Nhưng đó là kết quả của một công trình nghiên cứu nghiêm túc của NEF,
the New Economics Foundation của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet
Index (HPI), rồi dùng những chỉ số đo đạc hạnh phúc, well-being
indicators, để xếp loại 178 quốc gia trên thế giới theo tình trạng
hạnh phúc của đất nước họ. Kết quả hạnh phúc nhất thế giới lại là cư dân
của một quần đảo nhỏ bé ở Nam Thái Bình Dương, nơi tràn ngập ánh nắng
mặt trời và nước biển bốn mùa xanh trong vời vợi, đó là đảo Vanuatu.
Có chút gì “mỉa mai” chăng? Không đâu! Các nhà nghiên cứu NEF kết
luận rằng một quốc gia không cứ phải to bự mới là hạnh phúc, không cứ
phải có vũ khí hạt nhân mới là hạnh phúc, không cứ phải tiêu thụ nhiều
mới là hạnh phúc! Có nhiều con đường dẫn tới hạnh phúc, không nhất thiết
cứ phải phát triển kinh tế với bất cứ giá nào! Mạnh mẽ hơn, họ nói
không cần “hủy diệt” trái đất mới đem lại hạnh phúc cho con người! Họ đề
nghị coi lại cái gọi là GDP của mỗi quốc gia mà người ta thường đưa ra
để so sánh, đánh giá sự phát triển. Phát triển mà khai thác đến cạn kiệt
tài nguyên thiên nhiên, tàn phá cả hành tinh để thỏa mãn lòng tham
hưởng thụ vật chất của con người thì thật là nguy hiểm! Họ đưa ra khái
niệm well-being, sự sảng khoái, hạnh phúc, trong đó hạnh phúc của
cá nhân mỗi con người là trung tâm của phát triển, dựa vào đó mà có
những chính sách về kinh tế, xã hội, sử dụng tài nguyên sao cho hợp lý.
Mỗi quốc gia đều phải có trách nhiệm bảo vệ quả đất này, bởi “quả đất
này là của chúng mình”! Không phải cứ ỷ giàu có, phóng vệ tinh tìm kiếm
các hành tinh khác để… tương lai sẽ di dân đến đó, rồi mặc tình khai
thác không thương tiếc quả đất, để sống chết mặc bây!
Họ có lý để lên tiếng: Trong vòng năm mươi năm qua, không hề có sự
gia tăng về hạnh phúc của người dân Anh và Mỹ - mặc dù GDP đã tăng gấp
ba lần, mặc dù mức tiêu thụ năng lượng đã tăng gấp nhiều lần! Theo cách
tính toán của NEF, thì nếu mọi người đều tiêu thụ như người Anh hiện nay
thì phải có đến 3,1 trái đất mới đủ cung phụng cho con người! Đức và Mỹ
có tỷ lệ người dân hạnh phúc ngang bằng nhau, trong khi Mỹ sử dụng tài
nguyên gấp đôi Đức. Điều đó chứng tỏ Đức hiệu quả còn Mỹ phung phí! Hạnh
phúc của người dân đo bằng chất lượng cuộc sống, tuổi thọ, cùng với một
xã hội lành mạnh, một môi trường trong lành và một nền kinh tế phát
triển hài hòa. Họ khuyến cáo nước Anh cần có chính sách “thông minh hơn”
và “xanh hơn”! Hiện nay thì Anh quốc đã đưa môn “Hạnh phúc học” vào dạy
thí điểm ở một số trường tiểu học!
Một thí dụ đơn giản: chúng ta biết nhờ có cây xanh mà khí carbonic
được hấp thu, khí oxygen được tái tạo. Lạ lùng là con người sẵn sàng
tiêu hủy cây xanh để thay thế bằng những vườn cây… nhân tạo, để rồi sau
này mỗi người không chỉ trùm kín mặt với khẩu trang mà còn phải đeo lủng
lẳng một cái bình dưỡng khí bên hông! Ở Nhật đã có người có sáng kiến
bán những bình dưỡng khí nho nhỏ như vậy cho mọi người rồi đó!
Trái đất đã bệnh trầm trọng lắm rồi, đã nóng lên thực sự rồi, đã rùng
mình, đã ho sù sụ, đã co rúm lại từng cơn và dĩ nhiên đang nổi giận vì
sự tàn bạo của con người lắm rồi! Riêng đất nước ta thì đã báo động tình
trạng biến đổi khí hậu gây tác hại nặng nề như thế nào - lũ lụt, động
đất, bão tố… tàn phá không ngớt, cứ năm sau cao hơn năm trước - trong
đó, không thiếu sự đóng góp của bàn tay con người. Liệu chúng ta có thể
tiếp tục là quốc gia “hạnh phúc” nhất châu Á và đứng hạng 12 trên thế
giới nữa không nếu năm nay NEF lại có một cuộc “đo đạc” lại?