong quốc độ nhà vua nổ lực về nông nghiệp và mục súc, tôn vương hãy cấp cho họ hạt giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nổ lực về thương nghiệp, tôn vương hãy cấp cho họ vốn đầu tư… Và những người nào chuyên tâm về những nghề riêng của mình sẽ không nhiễu loạn quốc độ nhà vua”[25].

Đến đây chúng ta thấy rằng, quan điểm của đức Phật về pháp luật là luôn gắn liền với vấn đề an sinh xã hội. Những lời dạy của Ngài có đóng góp rất lớn vào tư tưởng pháp quyền của nhân loại. Đức Phật đã chỉ rõ nguyên nhân sâu xa của tình hình rối loạn trật tự xã hội là do người dân chưa được quan tâm đúng mức. Nếu người dân được nhà nước quan tâm đúng mức thì đất nước sẽ xóa được nghèo đói, con người chăm chỉ làm ăn, từ đó các tệ nạn xã hội sẽ không còn nữa. Tất nhiên, trừ những thành phần biếng nhát trong xã hội, thích hành nghề bất chính để nuôi sống bản thân, nhà nước sẽ cần dùng đến pháp luật để trừng trị những thành phần bất hảo ấy.

2.3. Người công dân có đạo đức

Đạo đức của mỗi cá nhân trong xã hội được xem là tiêu chí để đánh giá sự văn minh, tiến bộ ở quốc gia ấy. May mắn thay, khi đức Phật còn tại thế, hình mẫu về một công dân có đạo đức đã được Ngài giảng dạy cho dân chúng xứ Vajji trên ba phương diện, mà ngẫm lại, đến nay chúng vẫn còn nguyên giá trị.

Phương diện đạo đức đầu tiên đức Phật dạy cho dân chúng Vajji là: “Khi nào dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajji và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[26].

Hành động lắng nghe và tôn trọng người lớn tuổi đã trở thành một quy tắc ứng xử cộng đồng in sâu trong các nền văn hóa thế giới. Thế nên, lời dạy của đức Phật về việc kính trọng những người lớn tuổi, các bậc trưởng lão đã ngầm nói lên tầm quan trọng của họ trong vai trò giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Bởi họ là những người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, đã cống hiến cuộc đời cho các công việc chung của đất nước. Nên khi thân cận với người lớn tuổi, con người sẽ có cơ hội học tập được những điều hay, lẽ phải thông qua sự chia sẻ từ họ.

Phương diện đạo đức thứ hai được đức Phật dạy cho dân chúng Vajji mang ý nghĩa tôn trọng và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc: “Khi nào dân Vajji tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajji ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp, thời dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[27].

Dựa trên lời dạy của đức Phật cho dân chúng Vajji, chúng ta thấy rằng, bất cứ một dân tộc hay một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có truyền thống tín ngưỡng và văn hóa của riêng mình. Việc giữ gìn truyền thống văn hóa từ lâu đời là cơ sở nói lên lòng tự hào và ý thức tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, việc làm này còn biểu thị nét đặc sắc cùng với các giá trị riêng biệt của dân tộc đó. Vì thế, bảo tồn và phát huy các nét đẹp của truyền thống văn hóa là việc làm quan trọng mà mỗi người trong xã hội cần phải thực hiện.

Phương diện đạo đức thứ ba được đức Phật dạy cho dân chúng Vajji là phải biết kính trọng, bảo hộ các bậc thánh nhân, Ngài dạy: “Khi nào dân Vajji bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán ở tại Vajji, thời dân Vajji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm”[28].

Ý nghĩa của việc bảo hộ, kính trọng và cúng dường các bậc A-la-hán mang yếu tố tâm linh cộng đồng. Bởi lẽ các vị A-la-hán là những người đại diện cho một tôn giáo chân chính, cao thượng. Đời sống của các Ngài là đời sống thanh cao, thiện mỹ, là tấm gương phản chiếu đạo đức cho mọi người. Do đó, hành động thân cận, bảo hộ và cúng dường các bậc A-la-hán sẽ giúp mọi tầng lớp trong xã hội có đời sống thiện lương hơn, tốt đẹp hơn.

Tóm lại, ba phương diện đạo đức được đức Phật trình bày có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các giá trị sống của con người, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức được tạo dựng bởi các thế hệ trước, đồng thời khắc phục sự lệch lạc của các hiện tượng phi đạo đức. Cuối cùng, nếu tất cả mọi người trong một quốc gia có thể thực hiện ba phương diện đạo đức như lời Phật dạy sẽ góp phần xây dựng một xã hội giàu tính nhân ái, nhân bản và nhân văn sâu sắc.

2.4. Nhà lãnh đạo có phẩm chất ưu việt

Tất cả các yếu tố như trên đã trình bày là chưa đủ để xây dựng một quốc gia lý tưởng khi thiếu đi vai trò của người lãnh đạo có đủ tài năng, trí tuệ và đạo đức. Mối nguy hại sẽ xảy đến nếu như một quốc gia được cai trị bởi những nhà lãnh đạo độc tài, vô đạo đức, tham nhũng thì quốc gia ấy sẽ phát sinh nhiều tệ nạn xã hội, nhân dân đói nghèo và làm trì trệ sự phát triển của đất nước. Do vậy, vai trò của người lãnh đạo được xem là nhân tố quan trọng, quyết định sự an bình và cường thịnh của một quốc gia, dân tộc.

Như trên đã nói, mặc dù chính trị không phải là mối quan tâm chính của đức Phật, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài không nói đến chính trị. Bởi mối quan tâm chính của đức Phật là sự bình an và hạnh phúc của nhân loại, điều này gắn liền với sự ổn định hay biến loạn của một quốc gia. Xuất phát từ ý nghĩa ấy, nên mỗi khi có các vị quốc vương đến tham vấn Ngài về đạo trị nước, ngoài việc minh giải các vấn đề đó, đức Phật còn dạy cho các bậc đế vương về những phẩm chất cần có để trở thành một nhà lãnh đạo quốc gia chân chính. Theo đức Phật, một nhà lãnh đạo quốc gia chân chính phải là người sống và thực hành theo Thập vương pháp, bao gồm: Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, ăn năn và bi mẫn[29].

Ý nghĩa của Thập vương pháp được Hòa thượng Chơn Thiện diễn đạt súc tích như sau:

– Độ lượng, bác ái, bố thí, không tham tiếc tiền của.
– Biết giữ năm giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không say sưa).
– Biết hy sinh tất cả cho mọi lợi ích của dân chúng.
– Thành thật và liêm khiết.
– Hiền từ và hòa ái.
– Khắc khổ trong nếp sống.
– Không được sân hận, không được tư thù.
– Nhẫn nhục trước mọi khó khăn, chỉ trích, mà không để mất bình tĩnh.
– Không hại người, đề cao hòa bình, ngăn chặn chiến tranh.
– Không chống lại ý muốn của nhân dân, thuận ý dân[30].

Như vậy, ý nghĩa chính của Thập vương pháp là nhằm xây dựng một nhà lãnh đạo sống trên tinh thần vô ngã, vị tha, biết đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích cá nhân và phụng sự cho nhân dân vô điều kiện. Nhà lãnh đạo theo Thập vương pháp được xem là nhịp cầu đưa mọi người trong quốc gia đến sự bình an và hạnh phúc.

Bên cạnh đó, đức Phật còn giới thiệu một quốc gia lý tưởng được điều hành bởi nhà lãnh đạo lý tưởng là Chuyển luân thánh vương (Cakkavattī). Một vị Chuyển luân thánh vương là người sống theo chính pháp và quản lý quốc gia bằng chính pháp (Dhamma). Trong quốc gia của Chuyển luân thánh vương, mọi người sẽ được cung cấp đủ mọi nhu cầu thiết yếu, được sinh sống an toàn dưới sự bảo hộ của nhà nước khỏi những điều xấu xa, sai lầm[31].

Từ thực tiễn lời dạy của đức Phật về nhà lãnh đạo chân chính, chúng ta thấy rằng, để xây dựng một quốc gia lý tưởng, thì yêu cầu về phẩm chất của người lãnh đạo đóng một vai trò quan trọng. Vì một quốc gia có phồn thịnh, nhân dân có ấm no, hạnh phúc hay không thì yếu tố quyết định là nằm ở vai trò của người lãnh đạo. Trong Tăng chi bộ kinh, vai trò của người lãnh đạo quốc gia được đức Phật minh họa thú vị qua hình ảnh của một đàn bò lội sông như sau:

“Khi đàn bò lội sông
Đầu đàn đi sai lạc
Cả đàn đều đi sai
Vì hướng dẫn sai lạc

Khi đàn bò lội sông
Đầu đàn đi đúng hướng
Cả đàn đều đúng hướng
Vì hướng dẫn đúng đường…”[32].

Ung dung tinh than binh dang giao duc Phat giao 2

3. Đóng góp của Phật giáo thông qua việc định hướng xây dựng mô hình quốc gia lý tưởng

3.1. Ngăn chặn chiến tranh và xung đột, thiết lập hòa bình

Đức Phật luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sống an ổn và hạnh phúc của con người. Do đó, Ngài không chấp nhận và cổ súy cho bất cứ cuộc xung đột, chiến tranh nào. Vì khi xảy ra chiến tranh, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa cũng đều để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho sinh mạng con người mà còn để lại sự nghèo đói và thù hận. Như trong kinh Pháp cú, đức Phật có dạy:

“Thắng trận sinh thù oán
Bại trận nếm khổ đau,
Ai bỏ thắng, bỏ bại,
Tịch tịnh, hưởng an lạc”[33].

Từ ý nghĩa đó, trong suốt cuộc đời thuyết pháp độ sinh của đức Phật, Ngài luôn cố gắng truyền bá tư tưởng hòa bình và hóa giải những nguy cơ có thể dẫn đến chiến tranh. Câu chuyện về xứ Vajji trong kinh Đại bát niết bàn là một ví dụ điển hình, khi đức Phật đã khéo léo hóa giải nguy cơ của cuộc chiến tranh giữa xứ Vajji và nước Magadha[34].

Theo đức Phật, để ngăn chặn chiến tranh và xung đột, con người cần phải hiểu rõ và giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ấy. Trong kinh Khổ uẩn thuộc Trung bộ kinh, đức Phật dạy nguyên nhân của xung đột và chiến tranh như sau: “Lại nữa, này các tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lỵ tranh đoạt với Sát-đế-lỵ, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn,… Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, họ công phá nhau bằng tay, họ công phá nhau bằng đá, họ công phá nhau bằng gậy, họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong”[35].

Qua nội dung của đoạn trích, đức Phật đã dạy rõ nguyên nhân của chiến tranh và xung đột chính là tham dục. Do lòng tham không đạt được sẽ đưa đến sân hận, từ sân hận sẽ dẫn đến chiến tranh. Nhưng hai yếu tố tham và sân chỉ là vẻ bề ngoài, chưa phải là nguồn gốc của chiến tranh, mà cái gốc của chiến tranh chính là si mê. Vì si mê nên không có sự phân biệt đâu là chính và tà, giữa lợi và hại, giữa thiện và ác[36]. Do đó, để chấm dứt chiến tranh, con người cần phải đoạn trừ ba độc tham, sân và si. Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy: “Này chư Hiền, tham là ác pháp, sân là ác pháp, và si cũng là ác pháp, có một con đường Trung đạo diệt trừ tham và diệt trừ sân khiến tịnh nhãn sinh, khiến chân trí sinh, hướng đến tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, niết bàn… Đó là con đường thánh tám ngành, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định”[37].

Từ lời dạy của đức Phật, chúng ta thấy xung đột và chiến tranh chỉ chấm dứt khi con người có lối sống lành mạnh dựa trên việc thực tập Bát chánh đạo, nhờ thực tập con đường Bát chánh, con người sẽ có cơ hội chuyển hóa từ cái nhìn sai lệch sang cái nhìn chân chính, từ cái nhìn chân chính sẽ đưa đến suy nghĩ chân chính, khi suy nghĩ chân chính sẽ đưa đến các hành động chân chính phù hợp với đạo lý. Thông qua đó, con người sẽ nhận thức được xung đột và chiến tranh là hành động phi nghĩa, dù có chiến thắng ngàn quân địch cũng không bằng chiến thắng chính mình:

“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng”[38].

3.2. Phản ánh tinh thần nhập thế của Phật giáo

Tinh thần nhập thế của Phật giáo được hiểu với nghĩa “Đạo Phật đi vào cuộc đời” không phải là một trào lưu mới, mà nó đã xuất hiện từ khi đức Phật còn tại thế. Cuộc đời thuyết pháp độ sinh của đức Phật đã phản ánh trọn vẹn tinh thần nhập thế cao đẹp của Phật giáo.

Trong suốt 45 năm thuyết pháp, những lời dạy của đức Phật không phát xuất tự sự hư ảo hay không tưởng như các triết gia đương đại. Thay vào đó, Ngài dạy cho tất cả mọi người phương pháp tu tập để chuyển hóa các lỗi lầm để trở về với cuộc sống chân chính, giúp họ hoàn thiện nhân cách đạo đức nhằm hướng tới mục đích cải thiện xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài ra, đối với những vấn đề chính trị, tranh chấp giữa các quốc gia, đức Phật cũng không đứng ngoài cuộc, Ngài đã khéo léo lãnh trách nhiệm hòa giải để mang lại sự hòa bình cho mọi người. Chính những điều đó nói lên tính gắn kết của Phật giáo với các vấn đề xã hội: “Bản chất có mặt của đạo Phật là nhập thế với phương châm mang lại sự an lạc, hạnh phúc, an vui cho loài người và cuộc đời… Phật giáo tồn tại để phụng sự chúng sinh”[39].

Ngày nay, khái niệm Phật giáo nhập thế được dùng để chỉ cho sự dấn thân phụng sự đạo pháp và xã hội của người tu sĩ hay cư sĩ thông qua các hoạt động thiện nguyện kết hợp với sự tu tập tâm linh nhằm mang tinh thần từ bi của Phật giáo vào trong cuộc đời như: Xây nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường, xây cầu đường, chăm sóc người già và trẻ mồ côi, ngăn chặn và góp phần giải quyết các tệ nạn và mâu thuẫn của xã hội[40].

Sau cùng, chúng ta thấy rằng, Phật giáo nhập thế chính là sự đóng góp của Phật giáo vào trong các hoạt động xã hội nhằm chuyển hóa tư duy và hành động của con người theo hướng tích cực, tốt đẹp, vì lợi ích và an bình cho xã hội. Mặc dù phong trào Phật giáo nhập thế ở thời hiện đại tuy có những thay đổi mới mẻ để phù hợp với bối cảnh xã hội nhưng nó vẫn giữ nguyên tinh thần nhập thế của đức Phật từ ngàn xưa.

3.3. Định hướng xã hội dân chủ theo quan điểm Phật giáo

Sự xuất hiện của xã hội dân chủ (Social democracy) trên thế giới được xem là bước tiến bộ trong lịch sử nhân loại nhằm đối kháng lại với xã hội phân biệt giai cấp. Trên tinh thần dân chủ, các quyền cơ bản của con người được thừa nhận. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cốt tủy của Phật giáo là đề cao vai trò của con người, khẳng định vị trí và giá trị của con người[41].

Mặc dù khái niệm về xã hội dân chủ không được đức Phật trình bày cụ thể, nhưng thông qua lời dạy của Ngài về các phương thức tổ chức xã hội dựa trên những tiêu chí bình đẳng, tự do và đạo đức được tìm thấy trong nhiều bản kinh đã phản ánh trọn vẹn mô hình của một xã hội dân chủ hoàn hảo. Bảy nguyên tắc tổ chức xã hội mà đức Phật thuyết giảng cho dân chúng xứ Vajji trong kinh Đại bát niết bàn là ví dụ cụ thể.

Ngang qua lăng kính của bảy pháp kiện toàn quốc gia trong kinh Đại bát niết bàn, mô hình xã hội theo quan điểm Phật giáo có đầy đủ các yếu tố của một xã hội dân chủ tiến bộ như tự do, công bằng và đạo đức. Trong xã hội này, mọi người đều có mối tương quan với nhau, đều tích cực dấn thân vào trong các hoạt động cộng đồng, biết tôn trọng pháp luật và mỗi người đồng chịu trách nhiệm vì sự thịnh vượng của toàn xã hội.

Với nền tảng tự do, công bằng và đạo đức, xã hội dân chủ theo quan điểm Phật giáo được xây dựng trên tinh thần không mong cầu tư lợi, không chiếm đoạt của người và không làm tổn hại người, Phật giáo đã định hướng một đời sống dân chủ với nếp sống đạo đức lành mạnh thông qua việc hành trì năm nguyên tắc đạo đức hay năm học giới căn bản (pañca sīla), gồm:

– Không sát sinh để bảo vệ mạng sống muôn loài
– Không trộm cắp để tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người khác
– Không tà dâm để bảo vệ hạnh phúc gia đình
– Không vọng ngữ để tôn trọng sự thật
– Không uống các chất say để giữ chánh niệm, tỉnh thức trong mọi hành động.

Ngoài ra, để phát triển tính dân chủ theo hướng công bằng, tiến bộ và thân ái, trong kinh Kosambiya đức Phật còn dạy rằng:

– An trú khẩu hành với vị đồng phạm hạnh
– An trú thân hành với vị đồng phạm hạnh
– An trú ý hành với vị đồng phạm hạnh
– Chia sẻ tài vật bình đẳng với vị đồng phạm hạnh
– Thành tựu giới luật với vị đồng phạm hạnh
– Thành tựu tri kiến với vị đồng phạm hạnh[42].

Sáu nguyên tắc trên được đức Phật thuyết giảng không chỉ giới hạn cho hàng đệ tử xuất gia mà còn dành cho cả người cư sĩ tại gia. Nếu như sáu pháp hòa kính này được thực hành bởi tất cả mọi người sẽ góp phần tạo nên mối tương thân, tương ái, hình thành nên sự gắn kết mật thiết trong cộng đồng người.

Tóm lại, xã hội dân chủ theo quan điểm Phật giáo được xây dựng trên nền tảng của sự công bằng và đạo đức. Qua đó, Phật giáo mong muốn kiến tạo một xã hội bền vững, thuần lương và an bình. Ở nơi ấy, không còn hiện hữu của khổ đau và bất công, con người hưởng được sự an lạc, hạnh phúc và thăng hoa trong đời sống tâm linh.

Một quốc gia sẽ tốt đẹp hơn nếu như cuộc sống của mỗi người trong quốc gia ấy không còn khổ đau và bất hạnh. Do đó, ngang qua lời dạy của đức Phật để tìm kiếm những giải pháp tích cực, có hiệu quả là việc làm thiết thực để giải quyết các vấn nạn bức bách trong mỗi quốc gia.

Trong nội dung xây dựng quốc gia lý tưởng, chúng ta thấy rằng, để quốc gia phát triển theo hướng công bằng, dân chủ và văn minh thì những cá nhân trong xã hội đóng một vai trò quan trọng, vì họ không chỉ đi tìm hạnh phúc hay quyền lợi cho riêng mình, mà mỗi cá nhân phải biết đặt lợi ích của mình vào trong lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, vai trò lãnh đạo quốc gia phải được giao cho những cá nhân có phẩm chất ưu tú, thanh liêm, chánh trực, bởi họ chính là nhân tố chủ đạo dẫn dắt quốc gia đi đến sự an bình và thịnh vượng.

Theo Phật giáo, quốc gia lý tưởng là một quốc gia tốt đẹp, dân chủ và bình đẳng. Ở đó con người được tôn trọng, nơi khổ đau và bất công không còn hiện hữu, nơi hòa bình sẽ chế ngự mọi hơn thua tranh chấp, lòng từ bi sẽ chế ngự hận thù, nơi mà mọi người được chung sống hòa thuận trong một quốc gia sung túc có đầy đủ vật chất. Trong quốc gia lý tưởng, mọi người cùng nhau có sự tiến bộ về đạo đức và thực tập tâm linh theo lời Phật dạy để hướng tới một đời sống thánh thiện, đích đến sau cùng là đạt được giác ngộ, giải thoát.

Thông qua chủ đề xây dựng quốc gia lý tưởng theo quan điểm Phật giáo, người viết mong muốn chuyển tải thông điệp Phật giáo không phải là một tôn giáo bi quan, yếm thế mà Phật giáo là tôn giáo nhập thế tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng vào trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và giáo dục ở những nơi mà Phật giáo có mặt tại đó.

Để minh chứng những đóng góp của Phật giáo có giá trị thiết thực, người viết xin trích dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đại lễ Vesak 2019 để thay cho lời kết: “Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2019, chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh đức Phật và cùng suy ngẫm về chân lý hòa bình, về tinh thần khoan dung, lòng từ bi; đồng thời phát huy những chân lý đó vào cuộc sống, giảm thiểu xung đột và khổ đau, thiết lập mối quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, ac lạn cho toàn nhân loại…”.

Thích Chúc Hòa


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage