Phật Học Online

Người dương phát nguyện, “người âm” cùng học Chánh pháp
Chí Tín – Yến Châu thực hiện

Tiến sỹ Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc UIA.
Dân gian thường hay dùng từ “gọi hồn”để  nói về việc mời “người âm” về nói chuyện với người dương, còn tại đây dùng từ “giao lưu”. Vậy, tính chất giữa “gọi hồn” và “giao lưu” có gì giống và khác nhau không?

Mỗi tuần, tại Pháp hội Uống nước Nhớ nguồn số 1 Đông Tác, Kim Liên, Hà Nội do Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) tổ chức có hàng trăm gia đình đến để cầu siêu và giao lưu với người thân đã mất và kết quả giao lưu thành công rất cao. Tiến sỹ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc UIA chia sẻ về ý nghĩa việc giao lưu và cách thức cầu siêu tại đây.

Dân gian thường hay dùng từ “gọi hồn”để  nói về việc mời “người âm” về nói chuyện với người dương, còn tại đây dùng từ “giao lưu”. Vậy, tính chất giữa “gọi hồn” và “giao lưu” có gì giống và khác nhau không?

 Nhìn hình thức có thể cũng không khác nhau nhiều, có chăng sự khác nhau nằm ở văn hoá ứng xử của người sống đối với người thân đã khuất.

Nhiều gia đình đến giao lưu không thành công là vì họ chỉ muốn “gọi” người thân đã mất về chỉ để hỏi, để cầu lợi cho mình, (hỏi làm ăn thế nào cho phát tài, để xin được phù hộ đủ thứ… ). Việc giao tiếp với “cõi âm” như vậy là hình thức giao tiếp không lịch sự.

Các cụ ta có câu: “Âm dương đồng nhất lý”. Do đó, muốn cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên… đã mất về “gặp” chúng ta với tâm trạng vui vẻ, thì chúng ta phải thể hiện tính nhân văn trong văn hoá giao tiếp. Theo đó, ta phải giải mã được những thông điệp của thế giới bên kia, nghe được ý nguyện của người đã mất: Họ muốn gì, cần gì để mình đáp ứng, thậm chí chúng ta có thể học và tiến hành chữa bệnh cho người âm nếu như chúng ta thành tâm hồi hướng công đức và phát nguyện.

 

Vậy, chúng ta phải làm thế nào để đáp ứng được ý nguyện của người thân ở thế giới bên kia?

 Việc thể hiện văn hoá giao lưu với thế giới tâm linh là phải phát nguyện làm việc tốt không chỉ cho mình mà còn cho cả “người âm”. Theo đó, phải phát nguyện, hồi hướng cho hương linh để những linh hồn nào vẫn còn nhiều phiền não, khổ đau… sẽ thoát khỏi đau khổ. Những trạng thái khổ đau, phiền não đó đa phần do tác động rất mạnh mẽ của xúc cảm trong giây phút cận tử nghiệp (giây phút hấp hối) mà thần thức đã mang theo.

Việc mời hương linh liệt sỹ và người thân đã mất về giao lưu cũng giống như việc mình mời người thân từ nước ngoài về, thì mình phải làm thủ tục cấp visa, hộ chiếu cho họ. Tương tự, với người thân ở “cõi âm”, chúng ta phải biết chắc rằng, người thân của chúng ta không bị nhốt trong cảnh giới địa ngục, ngã quỷ… thì họ mới về giao lưu với ta được. Cách để làm các thủ tục cấp “visa” cho người thân ở cõi âm, chính là làm những việc công đức, dâng công đức đó cho người thân, nhờ đó mà công đức của họ được tăng trưởng, thoát khỏi địa ngục khổ đau và phiền não thì họ mới có thể dễ dàng về giao lưu với chúng ta.

 

Pháp hội Uống nước Nhớ nguồn  thường khuyên các gia đình muốn giao lưu thành công thì nên thực hiện nghi thức cầu siêu trước. Vì sao chúng ta nên thực hiện cầu siêu trước khi giao lưu?

 Rất nhiều gia đình đã tham gia và phản ánh lại với chúng tôi, rằng có trường hợp thực hiện giao lưu nhưng chưa cầu siêu thì người thân về không nói được, hoặc còn mang theo những đau khổ, phiền não, nhưng sau khi cầu siêu, thì các hương linh trở về giao lưu với người thân với tâm trạng hoan hỉ hơn rất nhiều.

Ngoài ra, không chỉ những gia đình có ý định giao lưu với người thân, mà ngay cả không giao lưu thì chúng ta cũng nên cầu siêu ít nhất mỗi năm 1 lần cho người thân đã mất để họ được an lạc, tránh được những cảnh giới khổ đau, phiền não.

 

Vì sao việc cầu siêu lại có thể có tác dụng đến như vậy?

 Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện cho linh hồn người đã mất được siêu thoát.

Tuy nhiên, để việc cầu siêu được thực hiện đúng chánh pháp, chúng ta không phải đến đây để cầu xin suông, nhớ ơn suông, mà nguyện làm một điều gì đó để tri ơn các liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước, tri ơn cửu huyền thất tổ, cha mẹ, người thân đã mất…

Việc tri ơn không đơn thuần là việc trả ơn bằng vật chất, tiền bạc, mà trả ơn bằng việc tu học giáo lý Phật pháp. Cách chúng ta làm chính là dựa trên việc bản thân chúng ta phải nhất tâm tu học, để những linh hồn đi theo chúng ta họ cũng noi theo chúng ta để tu học và họ sẽ thấu hiểu được giáo lý, thoát khỏi những cảnh giới phiền não, đau khổ như ngã quỷ, địa ngục…

Với những người còn sống, việc học Chánh pháp chính là một việc nghĩa cử với tổ tiên, những người đã mất trong gia đình mình. Bởi vì, hương linh người âm đến đây là họ đi theo người nhà họ đến. Các linh hồn đã mất, họ không còn thân thể nữa nên cũng rất khó tự đọc kinh sách nhà Phật để giác ngộ được, mà họ phải nghe người nhà đọc, cảm ứng theo cảm xúc, suy nghĩ của những người sống… Theo đó, người âm đi theo chúng ta, chúng ta học cái gì thì họ học theo cái đó, mình nguyện điều gì thì họ cũng cảm ứng theo ta y như vậy…

Ngoài hương linh của những người thân đi theo chúng ta đến Pháp hội để cầu siêu, thậm chí còn có cả những hương linh của những người có liên quan đến chúng ta từ trong kiếp quá khứ, họ đi theo ta để báo ơn hoặc đòi nợ. Khi họ đến Pháp hội, có thể những thần thức đang oán hận chúng ta họ cũng sẽ được nghe Phật pháp và giác ngộ, nhờ đó mà ta và họ sẽ hoá giải được hận thù, cả 2 đều sẽ được an lạc hơn.

Theo đó, để những thần thức này có thể dễ dàng giác ngộ, chúng ta không chỉ sẽ phải sám hối, nhận hết những lỗi lầm trong quá khứ, mà còn phải phát nguyện làm những việc công đức để chuộc lại tất cả những lỗi lầm đã qua.

Khi các thần thức đã ra khỏi được các phiền não, thì tự họ sẽ không còn buồn phiền, không còn cần những thứ phù phiếm của trần gian như việc cúng vàng, cúng mã…Có nghĩa là, chúng ta đã hướng cho họ có được một tư duy sáng suốt, thấu hiểu được Chánh pháp, để họ được siêu thoát sang được những cảnh giới tốt đẹp hơn.

Nhân dân ta vẫn có câu: “Cho con cá không bằng cho phương pháp câu”. Đối với những người con hiếu, cháu thảo thì việc tri ân các anh hùng liệt sỹ, tri ân gia tiên , ông bà cha mẹ, cách tốt nhất là đưa thần thức (hay còn gọi là hương linh) của họ về cảnh giới an lạc. Khi đã ở cảnh giới an lạc, họ sẽ không cần vàng mã, tiền giả, đồ giả… mà chúng ta gửi nữa. Bởi vì thực chất, ở 2 cõi giới khác nhau, các hệ quy chiếu khác nhau sẽ có vận tốc khác nhau nên không thể dùng chung một loại phương tiện, và càng không thể “chi tiêu” đồng tiền do hệ quy chiếu khác in ra. Có chăng là, tất cả các hệ quy chiếu , tất cả các cõi giới đều chịu chung sự vận hành của luật Nhân - Quả, và cùng “tiêu” chung một loại “tiền”, đó là Công Đức Lực.

Đương nhiên, muốn thực hiện được những mục tiêu kể trên, chúng ta phải tổ chức Pháp hội cầu siêu đúng chánh pháp, nghĩa là phải xuất phát từ lòng từ bi, hỷ xả, hiếu thảo, bài trí pháp đàn trang nghiêm thanh tịnh. Chúng ta không nên bày những đồ hàng mã, tiền giả, không cúng những đồ sát sinh, không được bày vẽ tốn kém, và đặc biệt là trong nghi lễ phải đọc tụng những bài kinh giúp cho thần thức được giác ngộ.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage