Phật Học Online

CÂU CHUYỆN VU KHỐNG LĂNG MẠ ĐỨC PHẬT

Sau khi Phật thành đạo, Phật thuyết pháp làm cho vua quan, các nhà giàu có và dân chúng đều theo quy y Phật. Các ngoại đạo lép vế, nên chúng tìm cách hạ uy tín Phật.
Các người Bà La Môn đến nói với cô gái Chiến Già (Cinca Manavika) là tín đồ của họ. Hàng ngày cô trang điểm xinh đẹp, ôm bó hoa đi về hướng tịnh xá Kỳ Hoàn. Lúc Phật tử nghe pháp xong, trở về thấy cô xinh đẹp, có người hỏi cô đi đâu thì cô lặng thinh, mỉm cười, trông có vẻ bí mật. 
Một tháng sau nữa thì cô trả lời thẳng thừng rằng, “Tôi đến tịnh xá Kỳ Hoàn. Đức Thế Tôn là người yêu của tôi.” Khi cô đến trước cổng tịnh xá Kỳ Hoàn thì cô sẽ qua trụ xứ của ngoại đạo để nghỉ đêm.
Rồi một hôm, Phật đang thuyết pháp. Cô với 500 ông Bà La Môn đến. Cô đứng lên cắt ngang lời Phật. Cô nói, “Lời đức Thế Tôn nói thì hay lắm, nhưng việc làm của Ngài không tốt chút nào. Hôm nay em đã bụng mang dạ chửa mà đức Thế Tôn không ngó nghĩ gì hết. Nếu Ngài không làm gì thì giao em cho ông Cấp Cô Độc hay bà Tỳ Xá Khư lo liệu. Ngài thật là người bạc tình bạc nghĩa.” Năm trăm ông Bà La Môn liền mắng chửi Phật thậm tệ. 
Đức Phật hỏi, “Này, Chiến Già (Cinca Manavika), ngươi nói thật hay là vu khống? Chuyện này chỉ có ta và ngươi biết mà thôi.”
Cô Chiến Già trả lời, “Việc này chỉ có em và Thế Tôn biết mà thôi.”
Đế Thích thấy việc dối trá tráo trở của ngoại đạo liền hóa ra bốn con chuột, leo lên mình cô, cắn các dây chằng phía trong. Một khúc gỗ tròn và một cái gối rớt xuống trước mặt mọi người.
Cô Chiến Già quá hổ thẹn, liền chạy, chạy mãi và rơi xuống hố mà chết. Năm trăm ông Bà La Môn cũng liền chuồn mất.
Đau buồn ngay ở kiếp này
Kiếp sau cũng lại tràn đầy buồn đau
Người làm điều ác hay đâu
Buồn xưa theo mãi dài lâu bên mình
Quay nhìn việc ác tạo thành
Chết mòn thân xác, héo nhanh tâm hồn.
Dẫn giải:
Trên đường hoằng đạo của Đức Phật, ngài đem lại bức thông điệp xóa bỏ những giai cấp từng thống trị của đạo Bà La Môn, bộ luật Manou đã cột chặt con người và con người bởi thần thánh, định đọat đời sống con người, đời sống kinh tế, thậm chí đến sự sanh cũng như sự tử. Việc làm của đạo Bà La Môn đã thành tựu và đưa con người đến chổ phân chia từng giai cấp có giàu sang, phú quý, có nghèo hèn, bần tiện có áp bức và khổ đau…
Đức Phật Thích Ca là bậc có uy tín trên khắp bình nguyên Ấn Hà, đến vùng sa mạc mênh mông Tây Á, đạo của Ngài được truyền sang đến vùng Nam Á và Đông Bắc Á. Giáo lý của Ngài đi đến đâu thì sự phân chia giai cấp được xóa bỏ đến đó. Chính vì những nguyên nhân nầy mà các đạo sĩ ngoại đạo muốn làm giảm bớt uy tín của Đức Phật, làm cho ảnh hưởng của Đức Phật không còn sâu rộng trong mọi giới; nhưng họ không ngờ Đức Phật và giáo lý của Ngài dành cho những người giác ngộ để tu hành giải thoát mà thôi, không tranh dành “ảnh hưởng quần chúng” chi cả, không lấn hiếp bất cứ một ai, dường như ánh Đạo của Đức Phật dành cho những người muốn tu hành học đạo giải thoát, chứ không phải là một thứ Đạo củng cố quyền thế, mượn thế lực tạo uy tín cho mình, mượn cuộc đời để vinh danh địa vị, mượn thần linh để khống chế loài người… những hạnh lành nầy đã làm cho uy tín Đức Phật ngài càng cao, giáo lý Ngài ngày càng lan rộng.
Cũng từ những ưu điểm trên mà ngọai đạo và những người có ý kiến tranh chấp bêu xấu bôi nhọ, vu khống Đức Phật, làm cho Ngài giảm bớt uy tín với quần chúng, nhất là đối với các triều đình thời bấy giờ. Cụ thể ngoại đạo đạo diễn một màn kịch cho người phụ nữ “giả có thai” đến bêu xấu, vu khống nói là “vì sống chung với Phật nên có thai”. 
Sự việc có hay không thì không biết những cũng làm giảm bớt uy tín Đức Phật đối với “quần chúng nhẹ dạ”. Sau cùng rồi cũng tìm ra được nguyên nhân, ngoại đạo “tranh chấp quần chúng” với Đức Phật, ngoại đạo ganh ghét Đức Phật, ngoại đạo thù oán Đức Phật… làm cho Đức Phật giảm uy tín. Nhưng Ngài lúc nào cũng hoan hỷ đại hoan hỷ: “cây to không sợ gió lớn, vàng thật không sợ lữa”.

Lời khuyên:
Uy tín là gì mà mọi người hay tranh dành, kể cả người tu cũng tranh dành. Người vô minh hay phá hoại thanh danh người khác, để bám níu trau chuốt tư lợi cho mình? Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần xem lại hành vi của người hay nói xấu người khác, hơn là xem xét người bị nói xấu! Vã lại, xưa nay chỉ có những bọn tà giáo ngoại đạo, ăn không ngồi rồi, phá đạo hại đời mới luôn tìm cách phá hoại đạo hạnh người tu Phật mà thôi.
Tuy nhiên, người tu chẳng cần uy tín, có nghĩa là người tu học đạo giải thoát, theo Đức Phật thì không cần ôm ấp hai chữ uy tín vào lòng, vì người tu thì không còn mắc những sai lầm trong thế gian, nên cũng chẳng cần uy tín. 
Uy tín chỉ là nghiệp dĩ hệ lụy không hơn không kém, uy tín không làm cho người tu Phật đắc đạo và giải thoát, mà còn lôi cuốn người tu vào đường danh nẻo lợi, người ham chuộng uy tín hằng ngày hay tìm cách châm biếm, vu khống nói xấu người khác để bảo vệ bả lợi danh của mình… người nầy không tu hành chi cả, mà không tu thì làm sao dạy chúng sanh tu hành, làm cho ngoại đạo chê cười nội bộ Phật giáo quá ê chề mà thôi! 
Trong thế giới nhà Phật, người tu không cần có uy tín, nên không sợ mất uy tín. Đức Phật là bậc chân thiện mỹ, ngài là bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác, vô ngã vị tha, quên mình vì đại chúng, vì chúng sanh, nên có bêu xấu, vu khống hay khen tặng, Ngài cũng không màn đến. Vì có uy tín mà không làm ích lợi quần chúng, thì uy tín mà làm gì. Bêu xấu vu khống Đức Phật tức là vinh danh Ngài đối với quần chúng đệ tử.
Các bạn ạ! Khi có người hạ nhục mình, không nên oán hận, mà nghĩ đến tại sao người kia tức giận, bêu xấu vu khống mình đến cùng cực và tiếp tục quán chiếu tại sao người vu khống bêu xấu mình đến cùng cực, phá hoại đạo hạnh của mình như vậy? 
Tự nghĩ rồi sám hối, sám hối những lỗi lầm từ trong muôn vạn kiếp: “có thể ở một kiếp nào đó mình cũng đã làm cho người đau khổ, nên hôm nay người mới làm mình khổ đau…”. Lời đức Phật dạy:
- Lấy bịnh khổ làm thuốc thần, 

- Lấy hoạn nạn làm giải thoát

- Lấy khúc mắc làm thú vị

- Lấy ma quân làm bạn đạo

- Lấy khó khăn làm thích thú

- Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đỡ

- Lấy người chống đối làm nơi giao du, 

- Coi thi ân như đôi dép bỏ, 

- Lấy sự xả lợi làm vinh hoa

- Lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.
Làm người tu phải vững tâm lành, thánh thiện mà đến với mọi người, không nên gieo xấu ác cho người khác, làm hổ danh Thích tử với ngoại đạo.


HT Thích Giác Quang
Ủy viên Ban Hoằng pháp TW GHPGVN

Nguồn:http://phatgiaovnn.com/


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage