Phật Học Online

Cuộc đời và sự nghiệp của cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám

Tâm Minh Lê Đình Thám là vị cư sĩ đã dùng trí tuệ, đạo đức, tâm huyết của mình để phụng sự sự nghiệp chấn hưng. Nhờ những đóng góp của ông mà Hội An Nam đạt được những thành tựu về mặt thành lập Hội, đào tạo tăng tài, mở ra các chương trình đào tạo, ấn hành và phương dịch kinh điển làm một yếu tố đặc thù “quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung nói riêng và cả nước nói chung”. Ông đã dấn thân vì đạo pháp một cách ân cần với tâm tình thông thái. Kết quả của việc chấn hưng Phật giáo là bước đầu chấn chỉnh các sự việc trong tăng đoàn, đào tạo tăng tài, nâng cao kiến thức, phát huy rực rỡ con đường hoằng pháp lợi sinh, củng cố niềm tin tín ngưỡng của Phật giáo trong thời kì suy vi.

A. DẪN NHẬP

Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam được bắt đầu từ những năm 30 của thế kỷ XX. Trong giai đoạn đất nước đang rơi vào sự cai trị bóc lột về phương diện chính trị, từ năm 1887, thực dân Pháp ban hành sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương, tiến hành chia lại các vùng lãnh thổ, thiết lập lại bộ máy cai trị. Từ đó, nước ta bị chia làm 3 xứ với 3 bộ máy quản lí khác nhau. Về tình hình kinh tế, sự khai thác thuộc địa của Thực dân Pháp đã kìm hãm nền kinh tế, biến nước ta thành một nước phụ thuộc. Đời sống của các tầng lớp trong xã hội cũng do đó mà gặp nhiều khó khăn. Về văn hóa, để thực hiện âm mưu thống trị lâu dài, Pháp đã tìm cách đẩy lùi văn hóa nước ta và thay vào đó là văn hóa phương Tây, tức là văn hóa của Pháp, đã tạo ra cho Phật giáo không ít những thách thức bởi đây là một tôn giáo vốn đã góp phần hình thành nên văn hóa nước ta qua suốt chiều dài lịch sử. Về tôn giáo, ngay sau khi bình định được nước ta, Pháp đã tạo điều kiện cho Công giáo phát triển có sự cạnh tranh về tôn giáo. Nguyên nhân nội tại, Phật giáo suy đồi là bởi sự xuống cấp của hàng ngũ tăng già, suy yếu của Phật giáo cũng bắt nguồn từ những hạn chế của tín đồ nhà Phật. Với các vị tu sĩ hàng năm cứ mở hội, hay mới vào khi đề cập đến vấn đề giáo lý, hay sự tu tập thì còn mơ hồ. Các vị cư sĩ, nhất là những người phụ nữ không thông thạo hay thường đặt niềm tin vào nơi thánh thần nên hễ khi thấy chùa thì liền cúng kính, quy y, sự mê tín xuất hiện rất cao. Đặt đạo Phật trước nguy cơ diệt vong, từ đó các vị tu sĩ và cư sĩ kêu gọi chấn hưng, vận động thành lập các Hội Phật giáo. Trong sự nghiệp chấn hưng, cư sĩ giữ vai trò quan trọng. Có thể thấy “Vai trò cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX”.

Tag: Lê Đình Thám, chấn hưng Phật giáo Trung kỳ, chấn hưng phật giáo, cư sĩ, phật giáo suy đồi, đạo Phật, liên bang Đông Dương, thực dân Pháp, thịnh suy…

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Vai tro cu si Tam Minh Le Dinh Tham 1

B. NỘI DUNG

1. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Đình Thám

Lê Đình Thám pháp danh là Tâm Minh tự Châu Hải, sinh năm “1897 tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ngày nay là tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh Bộ thượng thư Lê Đỉnh thời Tự Đức và bà Phan Thị Diệu. Lúc nhỏ cùng người anh trai là Lê Đình Dương theo học chữ Hán với thân sinh”. Mặc dù, tuổi còn nhỏ nhưng cả hai anh em tiếp thu một cách rất nhanh, thông lý hiểu sự nơi kinh sách nhà Phật, lúc này Ông đã biết làm thi phú, luôn tỏ ra mình là người thông minh xuất sắc, nổi tiếng nơi quê nhà. Sau khi lớn lên theo Tây học, với tư tưởng hiện đại, Ông luôn được đón nhận tình cảm từ các bạn bè, thầy giáo một cách nồng nhiệt, luôn nhận giải Khôi nguyên trong các kỳ thi, Ông tốt nghiệp thủ khoa y sĩ Đông Dương khóa 16, nhận bằng bác sĩ Y khoa ngạch Pháp năm 1930.

Sau khi ra trường với “danh hiệu y sĩ, đúng lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa thất bại, anh trai là y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp bắt và tù đày ở Buôn Mê Thuột”, Lê Đình Thám liền tình nghi, trở thành đối tượng theo dõi chặt chẽ của chính quyền thuộc địa. Đó chính là lý do vì sao ông làm việc trong suốt những năm tại “bệnh viện ở Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn, Tuy Hòa từ năm 1916-1923”. Trong thời gian này, ngoài các hoạt động chuyên môn ông dành thời gian “nghiên cứu thêm triết lý Đông phương như Khổng Tử, Lão Tử, Phật giáo, y khoa và tử vi.”

“Năm 1926, Ông phụ trách điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam), nhân một buổi viếng cảnh chùa Tam Thai tức Ngũ Hành Sơn, Ông đã đọc bài kệ của Lục Tổ Huệ Năng được ghi lên vách chùa”, nội dung bài kệ:

“Bồ đề bản vô thụ
Minh cảnh diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai.”

Lần đầu, Ông tiếp xúc với triết lý nhà Phật. Chính ý nghĩa trong bài đã đi vào tâm thức Ông, dù thời gian đó chưa cho phép Ông đến với cửa thiền.

Năm 1928, Lê Đình Thám về Huế “đảm trách Y sĩ trưởng Viện Bào chế và Vi trùng học Louis Pasteur phát minh ra Sérum Normet”. Cũng trong năm đó, Ông đến “chùa Trúc Lâm, thỉnh tôn ý về bài kệ trên chùa Tam Thai với Hòa thượng trụ trì là ngài Giác Tiên”. Khi thông, Ông quyết định nghiên cứu sâu hơn về triết lý Phật giáo, và cũng phát nguyện Quy y Tam bảo, ăn chay, nghiên cứu kinh điển Phật giáo, và Ông cũng “thọ tam Quy ngũ Giới với Hòa thượng Giác Tiên được pháp danh Tâm Minh, tự là Châu Hải” là từ đây.

Năm 1929, theo học với Hòa thượng Phước Huệ chùa Di Đà Thập Tháp ở Bình Định, Hòa thượng chỉ dẫn nghiên cứu về bài giảng của ngài Thái Hư đại sư ở Trung Hoa về cách tổ chức Phật giáo, lấy đó ngẫm để canh tân Phật giáo nước nhà, và đã được các vị Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết chấp nhận ý kiến mà Ông đã đề ra.

Năm 1930, Ông ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp. Năm 1932, Hội An Nam Phật ra đời do các vị Hòa thượng cùng các vị cư sĩ đúng ra thành lập và chịu trách nhiệm, trụ sở đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Lê Đình Thám làm hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban chứng minh làm cố vấn cho Hội.

Năm 1934-1945, hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo tăng tài, các lớp Phật học thanh niên. Năm 1946, cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, dân chúng tản cư, Ông cùng gia đình dời về Quảng Nam. Năm 1947-1949, ông đảm đương chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến miền Nam Trung Bộ[13 ]. Tại liên khu V, ông thành lập tổ chức “Phật giáo và dân chủ mới” tại Bồng Sơn-Bình Định, nghiên cứu và tổng hợp giáo lý Phật giáo và triết học Mác-Lênin.

Mùa hè, năm 1949, Ông tập kết ra Bắc. Sau được đề cử làm chủ tịch phong trào vận động hòa bình thế giới. Năm 1956, Ông và Hòa thượng Trí Độ sang dự đại hội Phật giáo Buddha Jayani tại Ấn độ.

Năm 1961, Kinh Lăng Nghiêm mà Ông dày công phiên dịch và chú giải trong nhiều năm qua được đăng lên báo Viên Âm và được xuất bản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sách thì được gia đình tái bản lưu hành rộng khắp miền Nam. Trong những năm ở Bắc, ngoài giờ làm việc ra ông còn đến chùa Quán Sứ để dịch, giảng kinh. Kết quả cho công cuộc dày công nghiên cứu của Ông thể hiện qua các Kinh sách uyên thâm như: Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Luận Nhân Minh, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Bát Thức Qui Củ Tụng, Phật Học Thưởng Thức, Bát Nhã Tâm Kinh, Tâm Minh- Lê Đình Thám tuyển tập. Cuộc đời vốn dĩ vô thường. Ngày 23-4-1969 nhằm 7-3 Âm lịch, năm Kỷ Dậu, Ông trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Việt Xô, Hà Nội, sau khi đàm đạo với Hòa thượng Đôn Hậu, với 42 năm phụng sự Tam bảo, thọ 73 tuổi. Ông đã đóng góp đào tạo một thế hệ tu sĩ chân chính, đạo hạnh, uyên bác, truyền bá giáo lý đạo Phật, đoàn kết tăng, ni, phật tử hộ trì chính pháp.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 5.2021 Vai tro cua Tam Minh Le Dinh Tham chan hung PG Trung ky 5

2. Đóng góp của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đối với phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX

Vai trò của Tâm Minh Lê Đình Thám đối với công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Trung Kỳ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX được thể hiện chủ yếu qua ba phương diện sau: “thứ nhất là sự thành lập Hội và hoạt động đào tạo tăng tài; thứ hai là xây dựng đoàn thể thanh thiếu niên các cấp; thứ ba là ấn hành Viên Âm và phiên dịch kinh sách Phật học”. Theo học giả Trần Trọng Kim, một hội viên của Hội Phật giáo Bắc kỳ có giải thích ý tưởng chấn hưng như sau: “Chúng tôi rủ nhau lập nên Hội Phật giáo, chủ ý là muốn làm cho sáng cái đạo đã mờ, muốn trau chuốt cho bóng bẩy hơn trước và lại thích hợp với sự nhu yếu của người đời” [5, tr. 19].

2.1. Thành lập An Nam Phật học hội và hoạt động đào tạo tăng tài

Tâm Minh Lê Đình Thám có vai trò rất lớn trong việc thành lập hội An Nam Phật học, chúng ta có thế thấy rằng ông có vai trò chủ chốt trong sự thành lập của Hội. Ông là một trong số những người tham gia vận động nhân sự “thành lập hội An Nam Phật học”, vốn dĩ Ông đã có sẵn kiến thức về Hán học cộng thêm sự linh hoạt về đầu óc nên con đường Phật học dễ dàng tiếp thu. Năm 1929-1932, ba năm liền gắn bó với các bậc tôn túc như Ngài Phước Huệ, một nhà uyên thâm về mặt Phật học “tại chùa Thập Tháp tỉnh Bình Định”. Tiếp cận với nhiều nhà thiện tri thức, cùng nghĩa với việc ông tiếp cận với phong trào chấn hưng Phật giáo Châu Á do Thái Hư đại sư khởi xướng tại Trung Hoa qua tạp chí Hải Triều Âm. Từ đó, Ông đã dấy lên tinh thần chấn hưng. Sẵn sàng nghe theo chỉ đạo của các vị “Hòa thượng đứng ra thay mặt cho các vị thành viên trong ban đưa đơn lên chính phủ Nam triều và Khâm Sứ Trung Kỳ về việc thành lập hội”. Ngày 16/8/1932, “Vua Bảo Đại ban hành chỉ dụ chấp thuận việc thành lập một tổ chức nghiên cứu Phật giáo tại kinh đô huế. Đến ngày 17/9/1932, Khâm Sứ Trung Kì cho phép tổ chức này đi vào hoạt động với tên gọi là Hội Phật học (Société d’Étude et d’Exercice de la religion Bouddhique). Ngày 10/8/1936, chính quyền thực dân pháp chính thức công nhận tư cách pháp nhân của Hội thông qua Nghị định số 394-S” [ 3, tr. 108.]. Trụ sở ban đầu của Hội đặt tại chùa Trúc Lâm, Huế. Do “ông làm Hội trưởng và các vị Hòa thượng trong Ban Chứng minh làm cố vấn cho Hội” [1, tr. 909.]. So với hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học năm 1931 và Hội Phật giáo Bắc kỳ năm 1934 thì “Hội An Nam Phật học hội có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” và quy tắc từ cấp trung ương đến cấp địa phương, dựa trên đơn vị hành chính. Cao nhất là An Nam Phật học hội hoặc ở Trung ương có An Nam Phật học hội, kế là Tỉnh hội, tiếp đến là Huyện hội, thì Huyện hội gồm “các Chi hội, Chi hội gồm nhiều Khuôn hội gồm các làng xã, tiếp xuống là các Vức, các Vức sinh hoạt theo Khuôn hội”. Mỗi Khuôn như thế có một “Khuôn trưởng và Ban Trị sự Khuôn gọi là Ban Tịnh độ”. Và đây chính là bước đệm cho giáo hội sau này,“là tiền thân của các bộ phận thuộc các giáo hội Phật giáo sau này, điển hình là giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện đại” [7, tr. 45-46.]. Ở cấp Trung ương, Hội gồm có 2 ban: “Ban Quản trị và Ban chứng minh đạo sư”.“Năm 1935, căn cứ theo bản điều lệ và quy tắc được sửa chữa và vua Bảo Đại phê chuẩn, bắt đầu nhóm họp bầu Ban Tri sự có 11 người đều là cư sĩ. Hội mời các vị Hòa thượng lập ban chứng minh đạo sư và lập Ban Giảng sư gồm các tăng, ni có nhiệt tâm chấn hưng” [6, tr. 388.]. Hội ra đời với mục đích: “thiệt hành và truyền bá đạo Phật”, “hậu thuẫn để chấn hưng và duy trì phát triển Phật giáo, bảo trì tăng đoàn có giới hạnh, có khả năng hướng dẫn phật tử, với những người có chí nguyện phụng sự, tạo niềm tin vào Phật giáo”“Công bố và hoạt động cho lí tưởng từ bi, chống thù hận, chia rẽ và gây chiến tranh”[ 8, tr. 26.]. Về mặt tôn chỉ: “Hoằng dương Phật pháp, lợi lạc hữu tình” tức là mang giáo lý Phật đà truyền bá vào nhân gian để mọi tầng lớp trong xã hội đều tiếp nhận và tu trì mang lại lợi lạc trong cuộc sống.

Không chỉ giữ vai trò lãnh đạo trong Ban Quản trị, ông còn có những đóng góp to lớn như Ông giữ chức hội trưởng có công trong việc thành lập hội mà còn đóng góp chất xám vào hệ thống giáo dục trong việc mở các trường Phật học với mong muốn đào tạo tăng tài, góp phần đào tạo thành công những thế hệ tăng ni thế hệ trẻ có trình độ học vấn, đủ năng lực gánh vác vai trò trách nhiệm cho giáo đoàn. Từ đó, hình thành ra một hệ thống Phật học đường cùng với các chương trình Phật học cụ thể để tạo thành một mô hình giáo dục hoàn hảo. Hòa thượng Tịnh Khiết khẳng định: “Đào tạo tăng tài là trước hết các phật sự” [9, tr. 5.]. Trước khi, “hội An Nam Phật học ra đời”, hình thức đào tạo là Đạo tràng do chư vị Huệ Pháp, Tâm Tịnh tổ chức tại Huế”“Cứ vào mùa hạ, vị hoà thượng ở chùa tập trung một số đệ tử giảng kinh, luận, luật bằng Hán văn ghi chép rất đơn giản. Bàn ghế ngồi không cần thiết, ngồi ở bàn, ở giường và thậm chí ngồi trên nền. Dẫu sao người học hiểu được và hành trì tu chứng thăng tiến là tốt” [6, tr. 393.]. “Năm 1927, tại Bình Định quốc sư Phước Huệ đã cho mở các lớp dạy kiến thức nội điển tại chùa Thập Tháp và Long Khánh nhận nhiều học tăng từ các tỉnh miền Trung theo học như: Đôn Hậu, Chánh Thống, Mật Hiển, Mật Nguyện, Mật Khế, Trí Độ”. Năm 1929, Hoà thượng “Giác Tiên đứng ra vận động thành lập Sơn môn Phật học đường tại chùa Trúc Lâm và mời quốc sư Phước Huệ ra làm chủ giảng. Trừ các vị tăng sĩ như Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể, Mật Hiển còn có sự hiện diện của cư sĩ Lê Đình Thám, ông đã theo học ngay từ khóa đầu và là những học trò xuất sắc.”

Mang lại nhiều đóng góp cho sau này. Năm 1932, sau khi thành lập Hội, hoạt động đào tạo tăng tài dưới sự tổ chức và quản lí của Hội đã từng bước vào hoạt động và ổn định. Các Phật học đường với quy mô khác nhau được thành lập. “Ban Trị sự của Hội” cũng nhấn mạnh: “Tất cả nghị lực của Hội đều dùng để đào tạo nhân tài, hầu mong tiếp dẫn hậu lại, cũng vì thế mà chúng tôi rất chú ý đến các Phật học đường, lo cho cơ quan trọng yếu này được sống hoàn toàn một cách viên mãn” [10, tr. 46]. “Năm 1933, Hoà thượng Giác Tiên cùng đệ tử là Mật Khế mở một lớp Tiểu học (sơ cấp), nhận 50 tăng sinh chưa thọ giới Sa di vào học tại chùa Vạn Phước (Huế)… Năm 1935, do môi trường học tập tại chùa không thuận lợi nên Ban Trị sự Hội quyết định dời trường ra chùa Báo Quốc và gây dựng nơi đây thành Phật học đường Báo Quốc. Ngày 16/10/1935, Hội Phật Học An Nam đã cho thành lập và khai giảng Phật học viện Tây Thiên với 3 cấp học là Tiểu, Trung và Đại học. Ban Giáo thọ Phật học Viện gồm có Quốc sư Phước Huệ, Hòa thượng Giác Tiên, Hoà thượng Tâm Khoan được mời làm Giám đốc và các phó Giám đốc là chư vị Từ Quang, Giác Hạnh, Trí Thủ; pháp sư Trí Độ đảm nhận chức vụ Đốc giáo. Hội lại mời cư sĩ Lê Đình Thám dạy luận, Nguyễn Khoa Toàn, Cao Xuân Huy,… dạy kiến thức ngoại điển”. Ở đây, chúng ta thấy một điều kì lạ là ông Lê Đình Thám dạy luận, nói về luận thật sự là những con người có đầu óc tinh thông mới lí luận một cách thông suốt mới hiểu rõ giá trị tầm quan trọng của luận mới có thể đảm trách, nhân đó chúng ta có thể thấy ông cũng là một nhân vật tiêu biểu trong đội ngũ giảng dạy. Ngoài ra, còn có chương trình cụ thể cho các lớp, các bậc học nhằm đào tạo các ông thầy có đầy đủ kiến thức để hoằng hóa mai sau. Nhận xét về vai trò của Tâm Minh Lê Đình Thám đối với việc đào tạo tăng tài, Nguyễn Lang viết: “Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ hai mươi đã dự phần vào việc đào tạo tăng tài. Phật học của ông được các bậc tôn túc công nhận uyên thâm, cho nên ông đã được mời vào giảng dạy trong các Phật học đường Trúc Lâm và Tường Vân” [2, tr. 676.]. Nhận định này cho thấy, về mặt kiến thức Phật học, Tâm Minh Lê Đình Thám được đặt ở vị trí ngang hàng với các vị Hòa thượng.

2.2. Xây dựng đoàn thể thanh thiếu niên các cấp

Đoàn thể tăng thiếu niên các cấp bao gồm: Đoàn Phật học đức dục, gia đình Phật hóa phổ, Ban đồng ấu. Quá trình xây dựng hệ thống tổ chức cho các hoạt động, Hội quan tâm đến vấn đề đưa đạo Phật vào đời sống trẻ nên đã xây dựng được các đoàn thể Phật giáo làm cho ngày càng phổ quát vào nhân dân tạo ra dấu ấn trong quá trình chấn hưng. Sự có mặt của các gia đình Phật tử hiện nay là minh chứng cho sự đúng đắn, thành công mà “Phong trào chấn hưng Phật giáo Trung kỳ đã xây dựng được”.

Tiền thân của “gia đình Phật Tử Việt Nam chính là những Ban Đồng ấu” được thành lập từ năm 1935, được sự dìu dắt của “cư sĩ Bửu Bác và Lê Đình Thám” (Ban Đồng Ấu đầu tiên gồm 52 em, sinh hoạt tại chùa Phước Điền, Huế). “Mục đích ra đời của Ban Đồng ấu được Hội Phật Học An Nam xác định là giúp các em trở thành những người phật tử chân chính, đúng theo ước vọng của các em, của cha mẹ các em và của tất cả mọi người” [11, tr. 68].

Vào thời điểm đó, “nhóm thanh niên khoảng 12 người, xuất phát từ các gia đình Phật giáo truyền thống đã cùng nhau lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục” (Commission d’etudes Bouddhiques et de perfectionnement moral, 1940). Mục đích của Đoàn là: “Tập hợp đội ngũ thanh niên trí thức nghiên cứu Phật giáo với tinh thần mới có tính chất tổng hợp và so sánh; nhận định tư tưởng PG dưới ảnh hưởng của nền khoa học và tư tưởng hiện đại; dùng các hình thức phổ biến như báo chí, sách truyện tiến đến thành lập các đoàn thể thanh niên Phật giáo” [12, tr. 27]. Quản lí là một ban hướng dẫn gồm: “Đoàn trưởng là Phạm Hữu Bình, Đoàn phó là Đinh Văn Nam, Cố vấn là cư sĩ Lê Đình Thám. Nhiệm vụ chính của Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục: huấn luyện các thanh niên Phật tử và các thiếu niên phật tử” [11, tr. 67]. Do đó, sau khi thành lập, “Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục” cũng tổ chức các đoàn: “Thanh niên Phật tử, Hướng đạo Phật tử, phát triển các Ban Đồng ấu”. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục còn thành lập Phật học Tùng thư – là cơ sở Văn Hóa Phật giáo cho tuổi trẻ đầu tiên tại nước ta. Có thể nói rằng, sự ra đời của “Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục” là bước ngoặt chủ chốt trong tiến trình “chấn hưng Phật giáo Trung kỳ”.

Ngày 30- 4 -1943, tại đồi Quảng Tế (Huế) đã diễn ra Đại hội Thanh Thiếu niên Phật tử. Tại Đại hội này, “các Ban Đồng ấu và Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục được hợp nhất thành Gia đình Phật hóa phổ. Các Gia đình Phật hóa phổ đầu tiên gồm có Gia đình Tâm Minh do cư sĩ Lê Đình Thám là Phổ trưởng”, châm ngôn là “Hoà thuận – Tin yêu – Vui vẻ”. “Nội dung hoạt động của Gia đình Phật hóa phổ chủ yếu tập trung vào Đức dục và Trí dục”. Nói chung, “người sáng lập là các thanh niên trí thức có tinh thần yêu nước, nên các hoạt động của Gia đình Phật hóa phổ đều mang thái sắc dân tộc, đạo đức, truyền thống; phản ánh lại tinh thần trụy lạc xã hội đương thời”.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 7.2021 Vai tro cu si Tam Minh Le Dinh Tham 3

2.3. Ấn hành Viên Âm và phiên dịch kinh sách Phật học

Ngoài những cống hiến về mặt đạo đức, ông còn tham gia các hoạt động Phật sự như chủ trương xuất bản tạp chí Viên Âm bằng chữ quốc ngữ.

Ngày 30-5-1933, Nguyệt san Viên Âm – cơ quan ngôn luận của Hội Phật Học An Nam được Toàn quyền Đông Dương cho phép ấn hành theo Nghị định Số 2009/P3. Tòa soạn đặt tại số 13, đường Champeau nay là đường Hà Nội, thành phố Huế. Viên Âm được Ban biên tập của Hội giải thích: “Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn; tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bản tính thanh tịnh” [2, tr. 117]. “Số đầu tiên ra mắt vào ngày 1-12-1933 và số cuối ra ngày 8-10-1953”. Tồn tại 20 năm, nhưng không liên lục, tất cả là 129 số, có nhiều sự thay đổi về số lượng, cũng như cấu trúc hay về mặt hình thức cho đến số trang.

Không chỉ là người sáng lập ra báo Viên Âm, Lê Đình Thám còn là chủ nhiệm kiêm chủ bút và cũng là tác giả của nhiều bài viết trên tạo chí báo Viên Âm này. Các bài viết của Tâm Minh cống hiến ở nhiều thể loại khác nhau trên tạp chí, như Biệt khai phương tiện, Dịch kinh, Quyển đầu ngữ… với nhiều bút danh Lê Đình Thám, Tâm Minh, Tâm Trực, Châu Hải… Ông còn viết trên báo Viên Âm cho các mục như: Ngôn Luận, Nghiên cứu, Luận đàn, Pháp Hạnh, Tập lục, Sự tích…

Phương diện dịch kinh thì trên các số Viên Âm từ số 69 đến 73 có đăng bài dịch Kinh Ưu bà tắc giới của tác giả Tâm Minh. Theo Nguyễn Lang nhận xét Tâm Minh: “ông còn dày công phiên dịch và chú giải Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Sau nhiều cố gắng ông cũng đã xuất bản được cuốn kinh này vào năm 1961 tại chùa Quán Sứ” [2, tr. 690]. Ngoài việc viết các bài bằng tiếng mẹ đẻ, Ông còn viết bài bằng tiếng Pháp. Đặc biệt, có công dịch “Phật học cương yếu” của Thái Hư, đăng trong sự tích số Viên Âm 55 đến 59. Bài dịch súc tích dễ hiểu, làm cho người đọc biết và hiểu thế nào là Phật và học Phật, phương pháp tu trì, kết quả của Phật học mang lại cho người tìm hiểu nhiều điều bổ ích. Qua đó, chúng ta có thể nhận biết được vai trò cư sĩ của nhân vật Tâm Minh Lê Đình Thám rất quan trọng nói như Nguyễn Lang: “đệ tử tại gia xuất sắc nhất của Giác Tiên” [ 2, tr. 606.]. Ngoài ra, cái hay của ông ở đây là một vị cư sĩ nhân ngoài việc tôn trọng người thầy của mình qua các việc hết tâm hết lòng phụng sự trong việc chấn hưng, Ông còn viết về tiểu sử của thầy mình là Ngài Giác Tiên, Ông viết như sau: “Thầy chứng minh của Hội chứng tôi là người làng Dạ Lê Thượng, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên, thầy sinh về nhà họ Nguyễn trong năm Canh Thìn là năm Tự Đức tam thập tam niên (1880). Song thân của thầy mất sớm, thầy xuất gia khi 15 tuổi, làm đệ tử ngài Tâm Tịnh Hòa thượng ở chùa từ hiếu.” [4, tr. 224.]. Đây cũng là một hình thức đóng góp cho sự kiện về sau cũng là yếu tố lịch sử cho thế hệ tăng ni sau này có một thông tin chính xác về một tiểu sử danh tăng Hòa thượng Giác Tiên một cách ghi chính xác. “Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã cống hiến cả cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc một cách thuần thành nhất”. Ông là một trong 105 cư sĩ, tu sĩ được tôn vinh trong cuốn Danh tăng Vệt Nam. Có tác dụng rất lớn trong việc chấn hưng Phật giáo ở Trung kỳ. Qua đó, chúng ta thấy được tư tưởng Phật học của Tâm Minh Lê Đình Thám muốn truyền tải, cũng nhận biết được khả năng sáng tác, sử dụng nghệ thuật văn học trong việc chuyển tải giáo lý nhà Phật.

C. KẾT LUẬN

Tâm Minh Lê Đình Thám là vị cư sĩ đã dùng trí tuệ, đạo đức, tâm huyết của mình để phụng sự sự nghiệp chấn hưng. Nhờ những đóng góp của ông mà Hội An Nam đạt được những thành tựu về mặt thành lập Hội, đào tạo tăng tài, mở ra các chương trình đào tạo, ấn hành và phương dịch kinh điển làm một yếu tố đặc thù “quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung nói riêng và cả nước nói chung”. Ông đã dấn thân vì đạo pháp một cách ân cần với tâm tình thông thái. Kết quả của việc chấn hưng Phật giáo là bước đầu chấn chỉnh các sự việc trong tăng đoàn, đào tạo tăng tài, nâng cao kiến thức, phát huy rực rỡ con đường hoằng pháp lợi sinh, củng cố niềm tin tín ngưỡng của Phật giáo trong thời kì suy vi.

Thích Chúc Hòa


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage