Phật Học Online

24 giờ thiền định cho Địa cầu
Hoang Phong chuyển ngữ

Trang mạng Buddhaline.net, một trang mạng Phật giáo rất uy tín vừa phổ biến lá thư số 139 (tháng 10/2015) với chủ đề "Thiền Định", nhằm đánh dấu 15 năm thành lập trang mạng này, và đồng thời kêu gọi những người Phật tử khắp nơi hãy hưởng ứng chương trình "24 giờ thiền định cho Địa cầu" ("24 heures de méditation pour la Terre") sắp được tổ chức trên toàn thế giới.  

             Lời kêu gọi này là để làm hậu thuẩn cho Hội nghị Paris COP21 (Conference de Paris 21) do Liên Hiệp Quốc tổ chức nhằm tìm giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu trên địa cầu (United Nations Conference on Climate Change). Hội nghị sẽ diễn ra từ 30 tháng 10 đến 11 tháng 11 sắp tới. Ban Biên Tập của trang mạng Buddhaline đưa ra những lời kêu gọi như sau:

                      "Chúng tôi mở ra trên trang mạng Buddhaline một "Không gian mới dành cho chủ đề luyện tập Thiền định", nhằm đánh dấu 15 năm thành lập trang mạng của chúng tôi vào tháng 9 năm 2000, và đáp ứng nhu cầu khẩn thiết về một sự an bình nội tâm trong bối cảnh hiện tại, hầu giúp con người có thể đương đầu với các khó khăn riêng tư của mình cũng như những sự thách đố của cả xã hội tân tiến ngày nay.

             Hội thảo mà chúng tôi đề nghị trên đây là để hưởng ứng "Các buổi Thiền định 24 giờ cho Địa cầu" sẽ được tổ chức ngày 01 tháng 11, 2015 sắp tới tại hội trường "Grand Rex" ở Paris, và nhiều nơi khác trên khắp hành tinh này. Các vị thiền sư sẽ chủ trì những buổi hành thiền kéo dài liên tục trong suốt 24 giờ, (xin xem trang mạng http://www.24earth.org/).

             "Không gian hội thảo" trên trang mạng của chúng tôi là một diễn đàn chung với mục đích trao đổi sự hiểu biếttruyền đạt kinh nghiệm giữa tất cả mọi người. Diễn đàn này sẽ đề nghị một danh sách một số bài viết [với chủ đề thiền định] của các tu viện, các tông phái và học phái khác nhau, cũng như các nguồn tư liệu hữu ích cho người tu tập qua sự nối kết với các trang mạng khác" (danh sách này quá dài nên không trích dẫn ra đây)

             Ngoài ra trong lá thư trên đây, Ban Biên tập của trang mạng Buddhaline còn đưa ra bốn bài giảng tiêu biểu làm chủ đề bàn thảo cho diễn đàn:

             1- Đức Đạt-lai Lạt-ma: "Muốn tu tập thì phải làm thế nào: Có ba cách tu tập" (Comment Pratiquer : Trois manières de pratiquer)

             2- Ajahn Chah: "Lời khuyên cho người hành thiền thối chí" (Conseils à un méditant découragé)  

             3- Thích Nhất Hạnh: "Sự dừng lại, thanh thản, nghỉ ngơi và chữa lành bệnh tật" (L’arrêt, le calme, le repos et la guérison)

                    4- Pema Chödrön: "Ba điểm về sự tinh khiết" (La pureté en trois points)

             Bài giảng thứ nhất của Đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ được chuyển ngữ dưới đây:

            Muốn tu tập thì phải làm thế nào:

Có ba cách tu tập

 (Comment Pratiquer : Trois manières de pratiquer)

Đức Đạt-lai Lạt-ma

 images.jpg

 Nền tảng Phật giáo phản ảnh sự Giác Ngộ của chính Đức Phật

             Theo một số các học phái Phật giáo thì Đức Thích-ca Mâu-ni là Vị Phật đầu tiên đạt được Giác Ngộ vào thế kỷ thứ VI trước Tây Lịch ở Ấn Độ, nhờ luyện tập theo một Con Đường mà chính Ngài đã khám phá ra (đây là quan điểm của các học phái thuộc Phật giáo Theravada còn được gọi không chính xác là Phật giáo "Nam Tông", Phật giáo "Nguyên Thủy" hay Phật giáo Tiểu Thừa). Theo các học phái này thì trước khi thành Phật, Ngài là một hoàng tử, cũng là một con người như tất cả chúng ta. Câu trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng gián tiếp cho biết là sau Đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng đã có các vị Phật khác đạt được Giác Ngộ). Một số học phái khác thì tin rằng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã đạt được Giác Ngộ từ trước, và Ngài tái sinh vào thế kỷ thứ VI trước Tây Lịch (trên địa cầu này) là với mục đích chỉ cho chúng ta thấy Con Đường (đây là quan điểm của các học phái Phật giáo Đại Thừa). Quan điểm này cũng là quan điểm của chúng tôi ở Tây Tạng. Các môn đệ của Đức Phật nhìn vào tấm gương của Ngài để tu tập hầu mang lại sự Giác Ngộ cho chính mình.  

             Dù là theo quan điểm nào (Phật giáo Theravada hay Đại Thừa) thì chúng ta cũng chỉ cần hiểu rằng: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni sinh ra ở nước Ấn, trong một gia đình hoàng tộc, hứa hẹn một cuộc sống đầy lạc thú. Thế nhưng lúc hai mươi chín tuổi, sau khi nhận thấy bản chất khổ đau của thế giới, thì Ngài bèn chối bỏ vị thế vương quyền của mình, cắt tóc, rời xa gia đình, chọn lý tưởng đạo đức và cuộc sống của một người tu hành.

             Trong sáu năm liền, Ngài say mê luyện tập theo các phép thiền định thật khắc nghiệt của những người tu hành khổ hạnh hầu hy vọng đạt được thể dạng thiền định mang lại một sự tập trung cao độ (những người tu hành khổ hạnh thời bấy giờ quan niệm rằng phải khắc phục và đè nén những đòi hỏi của thân xác thì mới có thể phát huy được sức mạnh tâm thần).

 Sự giác ngộ của Đức Phật

             Sau đó dưới một cội Bồ-đề (Bodhi) ở một nơi gọi là Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), Ngài đã luyện tập theo các phương pháp chuyên biệt giúp mình phát huy trí tuệ và đạt được sự Giác Ngộ. Sau đó Ngài đã thuyết giảng trong suốt bốn mươi lăm năm liền, và tịch diệt khi tám mươi mốt tuổi. Chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống của Đức Phật gồm có ba giai đoạn: trước hết là đạo đức, sau đó là thiền định chú tâm, và sau cùng là trí tuệ (ba giai đoạn này còn được gọi là: tu giới, tu định và tu tuệ). Con Đường đòi hỏi rất nhiều thời gian.   

 Sự biến cải tuần tự

             Nếu muốn phát huy tâm thức thì phải hội đủ nhiều nguyên nhân và điều kiện nội tâm, tương tự như một trạm không gian đòi hỏi sự hợp tác của nhiều thế hệ bác học nhằm phân tích và thử nghiệm thật tỉ mỉ các thành phần tạo ra trạm không gian ấy. Không thể nào thực hiện một trạm không gian hay tạo ra một tâm thức giác ngộ trong vòng một ngày được. Cũng vậy, các phẩm tính tinh thần chỉ có thể được phát huy nhờ vào thật nhiều phương tiện khác nhau. Tuy nhiên, khác với một trạm không gian được thiết kế với sức làm việc của cả một đội ngũ, tâm thức của quý vị chỉ có thể được phát huy bởi chính quý vị mà thôi. Không ai có thể làm việc ấy thay quý vị để quý vị chỉ ngồi chờ kết quả. Không thể nào giải đoán được mô hình phát triển tâm linh bên trong tâm thức một người khác rồi sau đó chuyển sang cho mình. Chính mình phải tự tạo ra cho mình sự thực hiện ấy.

             Các quá trình tu tập giúp mang lại một cung cách hành xử từ bi và phát huy trí tuệ là các quá trình diễn tiến rất chậm. Trong khi quý vị quen dần với các kỹ thuật phát huy đạo đức, sự tập trung và trí tuệ, thì các thể dạng tâm thần bất trị của quý vị cũng sẽ giảm bớt đi. Nếu quý vị chuyên cần luyện tập các phương pháp tập trung tâm thần và phát huy trí tuệ thì các xung năng hung dữ của quý vị sẽ theo đó mà giảm bớt đi. Quý vị phải luyện tập các phương pháp ấy, ngày này sang ngày khác, năm này sang năm khác. Trong khi biến cải tâm thức mình thì quý vị cũng sẽ biến cải được cả những người khác chung quanh quý vị. Họ sẽ nhận thấy sự lợi ích mang lại từ việc luyện tập của quý vị về lòng bao dung và tình thương yêu, và họ cũng sẽ luyện tập theo hầu biến cải cuộc sống của chính họ.     

 Ba phép luyện tập

             Giáo huấn của Đức Phật được phân chia thành ba thể loại:

             * Kỷ cương đạo đức (một cuộc sống đạo hạnh).

            * Các bài giảng về phép thiền định tập trung (sự chú tâm - có thể hiểu là một thể dạng tâm thần trong sáng và thăng bằng, luôn hướng vào Đạo Pháp và nội tâm mình).  

            * Sự hiểu biết về cách luyện tập mang lại trí tuệ (sự quan sát, lý luận và suy tư nhằm tìm hiểu bản chất đích thật của mình và thế giới)

             Trong mỗi văn bản thiêng liêng (tức là các bài kinh do Đức Phật thuyết giảng) đều nêu lên một phép luyện tập chủ yếu phản ảnh một sự kết hợp tuyệt vời giữa: 1- sự "tĩnh lặng của tâm thức" (thiền định tập trung) (thể dạng bình lặng và thăng bằng của sự chú tâm cao độ, còn gọi là "định"/samadhi), và 2- sự "xuyên thấu chuyên biệt" (trí tuệ) (tức là sự quán thấy sâu xa theo một đường hướng hiểu biết đặc thù gọi là "quán"/vipassana). Và nếu muốn thực hiện được sự kết hợp giữa hai thứ ấy thì trước hết phải tạo ra cho mình một nền tảng đạo đức (đây là ba giai đoạn trên con đường của một  người tu tập:1- tạo ra cho mình một cuộc sống đạo hạnh; 2- phát huy một tâm thức thăng bằng và tập trung; 3- nhờ vào sự chú tâm đó người tu tập sẽ không bị xao lãng và mang lại cho mình một sự quán thấy siêu việt về bản chất của mình và của thế giới, sự quán thấy ấy được gọi là trí tuệ. Thật ra trên thực tế cả ba giai đoạn hay cấp bậc trên đây phải được thực hiện cùng một lúc, bởi vì cả ba đều liên đới và hỗ tương nhau: thiếu đạo đức sẽ không thể nào thực hiện được một tâm thức thăng bằng và tập trung; một tâm thức thiếu thăng bằng và tập trung sẽ không thể nào quán thấy được bản chất của hiện thực; sự quán thấy hiện thực - bản chất của mình và thế giới, chẳng hạn như khổ đau và vô thường - sẽ làm gia tăng thêm lòng quyết tâm thực thi đạo đức tức là trở lại giai đoạn một. Tóm lại đó là một quá trình xoay vần).   

 Tính cách tuần tự trong việc tu tập

             Các giai đoạn chủ yếu trong việc luyện tập là: đạo đức (không sát sinh, bố thí, thương yêu...), thiền định tập trung (các phương pháp thường thấy trong phép luyện tập thiền định này là theo dõi hơi thở hoặc chú tâm vào một điểm) và trí tuệ (tức là sự quán thấy bản chất của tất cả mọi hiện tượng và sự vận hành của thế gíới). Lý do phân chia việc luyện tập thành ba giai đoạn là: Nếu muốn cho trí tuệ của sự quán thấy đặc thù (special penetration / vipassana) có thể loại bỏ được các thứ chướng ngại hầu mang lại cho mình một sự hiểu biết đích thật, giúp mình loại bỏ các thể dạng tâm thần sai lầm từ căn bản (chẳng hạn như xem các hiện tượng là thật và trường tồn, xem mình là trung tâm của vũ trụ, xem cái "ngã" là chính mình, v.v.) thì phải cần đến phép thiền định tập trung, có nghĩa là phải phát huy một thể dạng quyết tâm tuyệt đối, loại bỏ được tất cả mọi sự xao lãng trong nội tâm mình.  Nếu không thì tâm thức sẽ bị vỡ ra từng mảnh vụn. Nếu không thực hiện được thể dạng thiền định tập trung thật cao độ thì trí tuệ sẽ èo uột. Cũng thế, khả năng soi sáng của một ngọn nến trước một cơn gió sẽ bị kém đi. Vì thế phải thực hiện được thể dạng thiền định tập trung trước khi có thể phát huy trí tuệ. Thể dạng thiền định chú tâm đó sẽ giúp loại bỏ các sự xao lãng tinh tế bên trong nội tâm (các tư duy và xúc cảm - thường là khổ đau - thật sâu kín và khó nhận biết, nếu không suy tư và thiền định thì khó có thể ý thức được sự hiện diện của chúng trong tâm thức mình), và cả các thể dạng tâm thần quá buông thả hay quá căng thẳng.

           Nếu muốn thành công trong việc tập trung tâm thần đó thì chúng ta phải loại bỏ những sự xao lãng bên ngoài, bằng cách phát huy thể dạng tỉnh giác của tâm thức (mindfulness / pleine conscience) đối với các sinh hoạt thân xác và ngôn từ. Đấy là cách phải thường xuyên ý thức về tất cả các sự sinh hoạt của mình từ thân xác đến từng lời ăn tiếng nói. Nếu không loại trừ được các sự xao lãng ấy thì cũng sẽ khó lòng cho chúng ta vượt lên trên các sự xao lãng tinh tế hơn (tức là các sự xao lãng sâu kín trong nội tâm mình, chẳng hạn như các sự hoang mang, thèm muốn, ước mơ, hy vọng..., là các thứ khích động và thúc dục bản năng rất "tự nhiên" của sự sống). Tạo ra một tâm thức tỉnh giác (mindfulness/tâm linh tỉnh thức) là cách mang lại cho mình sự tĩnh lặng tâm thần (tức là thể dạng vắng lặng và thăng bằng của tâm thức còn gọi là định /samadhi - đã được nói đến trên đây). Cần phải phát huy một tâm thức đạo đức trước khi nghĩ đến việc thiền định tập trung (thật hết sức hiển nhiên: một tâm thần xao động chi phối bởi hận thù, hung dữ, mưu mô, lừa lọc, dối trá, xảo quyệt, oán hận, thù hằn, tiếc nuối, thích giết chóc, say mê của cải,...sẽ  không sao thực hiện được một sự chú tâm cao độ, hầu có thể mang lại cho mình một thể dạng tâm thức tĩnh lặng và trong sáng).       

                       Theo kinh nghiệm của tôi thì cuộc sống xuất gia nơi chốn chùa chiền sẽ giúp mình tránh bớt được các sự trói buộc và sinh hoạt bên ngoài, điều ấy có nghĩa là tôi có nhiều thì giờ hơn để tập trung vào việc tìm hiểu các vấn đề tâm linh. Lời nguyện quyết tâm giới hạn bớt các sự sinh hoạt vô bổ thuộc thân xác và ngôn từ (trong lúc chúng ta giải trí, tập thể dục thẩm mỹ, trang điểm thân xác, hát karaoké, bàn cãi đủ mọi chuyện, hoặc ăn nói huyên thiên..., thì người tu hành ngồi xuống thật yên lặng để tìm hiểu tâm thức mình hầu giúp mình trở về với con người đích thật của chính mình. Hai phương pháp tiếp cận sự sống khác nhau tất sẽ phải mang lại các kết quả khác nhau) là cách giúp tôi ý thức được cung cách hành xử của tôi, và thôi thúc tôi phải quán xét những gì xảy ra trong tâm thức tôi. Dù không hề quan tâm đến việc thiền định chú tâm đi nữa thì ít ra tôi cũng phải canh chừng tâm thức tôi, hầu giúp nó không bị rơi vào sự xao lãng (trong cuộc sống thường nhật, chúng ta phải thực hiện một sự chú tâm tối thiểu nào đó thì mới có thể giúp mình đối đầu với một số khó khăn, chẳng hạn như tránh bớt được tai nạn và rủi ro, không ăn nói lỡ lời, không gây lầm lẫn và sai trái cho mình và kẻ khác. Một người tu tập dù còn ở một cấp bậc thấp cũng có thể phát huy được một sự chú tâm cao hơn, mang lại cho mình những sự nhận xét minh bạch và sáng suốt, và tạo ra cho mình một cung cách hành xử đúng đắn hơn. Một người tu tập cao thâm phát huy được một sự tập trung tâm thần cao độ sẽ giúp mình quán thấy được sự vận hành sâu kín của tri thức mình cũng như các tác động của nghiệp đang chi phối sự suy nghĩ và các hành động của mình; đối với bối cảnh bên ngoài thì mình quán thấy được bản chất đích thật của mọi hiện tượng và sự vận hành của thế giới. Tất cả những sự quán thấy ấy có thể khiến mình bất thần cảm thấy đã loại bỏ được các thể dạng vô minh trong tâm thức mình trước đây. Sự cảm thấy đột ngột đó còn được gọi là sự giải thoát hay giác ngộ).  Vì thế trước đây lúc nào tôi cũng chú tâm vảo việc luyện tập phép thiền định tập trung tâm thức hướng vào một điểm. Và các lời nguyện giữ gìn đạo đức thì làm căn bản cho cuộc sống của tôi (nay Ngài đã đạt được Giác Ngộ, đạo đức và sự chú tâm đã trở thành các phẩm tính tự nhiên của Ngài). Nếu phân tích ba phép luyện tập trên đây - đạo đức, thiền định chú tâm và trí tuệ - thì chúng ta sẽ nhận thấy mỗi phép luyện tập đều là một cơ sở tất yếu giúp thực thi phép luyện tập tiếp theo. Sự tuần tự giữa ba phép luyện tập ấy nói lên cuộc sống của chính Đức Phật. Tóm lại bất cứ một sự thăng tiến tâm linh nào cũng đều phải dựa vào một cơ sở đạo đức chính xác.

  Vài lời ghi chú của người dịch

             Điểm đáng lưu ý nhất trong bài giảng trên đây là Đức Đạt-lai Lạt-ma cho biết rằng toàn bộ nền tảng Phật giáo phản ảnh từ cuộc sống của Đức Phật. Cuộc sống đó gồm ba giai đoạn: đạo đức, thiền định chú tâm và sự hiểu biết. Trong khi Ngài từ bỏ danh vọng, của cải, vợ con để mong cầu con đường giải thoát, thì chúng ta lại say mê chạy theo những thứ ấy. Trong khi Ngài ngồi im để trở về với chính mình, tìm hiểu mình và thế giới, thì chúng ta lại phóng tâm ra bên ngoài, chạy theo mọi thứ giải trí, trau chuốt thân xác, thả lỏng những đòi hỏi bản năng. Trong khi Đức Phật khám phá ra bản chất đích thật của chính Ngài và thế giới, thì chúng ta đắm mình trong u mê, hận thù, hung dữ, thèm khát, tham lam, oán hận..., mang lại mọi thứ khổ đau cho mình. Trong khi Đức Phật đi chân đất, khoác lên người một chiếc áo vá, ôm bình bát khất thực từng ngày, thì mình mua sắm quần áo đẹp, tìm miếng ăn ngon, tìm cách giải trí và vui chơi.

             Đôi khi chúng ta cũng nên nhìn vào tấm gương của Đức Phật và nhìn lại mình để xem chính mình có bước đúng theo Con Đường mà Đức Phật đã vạch ra cho mình hay không. Tự hỏi như thế cũng là một cách nhắc nhở mình nên tu tập một cách đúng đắn và nghiêm chỉnh hơn hầu biến cải chính mình. Và đấy cũng là những gì tối thiểu trước khi có thể nghĩ đến bổn phận to lớn hơn đối với kẻ khác, chẳng hạn như tréo chân ngồi xuống, mở rộng tim mình để thương yêu con người và gian nhà đang bị tàn phá này của tất cả chúng sinh.

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 28.10.15

                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

 Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp của bài chuyển ngữ trên đây trên trang mạng: http://www.buddhaline.net/Comment-Pratiquer-Trois-manieres

Nguồn: Bouddha Bouddhisme Enseignements
https://www.facebook.com/Bouddha.Bouddhisme.Enseignements


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage