Phật Học Online

Định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam
Thích Đồng Trí - Vườn hoa Phật giáo

Chúng ta cần tổ chức hội thảo quốc tế nhiều hơn, có chương trình thỉnh giảng và giao lưu nhiều với các vị tu sỹ, nhà nghiên cứu, giáo sư nổi tiếng về Phật Gíao ở nước ngoài đến các đại học và tự viện VN và ngược lại. Cần có ban ngành nghiên cứu áp dụng những cái hay ở trong phương thức sinh hoạt truyền đạo các nước và cân nhắc xem có thể triển khai một cách tương tự hoặc mở rộng hơn ở VN. GHPGVN tạo vai trò và là nhân tố tích cực như là một thành viên của Phật Giáo toàn cầu với mục tiêu chung là lợi lạc thế giới và chúng sanh, hướng đến giải thoát.



 
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) kể từ khi thành lập đến nay đã tròn 35 năm (07/11/1981 – 07/11/2016), đó là tổ chức Giáo Hội Phật Giáo duy nhất đại diện và kế thừa cho Phật Giáo Việt Nam (PGVN): “Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam” (trích Hiến Chương GHPGVN), được thành lập năm 1981 trên cơ sở hợp nhất tự nguyện của 09 tổ chức Giáo hội, Hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước.

Trong suốt thời gian tồn tại và phát triển hơn 1/3 thế kỷ ấy, GHPGVN kế thừa di sản PGVN hơn 2000 năm và từng bước hình thành được thế đứng và tầm vóc một cách ổn định và có những thành tựu tốt đẹp như được trình bày trong báo cáo tóm tắt công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2015 của GHPGVN : “Công tác Tăng sự:Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý Tăng Ni, Phật tử trên toàn quốc số lượng khoảng 47.237 Tăng Ni, với số lượng tự viện có 17.287 cơ sở, và có mấy chục triệu tín đồ Phật tử tu học thường xuyên, yêu mến đạo Phật tại các cơ sở tự viện trong cả nước…Số lượng cơ sở giáo dục đào tạo của GHPGVN, gồm có: 04 Học viện; 08 trường Lớp Cao đẳng Phật học; 31 Trường Trung cấp Phật học và hàng trăm cơ sở giáo dục sơ cấp Phật học do Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố quản lý.” Kể từ đó đến nay những con số khả quan ngày một tăng lên.

Tuy nhiên GHPGVN chắc chắn chưa đạt đến chỗ toàn hảo, chúng ta liên tục ở trong quá trình tu sửa từ phương diện cá nhân cho đến tập thể, tổ chức. Do vậy, nhân dịp Kỷ Niệm 35 năm ngày thành lập GHPGVN, chúng ta nên nhìn nhận một cách trung thực và khách quan những ưu điểm để phát huy, những khuyết điểm để khắc phục, chứ không phải là sa đà, tự mãn, “ngủ quên trong chiến thắng”. Thực sự, GHPGVN cần có những thay đổi và bổ sung để phát triển tốt hơn nữa nhất là trong thời hiện đại và giao lưu văn hóa toàn cầu. Về ưu điểm và thành tựu thì các kỳ đại hội Giáo Hội Phật Giáo cấp tỉnh và Trung Ương GHPGVN thường niên các Ban Ngành Giáo Hội đã nêu rõ, nên nơi đây, người viết chỉ chú trọng đến những mặt tồn tại, khuyết điểm với những kiến nghị về sự thay đổi khả quan hơn :

I. Công tác lãnh đạo, hành chánh và quản lý của Giáo Hội :

Công tác này cực kỳ quan trọng để lãnh đạo, điều hành GHPGVN các cấp, kịp thời xử lý những vấn đề đang xảy ra đối với PGVN, điều chỉnh cho thích hợp và tổ chức nhân sự, phác họa nội dung, chương trình, các kế họach cho GHPGVN. Bên cạnh nhiều bậc lãnh đạo tài đức, còn có trường hợp một số lãnh đạo không tương xứng và hoàn thành tốt vai trò của mình vì những lý do như :

- Tuổi già, sức yếu : ở ngoài thế gian họ thường cho người làm việc nghỉ hưu ở tuổi 60-65. Sau lứa tuổi ấy, sức khỏe, trí nhớ, sức chịu đựng và làm việc, khả năng phản ứng bén nhạy, sáng tạo,… của con người suy giảm theo chu kỳ sinh học tự nhiên, mặc dù kinh nghiệm và uy tín của vị ấy còn đang cao. Song song với việc lãnh đạo khi còn tại nhiệm của những vị sắp đến tuổi 60, một việc khác không kém phần quan trọng là tìm tòi và huấn luyện thế hệ trẻ chuẩn bị kế thừa cho mình khi tuổi tác mình dần cao và sức lực suy giảm.

- Vấn đề huấn luyện, tổ chức, bố trí và sử dụng nhân lực, tiềm năng con người là cực kỳ quan trọng, là điều kiện tiên quyết quyết định thành tựu mọi tổ chức, tập thể từ ngoài đời cho đến trong Đạo. Nên đặt niềm tin thế hệ trẻ, cho họ có cơ hội để được uốn nắn, thử nghiệm và phục vụ, phát huy khả năng của họ. Kinh nghiệm và uy đức của chư Tôn Đức cao niên phối hợp với sự năng động, sáng tạo, nhiệt tỉnh, kỷ thuật và hiện đại của thế hệ trẻ, nếu bổ sung phối hợp hài hòa với nhau sẽ mang đến hiệu quả tốt trong sinh hoạt Phật sự. Nếu không biết khai thác sử dụng thì một cách tự nhiên, họ sẽ bỏ ra đi tìm nơi khác để sinh hoạt.

- Có những khó khăn và chồng chéo lịch công việc giữa bổn tự, chùa chiền với việc Giáo Hội : Lịch làm việc tại văn phòng Giáo Hội cấp Tỉnh, Thành trở xuống nhiều trường hợp và nhiều nơi không được đều đặn. Các vị lãnh đạo trong Giáo Hội kiêm nhiệm nhiều chức vụ vai trò và cũng phải chi phối tâm trí lo công việc Phật sự của nhiều chùa, nhiều nơi. Chúng ta nên tự ý thức về sự giới hạn của tuổi tác, sức khỏe và năng lực, không phải là vô hạn, “được cái này thì mất cái khác”. Nếu luôn ở tư thế bận rộn như vậy thì  khi có ai có việc gì khẩn cần gặp Ban Trị Sự Phật Giáo, họ lại gặp khó khăn trong vấn đề liên hệ và trình bày sự việc. Có nhiều khi họ phải chờ đợi nhiều giờ hoặc vài ba ngày. Như vậy nhiều đương sự đang lo việc Phật sự không hoan hỷ, có thể thối tâm, bỏ dở công việc hoặc là một số công việc bị đình trệ. Hướng giải quyết là làm sao các đương sự dễ dàng tiếp cận hơn, giao nhận hồ sơ và làm việc ngoài giờ thế nào cho kịp thời – trong trường hợp giờ hành chánh lại lo việc nghi lễ chùa chiền khác. Hoặc là có phương cách có trợ lý ở tại văn phòng Giáo Hội nhận hồ sơ rồi có cách chuyển đạt nội dung thông tin hồ sơ công việc một cách sớm nhất – thông qua các phương tiện kỹ nghệ hiện đại- chẳng hạn như chụp hình những cái gì cần thiết nhất gửi qua điện thoại, email và xin ý kiến chỉ đạo, để có khái niệm, suy tư và hướng chỉ đạo xử lý kịp thời.

- Kỷ năng làm việc văn phòng : Các nhân viên văn phòng Ban Trị Sự Phật Giáo cần sử dụng thành thạo vi tính và các kỹ nghệ thông tin khác, biết cách lưu trữ hồ sơ một cách khoa học và tìm ra nhanh chóng các hồ sơ. Ngoài ra, các nhân viên nên được học qua về khoa chuyên môn bài bản để chu toàn các trách nhiệm MC, thư ký, nhân viên văn phòng xử lý các việc văn phòng cho tốt hơn.

- Đạo hạnh Thiền môn : Người làm việc cần bảo đảm khả năng, kinh nghiệm, uy tín và đức hạnh, Bồ Tát Hạnh, tận tụy với công việc, thương yêu quan tâm đến mọi đối tượng, lo chu toàn mọi công việc cho dù là khối lượng công việc nhiều. Khi có công việc xảy đến thì ưu tiên cho việc quan tâm và giải quyết công việc, cho dù đó không phải là giờ hành chánh, giảm bớt việc “trà dư tửu hậu” thông thường. Người có lòng Từ Bi thì một câu nói, một ánh mắt, một nụ cười tạo thêm một nguồn động lực vô biên cho những người khác tiếp tục kiên trì để cùng lo Phật sự.

Ngược lại, nếu như có dấu hiệu mệt mỏi, chểng mảng, ít quan tâm hay không ôn hòa đưa đến phản tác dụng lớn lao, khiến những đương sự bên dưới bỏ cuộc hoặc không tiến hành Phật sự đó nữa. Nên tôn trọng và bình đẳng, luôn ở tư thế giúp đỡ và tạo duyên bất cứ đang đối diện với ai, một chú tiểu hoặc một người vô danh với tình thương, tình người, sự quan tâm và mong muốn mang những điều tốt đẹp nhất đến với họ. Ngã mạn và quan liêu là căn bản phiền não có thể dấy khởi bất cứ lúc nào, đặc biệt với những người có duyên phước ở “thế trên”, nắm giữ những vai trò lớn trong Giáo Hội. Đừng khiến cho thế hệ trẻ hoặc “cấp dưới” phải “kính nhi viễn chi”, lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo phải thể hiện từ tâm và “vô úy thí” mà? Do đó, mỗi vị cần tu tập và tự nhắc nhở mình ũng như có những khẻo léo góp ý nhắc nhở nội bộ để cho những căn bệnh đó không tăng trưởng.

