Phật Học Online

Học viện Hoa Kỳ nghiên cứu về bí mật tâm thức

Các nhà nghiên cứu từ Học viện Hoa Kỳ đang nghiên cứu về những nhà sư ở Bylakuppe để mở các bí mật của tâm thức. 

Các vị sư tham dự một nghiên cứu về não bộ tại Đại học Kent State

Khoảng 1 giờ chiều tại Đại học Tu viện Sera Jey ở Bylakuppe, huyện Mysuru, bang Karnataka, Ấn Độ. Trên khắp khuôn viên rộng lớn, các nhà sư trong bộ y phục màu nâu sẫm đang thiền định, một số đang nghiên cứu, trong khi một số người khác đang tham gia vào một cuộc thảo luận. 

Tất cả các hoạt động dường như vẫn diễn ra bình thường. Nhưng bên trong một phòng thí nghiệm nhỏ tại Trung tâm Khoa học Sera Jey, có một số hoạt động bất thường. Một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học về các Nhà sư, trụ sở tại Hoa Kỳ, và Đại học Kent State (tiểu bang Ohio) đang theo dõi chặt chẽ các nhà sư khi họ có một cuộc thảo luận nghiêm túc về chánh niệm.

"Chúng tôi ở đây để lập bản đồ hoạt động não của các nhà sư Phật giáo khi họ tranh luận. Chúng tôi muốn hiểu những gì xảy ra trong não của họ và khi các nơ-ron đồng bộ hóa”, Bryce Johnson, chủ tịch và giám đốc điều hành của Khoa học về các Nhà sư nói. 

Đối với các nhà sư Tây Tạng, tranh luận không chỉ là một bài tập về mặt học thuật. Đó là một cách để hiểu được bản chất của thực tế và đạt được kiến thức, thông qua việc phân tích cẩn thận các hiện tượng thế giới thực. Ông Ngawang Norbu, thành viên chính của Trung tâm Khoa học Sera Jay, nói: "Một mục tiêu quan trọng là áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế. Đức Dalai Lama thường nhấn mạnh rằng việc học không hữu ích bằng ứng dụng kiến thức thực tiễn". 

Được trang bị với những chiếc mũ trắng có các miếng điện cực để chụp lại các hoạt động của não, người thách thức (đứng) và người biện hộ (ngồi) tranh luận về những chủ đề từ tánh không đến vũ trụ học trong khi máy tính ghi lại những thông tin điện não đồ (EEG). EEG giúp nghiên cứu hoạt động của não bằng cách ghi lại hoạt động lặp đi lặp lại của một nơ-ron, được gọi là dao động thần kinh. 

"Các nhà sư nhìn nhận điều này như là cách để tăng cường Phật học, đây là một phần của truyền thống Nalanda cổ đại... Dữ liệu của chúng tôi cho thấy khi cuộc tranh luận tiến triển, mức độ tập trung của họ tăng lên", Johnson nói.

Có 9 nhà sư được chọn cho hoạt động lập bản đồ trong suốt thời gian nghiên cứu 15 ngày, kết thúc vào ngày 12-8-2017. Thông thường, người thách thức đặt câu hỏi và người biện hộ trả lời họ. Một khi vị ấy hoàn thành câu hỏi của mình, người thách thức vỗ tay một cách nhanh chóng - biểu hiện của từ bi (bên tay phải) và trí tuệ (trái tay) - và dẫm chân trái của mình. Người thách thức sau đó giơ cánh tay trái của vị ấy ra và sử dụng tay phải để nâng vòng tràng hạt quanh bên trái.

"EEG chụp được những khoảnh khắc trong bộ não của các nhà sư khi họ tham gia vào cuộc tranh luận. Khi nào các nơ-ron đồng bộ? Chất lượng sự chú ý trong quá trình tranh luận là gì? Nếu có sự đồng bộ giữa 2 nhà sư, khi nào thì điều đó xảy ra? Đây là những gì chúng ta đang tìm hiểu", David M Fresco, giáo sư khoa học tâm lý học tại Đại học Kent State (tiểu bang Ohio) nói. 

Bài tập cũng nhằm mục đích tìm hiểu sự khác biệt trong hoạt động não của các nhà sư cao tuổi và trẻ tuổi hơn. Các nhà nghiên cứu sẽ sớm so sánh dữ liệu đọc EEG để hiểu được hiện tượng tranh luận. 

Năm 2004, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Wisconsin đã nghiên cứu các nhà sư Tây Tạng trong trạng thái thiền định và tìm thấy sóng gamma - các mức sóng hoạt động điện có tần số cao nhất trong các nơ-ron. Các mức độ này được thấy ở một số nhà sư ngay cả khi họ không thiền định, giả thuyết rằng những năm thiền định đã gây ra tính khả biến thần kinh. Các nghiên cứu tiếp theo đã chỉ ra rằng dòng máu chảy vào não cao hơn trong số những người thiền định lâu dài trong khi họ cũng có chất xám lớn hơn ở một số khu vực liên quan đến việc điều chỉnh tâm trí.

"Mục tiêu lâu dài là làm cho Khoa học Phật giáo, khoa học về tâm trí của truyền thống Nalanda cổ đại, có thể tiếp cận được lớn hơn với nhân loại bằng cách sử dụng khoa học hiện đại như là một phương tiện, chủ yếu để nâng cao giá trị và lòng trắc ẩn con người theo cách thế tục", Ngawang Norbu, người đứng đầu Trung tâm Khoa học Sera Jey, nói.

Văn Công Hưng (theo The Times Of India)

Giacngo.vn


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage