Đạo hữu Lillian Too, nhà phong thủy nổi tiếng thế giới, đã
viết hơn tám mươi cuốn sách về đề tài này, và bà cũng đã cho xuất bản
tạp chí Feng Shui World (Phong Thủy Thế Giới) phát hành hai tháng một
kỳ. Mới đây bà đã mở rộng công việc xuất bản của mình với số đầu tiên là
Mahayana (Đại Thừa Phật Giáo), tạp chí trình bày truyền thống Đại Thừa
Phật Giáo Tây Tạng như phương châm " vì lợi lạc cho quần sanh". Mahayana
đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của mọi người tại quê hương của bà
ở Singapore vào cuối năm ngoái. Bài viết sau đây là một phần nhỏ mà Tạp
chí Mandala đã trích đăng từ tập sách của bà với tựa đề 108 Phương cách
tạo nghiệp tốt.
Theo giáo lý nhà Phật, luật nhân
quả được giải thích rằng mỗi sự việc xảy ra sẽ có một sự kiện khác đi
theo sau đó. Hệ quả xảy ra có an lạc, hạnh phúc hay khổ đau, khó chịu,
có lợi hay có hại cho người khác và cho chính mình, tất cả đều tùy thuộc
vào nguyên nhân ban đầu của hành động đó. Luật nhân quả dạy rằng gieo
gió sẽ gặp bão, trồng cam sẽ được quả ngọt, trồng chanh ắt phải hái trái
chua, đem niềm vui đến cho người, mình sẽ được hạnh phúc, gây khổ đau
cho người, mình sẽ chịu sự bất hạnh. Người ta không thể thoát khỏi
nghiệp quả của mình một khi chính mình đã gây tạo. Có nhiều cách tạo ra
nghiệp tốt để hóa giải đi những nghiệp xấu mà chính mình đã cố ý hay vô
tình gây ra trước đó. Bài viết này xin cống hiến 12 cách mà bạn có thể
làm được ngay trong kiếp này để đời sống của bạn thay đổi.
1. Hãy lấy từ bi làm tôn giáo của mình
Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là theo
tôn giáo hay mộ đạo. Người ta không cần phải là một tín đồ Phật giáo hay
thuộc về tín ngưỡng nào đó để có thể tạo nghiệp tốt. Con người chỉ cần
thể hiện thái độ tử tế ân cần với người khác. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma
thường nhắc nhở: “Tôn giáo của tôi là lòng từ bi”.
Như vậy đã tạo nghiệp tốt rồi, không
phải chỉ tử tế với người khác trong chốc lát mà phải luôn luôn, suốt
cuộc đời của mình, trong mọi phương diện của đời sống, trong mọi mối
liên hệ, trong mỗi công việc làm, trong tất cả những giao tiếp; Khi
chúng ta tiếp cận một việc gì mình làm, được thể hiện tấm lòng từ bi,
thì khi đó chúng ta đang tạo nghiệp tốt, và đó là loại nghiệp tốt tạo ra
hệ quả mà tất cả mọi người khác đều tử tế với mình. Đó là phương cách
chắc chắn nhất để gây dựng cuộc đời mà trong đó những phiền não khổ đau
sẽ tiêu tan.
2. Trì chú
Trì chú là việc làm cơ bản và dễ nhất
cho hành giả tu theo Mật tông để bắt đầu đi trên con đường mở ra những
chân trời mới cho tâm trí. Trước hết trì chú là cách thức mạnh nhất để
thanh lọc những ác nghiệp mà chúng ta đã mang tới trong thế gian này với
mình từ quá khứ. Nghiệp quả xấu vẫn còn ở trong thần thức của mỗi
người, dòng tâm thức mà chúng ta mang theo từ kiếp sống quá khứ.
Chúng ta hãy bắt đầu với thần chú nổi
tiếng nhất thế giới, đó là tâm chú của Bồ-tát Quán Thế Âm "Án Ma Ni Bát
Di Hồng" (Om Mani Padme Hum). Khi trì thần chú này, hãy tập trung vào âm
thanh của chú và để âm thanh thâm nhập vào tận tâm thức của mình. Luôn
luôn trì chú với ý tưởng mang lợi ích đến cho người khác. Không bao lâu,
chúng ta sẽ thấy kết quả với những lợi ích tuyệt vời thâm nhập qua tâm
thức của mình.
Chúng ta sẽ sớm cảm thấy mình trở nên dễ
thương hơn, khoan dung hơn, bớt bối rối hơn và trở nên bình tĩnh hơn.
Nhiều vị Lạt Ma cao cấp nói rằng trì thần chú "Án Ma Ni Bát Di Hồng" có
thể đưa chúng ta đến giác ngộ. Đây là một trong những thần chú có nhiều
oai lực nhất mà chúng ta có thể hành trì hàng ngày.
3. Niệm Phật
Một
cách thức mạnh mẽ không ngờ để giải trừ những ác nghiệp là niệm danh
hiệu Phật và lễ Phật sám hối. Trong khi niệm Phật chúng ta phát khởi ý
nghĩ sám hối về những nghiệp xấu đã tạo ra trong những kiếp trước và
ngay trong kiếp sống này.
Niệm Phật thành tâm, nhờ tha lực của chư
Phật cùng với sự tự lực của bản thân sẽ giúp cho những bất thiện nghiệp
của chúng ta tiêu tan dần theo năm tháng. Chúng ta phát tâm quy ngưỡng
Phật, tôn kính Phật, lễ Phật và niệm danh hiệu Phật là pháp tu phổ thông
để tội diệt phước sanh, là phương pháp rất mạnh mẽ để hóa giải những
chướng ngại gây ra phiền não khổ đau cho chúng ta trong đời sống này.
4. Thực hành thiền quán
Mấy năm trước khi gặp Thầy Bổn sư của
tôi là Lạt Ma Zopa (lãnh đạo tối cao của Hội Bảo tồn Truyền thống Phật
giáo Đại thừa, fpmt.org), tôi thỉnh ngài hướng dẫn tôi ngồi thiền, tôi
trình với ngài rằng: "Lúc nào con cũng cảm thấy u uất trong lòng , xin
Thầy hướng dẫn con tập thiền để tâm con được an tĩnh". Thầy Zopa cười
nhẹ và nói: " Tham thiền là pháp tu tuyệt vời. Thiền không phải chỉ để
tâm trí an tĩnh thôi đâu, mà thiền còn có mục đích cao hơn nữa con ạ".
Ngài vắn tắt giải thích rằng: Thiền định
hay sự phát triển tâm linh, hay sự quán chiếu về khổ đau, vô thường và
vô ngã. Tham thiền là cách làm cho tinh thần tập trung, thanh thản và
trong suốt như dòng sông nước trong mà người ta có thể nhìn thấy tận
đáy, từ đó ý thức biết được sự thể nghiệm về giải thoát và giác ngộ.
Tham thiền cũng là quá trình tập trung
và thâm nhập, nhờ đó mà tâm chúng ta được an tĩnh và nhất tâm bất loạn
rồi đi đến giác ngộ. Nên hiểu rằng thiền là sự nhận chân ra năng lực tâm
linh mới để có thể phán đoán sự vật trên quan điểm mới, với mục đích là
dứt khoát lật đổ ngôi nhà giả tạm mà mình đang có để dựng lên cái khác
trên nền móng hoàn toàn mới. Mái nhà cũ gọi là vô minh khổ đau, ngôi nhà
mới được gọi là giác ngộ giải thoát. Đó là đích đến của mọi hành giả tu
theo đạo Phật.
Về căn bản, hành giả ngồi trên tấm nệm
với hai chân khoanh lại, lưng thẳng, hai mắt hé mở, nhìn khoảng một
thước về phía trước và bắt đầu thở đều hòa. Suy ngẫm và tập trung vào lý
do hành thiền, động cơ ngồi thiền của mình, đó là phát tâm làm lợi ích
cho chúng sanh. Xem động lực vị tha này là nền móng của việc tham thiền.
Từ đó trở đi hành giả có thể quán tưởng về bất cứ đề mục nào liên quan
đến việc phát triển sự hiểu biết về đời sống của mình.
Khi quán tưởng như vậy, hành giả nhẹ
nhàng suy ngẫm về sự quý báu của đời người và sự may mắn là mình đã được
sanh ra làm người, được sống, được gặp chánh pháp như hôm nay. Hành giả
sẽ nhận thức rằng chỉ riêng việc sinh ra làm người đã là một may mắn
rồi, vì mình có khả năng phân biệt, hiểu biết và suy nghiệm nghĩa lý sâu
xa của Phật lý, để rồi biết tu tập để giải thoát vòng sinh tử khổ đau.
5. Nhường đường khi lái xe
Đã
không ít tai nạn chết người xảy ra khi người lái xe giành đường, do vậy
khi người Phật tử chạy xe trên đường phải giữ chánh niệm và biết rằng
đây cũng là cơ hội cho ta tạo nghiệp tốt. Nhường đường cho người khác là
chúng ta chạy chậm lại khi có người muốn vượt lên trước mình, dằn cảm
giác khó chịu xuống hay không bóp kèn khi có người quẹo xe ẩu hoặc thậm
chí đụng phải xe của mình. Những phiền não như vậy trong việc giao thông
là những cơ hội cho ta đào luyện tâm trí với nụ cười hoan hỷ trong bình
tĩnh.
Chúng ta cũng có thể nhường đường cho
người khác ngay cả khi mình có quyền ưu tiên. Khi không có ý tưởng xem
con đường là nơi tranh chấp giữa mình và những người lái xe khác, việc
giao thông của chúng ta sẽ thú vị hơn nhiều và mỗi lần nhường đường cho
người nào, chúng ta sẽ rất vui lòng vì biết rằng việc kềm chế tánh dễ
nổi nóng của mình và đây cũng là một cách để tạo nghiệp tốt mà kết quả
có về sau là đời sống của mình luôn gặp mọi sự hanh thông và may mắn.
6. Dành phần thắng cho người khác và chấp nhận thua thiệt
Khi nhường nhịn người khác, chúng ta
nhiếp phục được sự tự ái của mình, và không thể để cho tự ngã của mình
nghĩ đến những điều vị kỷ. Khi chấp nhận thua thiệt, sẽ là cơ hội cho ta
diệt trừ tính kiêu ngạo. Pháp tu đặc biệt hữu dụng khi hoạt động trong
thế gian vật chất hay trong cách cư xử với người khác trong công việc.
Khi làm việc gì quan trọng hay phải làm xong một việc nào đó trước thời
hạn, sự căng thẳng thường phát sinh giữa mình và người khác, và đó là
lúc người ta nghĩ đến ảo tưởng thắng và thua, được và mất. Hãy xem đó là
những cơ hội tạo nghiệp tốt.
Tôi nhớ có những lần tôi đã tranh luận
một cách nóng nảy chỉ để biện minh cho quan điểm của mình, để rồi rốt
cuộc tôi nhận ra rằng mình đã không chỉ gây ra phiền não cho mình mà còn
làm cho người khác bực mình, khó chịu nữa.
Chỉ khi gặp được Lama Zopa và được học
Phật, tôi mới học được phương cách đối trị tính háo thắng của mình. Tôi
đã khám phá tính chất giải thoát của sự chịu thua thiệt, sự buông bỏ và
sự không bị trói buộc vào tham vọng chiến thắng. Đó là lúc tôi nhận ra
là mình đã cảm thấy an lạc nhiều hơn mỗi khi chấp nhận thua thiệt,
nhường phần thắng cho người khác. Hành vi đầu hàng trước ý kiến hay quan
điểm của người khác không phải là trốn tránh thảo luận, mà là một lối
đồng ý với nhau rằng chúng ta không đồng ý kiến, và đồng thời vẫn tiếp
tục ủng hộ và giúp đỡ nhau. Khi làm như vậy, chúng ta đang tạo nghiệp
tốt và tất nhiên bạn sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ tương tự của người
khác trong tương lai.
7. Tránh sát hại những sinh vật nhỏ nhất
Người
ta dễ dàng xâm hại đến sinh mạng của các loài vật, đặc biệt là những
loài nhỏ nhất. Một hôm đang đi trên lề đường, tôi nhận thấy có nhiều con
kiến bò ngang lối đi, tôi biết rằng nếu mình không có ý thức thì mình
đã vô tình giết chết nhiều sinh mạng và như vậy chúng ta dễ dàng tạo ác
nghiệp về sát sinh ngay trên mỗi bước chân của mình. Tôi cẩn thận không
dẫm đạp lên những con kiến nhỏ bé này và tôi ngạc nhiên cảm thấy sự vui
sướng rộn lên trong lòng của mình.aax
Phật dạy tất cả chúng sanh đều có Phật
tánh, ngay cả những con vật nhỏ nhất cũng có Phật tánh, nhưng vì kiếp
này chúng vì nghiệp chướng nặng nề nên phải mang thân hình khác người,
hiểu điều đó, nên ta cố gắng tránh sát hại một cách vô ý thức của chúng
ta. Kết quả tránh sát hại sinh vật sẽ giúp chúng ta sống khỏe mạnh,
không bệnh tật và tăng tuổi thọ về sau.
8. Phóng sinh
Phóng sinh là hành động cứu sống, công
đức rất lớn, có thể giúp người làm việc này giảm bệnh tật và kéo dài
tuối thọ ngay trong hiện đời. Mấy năm trước khi tôi đến thành phố
Varanasi, Ấn Độ (nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên), trong chuyến
hành hương với Thầy tôi, Lama Zopa. Ngài đã đưa chúng tôi đến thăm sông
Hằng và hướng dẫn chúng tôi làm công đức. Chúng tôi ngồi trền thuyền cầu
nguyện và thả cá xuống giòng sông.
Tôi có cảm giác tuyệt vời khi nhìn thấy
những con cá tươi sống mà chúng tôi vừa mua từ những người dân chài ở
gần đó, chúng quẫy đuôi nhảy trở lại nước sông và bơi lội tự do. Sau đó
thầy tôi ghi câu thần chú trên một trái bong bóng rồi cột ở mạn thuyền
để cho bong bóng chạm vào làn nước trong khi chiếc thuyền lướt đi. Ngài
giải thích rằng bằng cách này để cho thần chú của Phật chạm vào làn nước
để ban phước cho những loài vật sống dưới nước.
9. Cúng nước
Mấy
năm trước khi gặp Thầy tôi, Lạt Ma Zopa lần đầu tiên, tôi thỉnh Ngài về
nhà tôi. Ngài rất hoan hỷ khi nhìn thấy bức tượng Phật độc nhất mà tôi
chưng trong phòng khách. Ngài bảo tôi lấy chén nước để ngài cúng bức
tượng đó. Ngài dạy tôi cúng chén nước sẽ tạo nhiều công đức và là phương
thức có oai lực lớn để hóa giải những nghiệp xấu về sân hận và những
vấn đề khác còn tồn tại trong tâm trí của mình.
Tôi đã làm theo lời dạy của ngài mỗi
ngày, và không bao lâu chúng tôi đã có hàng trăm chén nước trong nhà,
chỉ vì thời gian qua tôi có thêm những tượng Phật mới. Tôi rất thích đi
tìm những loại chén pha lê và việc thay nước mỗi buổi sáng đã trở thành
một nghi lễ trong gia đình của tôi.
Qua thời gian, tôi cảm thấy những kết
quả tốt, căn nhà của tôi đã trở thành một ốc đảo thấm đầy an lạc, và
những chướng ngại trước đây trong đời sống của chúng tôi nay đã tan biến
mất. Những sân hận cáu gắt, những trận cải vã vô nghĩa, nhỏ mọn thường
phá sự yên tĩnh trong nhà chúng tôi, nay đã không còn nữa, những cơn
nóng giận đã đi vào quá khứ. Thật là một điều kỳ diệu khi chúng ta cúng
nước cho chư Phật.
10. Bố thí, đóng góp cho việc từ thiện
Hành động hiến tặng cho người khác là
một cách thức tuyệt vời để tạo nghiệp tốt trong đời sống ngắn ngủi này.
Bố thí là hạnh đi đầu của những ai muốn thực thi Bồ tát hạnh. Kết quả
của hạnh bố thí là mình được giàu sang, phú quý về sau. Về phương diện
tinh thần thì lòng tham lam, bủn xỉn của mình nhỏ dần lại và biến mất
sau một thời gian mình thực hành việc bố thí.
Khi hiến tặng cho người cũng là lúc
chúng ta gia tăng tích lũy thiện nghiệp xuất phát từ lòng từ bi. Mình
luôn cho ra với tấm lòng quảng đại, vui vẻ, hoan hỷ không có bất cứ một
điều kiện nào đi kèm, đó là bố thí đúng nghĩa với lời Phật dạy. Nếu bạn
không có khả năng bố thí tiền bạc thì có thể bố thí thời giờ, công sức,
sự hiểu biết hay tài năng của mình, để giúp cho đời sống này bớt khổ
đau, tất cả những điều này cũng có giá trị ngang nhau với tiền bạc. Một
khi động lực tinh truyền, không ý đồ mưu toan xen lẫn vào hành động bố
thí thì bạn đã thành công phần nào đó trong công hạnh này rồi.
11. Nuôi cá cảnh
Khi viết những cuốn sách về phong thủy,
tôi luôn đề nghị thân chủ nuôi cá cảnh để tạo lực thịnh vượng và sự mát
mẻ trong gia tộc. Nhưng việc nuôi cá cũng có mục đích cao hơn về tinh
thần. Mỗi buổi sáng khi cho cá ăn hoặc thay nước cho cá, đó là bạn đang
tạo nghiệp tốt.
Thật vậy mỗi lần cung cấp thức ăn cho cá
là bạn có niềm vui vì biết mình đang làm việc tốt. Những con cá không
cần phải đẹp và hồ nước của cá cũng không cần phải có ý nghĩa phong thủy
để làm động lực cho lòng từ bi của bạn phát sinh. Hãy nghĩ như vậy rồi
những con cá sẽ mang đến cho bạn những niềm vui lớn trong đời sống này.
12. Sẵn lòng lắng nghe tâm sự của người khác
Khi có người nào tìm đến mình để tìm sự
an ủi, chia sẻ hay để nương tựa vào bạn, vì họ không có người nào để tìm
tới, bạn đừng xua đuổi họ, dù đó là người mà bạn chưa từng quen biết,
dù bạn đang bận rộn, dù bạn không thích nghe người khác than thở. Bạn
chỉ cần dành một chút thời gian cho họ. Hãy sẵn sàng làm bạn với cả
những người xa lạ.
Dùng tinh thần mạnh mẽ của mình để giúp
những người yếu đuối. Chia sẻ kinh nghiệm an lạc của mình với người
khác, dù cho người ấy không quen thân với mình, làm được như vậy là bạn
đang thực hành tốt lòng từ bi trong đời sống và cũng là người đang đi
trên lộ trình hành Bồ-tát đạo.
Theo; DPNN