II. Nâng cao chất lượng tu sỹ và cư sỹ :

Sự phát triển về chất lượng cần tương xứng với số lượng. Như báo cáo sinh hoạt 6 tháng đầu năm 2015 của GHPGVN nêu trên, những con số thống kê thật là ấn tượng về số lượng chùa chiền, tu sỹ, trường lớp, hoặc tốt nghiệp và bằng cấp so với những năm trước và giai đoạn trước. Nhưng có thật sự là PGVN phát triển tột bực hay chưa, điều đó tùy thuộc phần lớn là về chất lượng chứ không phải là số lượng.

Cửa chùa vẫn luôn rộng mở tiếp nhận đủ loại căn cơ đối tượng phát tâm xuất gia. Tập khí phiền não mỗi người nặng nhẹ khác nhau. Thật khó để chuyển hóa mọi đối tượng theo chiều hướng tốt đẹp trong một thời gian ngắn. Tổ chức nào cũng có người tốt, người xấu. Nhiều trường hợp nổi cộm về tu sỹ, hạng người xuất gia dính líu đến pháp luật, vi phạm giới luật đã và đang giải quyết làm xôn xao dư luận. Vẫn còn đó nhiều tu sỹ giãi đãi, buông lung theo dục lạc, thụ động, tiêu cực, giới đức khiếm khuyết, toan tính cho bản ngã, trà dư tửu hậu, huyên thuyên tạp thoại, thô tháo làm giảm đi niềm tin của tín thí,… Còn nhiều cư sỹ chưa có chánh kiến, nặng tính phong trào và cầu nguyện,  chưa dốc lòng tu học Phật Pháp, chưa phát huy hết vai trò hộ pháp và hoằng pháp…

Vấn đề ở đây là làm sao phân công đủ số lượng người quan tâm để giáo dưỡng, quán xét từng giai đoạn phát triển của người xuất gia, có chương trình gia giáo thích hợp trước khi gửi Tăng Ni Sinh đi học các trường lớp Phật học. Giai đoạn ban đầu của người xuất gia, nhất là khi đang sống với Sư Phụ với chiếc nôi Đạo Pháp đầu tiên đóng vai trò nền tảng quan trọng cho cả đời tu tập cho Tăng sỹ. Thế nên, thanh quy tự viện và Tăng Đoàn quy củ, việc quản lý tự viện, quản chúng nơi các Phật Học Viện cần được lưu tâm đầy đủ, phân công rõ ràng và thích hợp chức năng, trách nhiệm để mỗi người có thể nương đức chúng mà phát triển.

Chánh Pháp Phật Giáo có lưu truyền dài lâu, sâu rộng hay không tùy thuộc vào nội lực của Tăng Sỹ và cư sỹ Phật Giáo tu học nghiêm tinh theo Giới – Định – Tuệ, Bát chánh Đạo và thể hiện chất liệu giải thoát hay không? Trong Phật Giáo, Học cần đi đôi với Hành. Có cả 3 phương diện : Thân Giáo, Khẩu Giáo và Ý Giáo. Hãy tránh trường hợp “Năng thuyết bất năng hành”, nói thì nghe hay những không ai sống chung nổi hoặc đến gần thì phát chán. Chúng ta thường nghe : “Sư tử trùng thự Sư tử nhục”, chính sự sa sút, xì căng đan (scandal), tiếng xấu, hình ảnh xấu của Tăng Ni Phật Tử làm suy giảm niềm tin và uy tín cho Phật Giáo và khiến cho Phật Giáo thêm suy đồi. Do đó, trong mỗi tự viện nói riêng và cục diện Ban Trị Sự Phật Giáo các cấp nói chung luôn cân nhắc soi sét và rút kinh nghiệm cũng như cùng đưa ra giải pháp cho vấn đề này để mỗi Tăng Ni Phật Tử đều ý thức tu tập trang nghiêm tự thân là góp phần trang nghiêm Giáo Hội, xứng đáng vai trò địa vị của mình và góp Phần mang ảnh hưởng tích cực của Đạo Pháp đến khắp nơi nơi.

III.  Thay đổi tính chất và nội dung sinh hoạt :

Tất nhiên là tính chất tùy duyên bất biến rất quan trọng trong Phật Giáo, tuy nhiên, không để xảy ra trường hợp tùy duyên biến chất. Hãy luôn cân nhắc đối chiếu tính chất sinh hoạt của Tịnh Xá ngày xưa, mô hình Tăng Già thời Đức Phật để áp dụng và mở rộng vai trò của cơ sở tự viện Phật Giáo và vai trò của người tu sỹ. Những công việc “linh thiêng” như thầy bói, phong thủy, thầy cúng, đàn tế lễ,… không nên chiếm quá nhiều thời gian, công sức khiến quần chúng hiểu lầm vai trò tu sỹ, như vậy làm sao chuyên tâm trau giồi Giới – Định – Tuệ và Bát Chánh Đạo? Các việc đồng bóng, xin xăm quẻ, giải sao hạn trong chùa nên dứt bỏ.

Những sinh hoạt nặng nề, hình thức do ảnh hưởng phong tục dân gian nên chỉnh sửa lại để sinh hoạt thiền môn thanh thoát, nhẹ nhàng, mang chất liệu thoát tục, giải thoát. Ngôi chùa không phải là cái đình miễu, cũng không phải là viện bảo tàng hay nhà quàng, nhà tang chế mà là nơi đạo tràng tu học. Không thể sa đà với thời gian, công sức và số lượng đầu tư cho những việc mang tính “phương tiện” tự nhiên dần dà trở thành cứu cánh và là công việc chính của người tu, chùa chiền,… Các tự viện chấp nhận nếp sống thiểu dục tri túc, không phải vì chiều chuộng, chạy theo thị hiếu, yêu cầu của người Phật tử mà không giữ vững lập trường, đánh mất đi chất tinh túy và bản sắc tốt đẹp của Phật Giáo mà cần giải thích và hướng dẫn thọ tiến hành các sự việc theo nghi thức Phật Giáo đúng hơn.

IV. Việt hóa nghi lễ :

Lễ Phật giả, kỉnh Phật chi đức
Niệm Phật giả, cảm Phật chi ân
Tụng kinh giả, minh Phật chi lý
Toạ Thiền giả, đăng Phật chi cảnh


Trải qua thời gian dài hàng ngàn năm chúng ta lệ thuộc văn hóa Trung Quốc trong đó có ảnh hưởng Nghi Lễ Phật Giáo. Những nghi lễ mang nặng tính chất cung đình, phong kiến, nặng nề, rườm rà, hình thức và tốn kém nên thay đổi. Nhiều Phật tử tụng bản kinh cả đời mà không hiểu kinh nói gì trong đó vậy thì ích lợi là bao? Trước kia Phật dạy Kinh để mà ghi nhớ áp dụng tu học trong cuộc sống chứ đâu phải là dùng để khấn vái nguyện cầu? Ban Nghi Lễ Trung Ương GHPGVN ần tổ chứ soạn thảo và thống nhất Nghi Lễ phổ thông áp dụng cho Phật Giáo VN toàn quốc, mỗi tông phái nên thống nhất nghi tụng niệm phố thông cho tông phái mình là điều quan trọng.

Người Phật Tử tụng kinh cần hiểu những gì đang tụng và chư Tăng tổ chức thuyết giảng về những gì đang tụng niệm để thâm nhập sâu sắc và hành trì tốt hơn. Làm gì có việc tụng Kinh bằng chữ Hán hoặc dâng sớ bằng tiếng Hán thì việc tụng niệm đó linh ứng hơn tiếng thuần Việt, vậy Phật bỏ người Ấn Độ và Thái, Miến, Anh Mỹ,… hay sao? Tất cả chỉ là thói quen và bảo thủ. Bao nhiêu quốc gia khác họ tụng theo Anh Văn, Pali, Sanskrit chứ đâu phải lệ thuộc tiếng Hán từng câu từng chữ như vậy?

Tất nhiên có khó khăn là ở chỗ : làm sao có thể lột tả hết được ý nghĩa các Kinh Sách đó ra tiếng Việt một cách rõ ràng dễ hiều và trọn vẹn nhất? Hồi giờ tụng như vậy quen rồi, bây giờ thay đổi sẽ nhọc công. Ngoài ra, Kinh Tụng còn đòi hỏi có âm điệu trầm bỗng nữa. GHPGVN hãy nên thành lập một Ban Biên Soạn Kinh Tụng Hàng Ngày và những nghi thức phổ thông nhất, có thể tham khảo và tận dụng những gì có thể tận dụng được từ những Bản dịch Việt sẵn có. Ban Biên Soạn cân nhắc xem ưu khuyết điểm của từng bản dịch đó và mức độ sát ý nghĩa và âm điệu thế nào, nên có những chỉnh sửa cần thiết để rồi hình thành nên bản dịch hoàn chỉnh hơn rồi đưa vào tụng niệm một thời gian. Sau khi lắng nghe sự phản ảnh và ý kiến phản hồi của những hành giả tụng niệm từ các chùa, Ban Biên Soạn liên tục chỉnh sửa lại để hoàn thiện hơn, tiến tới việc Việt Hóa và thống nhất những Nghi Lễ phổ thông cho tự viện trên toàn quốc. Việc thống nhất nghi lễ này nên thường được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp các cấp Phật Giáo như Tỉnh Hội, Huyện Hội và an cư kiết hạ,…để các vị trụ trì về phổ biến áp dụng trong tự viện mà mình sinh hoạt.

Ngoài ra những việc như “chẩn tế cô hồn” và đồng bóng, Giáo Hội cần xem xét và kiểm tra về hình thức Pháp Phục, uy nghi và văn từ, có nhiều trường hợp có biểu hiện biến thái so với Phật Giáo.

V. Giáo dục Phật giáo các cấp :

Mô hình giáo dục Sơ cấp, Trung cấp và Đại Học đòi hỏi thời gian khá dài 10 năm cho một Tăng Ni Sinh tốt nghiệp cử nhân Phật Học. Vậy có phải là dài quá hay không và còn được bao nhiêu thời gian cho họ tiếp tục theo học cao học, tiến sỹ hoặc là phục vụ cho Đạo, cho Đời?

Hơn nữa, giữa chương trình Trung cấp, cao đẳng và cử nhân Phật Học có một số bộ môn trùng lặp nhau (Ví dụ Kinh Trung Bộ, Lịch Sử Phật Giáo VN, Duy Thức Học,…), điều này có thể gây cho Học Viên cảm giác chồng chéo, nhàm chán, không có hứng thú tập trung chuyên sâu và sáng tạo. Hy vọng Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương GHPGVN sớm hoàn thành mô hình, nội dung, giáo án đại cương,…các chương trình đào tạo từ Sơ Cấp cho đến Cao Học Phật Giáo tại các Trường Phật Học sao cho có tính chất quy mô, bài bản, hệ thống từ thấp lên cao tiếp nối nhau.

Cần sớm đào tạo và bổ sung nhân sự thích hợp vào : Ban Giám Hiệu, Ban Quản Chúng, Ban Giảng Viên,…những người đủ tài đức và khả năng Sư Phạm để gánh vác sứ mạng thiêng liêng trọng đại này. Cần có những cuộc hội thảo, dự giờ, nghe lại bài giảng từ thu âm và trao đổi kinh nghiệm để nâng cao chất lượng giáo dục Phật Giáo, tránh tình trạng từ chương, tẻ nhạt, hời hợt cho có người phụ trách, cho đủ giờ, cho có bằng cấp. Trong cách dạy có cách để kích thích sự tìm tòi, học hỏi, phát huy khả năng sáng tạo, có nhiều tương tác trong lớp học, nhiều chiều, phát triển khả năng tư duy, phân tích và làm việc của Học Viên, bồi dưỡng họ để phát triển toàn diện về lâu về dài. Học trên lớp chỉ là một phần nhưng họ cần được hướng dẫn phương pháp để học ngoài lớp và học, nghiên cứu làm việc cả cuộc đời. Cần có nhiều tu sỹ hơn nữa học và nắm bắt áp dụng ngành Sư Phạm, Tâm Lý Giáo Dục và hãy chia sẻ kinh nghiệm nâng cấp cho nhau. Hãy tạo không gian và không khí lớp học đầy cởi mở, dân chủ, sáng tạo, trao đổi và bổ sung cho nhau kiến thức thiết thực và mang đến niềm an lạc và trưởng thành từng giờ phút cho Học Viên.

VI. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam :

Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam tuy rằng có nhiều phân ban và trung tâm nghiên cứu nhưng các thành viên chưa hội họp và phân công chặt chẽ công việc với nhau, hỗ trợ cho nhau làm việc từ : dự án, tài liệu, kinh phí, chuyên môn, phối hợp, hỗ tương, hiệu đính,…Trong suốt nhiệm kỳ trôi qua, mỗi ngành và phân ban họp bàn bạc công việc với nhau được mấy lần? Mỗi năm VNCPHVN đã ra được bao nhiêu tác phẩm và dịch phẩm, đặc san Phật Giáo có giá trị và tổ chức được bao nhiêu cuộc thuyết trình, chia sẻ, hội thảo? Sự đầu tư nghiêm túc, thống nhất tâm chí hợp lực và tính hiệu quả công việc cần đặt vấn đề ra ở đây. Viện nghiên cứu lẽ ra đi đầu trong tư tường, định hướng, phác họa và soi sáng bước đi từng giai đoạn cho Phật Giáo VN thế nhưng chưa phát huy đúng mức và thể hiện vai trò. Do đó, trong nhiệm kỳ sắp đến, lãnh đạo VNPHVN nên “chọn mặt gửi vàng” cân nhắc đến khả năng đóng góp thực tế việc đóng góp và hoạt động của các Trưởng Trung Tâm, phân ban và các thành viên, tránh tình trạng đặt cho có “mâm cỗ” nhìn vào cho sum tựu thế nhưng thời gian cứ trôi qua, hết nhiệm kỳ mà công việc không tiến hành và thành tựu bao nhiêu.
        
VII. Pháp môn tu tập thực tế, hiệu quả :

Một số trường Thiền ở Thái Lan, Miến Điện, Làng Mai, Hàn Quốc,… mang tính quốc tế, có uy tín và đưa đến thiết thực lợi lạc cho hành giả, khiến cho hành giả khắp nơi xa gần đều quy tụ về tu học và có nhiều chi nhánh khác nhau trên thế giới. Trong nhiều ngôi tự viện VN, tụng kinh ngân nga được xem là thời khóa công phu nhưng mà nhiều hành giả vẫn còn tập khí cũ, phiền não chất chứa chưa được chuyển hóa dù được tụng kinh nhiều. Đã đến lúc hàng tu sỹ và các vị trụ trì cần thực nghiệm sâu về tâm linh, có kỷ năng và kinh nghiệm thực tế để hướng dẫn các hành giả khác về những pháp môn lợi lạc chứ không phải chỉ nặng việc “quản lý tu”, công việc hành chánh và lãnh đạo mà thiếu đi sự “hạ thủ công phu” một cách nghiêm túc và thiết tha của chính mình. Nếu hời hợt như vậy thì làm sao mà “Trụ Pháp Vương Gia, Trì Như Lai Tạng”?

Cho dù là Thiền Tông – Tịnh Độ Tông hay Mật Tông các hành giả nên có những hành trì chuyên sâu, chia sẻ thực tế từ nơi kinh nghiệm tâm linh của mình. Trong các sinh hoạt an cư kiết hạ, nên hướng dẫn chi tiết pháp môn đến các hành giả an cư và áp dụng tu tập. Chỉ có pháp môn cụ thể và tu tập mới có thể đoạn trừ phiền não khổ đau và đưa đến giải thoát.Ngoài ra trong thời khóa công phu tu tập hàng ngày tại chùa và các khóa tu An Lạc, Khóa Tu cho thanh thiếu niên Phật Tử, những vị hướng dẫn cần đầy đủ nội lực và kinh nghiệm hành trì để hướng đạo cho đại chúng đồng tu.
     
VIII. Giao lưu tọa đàm giữa các tông phái :

Nói chung cả Thiền – Tịnh – Mật đều được thực hành và phát triển tại VN. Các ban ngành liên quan của GHPGVN cần tổ chức những cuộc hội thảo giao lưu giữa các tông phái đó để các đại diện tiêu biểu của họ đối thoại, vấn đáp, chia sẻ với nhau về Pháp học và pháp hành, để hiểu nhau hơn và có thể áp dụng bổ sung, hài hòa lẫn nhau tránh tình trạng có những hiểu sai lầm về nhau, phát ngôn gây sốc, không hài hòa giữa những người con Phật. Có câu nói : “nhiệt tình với ngu dốt đồng nghĩa với phá hoại”. Có những người có thể vì động cơ “phá tà hiển chánh” nhưng vì thiếu hiểu biết sâu sắc về pháp môn phương tiện, vì phù hợp với căn cơ chúng sanh hành giả trong từng giai đoạn cho nên có những biểu hiện, lời nói có thể gây hoang mang thương tổn đến những người đang hành trì thiết thực với lý tưởng tu tập giải thoát nhưng khác cách thức với mình.

Có hiểu mới có thương. Có những người với vai trò phản biện, khách quan để đặt ngược lại toàn bộ vấn đề là tốt nhưng cũng cần có chiều sâu tâm linh, suy tư chín chắn trên nhiều khía cạnh mới thấy được hết cái hay cái đẹp trong mỗi pháp môn hành trì. Trên căn bản hiểu cảm thông, chia sẻ và góp ý tu chỉnh hoàn thiện cho nhau hơn về cách tu tập và phổ biến pháp môn, tọa đàm giữa các tông phái sẽ mang lại những hiệu quả tích cực và tạo ra một sự phong phú đa dạng cho nhiều căn cơ thành phần chọn lựa tu tập cho phù hợp với họ trên căn bản phù hợp Giáo Nghĩa Như Lai.

IX. Gia Đình Phật Tử và Thanh Thiếu Niên:

Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GDPTVN) và Thanh Thiếu Niên Phật Tử (TTNPT) đóng vai trò rất lớn từ hơn 65 năm qua để khiến một người mến mộ Đạo Phật trở thành Phật Tử thuần thành và trở thành Hộ Pháp của tự viện, Hoằng Pháp Viên là cánh tay nối dài của chư Tăng trong bao nhiêu Phật sự. Thế nhưng sinh hoạt Gia Đình Phật Tử và Thanh Thiếu Niên tại các cơ sở tôn giáo có phần khó khăn hơn trước kia phần chính là vì giới trẻ ngày nay rất bận rộn trong việc học hành – học chính quy, học thêm, học cuối tuần - chuẩn bị quá trình cho thi tốt nghiệp, đại học để có nghề nghiệp và tương lai tốt hơn chứ không có nhiều thời gian rộng rãi như trước kia và họ sa đà trong những game và thú vui, cám dỗ của thế giới hiện đại nên ít thăm viếng và sinh hoạt trong chùa như thế hệ trẻ thời trước. Thế nhưng, nếu như các Chùa biết tổ chức thiết thực, rất lợi lạc phù hợp cho họ, nhất là về các môn ngoại ngữ, vi tính, việt văn, và các khóa tu trẻ, các buổi chia sẻ thảo luận, tương tác … có sức thu hút thì họ sẽ tìm đến chùa vừa học được Phật Pháp, có hành trang đạo đức, tâm linh vừa học thêm những kiến thức kỹ năng cần thiết cho các cấp bậc học cao hơn và nghề nghiệp cuộc sống. Muốn làm được điều này đòi hỏi Tăng Đoàn phải nhẫn nại, hy sinh, chịu khó, tình thương lớn, nghĩ đến lợi ích sâu xa và nâng cao nhiều mặt, có kiến thức phổ quát, khéo léo tổ chức thích hợp để tạo được thế hệ kế thừa Phật Pháp cho tương lai và rèn luyện người tài đức cho xã hội.

X. Công tác truyền thông :

Số lượng báo chí đặc san văn hóa Phật giáo và kênh tivi Phật Giáo còn quá ít. Nhiều tỉnh hội cả hàng tháng Ban truyền thông không đưa thêm tin tức sinh hoạt được gì. Trong thời đại ngày nay chúng ta cần khai thác và phát huy sức mạnh của truyền thông trong sinh hoạt Phật sự và hoằng pháp để biểu dương cái hay cái đẹp cho xã hội nhân rộng hơn, để bài trừ những xấu xa tệ nạn, để đưa những thông tin cần thiết đến cho mọi người, để quy hướng tâm trí con người đến những nơi cần cứu giúp, quan tâm,…

Những phương tiện truyền thông như báo chí, đặc san, websites, tivi, DVDs, youtube, live stream là những phương tiện rất hữu hiệu tiếp cận đến quần chúng. GHPGVN cần đầu tư nhiều người thành thạo về kỷ thuật chuyên môn và khả năng để khai thác và tận dụng được các phương tiện truyền thông mục đích là để chuyển tải những lời hay ý đẹp, những liệu chất cần thiết mang tính Phật Pháp đến với người đang cần. Có những nơi xa xôi, những người ít tiếp xúc được với chùa chiền và chư Tăng phù hợp theo nhu cầu của họ thì vai trò truyền thông lại càng có tác dụng.

Có những trường hợp có sự xuyên tạc và đánh phá Phật Giáo thông qua các phương tiện truyền thông khác thông qua ngoại Đạo, các thành phần ác ý hoặc các thành phần “giả mù giả mưa” câu khán giả, thu hút sự tò mò của quần chúng, khi ấy, truyền thông Phật Giáo có tác dụng “giải độc”, giải thích trình bày các sự việc đó một cách chân thật hơn để không gây ra những ngộ nhận, dị ứng hoặc “quơ đũa cả nắm”, phản ứng tiêu cực đối với Phật Giáo nói chung. Vì truyền thông là phương tiện tiếp cận đại chúng mà thông điệp của Phật Giáo cần mang đến cho mọi người, vì lợi lạc cho số đông cho nên rõ ràng truyền thông đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong xã hội kỷ thuật số, điện tử, toàn cầu hóa như hiện nay.

XI. Văn Hóa Phật Giáo :

Lễ Hội và Văn Hóa nếu triển khai đúng cách sẽ mang lại hiệu quả và tác dụng rất lớn lao. Nhiều trường hợp lá cở Phật Giáo, nhạc Phật Giáo, những biểu tượng và Pháp Phục, những dây chuỗi và món quà,… lại khiến con người ấm lòng và có tác dụng sâu xa đến cuộc đời của họ. Rất nhiều người có duyên đến với Phật Giáo và trở thành Phật Tử với xuất phát ban đầu là tham gia Lễ Hội Văn Hóa Phật Giáo và tình thương từ tặng phẩm manh tính Phật Giáo. Văn Hóa Phật Giáo hòa quyện với văn hóa dân tộc và đậm chất đặc trưng biểu hiện Phật Giáo. Văn hóa gắn liền với nếp sống và sinh hoạt, tâm thức của con người.

Nhiều tỉnh thành vẫn chưa phát huy ảnh hưởng văn hóa phật giáo đến phật tử và quần chúng trong khi. Những việc triển lãm tranh ảnh Phật Giáo, ẩm thực, pháp phục, văn hóa phẩm Phật Giáo nên được triển khai sử dụng đúng cách hơn, ví dụ Pháp Phục mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Vậy Ban Văn Hóa GHPGVN cần có kế họach cụ thể tư vấn và tổ chức các cuộc Hội Thảo, Tọa Đàm những cải cách với các Ban Ngành trong Giáo Hội và phối hợp với các địa phương Tỉnh Thành để triển khai các sinh hoạt, biểu hiện Phật Giáo, tạo sự an vui trong nhịp điệu sinh hoạt của Hội chúng, sự đồng bộ, đồng tâm nhất trí, niềm tin, sự ổn định và kiên định trong tu tập và Phật sự để lợi lạc quần sanh.

XII. Vấn đề Tăng Sự :

Trong thời gian một năm nay, Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN lên kế họach thống kê về số lượng tự viện cơ sở Phật Giáo, Tăng Ni và Phật Tử. Điều khó nhất là làm sao biết chính xác số lượng Phật Tử trong khi lời khai trong chứng minh nhân dân và nơi cá tự viện về số lượng người Phật tử là không chính xác. Đôi khi chúng ta ngạc nhiên khi nhà nước đưa ra các con số thống kê về số lượng Phật tử chiếm khoảng 20% dân số toàn quốc, trong khi chúng ta mặc định con số ấy phải là 70-80%, lỗi là ở khâu thống kê của chúng ta. Nhiều tỉnh chưa có kế hoạch biên khảo lịch sử các ngôi đền chùa hoặc là có sự đầu tư biên khảo và ra các DVDs giới thiệu các chùa trong tỉnh. Vấn đề thọ giới và an cư cần được tiến hành nghiêm túc. Vấn đề xử trị đối với hàng Tăng Ni Phật Tử phạm giới, phi pháp cần nghiêm minh. Ban Pháp chế, ban kiểm soát và ban Tăng sự cần phối hợp sinh hoạt nhịp nhàng để đảm bảo sự ổn định, bắt nhịp sinh hoạt và xử lý kịp thời mọi vấn đề xảy ra tránh ảnh hưởng xấu chung đến PGVN

XIII. Phật giáo đến các dân tộc và vùng sâu, vùng xa :

Việt Nam chúng ta có hơn 54 dân tộc.  Dấu hiệu tốt trong những năm gần đây là hầu như Tỉnh nào, huyện nào cũng có văn phòng Ban Trị Sự Phật Giáo trải suốt 63 tỉnh trong toàn quốc. Thế nhưng thực tế chúng ta đã mang Phật Giáo thâm nhập được bao nhiêu dân tộc ngoài người Kinh, Hoa, Khmer, Thái? Dấn thân đến hành Đạo nơi vùng sâu vùng xa phải đối diện với nhiều khó khăn : ngôn ngữ, phong tục tập quán, cơ sở, kinh sách, phương tiện và làm sao khiến từ Không trở thành Có, từ Ít trờ thành Nhiều và phổ biến, vạn sự khởi đầu nan. Thế nên GHPGVN cần lên phương án, kế họach cụ thể, khuyến khích trợ duyên, kể cả hỗ trợ tài chánh cho các thành phần Tăng Ni Phật Tử trẻ truyền bá phật giáo các vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số noi gương hoằng Pháp của Ngài Phú Lâu Na ngày xưa. Những nơi ổn định hơn, những tự viện trong thành phố lớn nên thương tưởng và ngó nghĩ, trợ giúp các dự án Phật sự mang lợi lạc và truyền bá ánh sáng Phật Pháp đến những nơi thiệt thòi và khó khăn để cho ánh sáng Phật Pháp lan tỏa đến khắp mọi người, tận mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống xã hội.
    
XIV.  Giao lưu quốc tế :

Chúng ta có những bước tiến về giao lưu quốc tế như tham gia trong Liên minh Phật Giáo thế giới, Phật Giáo vì hòa bình, Hội phụ nữ Phật Giáo thế giới,…nhưng thực sự đa số chúng ta chỉ lặng lẽ đến góp mặt tham dự chứ chưa có nhiều trường hợp đóng vai trò tích cực trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo quốc tế,… ngoài dấu hiệu khả quan là có vài chư Tôn Đức có vai trò trong Ban Lãnh Đạo các tổ chức nói trên.

Chúng ta cần tổ chức hội thảo quốc tế nhiều hơn, có chương trình thỉnh giảng và giao lưu nhiều với các vị tu sỹ, nhà nghiên cứu, giáo sư nổi tiếng về Phật Gíao ở nước ngoài đến các đại học và tự viện VN và ngược lại. Cần có ban ngành nghiên cứu áp dụng những cái hay ở trong phương thức sinh hoạt truyền đạo các nước và cân nhắc xem có thể triển khai một cách tương tự hoặc mở rộng hơn ở VN. GHPGVN tạo vai trò và là nhân tố tích cực như là một thành viên của Phật Giáo toàn cầu với mục tiêu chung là lợi lạc thế giới và chúng sanh, hướng đến giải thoát.

Trên đây là những nhận định và ý kiến đóng góp của người viết với mong muốn PGVN sẽ phát triển tốt đẹp hơn giai đoạn mới. Đó chỉ là tấm lòng thành mang tính chủ quan, đôi khi có thể là hiện thời chưa khả thi. Dù sao, người viết vẫn hy vọng với đồng tâm hiệp lực, suy tư, trí tuệ và nỗ lực của Đại chúng, PGVN sẽ ổn định, kế thừa tinh hoa hơn 2000 hiện hữu và sinh hoạt tại VN và phát triển rực rỡ hơn trong giai đoạn mới. Tất cả người con Phật đồng tinh tấn tu niệm và góp phần trang nghiêm Phật độ khiến Việt Nam và thế giới này thêm chân Thiện Mỹ.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage