Phật Học Online

Ai Là Người Giàu Nhất?

Ngày xưa, ở miền Đông Nam Á có một vương quốc nọ. Vị vua trị vì vương quốc ấy rất đặc biệt, ông ta luôn có tham vọng trở thành người giàu nhất thế gian. ...

Ngày xưa, ở miền Đông Nam Á có một vương quốc nọ. Vị vua trị vì vương quốc ấy rất đặc biệt, ông ta luôn có tham vọng trở thành người giàu nhất thế gian. Vì vậy dân chúng sống không được hạnh phúc lắm dưới sự cai trị của ông. Nhưng dù sao cũng còn may mắn vì bên cạnh ông, có một vị cận thần rất giỏi và nhiều tình thương. Luôn cố vấn cho ông xử lý mọi quyết định cấp bách cho dân chúng theo hướng hiểu biết và thương yêu. Chính nhờ sự từ bi và trí tuệ của vị cận thần này mà vua đã tránh được rất nhiều lỗi lầm. Những lỗi lầm do tham vọng muốn giàu nhất thế gian đem lại. Tuy nhiên, tham vọng muốn là người giàu nhất thế gian vẫn chưa nguôi. Một hôm vua họp mặt tất cả những cận thần lại, và hỏi:

 

-         “Này các khanh. Các khanh hãy nói cho trẫm biết trong vương quốc này ai là người giàu nhất.”

 

Các cận thần của vua cùng đáp:

 

-         “Thưa hoàng thượng! trong vương quốc này, dưới sự trị vì của hoàng thượng, hoàng thượng là người giàu nhất.”

 

Vua cảm thấy rất thỏa mãn khi nghe các cận thận tâu lên như vậy. Nhưng sau đó vài giây, sắc mặt vua thay đổi. Vua nói:

 

-         “Nhưng ta nghe nói, ở làng Tỉnh Thức có một vị khất sĩ, và mọi người đồn rằng, trên thế gian này không ai giàu bằng vị khất sĩ đó cả.”

 

Một cận thần khác của vua, tên Hướng Thượng, bước ra và nói:

 

-         “Tâu bệ hạ! vì công việc của quốc gia, hạ thần đã có lần đi ngang qua, và ở lại làng Tỉnh Thức một tuần, quả thật thần thấy dân trong làng sống với nhau rất hạnh phúc. Không những vậy họ còn sống hài hòa với muôn thú xung quanh rừng, đặc biệt là họ không bao giờ ăn thịt của động vật sống trên cạn, bay trên trời, cũng như động vật sống dưới nước. Thức ăn chính của họ là rau quả và ngũ cốc. Đời sống của họ thật giản dị thưa bệ hạ…”

 

Nói đoạn, viên quan Hướng Thượng im lặng một lúc vì xúc động, rồi ông nói tiếp:

 

-         “Tâu bệ hạ, hạ thần có cơ hội được gặp vị khất sĩ mà bệ hạ vừa nói. Và hạ thần đã vô cùng xúc động khi nhìn thấy ông ta. Ở ông ta có một cái gì đó đã cuốn hút hạ thần, đã làm cho hạ thần quy phục và kính nể như hạ thần quy phục và kính nể bệ hạ vậy. Thưa bệ hạ, khi hạ thần đến đó, hạ thần đã thấy một khung cảnh, mà đến bây giờ hạ thần còn kinh ngạc và xúc động. Đó là hình ảnh các trẻ con trong làng chơi với những chú nai con trong sự hồn nhiên và đầy bình an. Đứa thì ôm bụng nai thọt lét, đứa thì chạy vui đùa với những chú nai khác, còn đứa thì cỡi lên lưng nai bố đang đứng bên cạnh… Dường như khoảng cách giữa con người và muôn thú ở đây không còn nữa. Nhìn cảnh ấy mà nước mắt hạ thần cứ chảy dài. Lúc đó hạ thần có mong ước là, tất cả người dân trong nước này đều được hưởng cảnh an bình như vậy.”



Vua đã rất ngạc nhiên khi biết ở trong nước của người lại có một con người, và một ngôi làng đặc biệt và kỳ lạ như vậy.  Sự hiếu kỳ trong vua trỗi dậy. Vua nói với quan Hướng Thượng:

 

-         “Trẫm nghe khanh nói, mà lòng cũng cảm thấy vui lây, trẫm mừng cho nước nhà đang có bậc kỳ tài. Bảy ngày tới là ngày trăng tròn, trẫm muốn cùng khanh và tùy tùng sẽ xuất cung đi tới đó. Trẫm cũng muốn tận mắt chứng kiến thực hư như thế nào. Và trẫm cũng muốn biết vì sao nhiều người nói vị khất sĩ kia là bậc giàu có nhất thế gian này.”


Thời gian mới đó mà đã tới ngày trăng tròn. Vua và viên quan Hướng Thượng cùng một số cận thần cải trang làm thường dân đi về hướng làng Tỉnh Thức. Phái đoàn của vua phải qua năm ngọn núi, ba con sông và tám khu rừng mới đến được làng Tỉnh Thức. Lúc vua đi thì trăng tròn. Khi vua tới làng Tỉnh Thức thì trăng đã không còn nữa. Bấy giờ là cuối tháng, như vậy vua và phái đoàn đã đi khoảng  mười lăm ngày.


Tới đầu làng Tỉnh Thức, vua và phái đoàn đã cảm được một năng lượng bình an đến lạ kỳ. Tiếng động của người, ngựa đã làm cho muôn thú trong rừng ngạc nhiên ngơ ngác nhìn, nhưng dường như tiếng động đó không làm cho chúng hoảng sợ. Có lẽ trong khu rừng này chưa hề xảy ra một cuộc đi săn nào.
 

-         “Thưa bệ hạ, phía trước chỉ còn hai dặm nữa thôi là đến làng Tỉnh Thức. Viên quan Hướng Thượng thưa.”


Vua dõi mắt nhìn về phía trước mà lòng đầy niềm vui, những cảm giác này vua chưa từng có trước đây. Tự nhiên trong đầu vua có một ý nghĩ rằng, vua sẽ có được nhiều hơn những gì vua muốn khi vua gặp được vị khất sĩ.

 

Phía xa xa, trên cánh đồng cỏ xanh ngát, có sáu đứa bé chơi với nhau, hai bé gái và bốn bé trai. Chúng độ cỡ sáu tuổi đến tám tuổi. Bên cạnh những đứa trẻ là bầy nai đang nhai từng lọn cỏ nhỏ, tươi. Những chú nai trông thật hiền và dễ thương làm sao. Chúng đùa giỡn, cõng lên lưng nhau, đưa mõm về phía các đứa trẻ, dường như muốn rủ bọn trẻ chơi một trò chơi gì đó. Hàng trăm chú sáo nâu bay lên, lượn xuống ở cây cổ thụ gần đó như muốn tham gia vào cuộc vui của bọn trẻ và các chú nai. Đây là lần đầu tiên vua thấy một cảnh tượng như vậy. Vua cũng có vườn thượng uyển, cũng có những công chúa và hoàng tử nhỏ, vua đã từng thấy công chúa và hoàng tử chơi với nhau, nhưng vua chưa bao giờ có được cảm giác bình an và yên như hôm nay khi nhìn những gì đang diễn ra trước mắt mình.
 

Vua và đoàn tùy tùng cùng tiến đến bọn trẻ. Bọn trẻ dường như thấy vua và đoàn tùy tùng đang đi tới phía mình. Tất cả đều dừng lại cuộc chơi, đứng lên và khoanh hai tay, lễ phép chào vua và mọi người trong đoàn.


Vua tiến đến gần và hỏi:

 

-         “Bác nghe nói rằng tất cả mọi người dân trong làng đều không ăn thịt cá, chỉ ăn rau quả và ngủ cốc, có đúng như vậy không ?”

 

-         “Thưa bác, dạ phải.” Một bé gái dường như lớn nhất nhóm trả lời.

 

-         “Vì sao vậy? có phải ai cấm các con không được ăn không? Hay là nếu như các con ăn thịt, cá các con sẽ phạm tội.”

 

-         “Dạ không. Chúng cháu không ăn là bởi vì chúng đều là bạn của chúng cháu ạ.” Tất cả bọn trẻ đồng thanh trả lời.

 

Những hình ảnh vua nhìn thấy cách đây không lâu khi mới tới làng, dường như là lời giải thích hùng hồn cho câu trả lời của bọn trẻ. Vua mỉm cười và tiếp tục đi vào trung tâm làng sau khi vẫy tay chào.

 

Vua cùng phái đoàn vào cổng chính của làng, rồi dừng chân lại một quán trọ trong làng để nghỉ ngơi. Sáng hôm sau vua cùng phái đoàn được mời dùng bữa sáng chung với gia đình chủ quán. Gia đình chủ quán gồm sáu người - vợ chồng chủ quán, hai người con, một trai một gái và hai người cùng làm việc chung. Nhà vua rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mọi người trong gia đình chủ quán im lặng thưởng thức đồ ăn, nhìn nhau, mỉm cười mà không nói một lời nào. Sau buổi ăn vua tò mò hỏi:

 

-         “Vì sao tôi thấy quí vị trong khi ăn không nói lời nào, rất khác với cách sống của dân làng tôi. Quí vị có thể giải thích cho tôi hiểu lý do được không?”

 

Người bố trong gia đình mỉm cười và trả lời với đức vua.

 

-         “Thưa ông, với chúng tôi, những người dân sống trong ngôi làng này, điều trân quí sự có mặt của nhau. Ăn cơm im lặng là cách mà chúng tôi thể hiện niềm trân quí đó. Cũng nhờ ăn cơm im lặng mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với thức ăn một cách sâu sắc hơn. Và vì thế lòng biết ơn của chúng tôi cũng được nuôi dưỡng và lớn lên sau mỗi buổi ăn.”

 

Dường như vua cũng chưa hiểu rõ câu trả lời lắm, nhưng dù sao nó cũng thỏa mãn cho vua một phần nào. Còn về vị quan Hướng Thượng thì biết tất cả những truyền thống của làng, nhưng ông đã không nói trước hay giải thích cho vua bất cứ điều gì, ông muốn vua phải tự mình khám phá từ từ.

 

 Nếp sống ở làng tỉnh thức thật bình yên và nhẹ nhàng. Vua muốn đi đến bờ sông cạnh khu rừng, vì sau bữa ăn vua có nghe mọi người trong gia đình chủ quán nói, hôm nay là ngày những chú khỉ đem trái cây đến cho dân làng. Khi vua và phái đoàn tới bờ sông, cũng là lúc các chú khỉ đem trái cây đến. Tiếng khẹc khẹc của đàn khỉ và tiếng cười nói của các thanh niên thiếu nữ trong làng, những âm thanh đó đã làm cho nhà vua bật cười. Cảnh tượng thật ngộ nghĩnh. Vua chưa hề thấy bao giờ. Những chú khỉ làm đủ trò trong khi chuyển trái cây cho những người trẻ trong làng. Chú thì bỏ những trái táo rừng vào đầy hai má. Chú thì dùng đuôi xâu lại một tràng trái cây lạ. Thân loại trái cây này có màu hồng vàng, ở giữa có một khoảng trống nhỏ.  Chú thì hai tay ôm nải chuối. Có những chú khỉ con, thì tay không cầm gì, nhưng lúc nào cũng bám lên lưng khỉ bố hoặc mẹ… Sau khi truyền trái cây xong, các chú khỉ vui đùa ríu rít với nhau. Chúng nhảy lên lưng, chúng đu trên vai những thanh niên, thiếu nữ của làng. Những chú khỉ con vén tóc những người trong làng để bắt những con rận, hệt như khỉ mẹ đã từng làm cho chúng. Nhìn những cảnh như vậy, vua không khỏi ngạc nhiên. Trong cung, vua cũng đã từng xem rất nhiều chú khỉ, chúng rất giỏi. Chúng có khả năng làm xiếc đủ trò. Nhưng vua thấy trong ánh mắt chúng luôn có một nỗi buồn man mác. Có lẽ là những ánh mắt mang một nỗi buồn nhớ rừng. Ánh mắt muốn có được sự tự do.

 

Ngày hôm sau cũng là ngày vị khất sĩ đi khất thực, vua và đoàn tùy tùng đã chờ vị khất sĩ ấy ngay gốc cây đa lớn. Cây đa này có thể đã hơn trăm tuổi, gốc đa có nhiều tua xung quanh, thoạt nhìn trông giống như râu của những ông tiên trong truyện cổ tích. Cây đa này là nơi nghỉ ngơi và dùng cơm của vị khất sĩ.

 

-         “Thưa hoàng thượng, hoàng thượng có thấy bóng người từ xa đang tiến lại gần không. Bóng người ấy chính là người mà hoàng thượng đang mong đợi.” Viên quan Hướng Thượng thưa.

 

Vua đưa mắt nhìn về phía trước theo hướng tay của viên quan Hướng Thượng chỉ. Bóng người ấy cũng dần hiện rõ. Vua chăm chú nhìn một con người nhỏ nhắn đang tiến dần về phía mình mà không hề có lấy một cái chớp mắt. Từng bước chân an lạc, từng bước chân thảnh thơi của con người ấy tỏa ra một năng bình an vô bờ. Vua chưa từng thấy một người nào có dáng vẻ uy nghi và thanh thản đến như vậy. Bóng người ấy tiến dần đến trước mặt vua nở một nụ cười hồn hậu. Vua cũng đáp trả lại một nụ cười với lòng cung kính và ngưỡng mộ mặt dù đây chỉ mới là lần gặp đầu tiên.

 

Vị khất sĩ nhẹ nhàng đến bên cạnh gốc cây đa, rồi ngồi xuống trong tư thế vững chãi nhất để dùng phần ăn của mình. Người ăn một cách chậm rãi, khoan thai. Vua và đoàn tùy tùng quan sát vị khất sĩ ăn trong im lặng.  Bữa ăn cũng kết thúc, vị khất sĩ nhẹ nhàng đứng lên để chuẩn bị trở về lại tịnh thất. Nhà vua cũng tranh thủ khi vị khất sĩ đứng lên thì tiến lại gần và thưa:

 

-         “Thưa ngài, có phải ngài là vị khất sĩ mà mọi người vẫn thường đồn là người giàu nhất thế gian?” Vị khất sĩ chỉ đáp lại nhà vua bằng một nụ cười.

 

-         “Thú thật với ngài tôi chính là quốc vương của vương quốc này. Đã từ lâu tôi nghe tiếng  của ngài, mà cho đến hôm nay tôi mới có cơ hội diện kiến. Sau khi được gặp ngài, tôi thấy quả thật là không uổng công tôi lặn lội muôn dặm xa đến đây” đức vua tiếp tục nói.

 

Khi biết được người đứng trước mặt mình là một quốc vương và những người xung quanh là những quan cận thần nhưng nét mặt của vị khất sĩ vẫn không hề thay đổi. Người luôn bình thản và trang nghiêm.

 

Vị khất sĩ cất giọng ôn tồn hỏi “thưa quốc vương, chẳng hay ngài đến làng Tỉnh Thức này có việc gì?”  

 

-         “Chỉ một lí do đơn giản, tôi muốn tìm hiểu vì sao người ta nói ngài là người giàu nhất thế gian mặc dù trên người ngài chẳng có một món báu vật nào.”

 

-         “Vậy theo hoàng thượng một người như thế nào là người giàu nhất thế gian.”

 

-         “Người giàu nhất thế gian là người không có thiếu bất cứ một món báu vật nào cả.”

 

-         “Thưa hoàng thượng, khi nào người ta cần, người ta tìm cầu một cái gì đó thì người đó mới thiếu phải không?”

 

-         “vâng.”

 

-         “Một người không còn tìm cầu bất cứ một điều gì nữa thì người đó có còn cái gì để mà thiếu nữa không?”

 

-         “Thưa ngài không.”

 

-         “Vậy thưa hoàng thượng có thể gọi người đó là người giàu nhất thế gian không? Người mà đối với bản thân mình không thấy thiếu bất cứ một thứ gì?”

 

-         “Có phải ý ngài muốn nói người biết đủ, người không còn tham dục với những của cải trên thế gian này là người giàu không?” Với câu hỏi này của vua vị khất sĩ chỉ im lặng mỉm cười. Và đức vua cũng hiểu ra rằng vì sao mọi người nói vị khất sĩ này là người giàu nhất thế gian mà trên người không có một thứ gì quí giá cả. Điều đức vua khám phá ra là người biết đủ thì nghèo mà giàu, còn người không biết đủ thì giàu mà vẫn nghèo.

 

Sau khi trở về lại hoàng cung hình ảnh an lạc thảnh thơi của vị khất sĩ ở làng Tỉnh Thức luôn hiện lên trong tâm trí nhà vua. Nhà vua đã ra lệnh đem phân phát tài sản cho những người dân nghèo trong cả nước. Luôn tham vấn vị quan Hướng Thượng trước khi quyết định bất cứ một điều gì có liên quan đến quốc gia. Vua cũng thực tập một đời sống đơn giản. Bây giờ đây vua cũng cảm thấy mình là người giàu nhất. Cuộc sống của dân chúng nơi nơi được ấm no. Những kết quả mà vua có được khi thăm vị khất sĩ ở làng Tỉnh Thức đã hơn những gì vua mong muốn. Trước khi nhà vua bằng hà, nhà vua đã nói đức vua kế nhiệm con trai mình khắc lên bia mộ vua hàng chữ: 
Người Biết Đủ.

 

Nguồn: http://www.daophatngaynay.com/


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage