Triển lãm khai mạc ngày 7-12, tại giảng đường chùa Phật học Xá Lợi (Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM) với những bức ảnh và tranh do anh Huỳnh Đăng Khoa sưu tầm cũng như chụp được trong những dịp ghé qua Tây Tạng và Nepal.
Chư tôn đức và các vị thân hữu chung vui với anh Đăng Khoa (bìa trái) - Ảnh: Nhã An
Anh Khoa cho biết, lợi nhuận từ cuộc triển lãm sẽ trích ra 50% đưa vào Quỹ ấn tống Hoa Sen và khóa tu người mù, khiếm thị tại tịnh thất Xá Lợi (Đồng Nai).
Được biết, trong những bức tranh triển lãm thì có 2 bức cổ khá ấn tượng. Anh Đăng Khoa kể, trước khi tìm được hai bức cổ này thì cách đây 3 năm anh đi Nepal được ghé chỗ người vẽ tranh, thấy họ vẽ bằng cả tâm huyết trên chất liệu da dê.
Anh cho biết, ở đây thời tiết khắc nghiệt, không có gì vẽ, nên thường sau khi dê chết họ tận dụng tất cả những thứ có thể, và họ vẽ lên đó, nên bức ảnh nhìn chỉ có màu vàng của vàng, màu đen của sáp, nhìn huyền bí lắm.
Xen lẫn những bức tranh anh sưu tầm là những bức ảnh được anh chụp lại ở Tây Tạng khi đi viếng các tu viên, mỗi bức chụp những thời điểm khác nhau. Anh chia sẻ “anh ấn tượng và thích nhất với bứcMẹ con và bức Bà lão, bởi bức tranh Mẹ con lúc họ đi viếng chùa, nó thể hiện sự tiếp nối. “Ở đây ngay từ nhỏ, gia đình đã hướng các cháu bé về Phật pháp, trẻ con đều tôn kính Tam bảo, được qua đây, rồi tiếp xúc với con người và vùng đất này thấy khâm phục họ, tuy không giàu có, nhưng rất tín tâm và có cái gì đó an lạc lắm. Đúng là vùng đất thần thánh”, chủ bộ sư tầm tâm đắc.
Các bức tranh tại triển lãm
Khách tham quan triển lãm tìm hiểu thêm về các bức tranh, ảnh - Ảnh: Nhã An
Vào buổi chiều cùng ngày cũng tại giảng đường chùa Xá Lợi có buổi nói chuyện chuyên đề hàng tháng do Ban Phật học chùa Xá Lợi tổ chức với đề tài “Chia sẻ kinh nghiệm trong sự tu trì Mật pháp” do HT.Thích Nhựt Quang, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Đồng Tháp thuyết giảng.
Buổi nói chuyện đã thu hút rất đông Phật tử và các thiện trí thức.
Nhã An