Phật Học Online

Kỷ niệm ngày Phật đản sinh
Thích Nữ Hằng Như

Lễ Phật Đản chính thức là ngày nào?

Nói đến Phật Đản mọi người đều hiểu đó là ngày sinh của đức Phật Thích Ca, là ngày mà các chùa chiền, tu viện ở nhiều quốc gia trên thế giớiđều long trọng tổ chức Lễ Phật Đản để kỷ niệm ngày ra đời của một vị Đại Giác Ngộ tại vườn Lâm-Tỳ-Ni. Tương truyền, nơi đây có cây cổ thụVô Ưu, ngàn năm hoa mới nở một lần. Nếu hoa nở trái mùa, thì đó chính là lời tiên tri thầm lặng của trời đất báo hiệu sự ra đời của một bậc vĩ nhân, vị ấy sẽ mang đến cho nhân loại một làn gió mới, một cuộc sống mới, giúp họ hướng về tâm linh để tự giải thoát mình ra khỏi sự trói buộc của tham ái dục vọng, của thành kiến định kiến chủ quan, của ích kỷ hẹp hòi và nhất là những tà kiếnmê muội, mà những thứ đó chính là gốc rể nguyên nhân đưa đẩy, lôi kéo và nhận chìm họ trong bể khổ từ đời này qua đời khác. Và, hoa Vô Ưu đã nở rộ toả hương thơm ngát cả một vùng không gian rộng lớn của khu vườn Lâm-Tỳ-Ni, thuộc giữa quốc gia Ca-Tỳ-La-Vệ và Nepal để chào mừng Thái tử Tất-Đạt-Đa, mà sau này trải qua một thời gian tu hành, Ngài đã chứng được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thoát khỏiluân hồi sinh tử. Bánh xe pháp đã được Ngài vận chuyển trao truyền trong suốt 45 năm (có sách ghi là 49 năm) cho đến khi Ngài nhập Niết Bàn vào năm 80 tuổi. Và, Chánh pháp đó, học thuyết đó, vẫn còn tiếp tục lưu truyền khắp nơi trên toàn cầu, được mọi người đón nhận, nghiên cứu, học hỏi, thực hành cho đến ngày hôm nay, sau hơn hai ngàn năm trăm năm kể từ khi Ngài nhập diệt.

          Đức Phật Thích Ca xuất thân là một Thái tử tên là Siddhattha (P), Siddhàrtha (Sanskrit) dịch âm là Tất-Đạt-Đa hay Sỹ-Đạt-Ta nghĩa là "vạn sự cát tường" hay "người được toại nguyện". Họ của ngài là Gotama (P), Gautama (Skt) người ta thường gọi là Sa môn Cồ Đàm hay Bồ tát Cồ Đàm. Con của vua Suddhodama (Tịnh Phạn) và chánh hậu Mahamayadevi (thường được biết đến là Hoàng hậu Ma-Gia) thuộc bộ tộc Thích Ca, nước Ấn Độ cổ đại.

          Đức Phật được ghi nhận sinh vào năm 624 trước Tây lịch và Đại lễ Phật Đản đã được các tín đồ Phật giáo tổ chức hàng năm lưu truyền từ ngàn xưa cho đến ngày hôm nay. Một số các nước ở Châu Á, với đa số Phật tử ảnh hưởng Bắc Tông như: Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam thường tổ chức Lễ Phật Đản vào ngày mồng Tám tháng Tư âm lịch. Các quốc gia theo Nam Tông thì tổ chức vào ngày trăng tròn của tháng Tư âm lịch.

          Trong đại hội Phật giáo tại Colombo, Sri-Lanka, với sự tham gia của nhiều phái đoànđến từ 26 quốc gia thành viên, từ ngày 25-5 đến 8-6-1950 đã ra quyết định thống nhất ngày Phật Đản Quốc Tế là ngày Rằm tháng Tư âm lịch.

          Liên hệ đến ngày Lễ Phật Đản, có một sự kiện quan trọng xảy ra trên thế giới là vào ngày 15-12-1999 (*) theo đề nghị của 34 quốc gia, nhằm tôn vinh giá trị đạo đức, văn hoá, tư tuởng hoà bình và nêu cao tinh thần bình đẳng, đoàn kết của Đức Phật, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp lần thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã biểu quyết chính thức thừa nhận và đứng ra tổ chức Đại Lễ Phật Đản, hay còn gọi là Đại LễTam Hợp kỷ niệm ba ngày trọng đại của đạo Phật, đó là ngày Đức Phật Đản sinh, ngày Đức Phật Thành đạo và ngày Đức Phật nhập Niết Bàn, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 dương lịch. Ngày này được gọi là "Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc" và được xem như là lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hiệp Quốc. Lễ hội sẽ được tổ chức hằng năm tại trụ sở trung ương Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, Hoa Kỳ, và các trung tâm Liên Hiệp Quốc tại các khu vực khắp nơi trên thế giới từ năm 2000 trở đi.

          Theo truyền thống, Phật Giáo Bắc Truyền quan niệm cử hành Lễ Phật Đản chỉ là để kỷ niệm ngày sanh của Đức Phật Thích Ca. Nhưng theo Phật Giáo Nam Truyền cũng như Phật Giáo Tây Tạng, và bây giờ theo Liên Hiệp Quốc ấn định thì ngày này là ngày Tam Hợp, kỷ niệm cả 3 sự kiện: Đó là ngày Phật Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết Bàn, gọi chung là Đại Lễ Vesak như vừa trình bày ở trên.

          Cũng được biết tại các quốc gia Châu Á như: Thái Lan, Nepal, Sri-Lanka, Malaysia, Miến Điện, Singapore, Indonesia, Đại Hàn, Hồng Kông, Đài Loan, Campuchia... Phật Đản là ngày lễ quốc gia của họ. Còn Việt Nam thì đây chỉ là ngày lễ của tín đồ Phật giáo.

 

Phật Đản Sanh hay Bồ Tát Đản Sanh?

          Thông thường chúng ta hiểu các chữ giáng trần, giáng sanh, giáng phàm, hay đản sanh...  đều mang chung ý nghĩa là ngày ra đời của một vị thánh nhân. Vị này trong tương lai sẽ giúp con người thay đổi tư duy nếp sống từ tinh thần đến vật chất, giúp xoá bớt nỗi khổ niềm đau, để có một cuộc sống an lành hạnh phúc.

          Trong Phật Giáo, về mặt ngôn từ thì quan điểm của Phật Giáo Theravàda không dùng từ "Phật Đản Sanh" mà dùng từ "Bồ Tát Đản Sanh". Hệ này cho rằng lúc mới sanh ra, Thái tử chưa thành đạo, cho nên không thể gọi Ngài là Phật được. Nếu nói "Phật Đản Sanh" thì tại sao lại còn có ngày "Phật Thành Đạo", nghĩa là Ngài phải tu tập một thời gian dài chứng quả Vô  Sanh và sau đó mới được người đời tôn vinh là Phật, là Thế Tôn... vào lúc Ngài 39 tuổi.

          Phật giáo Đại Thừa thì cho rằng Ngài thành đạo vào lúc 35 tuổi. Hệ này xử dụng từ "Phật Đản Sanh" vì quan niệm rằng sự xuất hiện của một vị Phật không phải là biến cốngẫu nhiên, mà đó là kết quả thành tựu từ không biết bao nhiêu trăm triệu kiếp quá khứ? Ngài đã từng là vị Bồ Tát thực hành Bồ Tát Đạo không ngừng nghỉ. Sự kiện Ngài ra đời chỉ vì "một đại sự nhân duyên" nhằm "khai mở tri kiến Phật" cho chúng sanh, như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phương Tiện đã mô tả. Và kiếp này là kiếp chót của Ngài như lời Ngài đã tuyên bố trong đêm thành đạo: "Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm xong. Sau đời này không trở lại nữa".

 

"Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn ...." (**)

          Thời cổ xưa ở xứ Ấn Độ, khi người phụ nữ mang thai phải về nhà cha mẹ ruột của mình để sanh nở, Hoàng hậu Ma-Gia cũng không ngoại lệ. Trên đường đi, lúc tạm dừng kiệu nghỉ ngơi tại vườn Lâm-Tỳ-Ni, lệnh bà đã chuyển dạ hạ sanh Thái tử. Khi Thái tử sinh ra thì được bốn chư Thiên nâng đón. Hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh một dòng nóng tắm rửa sạch sẽ cho Ngài và Hoàng hậu. Mới sanh ra Ngài đã đứng vững vàng trên hai chân, mặt hướng về phương Bắc đi bảy bước, dưới mỗi bước chân nở một đoá sen. Khi Thái tử bước đến bước thứ bảy thì dừng lại, mắt nhìn khắp cả mọi phương, một tay đưa lên trời một tay chỉ xuống đất, rồi cất giọng nói : "Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn". Kinh sách dịch là: "Trên trời dưới trời. Chỉ có ta là tôn quí".

          Hình ảnh bảy đoá hoa sen và câu tuyên thuyết của Thái tử đã khiến cho nhiều người đời sau thắc mắc, bởi ai học Phật, cũng biết rằng đạo Phật là đạo "phá Ngã chấp", đức Phật cho rằng con người và vạn vật đều là vô Ngã (nhân vô ngã, pháp vô ngã) vì nó không thực chất tính. Nó hiện hữu là do nhiều duyên hay nhiều điều kiện kết hợp, chứ không tự nó Có. Khi một duyên hay một điều kiện nào đó của nó bị hư hoại thì nó thay đổi thành cái khác, cho nên nó Có mà không thật Có gọi là Huyễn Có. Vì nó thay đổi luôn luôn nên bản chất của nó là vô thường, trống không, vô Ngã. Đó là học thuyết của Ngài dạy cho mọi người. Thế tại sao đức Phật lại nói "duy Ngã độc tôn" đề cao cái Ngã, cho rằng cái Ngã, cái Ta là tôn quý nhất. Lời tuyên thuyết của đức Phật như thế có đi ngược lại với học thuyếtcủa Ngài và bản chất vốn rất khiêm cung của Ngài và đệ tử của Ngài chăng?

          Y cứ vào kinh điển về những bài học của đức Phật để lại và đứng trên quan điểmcủa người bình thường thì chúng ta có thể hiểu Ngài xem cái "Ta", cái "Ngã" này là quý cũng chẳng phải là sai. Bởi vì trên cái nhìn hiện tượng thì con người là "vật tối linh" trên thế gian này, duy chỉ con người mới có đầy đủ trí khôn, tình cảm và ý chí để vượt qua mọi ràng buộc dính mắc khổ đau, tiếp tục vươn lên mà sống. Một điều khác nữa là muốn có thân người không phải dễ. Trong kinh có câu chuyện con rùa mù sống dưới đáy biển, một trăm năm mới trồi lên mặt biển một lần, khi trồi lên đầu nó phải đụng vào trong bọng cây đang trôi trên mặt biển thì cơ hội làm người mới có thể xảy ra. Làm người khó như thế, cho nên khi được làm người thì quý lắm chứ! Làm người thì phải học hỏi để mà sống. Ai học? Ta học chứ còn ai nữa? Như vậy cái Ta hay cái Ngã này tự nó không phải là xấu. Có xấu chăng là tại cái Ngã đó huân tập quá nhiều tập khí tạo nên một dòng nghiệp lực mạnh mẽ cuốn hút mình trong vòng lục đạo sinh tử luân hồi khó thoát ra được.

          Về cái nhìn chân đế thì muốn thoát khỏi những nhiễm ô trần thế, muốn ra khỏi sáu cõi luân hồi sinh tử, thì cũng bắt đầu từ chỗ cái Ta, cái Tâm. Khi cái Tâm (Trí Năng) tỉnh ngộbiết chọn Chánh pháp tu tập để dần dần thoát ra khỏi bùn nhơ tham ái, loại bỏ được những tạp niệm tham sân si, để cái tâm hoàn toàn khách quan trong sạch. Từ chỗ trong sạch đó sẽ cô lập được những mớ ô nhiễm gọi chung là lậu hoặc tập khí để bước vào chỗ trống không, Vô Ngã. Vô Ngã thì không còn gì dính mắc, chẳng vui chẳng buồn, chẳng nhớ nhung chẳng ghét bỏ, chẳng hạnh phúc cũng chẳng khổ đau. Trong Vô Ngã chỉ có dòng Nhận thức Biết không lời. Từ đó nó tự phát sinh trí tuệ tâm linh, thuật ngữ nhà Phật gọi là Trí Bát Nhã hay Trí Vô Sư. Cái Vô Ngã này cũng chính là cái Ngã nhưng nó hoàn toànthanh tịnh tuyệt đối, là cái Ngã tôn quý mà đức Phật tuyên nói lúc mới sanh ra đời là "duy Ngã độc tôn". Cái Ngã chân thật này, mọi người ai cũng có chứ không riêng gì đức Phật, chỉ vì bị vô minh che lấp nên cái Ngã thanh tịnh này chưa hiển lộ mà thôi. Nó như là ánh sáng mặt trời bị đám mây mù che khuất vậy!   

           Đó là ý nghĩa của câu "Thiên thượng thiên hạ. Duy ngã độc tôn" là lời báo trước của Thái tử rằng chính Ngài sẽ đạt được cái Ngã cao quý ấy. Và sau này Ngài truyền lại cho mọi người phương pháp tu tập qua kinh nghiệm thân chứng tâm chứng của Ngài. Hễ ai tu tập đúng thì cũng có kết quả y như Ngài như một câu tuyên bố khác của đức Phật có ghi lại trong kinh sử rằng : "Ta là Phật đã thành. Các ông là Phật sẽ thành". Phật ở đây chính là Phật tánh, là cái tâm hoàn toàn thanh tịnh không một dấu vết gì trong đó, là cái tâm trống rỗng trống không, mà trong thuyết nhà Phật hay đề cập đến, nó chính là Vô Ngã vậy!

 

Đức Phật dạy con người sống đạo đức và trí tuệ

          Đạo Phật không có những giáo điều bắt buộc người Phật tử phải tuân theo bởi đức Phật không nhận mình là Giáo Chủ đứng đầu một tôn giáo, mà Ngài chỉ  là một vị Thầy tâm linh giúp người hữu duyên phương cách tu tập để có cuộc sống bình an hạnh phúc. Đệ tửcủa Ngài có người sống tại gia và có người xuất gia, tuỳ theo nhu cầu và mục đích của từng người mà đức Phật giáo hoá.

          Người cư sĩ sống tại gia có vợ con có trách nhiệm đối với gia đình, và bổn phận đối với cộng đồng xã hội. Những ai muốn quy y Tam Bảo thì người đó phải từ bỏ cuộc sống phóng túng hại mình hại người để có nếp sống đạo đức.

          Ở đời ai cũng có những ước mơ, những mong cầu. Ai cũng muốn cuộc sống của mình được giàu sang sung sướng trên mọi phương diện về vật chất, cho nên tiền bạc nhà lầu xe hơi, nhan sắc là những thỏi nam châm lớn thu hút quyến rủ... khiến cho lòng tham lam của con người trổi dậy tìm mọi cách chiếm đoạt cho bằng được. Người ta đã không ngại ngùng nhúng tay vào tội ác giết người, cướp của, chiếm đoạt vợ hay chồng của người khác. Những kẻ giàu tiền lắm bạc thì say sưa rượu chè, cờ bạc, trai gái. Những kẻ có quyền lực thì chèn ép người khác, ăn chận ăn bớt trên đầu trên cổ của cấp dưới, chỉ với mục tiêu là gom hết cho mình, cái gì cũng là của mình. Còn có những kẻ bệnh hoạn nhằm thoả mãn dục vọng đê hèn của mình đã hãm hại không chừa ai từ người lớn đến trẻ con khiến cho những nạn nhân đáng thương này bị tổn thương trầm trọng cả thể xác lẫn tinh thần. Rất ít người tố cáo những hành vi tồi bại vì sợ hãi bị trả thù hay vì những lý do khác mà đành im lặng chịu đựng. Do vậy, nên những người không đạo đức đó vẫn còn sống nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật, tiếp tục đe dọa cuộc sống bình an của người xung quanhtạo nên sự rối loạn mất trật tự trong cộng đồng xã hội.

          Đức Phật đưa ra năm giới để gìn giữ người Phật tử có một đời sống tốt gồm: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.

          Một Phật tử thuần thành sẽ không phạm những lỗi lầm nêu trên. Giới không sát sanhgiúp người con Phật nuôi dưỡng lòng từ bi, kính trọng người trên thương mến người dưới. Mình không muốn ai giết hại tổn thương mình, thì mình cũng không giết hại gây tổn thươngngười khác. Con người hay con vật dù to lớn hay nhỏ nhoi cũng ham sống sợ chết. Mình không giúp đỡ thì thôi chứ đoạn mạng chúng sanh là mang lỗi lớn.

          Giới không trộm cắp giúp mình diệt lòng tham, tránh cuộc sống tù tội, vì trộm cướp thường đi đôi với việc đả thương hoặc giết người khác để đạt mục tiêu. Giết người thì tránh sao khỏi tù chung thân?

          Đối với người xuất gia giới luật đòi hỏi phải sống đời phạm hạnh, còn cư sĩ thì giáo lýnhà Phật chấp nhận cho họ có chồng có vợ nhưng phải tuân thủ giới không tà dâm. Giới không tà dâm đề cao lòng chung thuỷ của mọi người. Lòng yêu thương chung thuỷ của mọi người sẽ tạo nên một gia đình ấm cúng hạnh phúc. Sự phản bội trong tình chồng vợ đưa đến những thảm cảnh khổ đau không chỉ cho cá nhân kẻ phạm lỗi mà cho cả con cái của mình. Đó là chưa nói đến việc thù hận ghen tuông đôi khi sát hại lẫn nhau của những người bị phản bội và kẻ bạc tình, kết cục cũng đưa đến tù tội.

          Còn giới không vọng ngữ là giới không cho phép Phật tử ăn nói lỗ mãng dữ dằn, không nói dối, không nói hai chiều đâm thọc bên này bên kia gây phiền luỵ cho những người xung quanh. Lời nói từ ái, dịu dàng vẫn là những lời nói giành cho những người biết tôn trọng chính bản thân mình, tôn cao giá trị của mình, tạo môi trường ấm áp khiến đối phương kính phục và quý mến mình hơn.

          Giới sau cùng là giới cấm uống rượu cũng là một giới quan trọng vì nó ảnh hưởngđến trí tuệ khôn ngoan của con người. Có người nào uống rượu say sưa hay hút hít những chất sì ke ma tuý mà tinh thần được khôn ngoan tỉnh táo? Có người say rượu nào đi đứng đàng hoàng ngay thẳng không bị ngã tới ngã lui nằm dài ngoài đường, ngoài cổng? Có người say rượu nào khi nói mà giọng không ngọng nghịu vì lưỡi bị cứng đơ? Người say sưa thì không kiểm soát được lời nói hành động của mình gây ra những tệ nạn đánh đập vợ con và phá rối hàng xóm.

          Người đã quy y Tam Bảo thì ít nhất phải giữ năm giới kể trên. Giữ tròn năm giới này thì người đó là một người chồng, người cha, hay người vợ, người mẹ gương mẫu trong gia đình. Ngoài xã hội họ là người dân biết tự trọng, đóng góp một phần không nhỏ trong việc duy trì trật tự xã hội. Nếu trong cộng đồng xã hội ai cũng sống như thế thì cộng đồng ngày một lớn mạnh hơn, phồn vinh hơn. Mọi người sống trong yêu thương hoà ái, không cướp của giết người, không phạm pháp, thì làm gì trên thế giới này có nhà tù, có chiến tranh?

          Ích lợi của năm giới không chỉ đơn thuần trong những ý nghĩa bình thường nêu trên, mà nó còn thăng hoa hơn nữa trong đời sống tâm linh, phát huy trí tuệ, nếu người đó chịu tu tập tiến xa hơn trong giáo lý nhà Phật.

 

Kỷ niệm Lễ Phật Đản chúng ta làm gì?

          Ngày Lễ Phật Đản chúng ta thường hay đến chùa để tham dự những nghi thức lễ lạc tổ chức nơi chùa. Chúng ta thành kính lễ lạy Tam Bảo, tụng kinh mừng ngày Phật Đảnsanh. Tham dự lễ tắm Phật truyền thống. Cúng dường chư tôn đức tăng ni. Ăn chay, tham dự và đóng góp vào sinh hoạt phóng sinh chim cá rùa v.v...

          Ở hải ngoại các chùa tổ chức Lễ Kỷ Niệm ngày Phật Đản Sanh khác ngày khác giờ, nên chúng ta dự Lễ ở chùa này, rồi chạy sang chùa khác dự Lễ tiếp. Có khi chùa này tổ chức cuối tuần này, chùa kia tổ chức cuối tuần sau. Chùa nào chúng ta cũng đến đảnh lễPhật. Và chúng ta rất thành tâm làm đủ mọi việc thiện lành do các chùa tổ chức. Nhưng sau đó thì sao?

          Chúng ta nhớ ơn đức Phật không chỉ có nhớ vào ngày Lễ. Là Phật tử, chúng ta nhớ Phật mỗi ngày. Nhớ bằng cách nào? Giản dị thôi vì chúng ta chỉ là cư sĩ tại gia, đức Phậtđâu đòi hỏi gì nhiều nơi chúng ta. Ngoài năm giới chúng ta cần giữ, nếu có điều kiện chúng ta nghiên cứu học hỏi thêm để thông suốt tư tưởng thâm diệu của đức Phật. Chúng takhông thần thánh hoá lời dạy của Ngài. Chúng ta không biến giáo lý mang tinh thần khoa học, thực nghiệm và trong sáng của Ngài thành mê tín dị đoan, cầu xin Ngài ban cho điều này điều nọ, để khi tình cờ đạt được thì nói Phật chùa này linh hơn Phật chùa kia, và khi không được thì chán nãn phỉ báng không tin nơi Phật nữa.

          Chúng ta phải biết mọi tư tưởng hành động của chúng ta là do chúng ta tạo ra và tự thân chúng ta phải giải quyết lấy. Chúng ta tự làm chủ nghiệp, tự làm chủ đời của chúng ta. Giữ đúng năm giới trong nhà Phật là chúng ta ngừa được những tội lỗi, mà những tội lỗi đó khiến cho đời sống chúng ta chịu nhiều trầm luân đau khổ. Giữ đúng năm giới trong nhà Phật khiến chúng ta có một đời sống an vui và hạnh phúc.

          Hôm nay, bày tỏ lòng biết ơn lên đấng Toàn Giác, người đã khai sáng đạo từ bi và trí tuệ để lại cho chúng ta một kho tàng giáo lý quý giá. Chúng ta cùng nhau giữ vẹn lời hứalúc ban đầu khi quy y Tam Bảo, sống sao cho xứng đáng là người Phật tử thuần thành, không phải chỉ trong mùa Lễ Phật Đản mà là cả một cuộc đời của chúng ta, để chúng ta tự giải thoát chúng ta ra khỏi những khổ đau phiền não hầu có một cuộc sống thánh thiện đạo đức, làm gương cho con cháu và giúp chúng đi vào con đường an lạc hạnh phúc như chúng ta.

          Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật;

          THÍCH NỮ HẰNG NHƯ (Thiền Tánh Không)

          25/4/2017 (PL 2561)

          An Cư Kiết Xuân Năm 2017 tại Tổ Đình Tánh Không Nam CA

 

Tài liệu tham khảo:

"The  Buddha's Process of Spiritual Cultivation, Realization and Enlightenment". Tái bản lần thứ II do Hoà Thượng Thích Thông Triệt biên soạn. Phật lịch 2561, Dương lịch 2017.

- (*) Hiến chương Đại Lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ban hành ngày 15-12-1999 bắt đầu hiệu lực năm 2000.

- (**) Trường Bộ Kinh, Phẩm 14: Kinh Đại Bổn (Mahàpadàna Sutta) trang 139 ghi lời tuyên thuyết của Thái Tử ở câu thứ 29, nguyên văn như sau: "Ta là bậc tối thượng ở trên đời. Ta là bậc tối tôn ở trên . Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa"

- (**) Kinh Sơ Đại Bổ Duyên trong bộ Kinh Trường A Hàm quyển một ghi: "Thiên thượng thiên hạ , duy ngã độc tôn, nhứt thiết thế gian, sinh lão bệnh tử" nghĩa dịch như sau: "Trên trời dưới trời, duy ta là tôn quý, ta muốn cứu độ chúng sanh, khỉi vòng sinh già bệnh chết".

 


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage