Phật Học Online

Người Việt trẻ lễ chùa bằng tâm thế “trẻ”

Rằm tháng Giêng, ngày lễ chùa đẹp nhất của năm. Người ta viếng chùa cầu bình an, người cầu vinh phúc, cầu lộc cho năm mới. Riêng người Việt trẻ bây giờ, đi chùa lại bằng một tâm thế khác…

Khi nhiều người trẻ thành tâm đi lễ chùa thì cũng có không ít người vào chùa chỉ vì phong trào.

Phản ánh của PV Thu Hương, Đền Quán Thánh là một trong những nơi thờ tự nổi tiếng nhất Hà Nội đang khá nóng nực bởi cái nắng và người người đi làm lễ. Trong số đó có không ít các bạn trẻ là học sinh, sinh viên đến chùa với lý do rất lạ.

Bạn Hoài Nam, sinh viên năm thứ 2 trường ĐH Thủy Lợi thú thật: “Chúng em đạp xe dạo chơi quanh khu Hồ Tây. Nghe danh ngôi đền này lâu rồi nên ghé qua. Em thì không biết khấn vái gì, đi theo xách túi cho bạn gái thôi…”.

Thấy người ta cầu khấn thì mình cũng chắp tay khấn bái chút.

Có những lý do đi chùa rất ngẫu nhiên như vào thời điểm Tổ Đình Phúc Khánh, quận Đống Đa làm lễ cầu an. Giữa hàng trăm người ngồi xếp hàng trên dưới cầu vượt Ngã Tư Sở, một đôi trai gái ngồi trên xe máy cũng đang chắp tay ra vẻ thành tâm: “Úi giời, đi đến đây tắc đường thì phải đứng lại thôi. Mà thấy người ta cầu khấn thì mình cũng chắp tay khấn bái chút”, cô gái ngồi trên xe ngúng nguẩy.

Từ TP Huế, nơi có rất nhiều ngôi chùa đẹp, cổ kính, PV Đắc Thành cho biết hôm nay rất nhiều bạn trẻ lui tới đây vãn cảnh,chụp ảnh.

Quán nước cũng không ai ngồi thế này chứ nói gì lễ chùa...

Là người thường đi lễ chùa, ông Nguyễn Văn Tiến, 54 tuổi, ở đường Điện Biên Phủ, TP Huế phàn nàn: “Tôi rất phản đối những hình ảnh phản cảm trong cách ăn cách mặc của các cô các cậu tuổi trẻ hiện nay đến chùa, văn hóa người Việt có nói nhiều đến phong cách mặc kín đáo khi đến chốn linh thiêng. Vậy mà cũng có nhiều người lơ đi để rồi cho người ta cái quyền đánh giá mình thiếu văn hóa”.

Với mục đích và nhận thức về truyền thống đi lễ chùa trong chừng mực, không ít bạn trẻ đến cửa Phật ngày nay tay vẫn vái thành tâm nhưng thế thì rất “xì tin” với áo ngắn quần cộc.

Nhiều người lơ đi để rồi cho người ta cái quyền đánh giá mình thiếu văn hóa

Bạn Lê Thị Hồng Hạnh, SV trường ĐH Sư phạm Huế thẳng thắn: “Gia đình em theo Phật, từ khi nhỏ, em theo mẹ đến chùa thường xuyên, mẹ thường mặc bộ áo phật tử màu lam khi đi lễ. Trước khi đến chùa, mẹ luôn bày dạy cách mặc, nhưng hiện nay, mỗi lần đến chùa, em thấy các bạn ăn mặc trong những bộ trang phục không kín đáo đi chùa, vái lạy trước đức Phật… là một người trẻ em cũng không chấp nhận cách ăn mặc như vậy”.

Tại chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM, nơi được xem là lớn và linh thiêng nhất thành phố, PV Vũ Tuyên và Lê Dung gặp bà Nguyễn Thị Lành, 65 tuổi – Q.3 được người cháu đưa đến thắp nhang lễ Phật từ lúc trời vừa sáng: “Đầu năm đi chùa chỉ mong cầu thêm nhiều sức khỏe và tài lộc cho con cháu”.

Cặp đôi Hoàn – Lan ở Q. Tân Bình cầu cho tình duyên bền chặt để sang năm tiến tới hôn nhân, Lan cười: “Mình cầm tinh con Cọp, không thể cưới trong năm nay...”.

Tuy nhiên, đến chùa với chút lòng thành kính, khấn nguyện như thế này không nhiều. Ngoài việc đến thắp nhang, lễ phật, cầu may mắn như bà Lành, nhiều người còn tìm mua những lá số tử vi để xem vận mạng của mình trong năm mới. Chính vì vậy, các dịch vụ sách tử vi, bói toán, nhang đèn, vé số… hoạt động sôi nổi.

Cột áo lễ chùa hay... đi cày

Tại chùa Phật Quang, bà Trần Thị Mây ở Q. Phú Nhuận hi vọng: “Ông Hết ở Q.11 lại trúng thêm 600 ngàn nữa đó. Tui cũng hi vọng đầu năm mình được trời phật cho gặp may mắn như ông”.

Với quan niệm: nếu vuốt đầu Phật, rồi lại vuốt đầu mình thì sẽ có trí tuệ thông minh, sáng suốt, còn nếu vuốt bụng Phật rồi sờ lên người mình thì sẽ nhận được nhiều tài lộc. Vì vậy, bên trong chính điện, nhiều người trẻ sau khi “quần hở áo cụt” thắp nhang khấn vái thì “sờ đầu Phật”, “vuốt bụng Phật”.

Hoà thượng Thích Nguyên Hương (chùa Vĩnh Nghiêm) cho biết: “Việc vuốt mình tượng Phật là tín ngưỡng xuất phát từ bên Trung Quốc. Người ta quan niệm nếu vuốt kim thân của đức Phật rồi vuốt vào người mình thì sẽ gặp nhiều may mắn, thế nên nhiều người vào chùa cũng làm vậy, nhất là các bạn trẻ…”.

Điều này thuộc về tín ngưỡng, chính vì vậy nên các sư trong nhà chùa cũng không cấm, chỉ khuyên mọi người bỏ dần vì như vậy chốn cửa Phật bát nháo hơn và lâu ngày tượng Phật sẽ bị mòn.

Có vẻ thành TÂM nhưng THẾ thì không ổn!

Trong hành trình lễ chùa tháng Giêng, khách thập phương thường xuôi ngược về những ngôi chùa lớn trong cả nước như Chùa Hương, ở Mỹ Đức, Hà Nội, chùa Bà ở TX Thủ Dầu Một, Bình Dương, chùa Bà Chúa Xứ - Núi Sam ở TX Châu Đốc, An Giang… tạo nên một mùa lễ sôi nổi.

Và chùa Núi Bà Đen ở Tây Ninh là ngôi chùa nằm trên ngọn núi cao nhất khu vực Đông Nam bộ. Vì vậy, năm nào lượng khách thập phương về đây leo núi để lễ chùa cũng tấp nập. PV Viết Hùng đã ghi lại những hình ảnh trong chuyến theo núi năm nay.

Chen nhau gửi xe, chờ lên núi.
Chuẩn bị giải khát khi leo núi

Tự nhiên như đang... ở chùa!
Đen - Đỏ tìm hên xui.
Nhậu trước của Phật
Người ta trẻ, người ta có quyền tự nhiên.
Chen nhau chờ lễ

Đi chùa lễ Phật rằm tháng Giêng là văn hóa đẹp của người Việt, làm thế nào để truyền thống ấy đẹp hơn trong tâm thức riêng mỗi người khi mà không ít các bạn trẻ viếng chùa bằng thức "quá trẻ" như hiện nay.

Theo bee.net


© 2008 -2025  Phật Học Online | Homepage