Việc đối nhân xử thế của chúng ta ở trong cõi đời
này, đều cần coi trọng hiệu năng và công dụng. Tựa như kiếm tiền có ích gì, đọc
sách có lợi gì? Kiếm tiền không những có thể giải quyết nhiều vấn đề trong đời
sống, mà còn có thể tạo phước cho nhân quần xã hội; đọc sách có thể tăng thêm
tri thức, hiểu thêm cách ứng xử giao tiếp, mai sau có thể lập nghiệp thành
công. Cũng vậy, “Bát nhã” có diệu dụng gì đối với chúng ta? “Bát nhã” chính là
trí tuệ và năng lực (trí năng), không chỉ dừng lại ở đấy, mà diệu dụng của nó
còn có rất nhiều.
Ông Lương Khải Siêu (1873-1929) - nhà tư tưởng,
nhà hoạt động chính trị, nhà bình luận chính trị Trung Quốc cận đại - nói: “Tín
ngưỡng của Phật giáo là trí tín, mà không phải là mê tín” (Phật giáo chi tín
ngưỡng nãi trí tín, nhi phi mê tín - 佛教之信仰乃智信,而非迷信).
Phật giáo là một tôn giáo lý tính (lý trí), pháp Phật là học vấn của trí năng,
mà Bát nhã thì là đôi mắt của pháp Phật, vì vậy Bồ tát hành Lục độ Ba la mật(1),
lấy Bát nhã làm đầu, như trong Đại trí độ luận nói: “Bát nhã là dẫn
đường, ngũ độ là bầu bạn; nếu không có Bát nhã, thì ngũ độ như mù lòa” (Bát nhã
vi đạo, ngũ độ vi ban; nhược vô Bát nhã, ngũ độ như mang - 般若為導,五度為伴;若無般若,五度如盲). Pháp thế gian nhờ Bát nhã mới có thể trở thành
pháp xuất thế gian.
Vì vậy, “nếu
bố thí mà không có Bát nhã, thì chỉ được phồn thịnh trong một đời, sau vẫn chịu
nhiều tai ương; trì giới mà không có Bát nhã, tạm sinh lên dục giới(2),
rồi lại đọa vào nê-lê”(3); nhẫn nhục mà không có Bát nhã, quả báo
được hình đoan chính, nhưng không chứng được tịch diệt nhẫn(4); tinh
tiến mà không có Bát nhã, thì chỉ hưng trong cõi sinh tử, không vươn tới biển
chân thường; thiền định mà không có Bát nhã, chỉ bước tới Sắc giới thiền(5),
không vào được Kim cang định; vạn hạnh mà không có Bát nhã, thì vẫn mãi nằm
trong vòng tuần hoàn chi phối của nghiệp báo, không vươn tới được quả vô vi.
Nay nêu ra
bốn điểm, xem Bát nhã đối với cuộc đời của mỗi một con người chúng ta có những
diệu dụng gì:
Có thể tin tưởng chân lý
Con người
không thể không có niềm tin, niềm tin chính là sức mạnh, nhưng tin nhầm đối
tượng thì vấn đề trở nên rất nguy hiểm. Bát nhã có thể làm cho chúng ta tin
đúng (chính tín) chân lý, nhận thức điều kiện chân lý, vì vậy mà chọn lựa sự
tin tưởng và ngưỡng mộ chính xác.
Ví dụ:
Thứ nhất, tin
tưởng chắc thật, rằng có những khảo chứng lịch sử: giáo chủ Phật giáo Thích Ca
Mâu Ni Phật, trong lịch sử còn ghi chép, có quốc gia, cha mẹ nuôi nấng Ngài,
cho đến quá trình tu hành của Ngài, thời gian, nơi sinh, di vật, đều có thể
khảo chứng(6), Ngài là một vị Phật đà có thật.
Thứ hai, tin tưởng chắc thật, rằng có trí năng Bát
nhã: Phật đà có năng lực giúp đỡ chúng sinh vượt qua mọi khổ ách. Phật đà từng
nói: “Ta như lương y, biết bệnh cho thuốc, theo hay không theo, không phải lỗi
của Ta vậy; Ta như người khéo chỉ đường, khuyên con người bước trên đường
thiện, đi hay không đi, không phải lỗi của người hướng dẫn vậy” (Ngã như lương
dược, phục dữ bất phục, phi y cữu dã; Ngã như thiện đạo, đạo nhân thiện lộ, nhữ
chi bất hành, phi đạo quá dã - 我如良醫,知病說藥,服與不服,非醫咎也;我如善導,導人善路,汝之不行,非導過也). Ngài thực sự có năng lực có thể tiêu tai trừ
nạn cho chúng sinh.
Thứ ba, tin tưởng chắc thật, rằng có từ bi đạo
đức: Phật đà không chỉ có năng lực, tồn tại thực sự, pháp mà Ngài từng tuyên
thuyết, Tăng đoàn mà Ngài từng lãnh đạo, dìu dắt, đều là trí năng, từ bi, đạo
đức, thiện hành mỹ danh, truyền bá rộng khắp mười phương.
Có Bát nhã thì có thể biết rõ “tính phổ biến,
tính tất nhiên, tính bình đẳng, tính nhân quả, tính duyên khởi, tính vĩnh hằng”
của chân lý. Ví dụ nói, Phật giáo giảng “có sinh có tử”, “có nghiệp có báo”,
điều này là chân lý bất biến, vĩnh viễn.
Thứ tư, tin
tưởng chắc thật, rằng có khả năng tịnh hóa nhân tâm: có rất nhiều ngoại đạo,
thường lấy phước họa chi phối ở trần gian, giáng tai chiêu ương để khống chế
tín đồ, nhưng Phật giáo của niềm tin chắc thật thì chủ trương “vận mệnh” nằm
gọn trong tầm tay của chính mình.
Có Bát nhã
thì có thể hiểu được “ba pháp ấn”- chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, niết
bàn tịch tịnh, để ấn chứng chân lý.
Có thể thể chứng Bát nhã
Người xưa
nói: “Nếu con người nhận ra được tính Bát nhã, thì hoa xuân trăng thu, khắp nơi
đều là xuân”. Lại nói: “Túy trúc mượt mà không chỗ nào là không phải Bát nhã,
hoa cúc ngào ngạt đâu đâu cũng là diệu đế”. Thế gian vũ trụ sum la vạn tượng
này đều hiển hiện ra từ bên trong Bát nhã của tự tính chúng ta.
Cuối cùng cái
gì gọi là Bát nhã? Cái gì thì là không phải là Bát nhã? Chỉ cần có khả năng làm
cho chúng sinh khai ngộ, tất cả đều là Bát nhã, tỉ dụ Phật đà dạy Châu Lợi Bàn
Đà Già rũ bẩn quét bụi, Châu Lợi Bàn Đà Già nhờ vậy mà khai ngộ, thì quét nhà,
làm việc đều là Bát nhã; không có khả năng khiến cho chúng sinh giác ngộ, thì
tất cả đều không phải là Bát nhã, ví dụ: người giảng ân cần, người nghe thờ ơ,
thì Bát nhã nào có tác dụng gì?
Có một bà
lão, mỗi sáng sớm đều đến tự viện lạy Phật, có một lần lễ Phật xong, lúc ngang
qua bậc thềm tự viện, không cẩn thận bị té nhào vào một đống đồ đạc, một âm
thanh vang lên cái “chít”, như là tiếng kêu của một chú nhái, lòng nghĩ: “Ta đi
lạy Phật cầu công đức, sao không cẩn thận đã sát sinh rồi!” Sau khi về nhà, mãi
cứ buồn phiền ân hận. Thế là về đến tự viện, mời Pháp sư tụng kinh siêu độ cho
chú nhái kia. Pháp sư vừa nghe, liền dẫn bà lão đến bậc thềm vừa xem, thì ra
không phải là chú nhái, mà là một trái cà bị giẫm nát, trong phút chốc, bóng
tối, tội lỗi và sự bất an trong tâm bà lão đều tan biến.
Công dụng của
Bát nhã chính là cần chúng ta nhận rõ chân tướng của sự việc, không nên vì
tướng giả mê hoặc mà suy hơn tính thiệt.
Có thể nhận chân giá trị
Bát nhã có tác dụng gì? Có Bát nhã thì có thể
nhận chân được giá trị của đời người. Giá trị Bát nhã không có ngôn ngữ văn tự
nào có thể nói hết. Thơ nói: “Ánh trăng trước cửa sổ vẫn là ánh trăng bình
thường ngày nào, nhưng bởi vì hôm nay có sự tô điểm của hoa mai, nên ánh trăng
ấy đã cho người ta một sự cảm nhận khác lạ” (Tầm thường nhất dạng song tiền
nguyệt, tài hữu mai hoa tiện bất đồng - 尋常一樣窗前月,才有梅花便不同).
Ăn - mặc - đi
- ở như xưa, nhưng nếu có Bát nhã, thì giá trị sẽ khác nhau. Ví dụ nói, mặc áo,
không nhất định phải là lĩnh, là, lụa, đoạn đủ hàng tơ lụa, mà chỉ cần vải thô
áo chiếc thanh nhã giản dị, càng có thể triển hiện khí chất phi phàm; ăn uống,
không nhất định phải sơn hào hải vị, mãn hán toàn tịch, mà chỉ cần nước trong
rễ trái thanh đạm, rau xanh quả chín, nhai kỹ, cũng có thể tốt hơn các món ăn
quý lạ; cư trú, không cần phải biệt thự to lớn, sống trong khu nhà ở dân cư,
càng có thể tăng thêm quan hệ hữu nghị, thể hội mối quan hệ giữa người với ta -
một đóa hoa, một chiếc lá, một Như lai.
Người hiện
đại khi ra khỏi nhà, giao thông đi lại, phần lớn dùng xe hơi, xe gắn máy thay
cho đi bộ, nhưng tác dụng thì ngược lại, khiến cho cơ năng thân thể thoái hóa,
xấu đi, có Bát nhã thì không như thế, từng bước chậm rãi thay ngồi xe, không
chỉ có thể giảm bớt ô nhiễm môi trường, càng có thể lưu lại cho mình khoảnh
khắc thảnh thơi, nhàn tình.
Đời người
trong cuộc sống hiện thực, hàng ngày sớm đi tối về, công việc vất vả bộn bề,
nhưng từ đầu đến cuối, kết cục lại không biết vì sao mình lại vất vả bận rộn.
Có Bát nhã, bận rộn, tất có ý nghĩa của bận rộn; hiến dâng, tất có giá trị của
hiến dâng, từ đây, đời người không giống như những ngày trước kia nữa.
Vì vậy, giá
trị diệu dụng của Bát nhã, ở chỗ có thể cải thiện đời sống của chúng ta, tịnh
hóa tư tưởng của chúng ta, nâng cao cảnh giới nhân sinh chúng ta.
Có thể ví von: Bát nhã như chiếc “cầu nối”, “Bát
nhã” có thể chở tất cả chúng sinh đến bến bờ bên kia; Bát nhã như cây “dao
bén”, có thể chặt gãy mọi phiền não nghiệp thức; Bát nhã như “ánh sáng”, có thể
rọi thủng lậu tập vô minh nhiều kiếp đến nay; Bát nhã như “con mắt”, là căn
nguyên của tất cả công đức thiện pháp; Bát nhã như “mẹ hiền”, chư Phật, Bồ tát,
hạnh nhân nhị thừa(7), hành giả nhân gian, không vị nào không
từ Bát nhã mà chứng ngộ chân lý, cho nên lại gọi là “mẹ của chư Phật ba đời”.
Có thể sinh hoạt tự tại
Xưa kia, Phật đà ngồi trên tòa kim cương dưới cội
bồ đề, lúc sao mai xuất hiện, thì Ngài chứng ngộ, đó chính là Bát nhã; trên hội
Linh sơn, Phật đà nâng trên tay một đóa hoa, Ca Diếp mỉm cười, chính là Bát nhã
tương ưng; Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn thiền tông nói pháp cho Huệ Năng, ngay sau đó thì
rõ tâm thấy tính (minh tâm kiến tính), cũng là Bát nhã; Đề Bà cầu kiến Bồ tát
Long Thọ, quăng cây kim vào trong bát nước đầy(8), điều khế nhập ấy
cũng là Bát nhã.
Vì lẽ gì Bát nhã có thể có được diệu dụng như vậy?
Gọi là “trong cõi chân như, vắng bặt sự giả danh của chúng sinh và Phật; trong
tính bình đẳng, không hiện hữu hình tượng mình và người. Trong đại trí năng Bát
nhã, thời gian và không gian thống nhất, sự đối đãi sai biệt tan biến, khoảng
cách người và ta mất hẳn, tri thức học vấn của thế gian chuyển đổi thành chân
lý xuất thế gian, tình cảm cố chấp thăng hoa thành đại từ bi đối với tất cả
chúng sinh, tâm ý không bị khổ lạc chi phối khuấy động, sức mạnh chỉ ác hướng
thiện cũng được tăng thêm.
Vì vậy, đời
người nếu có Bát nhã, thì có thể sống tự tại, mặc cho gặp lắm tai vạ gian
truân, đều có thể làm chủ được các cảm xúc ngay trong từng niệm, gặp vui không
thích, gặp khổ không buồn. Khéo dùng tư tưởng Bát nhã, thì có thể biến bà lão
khóc thành bà lão cười(9), chỉ cần trong một chuyển niệm, thì đời
người gian khổ liền có thể biến thành đời người của Bát nhã. Dùng Bát nhã đối
xử với con người, thì bạn lớn tôi nhỏ, bạn có tôi không, không có sự cần thiết
tính toán, so bì. Dùng Bát nhã sinh hoạt, thì có thể có có thể không, có thể
trước có thể sau, có thể nhiều có thể ít. Dùng Bát nhã làm việc, cắm hoa, thế
hoa ý cảnh sẽ khác thường, xinh đẹp; nấu ăn, mùi thơm của món ăn không như ngày
thường, thơm và ngon hơn; nói chuyện, phong cách lời lẽ đặc biệt hơn. Đã có Bát
nhã, thì cõi lòng rộng mở, thênh thang, đời người còn gì hạnh phúc tự tại
bằng!
(Theo 星雲,《佛學教科書》,上海:上海辭書出版社,2008年,頁105-109 - Tinh Vân
(2008), Phật học giáo khoa thư, Nxb. Từ Thư Thượng Hải, tr.105-109)
Phước Tâm dịch
(1) Ba-la-mật(波羅蜜, dịch là độ (đi qua, trôi qua), ý
là đáo bỉ ngạn (đến bến bờ bên kia, hàm chỉ giải thoát mọi muộn phiền,
áo não). Lục độ là sáu phép tu mà một Bồ tát trong Đại thừa Phật giáo
muốn thành Phật đạo thì cần phải thực hiện/hành, ấy là Bố thí, Trì giới,
Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Bát nhã.
(2) Chỉ trời lục dục(六欲天). Căn cứ Phiên dịch danh nghĩa tập (quyển 3),
nêu ba điều ham muốn (dục) của cõi dục phàm phu, một là ẩm thực dục (ham
muốn ăn uống), tức phàm phu ham thích ăn uống nhiều của ngon vật lạ,
tâm sinh nhiều tham ái; hai là thụy miên dục (ham muốn ngủ nghỉ), tức
tâm phàm phu ám tắc đen tối, đắm mình trong ngủ nghỉ mà không thể siêng
năng tu đạo nghiệp; ba là dâm dục (ham muốn dâm đãng), tức tất cả nam nữ
do tham nhiễm qua lại nhau, mà khởi tạo các loại ham muốn. Vì vậy, tuy
sinh lên cõi trời, vẫn còn chưa thể tránh được phiền não và cái khổ luân
hồi sinh tử.
(3) Nê-lê(泥犁), tức chỉ địa ngục.
(4) Tất cả mê hoặc đoạn tận, thanh tịnh vô vi, cảnh giới trạm nhiên tịch
diệt.
(5) Sắc giới (色界) là thế giới có tịnh diệu sắc chất và là tên gọi chung
của chúng sinh ấy, ở vào phía trên “dục giới”, là chỗ ở của trời người.
Giới này dựa vào thứ lớp sâu cạn nhập định mà chia làm tứ địa, gọi là tứ
thiền thiên, chúng sinh ở đó mặc dù xa rời dâm dục, không dính kẹt vào
sắc pháp uế ác, song vẫn bị sắc pháp vi tế thanh tịnh ràng buộc, vẫn
chưa giải thoát triệt để.
(6) Phật đà vốn là Thái tử con vua Tịnh Phạn ở thành Ca Tì La Vệ, thuộc
Bắc Ấn Độ, tên là Tất ĐạT Đa. Mẹ là phu nhân Ma Da, công chúa tộc Cư Lị,
nước láng giềng. Liên quan về sự tích cuộc đời Phật đà, từ cổ chí kim,
từ trong nước đến ngoài nước đều có sử liệu, trước thuật ghi chép.
(7) Chỉ Nhị thừa Thanh văn và Duyên giác.
(8 Đề Bà ngưỡng mộ uy danh Long Thọ, đến núi Kiết Tường nước Kiều Tát La
Ấn Độ, chuẩn bị triển khai một trận luận biện với Long Thọ. Long Thọ từ
lâu đã nghe trí năng biện tài của Đề Bà, chỉ thị thị giả mang một bát
nước ra tương tiếp, Đề Bà thấy dáng, lặng thinh không nói gì, lấy ra một
cây kim ném vào trong nước, Long Thọ tức thì ấn khả (ấn chứng đồng ý)
Đề Bà. Long Thọ dùng bát nước tượng trưng Phật tính tự thân đầy đủ, đầy
mà không tràn, Đề Bà thì lấy cây kim thuyết minh rằng pháp vốn như vậy,
rõ mồn một.
(9) Có một bà lão có hai đứa con gái, đứa con gái lớn gả cho người bán
dù, đứa con gái nhỏ gả cho người bán mì sợi. Mỗi lúc bà già nhìn thấy
mặt trời mọc, thì lo lắng đến chảy nước mắt, lo cho đứa con gái lớn dù
không có ai mua; khi lúc trời đổ mưa, thì bà vẫn cứ khóc lóc, bởi vì lo
lắng mì của đứa con gái nhỏ phơi không khô, bán không được. Vậy là, bà
lão ngày ngày đều khóc, trở thành bà lão khóc. Có một lần, một vị Thiền
sư khuyên bảo: “Trời trong thì nghĩ đến sợi mì của đứa con gái nhỏ, trời
mưa thì nghĩ đến tiệm dù của đứa con gái lớn, thì tâm tình tự nhiên sẽ
cảm thấy vui vẻ”. Từ đây, bà lão khóc biến thành bà lão cười.
Theo: NSGN