Phật Học Online

Xuân Trong Đạo Phật
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

Đức Phật dạy rằng Phật pháp bất ly thế gian giác; vì vậy, có thể nói Xuân trong đạo Phật cũng là Xuân trong cuộc đời; từ đó nhìn thẳng vào cuộc sống mà tìm được mùa Xuân và sự an lành cho chúng ta.

 Với tinh thần xây dựng trên nền tảng đạo Phật gắn bó mật thiết với sự sống của con người, cho nên người ta thường nói đạo Phật và nhân loại, đạo Phật và dân tộc. Không có nhân loại, thì không có đạo Phật; đó là chân lý mà hàng đệ tử Phật cần suy gẫm.

Đa số người đời thường nghĩ rằng mùa Xuân là thời gian vui chơi, nên họ thường tổ chức tiệc vui sau những tháng ngày làm việc mệt nhọc. Người Việt Nam cũng vậy, tuy có vui chơi trong mùa Xuân, nhưng thực tế chúng ta lại thấy người ta bận rộn hơn, cực khổ hơn vào những ngày tết; điều đó quả là vô lý. Chúng ta hãy suy nghĩ để nhận thấy đâu là niềm vui thật và đâu là những việc đáng làm trong ngày Xuân.

Hầu như mọi người sau một năm làm việc cực nhọc, tết đến, người ta lo dọn dẹp nhà cửa, lo mua sắm, lo biếu tặng quà cáp và việc xã giao biếu qua biếu lại, khiến cho mỗi nhà chất đầy quà bánh, nhưng làm sao ăn cho hết. Làm ra tiền cực khổ, mua sắm tốn kém để lãng phí. Việc này có nên hay không?

Là Phật tử tu theo Chánh pháp được mệnh danh là đạo trí tuệ thì việc làm phải hợp lý, không thể cứ rập khuôn theo tập quán không hợp lý. Tôi nhận thấy Phật tử Nhật thường sắp xếp cuộc sống sao cho suốt năm đều có mùa Xuân để vừa sống an lạc, hạnh phúc, vừa đóng góp cho xã hội đi lên. Làm như thế mới là Phật tử chân chánh, vì nước Nhật không rộng, tài nguyên không có, nhưng họ vẫn làm cho đất nước phát triển được.

Tôi sống trong chùa từ thuở nhỏ, làm hương đăng, thấy những ngôi chùa cổ ở Việt Nam một năm chỉ dọn dẹp vào ngày 23 âm lịch cuối năm rồi đóng cửa chùa, không tụng kinh nữa và chờ đến mùng một Tết mới khai kinh. Còn quanh năm để gián, nhện, chuột làm ổ trên bàn Phật, mà không ai dám động vào, không dọn dẹp. Nhưng sang Nhật tu học, thấy cuộc sống văn minh của họ đặt vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm là quan trọng. Vì đối với họ, tâm an vui, sức khỏe tốt, môi trường sống sạch sẽ, an lành, thì đó là mùa Xuân, mùa Xuân do chính họ tự tạo ra.

Phải nói không có dân tộc nào sạch sẽ bằng dân Nhật, đường sá không có rác, nhà cửa không dơ bẩn. Bất cứ mùa nào trong năm, nếu bất ngờ đến thăm nhà người quen, quý vị cũng thấy nhà họ rất sạch, có bình hoa đạo. Có thể nói nếp sống sạch và đẹp luôn gắn liền với cuộc sống tu hành của họ, làm cho tâm hồn người ta an vui, dù đang ở mùa Đông. Thiết nghĩ Phật tử chúng ta nên học cách sống sạch đẹp của họ, không những trong nhà mình sạch, trước cửa nhà cũng sạch, mà cả ngoài đường cũng giữ cho sạch. Gần đây, tôi thấy dân mình ưa vứt chuột chết ra đường; đó là tật xấu không được phép duy trì, vì mình sợ dơ mà lại vứt bừa bãi để cho người khác gánh lấy cái dơ đó. Hoặc trong những ngày Xuân, đường hoa Nguyễn Huệ ở thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng rất đẹp giúp cho nhiều du khách trong và ngoài nước được dịp thưởng ngoạn nhiều loại hoa Xuân; đó là một nét sinh hoạt rất độc đáo của thành phố chúng ta, trong khi ở Hà Nội trưng bày hoa kiểng làm đẹp cho thủ đô trong mùa Xuân thì những người vô ý thức đã tràn vào bẻ hoa, nhổ cả cây, trong đó có những cây hoa anh đào được mang từ Nhật sang tặng cho đất nước chúng ta, thật đáng xấu hổ.

267696036_998439277438771_6799562134195034830_n.jpg

                                              Hình ảnh Tết tại chùa Long Hưng - Đông Anh - Hà Nội

Cần phải giáo dục con cháu chúng ta, từ trẻ thơ năm, ba tuổi, nên dạy cho chúng cách sống văn minh lịch sự, từ việc đơn giản như ăn kẹo thì phải tìm giỏ rác bỏ giấy gói kẹo, cho đến làm sạch nhà cửa, đường phố. Xây dựng trong lòng an vui, nhà cửa sạch đẹp, xã  hội an toàn; thực hiện được tinh thần này thì trong cả bốn mùa, chúng ta đều có mùa Xuân và Xuân trong lòng là quan trọng nhất theo đạo Phật, vì Phật dạy rằng tâm ảnh hưởng đến vật bên ngoài.

Thật vậy, kinh Hoa Nghiêm đã khẳng định rằng "Nhứt thiết duy tâm tạo”. Cho nên tâm làm chủ tất cả, tâm tạo nên mùa Xuân, tạo nên sự đẹp đẽ, sự an lành, sự hạnh phúc… và tâm cũng tạo nên sự dơ bẩn, sự xấu xa, sự ác độc, sự đau khổ… Ý thức được rằng tâm làm chủ, Phật tử chân chánh tu hành xây dựng cho được mùa Xuân trong lòng mình trước. Vì vắng bóng mùa Xuân trong tâm, cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương mới đau khổ thốt lên rằng "Xuân sang mà vẫn là Thu trong lòng”, nghĩa là dù cảnh vật bên ngoài đang vui, đang là Xuân, nhưng trong lòng ông vẫn thấy buồn, vẫn là Thu ảm đạm.

Đối với người tu, cảnh bên ngoài là Thu, là Đông, hay là Hạ, lòng hành giả vẫn là Xuân tươi vui. Mãn Giác Thiền sư tu hành ngộ đạo, nhận ra mùa Xuân bất tử và đắc ý cảm tác hai câu thơ rằng:

Đừng bảo Xuân tàn, hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai.

Hoa mai tiêu biểu cho chúa Xuân vẫn nở thắm ngoài sân, dù mùa Xuân của trời đất đã qua đi. Bởi đóa hoa mai đang nở rộ trong lòng ngài tương ưng với đóa hoa mai bên ngoài một cách sâu sắc. Còn hoa mai bên ngoài đang khoe sắc, mà trong lòng chúng ta đang giá rét thì không nên chút nào. Ở Nhật Bản, mùa Xuân vào tháng Hai dương lịch, thời tiết vẫn còn lạnh, nhưng hoa mai vẫn nở trong giá buốt.

Đạo Nho sử dụng cành trúc tiêu biểu cho người quân tử, vì tâm người đàn ông thường trống rỗng, ít thắc mắc, nhỏ nhen, ích kỷ, được ví như cây trúc rỗng ruột; cho nên họ tu hành dễ đắc đạo.

Tuy nhiên, muốn tu hành, dù là nam giới hay nữ giới, Đức Phật khuyên phải bước vào cửa Không, gọi là Không giải thoát môn. Vì vậy, người đàn ông thực hiện tâm trống không, không cố chấp, dễ giải thoát và người đàn bà cắt bỏ tánh ích kỷ cũng được giải thoát. Long Nữ tám tuổi thành Phật, bước vào thế giới vô cấu hay là đóa hoa sen vươn lên từ bùn nhơ. Còn chúng sinh chui vô bùn trở thành con lươn, con lịch; nhưng vượt lên khỏi bùn, khỏi nước mới thành đóa sen thơm ngát, thành Phật.

Trên lộ trình tu, bước một, Phật dạy chúng ta phải nhập Không quán, bỏ rơi tất cả mọi việc, tức không để cho mọi sự việc tác động tâm mình :

Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm

Danh lợi lòng băng với bão đêm.

Nhập Không môn, chúng ta buông bỏ, đừng để vướng bận thân tâm, mới được giải thoát. Và bước vào cửa Không rồi, thì nam nữ đều như nhau. Long Nữ thành Phật thể hiện ý này.

Tôi còn nhớ cố Hòa thượng Trí Thủ đã dạy tôi rằng tu hành phải sống như cây trúc. "Vị xuất địa thời tiên hữu tiết”, nghĩa là cây trúc chưa ra khỏi mặt đất cũng có lóng mắt. Chúng ta tập sống có tiết tháo của người quân tử, là ít lỗi lầm, hay không lỗi lầm. Là người xuất gia hay tại gia, nếu sống buông thả, lỡ bước sa chân thì sau muốn quay trở lại cũng không được; cho nên phải từng bước tiến tu cho vững chắc.

Và "Đáo lăng vân xứ cánh hư tâm”, nghĩa là cây trúc càng lên cao thì càng rỗng ruột. Người tu càng tiến xa trên con đường đạo, cần phải buông bỏ cho nhẹ. Nói cách khác, càng tu lâu, càng lớn tuổi, càng phải mở rộng tấm lòng bao dung. Có nhiều người càng lớn tuổi lại càng sống cố chấp, khiến cho người thân, con cháu không dám gần gũi. Thắc mắc quá, bắt lỗi đủ cách, làm sao sống chung được với ai.  Người có tấm lòng rộng mở, thì con cháu sum vầy vui vẻ, cho nên có gia đình sống chung với nhau đến bốn đời một cách hòa thuận, hạnh phúc. Là Phật tử phải nhận ra ý này để xây dựng cuộc sống gia đình lúc nào cũng là mùa Xuân và với thân tâm an lạc như vậy thì đến chùa cũng đem lại không khí Xuân cho bạn đạo, đem lại niềm vui cho cả đạo tràng.

Chúng tôi kết thúc bằng bài thơ Xuân rất đặc sắc của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, quý Phật tử cùng suy gẫm:

Niên thiếu chưa từng lẽ sắc Không

Ngày Xuân hoa nở rộn tơ lòng

Chúa Xuân nay đã thành quen biết

Thiền tọa an nhiên ngắm bóng hồng.

http://www.chuahuenghiem.net/


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage