Phật Học Online

Đạo Phật và nền đạo đức toàn cầu
Thiền sư Nhất Hạnh

Có những thanh niên lớn lên chưa biết chiến tranh là gì, nên không biết sợ chiến tranh, thành ra sẵn sàng để gây chiến. Nhưng những người đã đi qua chiến tranh rồi thì thấy rõ ràng rằng chiến tranh là một cái không bao giờ nên có...


Tiêu chuẩn về đạo đức

Đạo đức học là môn học có mục đích tìm ra cái gì là cái cần làm, cái gì là cái không nên làm, không được làm. “What is the right thing to do?”. Khi nói đến đạo đức học tiêu chuẩn “normative ethics”, thì chúng ta phải nói tới tiêu chuẩn khổ - vui. Những cái gì đem lại cái khổ thì chúng ta không nên làm. Những cái gì đem lại cái vui thì ta có thể làm. Đó là một trong những tiêu chuẩn. Nhưng tiêu chuẩn đó không tuyệt đối. Có những cái nhìn qua thì tưởng là khổ nhưng kỳ thực nó không phải là khổ. Tùy theo cách nhìn của mình mà cái đó là khổ hay không. Ví dụ như chuyện đi học. Có nhiều đứa trẻ đặt câu hỏi rằng: “Tại sao ngày nào cũng phải đi học? Chán quá!”. Nhưng đứa khác lại nói: “Ôi, được đi học, sướng quá!”. Thành ra cái khổ và cái vui không có giá trị tuyệt đối, nó tùy theo cái tâm của mình.

Khi uống rượu hay sử dụng ma túy thì có vui đấy chứ. Nó đem lại cảm giác khoái lạc. Cái đó là vui. Nhưng cái đó mình có nên làm hay không? Tại vì cái đó sẽ đem tới đau khổ trong tương lai. Vì vậy tiêu chuẩn về cái vui cần phải xét lại. Chữ khổ và vui chỉ có nghĩa tương đối.

Có những học thuyết đạo đức nói rằng cái gì đem lại hạnh phúc thì hành động đó là hành động đúng, cái gì đem lại những khổ đau thì hành động đó là sai, không nên làm. Chuyện khổ vui là như vậy. Nhưng nội một chuyện định nghĩa thế nào là khổ, thế nào là vui cũng khó. Rồi còn cái khổ, chính bản thân cái khổ cũng là một yếu tố, làm nên cái vui. Chúng ta đã học về lý thuyết tương tức rồi. Làm sao có được cái vui nếu không có khổ? Làm sao có cái phải nếu không có cái trái? Làm sao có cái sống nếu không có cái chết? Không có bùn thì không thể có sen. Vì vậy cho nên cái khổ đau đóng một vai trò khá là quan trọng để tạo ra niềm vui. Ví dụ như không bị đói thì mình không thể nào thấy được cái hạnh phúc khi ngồi vào mâm cơm có đầy thức ăn ngon. Phải đói ăn mới ngon.

Có những thanh niên lớn lên chưa biết chiến tranh là gì, nên không biết sợ chiến tranh, thành ra sẵn sàng để gây chiến. Nhưng những người đã đi qua chiến tranh rồi thì thấy rõ ràng rằng chiến tranh là một cái không bao giờ nên có. Và những người ấy họ rất trân quý hòa bình. Vì vậy cho nên mỗi khi đi ngang qua một khổ đau thì người ta lớn lên một chút và người ta có khả năng nhận diện được hạnh phúc. Cho nên cái khổ cũng có giá trị tích cực của nó. Khổ đau cho ta những bài học rất giá trị. Chính nhờ khổ đau mà mình có thể phát khởi hiểu biết và thương yêu. Nếu không có hiểu và không có thương thì không thể nào có hạnh phúc được. Đó là cái thấy tương tức của đạo Bụt. Do đó, tiêu chuẩn về khổ vui không đủ để tạo dựng một nền đạo đức vững chãi.

Lợi và hại

Tiếp đến chúng ta bàn tới tiêu chuẩn lợi và hại. Cái gì có hại tới sức khỏe, có hại tới niềm an vui của mình thì cái đó không nên làm. Có phải chúng ta nghĩ như vậy không? Trong đạo Bụt, khi nói tới lợi hại tức là nói tới cái lợi và cái hại cho chuyện tu học. Ví dụ hoàn cảnh giúp cho mình có được chánh niệm, chánh định, có trí tuệ thì được gọi là lợi. Còn sống trong hoàn cảnh khiến cho mình bị thất niệm, làm cho mình chất chứa những tà kiến thì đó gọi là hại. Thành ra tiêu chuẩn lợi và hại tới có thể bổ túc được cho tiêu chuẩn khổ và vui. Nếu cái khổ đó có lợi cho mình thì tại sao mình không chấp nhận nó? Khi mình chấp nhận nó rồi thì cái khổ không có làm gì cho mình bị khổ nữa.

Ví dụ như chuyện leo núi. Có những người không thích, họ nói: tại sao phải đày đọa thân mình như thế, tại sao phải bỏ thời gian leo lên tận đỉnh ngọn núi, mệt phờ cả người, áo quần rách, mình mẩy lấm lem. Sao không ở nhà mà xem ti-vi cho khỏe? Đối với những người ấy thì leo núi là không có lợi. Ở nhà có lợi hơn. Nhưng đối với những người thích leo núi thì họ lại hạnh phúc vô cùng. Tại vì tuy mệt nhưng họ thấy khỏe trong người. Đối với họ thì leo núi là có lợi.

Ban đầu thấy ăn chay khổ quá, tại sao phải ăn chay? Nhưng nếu ăn chay với trí tuệ thì mình thấy ăn chay hạnh phúc hơn ăn mặn nhiều. Khi ăn chay ta bảo vệ được sinh mạng, bảo vệ được trái đất, thấy như vậy thì ăn chay không cảm thấy khổ nữa, mà ăn chay lại là một niềm vui, một điều may mắn. Hơn nữa, khi ăn chay một thời gian mình quen với thức ăn chay, khi ấy mình lại thấy thức ăn mặn rất là tanh và không thể ăn được. Thành ra tất cả mọi tiêu chuẩn đạo đức học đều tương đối, tiêu chuẩn lợi hại tới bổ túc cho tiêu chuẩn khổ vui.

Mê và ngộ

Bây giờ mình nói đến tiêu chuẩn mê - ngộ. Đây là những tiêu chuẩn của đạo Bụt đưa ra. “Mê” tức là mình đang không tỉnh táo, sáng suốt. Khi không tỉnh táo, sáng suốt thì những quyết định của mình có thể là sai lầm. Ví dụ có lần giận con quá, mình đã làm di chúc là sau khi mình chết đứa con này sẽ không được hưởng một chút gia tài nào của mình hết. Nếu viết di chúc trong cơn thịnh nộ như vậy thì đó là một quyết định mù quáng và con cháu sẽ lãnh đủ. Cho nên không được đưa ra một quyết định nào trong lúc nóng giận. Hoặc nếu mình không đang giận thì mình đang đam mê, vì đam mê cờ bạc mặc cho tương lai vợ con sẽ ra đường. Những quyết định trong lúc không tỉnh táo ấy sẽ làm hại cả cuộc đời mình.

Khi đang ở trong trạng thái mê thì cái thấy của mình về lợi - hại, khổ - vui sai lầm vô cùng. Vì vậy chúng ta phải lấy tư tưởng này làm một tiêu chuẩn quan trọng. “Ngộ” tức là khi mình tỉnh táo, mình có chánh kiến, thấy biết sự thật một cách rõ ràng, khách quan. Đây là một tiêu chuẩn, nó tới, giúp bổ túc cho hai tiêu chuẩn đầu là khổ - vui và lợi - hại.

Khai và giá

“Khai” tức là mở cửa ra. “Giá” tức là chặn đường lại. Hai chữ này là những thuật ngữ trong đạo Phật. Bất cứ một luật lệ nào, một tiêu chuẩn đạo đức nào cũng không thể tuyệt đối được. Vì vậy phải có “Khai”, tức là dành cho những trường hợp đặc biệt. Ví dụ như không nói dối là tiêu chuẩn đạo đức. Nhưng nếu có tên sát nhân hỏi mình “Có thấy người đó trốn ở đây không?”. Nếu mình nói là biết và chỉ cho tên sát nhân thì người kia đã bị giết rồi. Trong trường hợp này nếu nói ra sự thật như vậy thì không đúng về đạo đức. Tuy thật thà là tiêu chuẩn về đạo đức, nhưng thỉnh thoảng cũng phải “Khai”, đối với những trường hợp đặc biệt cũng phải nói dối.

Có nhiều trường hợp như những căn bệnh không thể chữa được, bệnh nhân phải sống hết sức đau đớn trong những cơn đau kéo dài khổ sở khôn cùng và họ muốn chấm dứt đau khổ, họ muốn được chết mau, chết không đau đớn. Nhưng vì theo luật gọi là bất sát nên mình nhất định không giết. Vấn đề là “Khai”, có nên mở cửa không? Có nên để người đó chết hay không? Đây là vấn đề đang xảy ra ở nhiều nước. Hiện nay trên thế giới chỉ có ba đến bốn nước cho phép điều đó. Tất cả các nước khác đều không cho phép chích thuốc để bệnh nhân chết không đau đớn. Tại vì họ sợ rằng khi mở ra như vậy người ta sẽ lợi dụng và đi quá đà.

Đối với vấn đề phá thai, Giáo hội Cơ Đốc, Giáo hội La Mã vẫn có một lập trường rất vững chãi. Tại vì phá thai tức là giết người. Có một giai đoạn Giáo hội Công giáo nghĩ ra rằng khi cái thai còn nhỏ chưa hẳn là một con người thì có thể phá được. Nhưng tới một giai đoạn khác người ta bắt đầu nghĩ, tuy cái thai mới tượng hình nhưng đã có con người trong đó rồi, cho nên phá thai tức là giết người. Hiện tại lập trường của Giáo hội là phá thai tức giết người, là không thể được. Trong khi đó, đi lính, ra trận để tham dự cuộc chiến tranh thì lại không bị cấm? Ra trận cũng là chuyện giết người. Còn chuyện kiểm soát sinh nở thì nói là chống lại ý muốn của Chúa, của Thượng đế. Thượng đế muốn thì phải để tự nhiên. Vì vậy có một thời, chính ngay bây giờ cũng có rất nhiều người chống lại chuyện kiểm soát sinh nở. Và chúng ta biết rằng nạn nhân chính là những đứa con sinh ra không được thừa nhận. Rồi khi chúng lớn lên bị xã hội hắt hủi, ghẻ lạnh. Những người con trai Mỹ đi công tác ở các nước châu Á để lại rất nhiều đứa con vô thừa nhận ở Cao Ly, Nhật Bản, Việt Nam và ở các nước khác. Ngay trên đất Mỹ, mỗi năm có hàng trăm ngàn đứa trẻ sinh ra không được thừa nhận. Bố nó không thừa nhận mà mẹ nó cũng không muốn giữ lại nuôi. Có thể từ 250.000 đến 350.000 mỗi năm. Trong khi đó thì cấm không có được kiểm soát sinh nở? Thành ra tất cả những vấn đề đó là những vấn đề có thật trong thế giới của mình. Và đạo đức học của mình phải làm sao áp dụng được vào đời sống để làm giảm thiểu những khổ đau chứ không chỉ là những lý thuyết suông.

Ngày xưa có chế độ đa thê. Tức là một ông có nhiều bà. Ở Tây phương, theo nguyên tắc hình thức hơn, tức là một ông chỉ có một bà. Nhưng có thể năng lượng tình dục mạnh quá, sự thực tập không đàng hoàng, nên có những người có liên hệ vợ chồng, liên hệ tình dục không chính thức. Vì vậy có rất nhiều những đứa con vô thừa nhận. Những đứa trẻ không được bố công nhận, không được mẹ nuôi dạy mà phải sống trong cô nhi viện rất nhiều.

Trong chế độ đa thê, nếu người vợ không sinh được con, hoặc không sinh được con trai thì bà phải cưới cho chồng một người vợ thứ hai, thứ ba… Tuy là đứng về phương diện hình thức nó mang tính cách đa thê. Nhưng ở đây không có những đứa trẻ vô thừa nhận. Đó là những vấn đề có thật trong xã hội mà đạo đức học của mình phải trực tiếp giải quyết. Gọi là đạo đức học ứng dụng. Tức là đạo đức học đem ứng dụng vào những trường hợp cụ thể như vậy.

Ví dụ trong giải quyết vấn đề những người đồng tính luyến ái. Lâu nay, Giáo hội Công giáo có một lập trường rất cứng. Cho rằng tình dục giữa những người đồng tính là một cái gì rối loạn. Theo cái thấy của nhà thờ thì những người đồng tính luyến ái không nên có có tình dục đó. Quan niệm gần nhất của nhà thờ là những người đồng tính từ khi sinh ra đã thế rồi và họ đâu có muốn như vậy. Thành ra mình phải chấp nhận họ. Phía nhà thờ mới đi được tới chỗ đó thôi. Còn chuyện những người đồng tính quan hệ tình dục với nhau thì nhà thờ chưa chấp nhận. Khi những người đồng tính nói tới một cái quyền là những người đồng tính có thể cưới nhau, có thể làm hôn thú đàng hoàng thì Giáo hội nói rằng không, cái đó là không có đạo đức. Mà không có đạo đức thì không có quyền làm. Lập trường của Giáo hội Công giáo hiện nay đang là như vậy.

Ngày xưa Aristotle khởi xướng lý thuyết gọi là Luật lệ thiên nhiên - Natural law. Ông nói, bất kỳ cái gì ở trong vũ trụ cũng đều có một công dụng hết. Ví dụ trời sinh ra cái răng để nhai thức ăn, sinh ra cái lưỡi để nếm, sinh ra con mắt để nhìn. Sau này Giáo hội đã chấp nhận lý thuyết đó. Nói rằng đó chính là Thượng đế đã sanh ra như vậy. Hỏi: “Thượng đế sinh ra tình dục để làm gì?”. Trả lời một cách rất là dĩ nhiên: “Sở dĩ con người có năng lượng tình dục là để có con, để có sự nối dõi. Tại vì bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ đều phải có một mục đích hết… Đó là ý muốn của Thượng đế”. Vì vậy cho nên tình dục chỉ là để có con thôi. Còn đối với những người đồng tính luyến ái bị lên án. Đó là lý luận của nhà thờ trong một giai đoạn nào đó, của lịch sử. Và họ căn cứ trên cái gọi là “luật tự nhiên”. Luật tự nhiên là bất cứ một hiện tượng nào trong vũ trụ đều có một mục đích, có một công dụng rõ ràng. Cái răng để nhai, con mắt để thấy thì tình dục để tạo ra em bé. Mà nếu tình dục không phải để tạo ra em bé thì đó là sử dụng sai. Nhưng có những người họ lý luận như thế này: con mắt là để thấy, nhưng có nhiều người dùng con mắt trừng lên một cái để cấm đoán thì con mắt đó đâu phải để thấy, mà là để cấm. Con mắt còn dùng để đưa tình, chứ con mắt đâu phải chỉ để thấy không thôi. Vậy thì tình dục cũng thế. Tình dục, mục đích nó là làm ra những đứa con nhưng mà tình dục cũng có thể dùng để bày tỏ tình cảm của mình đối với một người mà mình rất thương yêu, coi người đó là người mình tin tưởng nhất trên đời. Những người nghĩ như vậy họ chấp nhận chuyện tình dục giữa những người đồng tính luyến ái. Cũng như là con mắt cũng có thể để háy, để nguýt, để trừng trừng, để ngăn cấm… Cho nên trong đạo Phật có rất nhiều không gian tại vì đạo Phật có chữ “Khai”. Khai tức là khai mở, có những trường hợp đặc biệt mình có thể khai mở. Trong những trường hợp đặc biệt mình có thể phá thai kiểm soát sinh nở được. Có những trường hợp mà mình có thể giúp người kia chết một cách an lành, có những trường hợp mình có thể nói dối. Nhưng tất cả những cái đó đều phải làm trên căn bản của tình thương. Nếu không có tình thương, nếu không theo tiêu chuẩn mê - ngộ, lợi - hại, khổ - vui thì mình không thể làm được.


© 2008 -2024  Phật Học Online | Homepage