Phật Học Online

Tầm quan trọng của Giới – Định – Tuệ trong đời sống tu tập
(HT. Thích Giác Toàn)

Trong kinh Đại-bát Niết-bàn, Đức Phật dạy: “Thành báu chánh pháp trang nghiêm, đầy đủ các thứ công đức trân bảo Giới, Định, và Trí huệ làm tường thành và hào thành. Nay các thầy gặp được thành báu Phật pháp, chẳng nên lượm lấy những vật hư ngụy” [1]. Có thể thấy, ba pháp học này là nguồn cội phát sinh mọi công đức, là bảo sở trang nghiêm, là giềng mối thực hành của Phật giáo giúp hành giả y cứ vào đó học hỏi, tu tập hầu thăng tiến trên con đường tìm về bến giác.


1. TĂNG THƯỢNG GIỚI HỌC

Giới (Pāli: Sīla), dịch âm là Thi-la, chỉ những điều răn cấm do Đức Phật đặt ra khiến các đệ tử xuất gia và tín đồ tại gia giữ gìn để ngăn ngừa tội lỗi. Là một trong ba học, một trong sáu Ba-la-mật, một trong mười Ba-la-mật… Giới là nền tảng thực tiễn của Đạo Phật, cho nên, cùng với Định và Tuệ được gọi chung là Tam học, cũng là một trong năm phần pháp thân, gọi là Giới thân [2].

“Thành báu chánh pháp trang nghiêm, đầy đủ các thứ công đức trân bảo Giới, Định, và Trí huệ làm tường thành và hào thành. Nay các thầy gặp được thành báu Phật pháp, chẳng nên lượm lấy những vật hư ngụy”.

Theo Tứ phần luật, giới được chia làm bốn: Giới pháp, Giới thể, Giới hạnh và Giới tướng. Giới pháp: Là những phép tắc do Đức Phật chế định; Giới thể: Là thể tính của giới, tức là cái không biểu hiện ra bên ngoài nhưng có công năng ngăn ngừa tội ác; Giới hạnh: Là sự tu hành giữ giới; Giới tướng: là hình tướng giữ giới.

Thông thường giới được hiểu là “phòng phi chỉ ác” (ngăn ngừa điều quấy, dứt điều ác do thân, khẩu, ý gây ra), hoặc “chỉ ác, tác thiện” (ngưng làm điều ác, thực hành điều lành). Trong Bát thánh đạo, giới là Giới uẩn gồm có: Chánh ngữ, Chánh nghiệp và Chánh mạng. Ở đây chỉ sự ngăn ngừa các hành động lỗi lầm của thân và khẩu. Khi các hành động lỗi lầm không làm thì tránh được nhiều sự tổn hại cho bản thân và những người khác.

Chữ giới trong Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa (Pāli: Pātimokkha) có nghĩa là Biệt giải thoát hay Xứ xứ giải thoát, Tùy thuận giải thoát. Biệt giải thoát là giải thoát từng phần: Giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Xứ xứ giải thoát là người giữ giới thì ở đâu cũng được an lạc, thảnh thơi. Tùy thuận giải thoát là giải thoát tùy thuộc vào quả Hữu vi hay Vô vi của người hành trì. Từ Pātimokkha thì có nghĩa là, theo cách phân tích từ ngữ, trói buộc các hành động, giữ gìn, thúc liễm các hành động của thân và khẩu không để cho rơi vào đường ác, sai lầm, tổn hại mình và người [3].

Đức Phật chế định Giới luật cho các vị xuất gia, giới này gồm 10 giới của Sa-di và Sa-di ni, cùng giới Cụ túc của Tỳ-kheo (250 giới) và Tỳ-kheo ni (348 giới). Hôm nay, các giới tử cầu thọ giới, tức là phát hạnh nguyện cao cả. Khi đã đắc Giới pháp thì các vị hãy phát nguyện thọ trì, y theo Giới luật mà tu hành. Bởi vì giới có chức năng phòng hộ, giúp người tu giữ gìn các căn, nuôi lớn các pháp lành, hướng đến nếp sống phạm hạnh. Luật tạng nêu rõ điều này trong phần “Mục đích của điều học”:

“Giới luật nhằm mục đích là thu thúc, thu thúc nhằm mục đích là không vi phạm, không vi phạm nhằm mục đích là khoan khoái, khoan khoái nhằm mục đích là hỷ, hỷ nhằm mục đích là tịnh, tịnh nhằm mục đích là lạc, lạc nhằm mục đích là Định, Định nhằm mục đích là thấy biết đúng theo bản thể, thấy biết đúng theo bản thể nhằm mục đích là nhờm gớm, nhờm gớm nhằm mục đích là ly tham, ly tham nhằm mục đích là giải thoát, giải thoát nhằm mục đích là thấy biết của giải thoát, thấy biết của giải thoát nhằm mục đích là Niết-bàn không còn chấp thủ” [4].

Trong phạm vi rộng giới còn chức năng điều phục, chế ngự bằng Chánh niệm tỉnh giác, bằng tri kiến, bằng kham nhẫn, cho nên người giữ giới thì viễn ly được lỗi lầm của ba nghiệp mà thành tựu được ba thiện nghiệp giải thoát. Với ý nghĩa đó, Giới luật được xem là nếp sống đạo đức, nếp sống hướng thượng. Kinh Tăng Chi, Đức Phật đã dạy “Giới ví như sắc đẹp của người tu” [5]:

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo đầy đủ sắc đẹp? Ở đây, các Tỳ-kheo giữ gìn Giới luật, sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là Tỳ-kheo đầy đủ sắc đẹp.”

Tư lương của người xuất gia là “Giới, Định, Tuệ”. Trong đó, Giới là bước đi đầu tiên, là thềm thang để tiến tới an trú Định và phát sanh Tuệ. Luật tạng dạy rằng: “Phật quy định, người xuất gia 05 hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về Giới luật, 05 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu Thiền học”. Do vậy, từ khi vào chùa xuất gia thì việc đầu tiên của Sa-di, tập sự là học và hành “Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu” nhằm trau dồi các hiểu biết về các giới điều, uy nghi và các thanh quy tối thiểu trong luật đạo để chấp trì, và cũng giúp vị ấy có đủ tư cách cần thiết cho việc thọ giới Cụ túc về sau.

Bản chất của giới là bảo hộ, là nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, là bức tường ngăn các nẻo phóng tâm, chẳng cho lục trần thâm nhập… giúp người xuất gia được tấn hóa, chứ không phải là sự trói buộc hay áp đặt người tu. Kinh Tăng Chi, Đức Phật đã dạy các thầy Tỳ-kheo phương cách thọ trì đầy đủ Giới hạnh, để không bị thối đọa, đạt an ổn, thoát ách nạn:

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo đầy đủ giới? Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn Pātimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp” [6].

Trong một bản kinh khác, “Đại Kinh Xóm Ngựa”, thuộc kinh Trung Bộ, Đức Phật buổi đầu đã chế định Giới luật rất giản dị, nhưng nội dung rất bao hàm, làm cơ sở hình thành Luật tạng sau này. Đức Phật dạy như sau:

“Sa-môn! Sa-môn! Này các Tỳ-kheo, dân chúng biết các ông là vậy. Và nếu các ông được hỏi: “Các ông là ai!” Các ông phải tự nhận: “Chúng tôi là Sa-môn.” Này các Tỳ-kheo, các ông đã được danh xưng như vậy, đã tự nhận là như vậy, thì này, các Tỳ-kheo, các ông phải tự tu tập như sau: “Chúng ta sẽ thọ trì và thực hành những pháp tác thành Sa-môn, những pháp tác thành Bà-la-môn. Như vậy, danh xưng này của chúng ta mới chân chánh và sự tự nhận này của chúng ta mới như thật. Và những đồ cúng dường mà chúng ta thọ hưởng như: Y phục, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh mới có được kết quả lớn, lợi ích lớn cho chúng ta. Và chúng ta xuất gia không thành vô dụng, có kết quả, có thành tích” [7].

Ngoài ra, trong bản kinh này Đức Phật còn dạy chúng Tỳ-kheo các pháp tác thành Sa môn, Bà-la-môn như: Vị ấy biết Tàm quý; Thân hành/khẩu hành/ý hành thanh tịnh; Sanh mạng thanh tịnh; Hộ trì các căn; Tiết chế ăn uống; Chánh niệm tỉnh giác… Người tu phải học và thực tập các pháp tác thành Sa môn nêu trên, để hướng đến mục đích cao thượng đó là giải thoát. Tuy chúng ta không thể thành tựu mục đích đó ngay trong đời này, nhưng đời sống thanh bạch và Giới hạnh trang nghiêm chính là nền tảng để nâng cao đạo hạnh của người xuất gia.

Thực hành Giới luật là trang nghiêm tự thân, là thanh tịnh hóa thân tâm, giúp hành giả an trú trong thiện pháp, dần phát triển toàn diện hai lĩnh vực quan trọng của tâm là sự tỉnh giác và chánh niệm, từ đó thúc đẩy và chế tác năng lượng thiện thông qua hành động, lời nói và ý nghĩ. Trường Bộ kinh dạy rằng: Nếu các vị Tỳ-kheo nghiêm trì Giới luật, lấy giới làm cương lĩnh tu tập để trang nghiêm huệ mạng, thì Tăng đoàn Phật giáo, chúng Tỳ-kheo đó sẽ được hòa hợp và hưng thịnh:

“Này các Tỳ-kheo, khi nào các vị Tỳ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những Giới luật đúng với Sa-môn hạnh, những Giới luật không bị  gãy vụn, không bị sứt mẻ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những Giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những Giới luật hướng đến định tâm, thời này các Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm” [8].

2. TĂNG THƯỢNG ĐỊNH HỌC

Định: Là dịch chữ Tam-muội của Phạn ngữ samādhi (tam-ma-địa, tam-muội), có nghĩa là sự chuyên chú, định tâm vào một đối tượng mà đạt đến trạng thái tinh thần không tán loạn, giúp loại trừ phiền não vô minh, vọng tưởng kiến chấp, đồng thời làm cho tâm trở nên vắng lặng. Đức Phật dạy: “Với người có giới, này các Tỳ-kheo, với người gìn giữ giới, chánh định do vậy được đầy đủ” [9].

Như vậy, Chánh định có mặt là hệ quả tất yếu của việc nghiêm trì Giới luật. Định cũng là một trong ba học; một trong Bát thánh đạo (Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định); một trong năm căn, năm lực nên cũng gọi là Định căn, Định lực; một trong Lục độ, tức là Thiền định.

Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy Tỳ-kheo khi đã an trụ nơi giới, kế đến phải siêng năng tinh tấn chế phục tâm mình, chớ cho chạy theo trần cảnh: “Tỳ-kheo các ông! Đã có thể trụ yên nơi giới rồi, nên chế ngự năm căn, chớ để phóng dật, chạy theo năm dục. Ví như người chăn bò, cầm gậy canh giữ, chẳng để cho tự do chạy bậy, xâm phạm ruộng người. Nếu buông thả năm căn, chẳng những chúng chạy theo năm dục không có giới hạn, không thể chế ngự được, lại như ngựa dữ không dây cương kiềm chế, sẽ lôi người xuống hầm hố. Như bị giặc cướp làm hại, chỉ khổ một đời này thôi, nhưng bị giặc năm căn gây hại, khổ nạn kéo dài nhiều kiếp, lại rất nặng nề, không thể không thận trọng” [10].

Trong một đoạn khác, khi tuyên thuyết về Định, Đức Phật dạy: “Tỳ-kheo các ông! Nếu người nhiếp Tâm thì Tâm được Định. Nhờ Tâm được Định, có thể biết được các tướng của pháp sanh diệt ở thế gian. Vậy nên, các ông thường phải tinh tấn tu tập các phép Định. Nếu người được Định thì Tâm chẳng tán loạn. Ví như người muốn giữ nước, phải khéo đắp sửa bờ đê. Người tu cũng thế, vì giữ nước Trí huệ, nên khéo tu Thiền định, chẳng để cho rỉ chảy mất. Như vậy gọi là Định” [11].

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là Tỳ-kheo đầy đủ sắc đẹp? Ở đây, các Tỳ-kheo giữ gìn Giới luật, sống hộ trì với sự hộ trì của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỳ-kheo, là Tỳ-kheo đầy đủ sắc đẹp.”

Nội dung cơ bản của Thiền định Phật giáo gồm Thiền chỉ và Thiền quán. Thiền chỉ là gom tâm lại một chỗ và làm muội lược năm triền cái, là trú tâm trên một đối tượng, một pháp nhất định, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, làm phát sinh hỷ lạc. Thiền quán là nhìn sâu để thấy rõ bản chất của sự việc, là tĩnh tâm tư duy, Chánh niệm tỉnh giác, ý thức rõ ràng những gì đang xảy ra trong bốn lãnh vực: Thân, thọ, tâm, pháp, từ đó nhận biết được thực tướng của các pháp là vô thường, vô ngã, tương tức và Niết-bàn:

“Có hai pháp, này các Tỳ-kheo, thuộc thành phần minh cần phải tu tập. Thế nào là hai? Chỉ và Quán. Chỉ được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Tâm được tu tập. Tâm được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Cái gì thuộc về tham được đoạn tận. Quán được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Tuệ được tu tập. Tuệ được tu tập, sẽ có lợi ích gì? Cái gì thuộc vô minh được đoạn tận.

Bị tham làm uế nhiễm, tâm không thể giải thoát. Bị vô minh làm uế nhiễm, tuệ không được phát triển. Như thế, do ly tham, là tâm giải thoát. Do đoạn vô minh, là tuệ giải thoát” [12].

Như vậy, Thiền định giúp cho tâm người tu được vắng lặng, đưa tâm trở về với thực tại, hầu gạn lọc phiền não, đạt được sự an ổn. Đức Phật dạy các Tỳ-kheo cần phải học tập như sau: “Nội tâm ta sẽ an trú, khéo vững trú. Các pháp ác, bất thiện khởi không có xâm chiếm tâm và không có chân đứng” [13].

“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, đem lại an lạc, này các Tỳ-kheo, như tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỳ-kheo, đem lại an lạc” [14].

Trong công án của các Thiền sư được ghi trong các ngữ lục, hình ảnh con trâu hiện lên khá sinh động, được xem là biểu tượng của quá trình “hàng phục tâm”. Hễ trâu lạc đường vào cỏ rậm thì “nắm mũi dắt về”, hễ ăn lúa mạ của người thì “đánh roi”; thuần hóa lâu ngày dần biến thành “trâu trắng”, ở bên mình suốt ngày. Chăn trâu là tu tâm, nhưng việc chăn trâu đâu có dễ dàng, nó đòi hỏi công phu, sự kiên nhẫn để điều phục, thuần tịnh, huấn luyện tâm khiến trừ những phiền não tạp loạn, quay về chân tâm thường tịnh, bản tính chân như nơi chính mình. Công án thiền sau đây chỉ rõ điều này:

 “Một hôm, Huệ Tạng (Thạch Củng) làm việc ở nhà trù, Mã Tổ xuống hỏi:

– Ông đang làm gì đó?

– Thưa! Con đang chăn trâu.

– Ông chăn làm sao?

– Khi trâu vào bụi ăn cỏ, con lấy thừng xỏ mũi dắt trâu về.

– Ông thật biết chăn trâu” [15].

Lúc đó, Huệ Tạng đang đun bếp, nếu thấy tâm không chú ý vào việc đun bếp liền lôi tâm lại, không ngừng huấn luyện chính mình đạt đến cảnh giới nhất tâm (chỉ chăm chú vào một việc) là công phu của Thiền. Khi thấy tạp niệm xuất hiện liền phát giác ra ngay, trở về chánh niệm. Như vậy, “chăn trâu kỳ thực là mài giũa bản tánh”.

Thiền định có công năng dứt bặt các trần duyên ngoại cảnh, giữ tâm thanh tịnh; bên ngoài không bị chi phối các tướng, bên trong tâm chẳng vọng loạn, đối cảnh vô tâm, không sở chấp, không dính kẹt nơi tướng trạng, do đó mà tâm không động niệm đó chính là Tịnh, Định. Lục tổ Huệ Năng dạy:

“Này thiện tri thức, sao gọi là Thiền định? Ngoài lìa tướng là Thiền, trong chẳng loạn là Định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm tức loạn; ngoài nếu lìa tướng, tâm tức chẳng loạn, bản tánh tự tịnh tự Định, chỉ vì thấy cảnh, suy nghĩ cảnh tức là loạn; nếu thấy các cảnh mà tâm chẳng loạn ấy là chân Định vậy” [16].

3. TĂNG THƯỢNG TUỆ HỌC

Tuệ (Pāli: Paññā), dịch âm Hán Việt là Bát-nhã, nói đầy đủ là Trí tuệ hay Tuệ giác. Đây là bước sau cuối và cao nhất trong Tam vô lậu học của Bát thánh đạo dựa vào Chánh kiến, Chánh tư duy dẫn đến mục tiêu giải thoát. Sở dĩ tuệ là bước cuối cùng cao nhất trong Tam vô lậu học là vì khi một hành giả thực hành Thiền định, đạt đến trạng thái nhất tâm thì luôn có sự xuất hiện của hỷ lạc, khinh an và tâm xả. Có ba loại Trí tuệ: Trí tuệ truyền đạt, Trí tuệ tư duy và Trí tuệ kinh nghiệm tu tập. Trong ba loại Trí tuệ này chỉ có Trí tuệ thứ ba mới có thể làm cho tâm thanh tịnh hoàn toàn. Trí tuệ này đạt được nhờ tu tập thiền Minh sát tuệ. Tuệ là một trong năm sức mạnh của tâm, một trong bảy chi phần giác ngộ và một trong mười Ba-la-mật.

Trong kinh tạng Nikāya, Trí tuệ được đề cập xuyên suốt và được miêu tả như là nút tháo gỡ cuối cùng đạt đến Niết-bàn. Để Trí tuệ tăng trưởng, mỗi người phải học và thực hành về pháp theo các bước “Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ”. Trong tiến trình này, Văn tuệ tức nhờ nghe, đọc, học, suy tư và suy niệm sâu sắc giáo pháp mà phát sanh Trí tuệ:

“Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Có hai pháp khiến người thành đạt Trí tuệ. Thế nào là hai pháp? Là thích hỏi nghĩa ở người khác; không tham ngủ nghỉ, có ý tinh tấn. Đó là, này Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến người có Trí tuệ, hãy học xa lìa pháp ác. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này” [17].

Có thể thấy, nội dung của Tuệ học chính là toàn bộ giáo lý mà Đức Phật đã thuyết giảng trong 49 năm, được tập trung trong giáo lý Tứ Đế và Duyên khởi. Nó bao gồm đủ cả Giới học và Định học. Nhận thức được giáo lý Nhân duyên hay Duyên khởi của vạn pháp là đặc tính của Trí tuệ. Thế Tôn nói như sau: “Ai thấy được lý Duyên khởi, người ấy thấy được pháp; ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý Duyên khởi” [18].

“Do cái này có mặt nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh nên cái kia sinh. Do cái này diệt nên cái kia diệt” [19].

“Này Hiền giả, như thế nào là được gọi là Trí tuệ? Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là Trí tuệ. Có tuệ tri gì? Có tuệ tri: Đây là khổ, có tuệ tri: Đây là khổ tập, có tuệ tri: Đây là khổ diệt, có tuệ tri: Đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vì có tuệ tri, có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là Trí tuệ” [20].

Như vậy, Trí tuệ trong Phật giáo là tuệ tri, cái nhìn sâu sắc và toàn diện về bản chất thật của sự vật là vô thường, đau khổ, vô ngã; sự thấu rõ tường tận về bốn chân lý: Thế nào là khổ (Bát khổ; năm Thủ uẩn là khổ); Nguồn gốc của khổ (vô minh và tham ái đưa đến tái sanh); sự diệt tận các khổ (đoạn trừ, không còn chấp thủ ái dục); con đường đưa đến đoạn diệt khổ (Bát thánh đạo tám ngành).

Đối với các Tỳ-kheo hữu học, kinh Tăng Chi đã liệt kê tám nhân duyên và điều kiện để đạt được Trí tuệ làm nền tảng cho đời sống tâm linh và đưa Trí tuệ đến mức độ thuần thục chín muồi:

 “Này các Tỳ-kheo, có tám nhân này, có tám duyên này, khiến căn bản phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với Trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn. Thế nào là tám?”

1. Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng phạm hạnh đóng vai trò Y chỉ sư, được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng. Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất khiến căn bản phạm hạnh chưa chứng được có thể chứng được với Trí tuệ, nếu chứng được thời đưa đến tăng trưởng, tăng rộng, được tu tập, được viên mãn.

2. Vị ấy do sống dựa trên bậc Ðạo sư hay bậc đồng phạm hạnh đóng vai trò Y chỉ sư, ở đây được an trú tàm quý một cách sắc sảo, được ái mộ, được kính trọng, thường đi đến họ hỏi đi hỏi lại: “Thưa Tôn giả, cái này là thế nào? Ý nghĩa cái này là gì?” Các Tôn giả ấy mở rộng những gì được mở rộng, phơi bày những gì không được phơi bày, và đối với những pháp còn đang nghi vấn, họ giải tỏa những nghi vấn. Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ hai (…) được viên mãn.

3. Vị ấy sau khi nghe pháp, cố gắng thành tựu hai sự an tịnh: Thân an tịnh và tâm an tịnh. Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ ba (…) được viên mãn.

4. Vị ấy có giới đức, sống chế ngự với sự chế ngự của Giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập các học pháp. Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ tư (…) được viên mãn.

5. Vị ấy nghe nhiều, thọ trì điều đã nghe, chất chứa điều đã nghe; những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý văn cú Cụ túc, đề cao đời sống phạm hạnh đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thể nhập chánh kiến. Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ năm (…) được viên mãn.

6. Vị ấy tinh cần tinh tấn, để đoạn tận các pháp bất thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, nỗ lực kiên trì, không bỏ rơi gánh nặng đối với các pháp thiện. Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ sáu (…) được viên mãn.

7. Vị ấy đi đến chư Tăng, không là người nói nhiều, không nói chuyện phù phiếm, tự mình nói pháp hay mời người khác nói, không khinh thường sự im lặng của bậc Thánh. Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ bảy (…) được viên mãn.

8. Vị ấy sống tùy quán sanh diệt trong Năm uẩn: “Ðây là sắc, đây là sắc tập khởi; đây là sắc chấm dứt; Ðây là thọ, đây là thọ tập khởi; đây là thọ chấm dứt; đây là tưởng… đây là hành… Ðây là thức, đây là thức tập khởi; đây là thức chấm dứt.” Này các Tỳ-kheo, đây là nhân thứ tám (…) được viên mãn” [21].

Đức Phật dạy tám nguyên nhân này không những giúp hành giả phát triển Trí tuệ mà còn chỉ rõ quy trình tuần tự của sự tu học. Do tám nhân duyên và điều kiện này, các bạn đồng tu kính trọng vị ấy như là người đã biết và thấy đúng như thật và những phẩm hạnh ấy đưa đến sự ái mộ, kính trọng, hòa hợp và đoàn kết. Mặt khác, khi chúng ta có duyên lành gặp được các bậc Thầy hiền khai thị liền tỏ ngộ, nhận ra tự tánh thanh tịnh nơi chính mình. Điển hình là câu chuyện về nhân duyên xuất gia của ngài Huệ Tạng (Thạch Củng):

“Lúc còn tại gia, Huệ Tạng chuyên nghề săn bắn, không thích gặp các nhà tu. Một hôm, nhân đuổi bầy nai chạy qua trước am Mã Tổ, gặp ngài đứng trước. Huệ Tạng hỏi:

– Hòa thượng thấy bầy nai chạy qua đây chăng?

Mã Tổ hỏi lại:

– Chú là người gì? – Thợ săn.

– Chú bắn giỏi không? – Bắn giỏi.

– Một mũi tên chú bắn được mấy con? – Một mũi bắn được một con.

– Chú bắn không giỏi.

– Hòa thượng bắn giỏi không? – Bắn giỏi.

– Một mũi tên Hòa thượng bắn được mấy con? – Một mũi tên bắn được một bầy.

– Sanh mạng chúng nó, đâu nên bắn một bầy!

– Chú đã biết như thế, sao không tự bắn? – Nếu dạy tôi bắn tức không có chỗ hạ thủ.

– Chú này phiền não vô minh nhiều kiếp, ngày nay chóng dứt.

Ngay khi đó, Huệ Tạng ném cung bẻ tên, tự lấy dao cạo tóc, theo Mã Tổ xuất gia” [22].

Thiền sư không phải là người không biết phải trái, mà là người ở trong phải trái có khả năng bao dung phải trái; biết cách khai mở, nâng đỡ giúp cái phải, cái thiện được hiển lộ. Ở đây, Mã Tổ không phạm tội nói dối, dù đó phương tiện nói dối ngài cũng không phạm. Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi của thợ săn là thấy hay không thấy đàn nai, thì Tổ dùng phương tiện, bẻ lái câu chuyện sang hướng khác nhằm hỏi ngược lại thợ săn. Hình thức đối đáp giữa ngài và thợ săn là cách kéo dài thời gian, để cứu đàn nai. Trong lúc đối đáp, người thợ săn không còn nhớ nghĩ đến việc săn mồi, chỉ tập trung vào lời đối đáp của Tổ.

Câu nói của Tổ: “Một mũi tên bắn được một bầy”, ý của Ngài là “Một mũi tên Trí tuệ bắn được cả bầy vô minh phiền não”. Đây được xem là tuyệt chiêu săn bắn trong nhà Thiền. Thợ săn nghe Tổ nói vậy tâm can chấn động, liền nói “Sanh mạng chúng nó, đâu nên bắn một bầy!” Dù là thợ săn chuyên nghiệp nhưng lòng từ vẫn còn, không nỡ giết chết một bầy nai. Lòng từ của thợ săn phát khởi, thì Tổ thấy anh này được hóa độ. Có lòng từ bi như vậy sao không tự bắn mình, mà lại mang cung đi bắn thú? “Nếu dạy tôi bắn tức không có chỗ hạ thủ”, tự bắn mình không được, vì cung tên khi kéo ra là bắn tới, chứ không thể kéo ra rồi bắn ngược trở lại, nên không có chỗ hạ thủ. Lời nói của Tổ có nội lực đi thẳng vào tâm người đối diện, khiến thợ săn tỏ ngộ “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”. Khi Trí tuệ hiển lộ thì phiền não lậu hoặc rơi rụng, chúng ta biết việc gì nên làm, việc gì nên buông để tâm không bị trói buộc bởi ngoại duyên.

4. GIỚI ĐỊNH TUỆ LÀ NỀN TẢNG CỦA SỰ TU TẬP, THÂN CHỨNG ĐẠO QUẢ

Giới, Định, Tuệ là nội dung cốt yếu cho sự tu học của người xuất gia. Đây là con đường duy nhất mà hành giả phải kinh qua để tiến đến giác ngộ giải thoát. Trong quá trình tu tập, ba chi phần này phải được phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, nhưng khi khởi sự tu tập không ai có thể bỏ qua Giới mà có Định, Tuệ. Người tu tập đúng pháp sẽ thấy rằng trong Giới luôn có Định và Tuệ; trong Tuệ luôn có Định và Giới… Trên đường từ thành Vương Xá đến thành Câu-thi-na nhập Niết-bàn, Đức Phật đã nhiều lần giảng đi giảng lại về mối liên hệ giữa Giới, Định, Tuệ để sách tấn chư Tỳ-kheo:

“Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu” [23].

Ở bản kinh khác, khi các học giới của Tỳ-kheo ngày một nhiều, mỗi nửa tháng đọc tụng một lần, thì khó có thể ghi nhớ hết các học pháp ấy để hành trì. Tỳ-kheo người Vajji đã đến đảnh lễ và trình bạch với Đức Phật, được Ngài dạy như sau:

“Bạch Thế Tôn, hơn 150 học pháp này, nửa tháng một lần con phải tụng đọc, ở đây, con không có thể học nổi.

– Này Tỳ-kheo, Thầy có thể học ba học pháp không, tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăng thượng Tuệ học?

– Bạch Thế Tôn, con có thể học ba học pháp, tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăng thượng Tuệ học.

Do vậy, này Tỳ-kheo, Thầy hãy học tập ba học pháp, tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăng thượng Tuệ học. Nếu Thầy học tập tăng thượng Giới học, tăng thượng Tâm học, tăng thượng Tuệ học. Này Tỳ-kheo, nhờ học tập ba học pháp này, tham sẽ đoạn tận, sân sẽ đoạn tận, si sẽ đoạn tận. Do đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si; điều bất thiện Thầy sẽ không làm, điều ác Thầy sẽ không theo” [24].

Tóm lại, người xuất gia dù theo truyền thống, hệ phái, pháp môn nào… thì việc tu – học cũng không rời Tam vô lậu học, vì đó là nền móng phạm hạnh giải thoát. Muốn đạt đến đạo quả thanh tịnh đương nhiên phải áp dụng ba môn học vô lậu Giới, Định, Tuệ. Nhờ có Giới chế ngự nên xa lìa các nguyên nhân gây nên tham ái; nhờ có Định và Tuệ cắt đứt tận cùng gốc rễ vô minh và tham ái nên đoạn tận khổ đau, dứt trần lao sanh tử. Kinh Tăng Chi một lần nữa ghi lại lời dạy của Đức Phật khuyến tấn chư Tỳ-kheo hành trì “ba tăng thượng học” trong mọi lúc mọi nơi; hãy chánh niệm, tỉnh giác, trì giới, định tâm, nhiếp ý. Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này sẽ đoạn tận ái, lìa vòng sanh tử, chấm dứt khổ đau [25]:

Người tinh tấn, nghị lực

Kiên trì và thiền tu

Sống hộ trì các căn

Hãy hành ba tăng thượng

Trước thế nào, sau vậy

Sau thế nào, trước vậy

Dưới thế nào, trên vậy

Trên thế nào, dưới vậy

Ngày thế nào, đêm vậy

Ðêm thế nào, ngày vậy.


Tạp chí văn hóa Phật giáo


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage